Cha và con thầy giáo cùng hành trình ‘gieo chữ’ nơi vùng cao Trà Bồng
Với lòng yêu nghề, mến trẻ, hai cha con thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn và Nguyễn Thị Ý Mỹ đã tình nguyện bám trường để ‘gieo chữ’ cho học trò nghèo người Cor ở thôn Nước Nia (xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi).
Đường đến điểm trường của học sinh thôn Nước Nia.
Điểm trường lẻ thôn Nước Nia (thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trà Bùi, huyện Trà Bồng) cách điểm trường chính khoảng 55 km. Đây là nơi hai cha con thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn và Nguyễn Thị Ý Mỹ đang giảng dạy. Đường đến thôn Nước Nia có khoảng 10 km là đường rừng; nhiều đoạn dốc núi cheo leo, ngoằn ngoèo, luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ. Điểm trường này chỉ có 2 phòng học với 30 học sinh học ghép từ lớp 1 đến lớp 4. Ở đây, 100% học sinh đều là người đồng bào dân tộc Cor. Đa số các em đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nhưng vẫn vượt khó đến trường, có ý thức học tập, rèn luyện.
Gần 30 năm công tác nơi vùng cao, thầy Nguyễn Thanh Tuấn (sinh năm 1975) đã thấu hiểu những khó khăn, vất vả của học sinh nơi đây. Từ sự yêu thương và trách nhiệm với nghề, thầy không ngại khó khăn, tình nguyện giúp các em tìm đến với con chữ. Nhớ lại khoảnh khắc những ngày đầu đặt chân đến vùng núi này, thầy Tuấn không thể quên cảnh con đường đất dốc ngược, trơn trượt và muốn đi qua giáo viên phải bám cây hai bên đường bước từng bước.
“Cách đây 27 năm về trước, tôi được ngành Giáo dục phân công đến xã Trà Tân, huyện Trà Bồng công tác. Đến năm 2010, tôi được luân chuyển công tác đến xã Trà Bùi và phụ trách giảng dạy tại điểm trường thôn Quế; sau đó là thôn Nước Nia. Ngày đó, đường đến các thôn này đều là đường đất, mùa mưa núi lở phải đi bộ. Ở đây, trường lớp chẳng có gì ngoài căn phòng cấp 4 cũ kỹ, tạm bợ, không sân trường, nhà vệ sinh”, thầy Tuấn kể lại.
Thầy Nguyễn Thanh Tuấn chỉ dạy cho học sinh.
Trong những năm tháng đó, kỷ niệm đáng nhớ nhất của thầy là những lần cùng đồng nghiệp lặn lội đến từng nhà để vận động học sinh ra lớp, chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân. Thầy Tuấn cho biết, học sinh ở đây rất nhút nhát. Do đó, thầy cô phải nhỏ nhẹ, hướng dẫn các em từ cách cầm bút đến cách viết, cách đọc.
Do học sinh ít nên phải dạy lớp ghép 1, 2 và 3, 4. Điều này khiến giáo viên phải cố gắng nhiều hơn để các em nắm được kiến thức. “Một cái bảng phải chia làm đôi, bên này lớp 3 dạy Toán thì lớp 4 dạy Tiếng Việt. Sau khi giao bài cho lớp 3 làm, tôi mới có thời gian giảng bài cho lớp 4. Dạy như vậy chắc chắn không thể đạt hiệu quả cao như dạy lớp đơn. Tuy nhiên vì điều kiện điểm trường lẻ xa xôi lại ít học sinh nên phải cố gắng và dành nhiều thời gian cho các cháu hơn”, thầy Tuấn tâm sự.
Video đang HOT
Hiện nay, lớp thầy dạy có một học sinh là trẻ khiếm thính. Để dạy học cho em, thầy Tuấn phải tự học, làm quen với cách dùng tay, khẩu hình miệng. “Để học sinh khiếm thính hòa nhập được với các bạn trong lớp đã khó, việc dạy chữ cho em lại càng khó hơn. Tất cả đều phải bằng hành động. Trong khi đó, lớp có rất nhiều học sinh. Vì vậy, vào thời gian giải lao, tôi cầm tay hướng dẫn em cách viết chữ, tô màu. Hơn nữa, nhà của học sinh này cách điểm trường rất xa. Do đó, hàng ngày tôi đón, đưa em. Những hôm tôi không đưa đón được, phụ huynh phải cõng em đi bộ hơn 2 giờ mới tới trường”, thầy Tuấn cho hay.
