Cha nuôi của hơn 1.000 con bồ câu tại Đà Nẵng
Những ngày trở trời, đàn chim bồ câu hơn 1.000 con tại Vườn chim hòa bình (Công viên Biển Đông, Đà Nẵng) theo luồng gió bay vào định cư trong nhà dân, rồi dần kiến tạo nên nét đẹp của thành phố biển.
“Cha nuôi” của hơn 1.000 cánh chim bồ câu tại Đà Nẵng
Không nghỉ Tết, đều đặn vào 6 giờ và 16 giờ hằng ngày, ông Lê Minh Hải (SN 1966, nhân viên BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng) lại có mặt tại Vườn chim hòa bình.
Thức ăn sẵn sàng trong xô, ông Hải thổi mấy hồi còi. Đàn chim bồ câu y lệnh, cất cánh, che kín cả vùng trời. Cả ngàn con chim đủ màu sắc sà xuống sân, vây quanh ông Hải chờ ăn. Người ta nói đùa: ông Hải chính là “cha nuôi” của hơn 1.000 con bồ câu tại Đà Nẵng.
Vườn chim hòa bình tại Công viên Biển Đông Đà Nẵng đang có hơn 1.000 con bồ câu sinh sống Hòa bình, chung thủy và vẻ đẹp thành phố
Hằng ngày, công việc của ông Hải bắt đầu vào 6 giờ sáng. Đầu tiên, ông kiểm tra xem có con nào bị bệnh hay bị chim, chuột, mèo,…tha mất hay không. Sau khi vệ sinh chuồng trại, đúng 7 giờ 30, ông Hải thổi còi, cho đàn chim sà xuống ăn thóc. Đến chiều, công việc lặp lại lần nữa, thường kết thúc vào lúc 17 giờ.
Việc cho chim ăn phải đúng lịch để tạo thói quen cho đàn, cũng như đảm bảo sức khỏe cho chim bồ câu. Hôm nay trời mù, có mưa nhỏ, chim ít xuống ăn hạt, ông Hải nheo mắt, lo lắng. “Có thể vì ngại mưa nên chim không xuống, cũng có thể bị dịch, chút nữa phải kiểm tra”, ông Hải lẩm bẩm.
Đều đặn 7 giờ 30 và 16 giờ 30 mỗi ngày, ông Hải thổi còi gọi chim
Đàn chim bồ câu hơn 1.000 con nghe hồi còi của ông Hải lập tức sà xuống sân để ăn thóc
Gắn bó 11 năm với đàn