Chị Hồ Thị Phượng (mẹ của học sinh khiếm thính ở thôn Nước Nia, xã Trà Bùi) cho biết, trẻ bị khiếm thính là con thứ 4 trong gia đình. Cháu không được may mắn như anh chị và các bạn vì bị câm điếc bẩm sinh. Tuy nhiên, may mắn là cháu được thầy Tuấn nhận dạy dỗ, chỉ bảo. Từ ngày được đi học, cháy đã biết viết, vẽ và cúi đầu chào ba mẹ. Gia đình gửi lời cám ơn thầy Tuấn.
Thầy Nguyễn Thanh Tuấn và con gái Nguyễn Thị Ý Mỹ cùng giảng dạy, kèm cặp học sinh.
Truyền ngọn lửa yêu nghề
Ngọn lửa yêu nghề từ người cha đã truyền sang đứa con gái. Cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ (sinh năm 1996) sau khi tốt nghiệp đã tình nguyện theo cha lên vùng cao dạy học. Những ngày đầu, cô Mỹ luôn có cha bên cạnh hỗ trợ, truyền kinh nghiệm để việc giảng dạy được tốt hơn.
Học sinh vùng cao, nhất là học sinh lớp 1 và 2, việc tiếp cận kiến thức theo Chương trình giáo dục phổ thông mới còn khá bỡ ngỡ. Cô giáo Mỹ phải nỗ lực nhiều, học thêm ngôn ngữ địa phương và tự tìm tòi cách dạy để giúp các em dễ dàng tiếp cận kiến thức. Cô giáo cho biết, từ nhỏ cô đã được nghe ba kể về những khó khăn của việc dạy học ở miền núi cũng như sự thiệt thòi, thiếu thốn của trẻ em nơi đây. Tuy nhiên, những ngày đầu mới đến đây cô vẫn rất bỡ ngỡ vì thực tế khác rất nhiều.
Cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ giảng dạy lớp ghép 1-2.
“Những ngày mới lên đây cái khó nhất với tôi là thích nghi nếp sống văn hóa của người bản địa. Do đó, mỗi ngày sau khi hoàn thành việc dạy học, tôi lại theo ba đến từng nhà dân để hiểu hơn về cuộc sống, sinh hoạt của bà con. Càng đi, thấy được cái khó, cái nghèo của đồng bào mình, tôi càng muốn ở lại để dạy chữ cho các em với mong muốn góp phần chắp cánh ước mơ, tương lai cho trẻ em vùng cao”.
Địa hình miền núi hiểm trở, nhất là mùa mưa thường xảy ra sạt lở núi. Do đó, hai cha con thầy Tuấn phải ở lại trường cả tháng. Nhiều vất vả khi cắm bản vùng cao nhưng niềm vui của người giáo viên là kết quả học tập của các em.
Thấy các em tiến bộ từng ngày là món quà và động lực để hai cha con tiếp tục sự nghiệp trồng người. “Mùa nắng, hai ba con mỗi tuần về một lần, nhưng mùa mưa đường sạt lở không qua được thì phải ở lại. Cứ bà con ăn rau gì, mình ăn rau ấy. Nghĩ như vậy để thêm gắn bó với nơi này, để quên đi vất vả”, thầy Tuấn cho biết.
Cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ cầm tay nắn từng nét chữ cho học sinh.
Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trà Bùi Võ Thị Thu Hà cho biết, Trường có 3 điểm trường lẻ; trong đó, điểm gần nhất cách điểm chính 7 km, còn 2 điểm Nước Nia và thôn Quế cách điểm chính hơn 50 nm. Đặc biệt, đường đến 2 điểm trường này rất khó khăn nên việc bám lớp, bám trường của các giáo viên chủ yếu là sự tự giác và lòng yêu nghề, yêu trẻ.
“Ban Giám hiệu nhà trường đánh giá cao tinh thần xung phong bám trường của hai cha con thầy Tuấn. Đặc biệt là cô Mỹ là một giáo viên trẻ, hợp đồng, nhưng đã không ngại khó, ngại khổ, kiên trì, thầm lặng để cùng cha lên núi gieo con chữ cho các học trò nghèo vùng cao. Sự nỗ lực vượt khó của hai cha con thầy Tuấn đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Nhờ đó, tỷ lệ lên lớp các cấp năm sau cao hơn năm học trước; duy trì tốt sĩ số học sinh”, cô Hà cho hay.
Học trò vùng cao tặng hoa rừng tri ân thầy cô ngày Nhà giáo Việt Nam
Hình ảnh học sinh vùng cao mang hoa rừng tới lớp kèm câu chúc dễ thương khiến nhiều người xem rưng rưng.
Clip được cô giáo Nguyễn Kim Hồng, giáo viên trường Tiểu học số 2 thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai chia sẻ trên tài khoản Tiktok cá nhân khiến nhiều người xem xúc động.
Trong clip, không phải hộp quà được gói đẹp đẽ, cũng chẳng có bông hồng đỏ, cúc vàng, món quà của học sinh vùng cao mang đến lớp tặng cô giáo là những bông, hoa dại bên đường, hoặc trong vườn nhà. Hoa được cẩn thận gói ghém bằng giấy báo.
Mỗi học sinh còn gửi đến giáo viên câu chúc nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Có câu chúc còn chưa tròn vành rõ tiếng nhưng ai xem cũng rưng rưng.
Học sinh trong clip là học sinh lớp 2B do cô giáo Nguyễn Kim Hồng chủ nhiệm. Cô có hơn 26 năm làm nghề "gõ đầu trẻ" nơi vùng núi cao Bảo Thắng. Hiện cô phụ trách điểm trường Sín Chải, của trường Tiểu học số 2 thị trấn Phong Hải.
Nữ giáo viên chia sẻ rất bất ngờ khi clip đăng tải với mục đích lưu giữ những kỷ niệm để sau này xem, lại được nhiều người quan tâm đến vậy. Bản thân chị nhận được rất nhiều những lời chúc tốt đẹp, cùng động viên cô trò cũng cố gắng, khiến chị rất vui.
Cô cũng ngạc nhiên về món quà của các em, những bông hoa rừng được các em lấy trên đồi, bên đường, có trẻ còn xin lỗi cô vì không có giấy gói quà. Tất cả đều khiến chị xúc động.
"Không riêng gì tôi mà tất cả thầy cô giáo vùng cao đều được học sinh dành tình cảm như vậy. Đây chính là động lực, là sự động viên để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn để bám trường bám bản gieo chữ", cô giáo Hồng nói.
Học sinh lớp chị có 17 em đều là dân tộc H'Mông, có em nói tiếng Việt chưa sõi, và 17/17 em đều thuộc diện nhà nghèo.
Cô Hồng và học trò
Clip chia sẻ trên tài khoản Tiktok cá nhân của nữ giáo viên, thu hút gần một triệu lượt xem và hàng ngàn lượt tương tác.
Bên dưới hầu hết là lời khen từ cộng đồng mạng: "Không gì bằng những tình cảm chân thành như này. Chúc cô giáo và các con luôn nhiều sức khỏe, các con ngoan ngoãn".
"Các thầy cô giáo công tác vùng sâu, vùng xa chịu rất nhiều thiệt thòi, cô giáo thật may mắn khi có những em học sinh đáng yêu thế này", "Xúc động quá, đây mới là nghề cao quý nhất, yêu thầy yêu trò"... là những bình luận mà cộng đồng mạng dành cho cô trò.
Một tài khoản khác chúc cô mạnh khỏe, hạnh phúc bên gia đình, chân cứng đá mềm vượt qua những khó khăn để tiếp tục gieo chữ cho các em.
Những thầy cô giáo nặng lòng với học trò vùng cao Để các em biết con chữ, những thầy giáo, cô giáo phải 'mang lớp' về tận thôn, bản. Dù nghèo khó bủa vây, sống giữa rừng núi heo hút ở miền Tây xứ Nghệ, các giáo viên vẫn một lòng bám lớp, bám bản ngày ngày âm thầm 'lái đò đưa tri thức về bản làng'. Ở các huyện miền núi cao Tương...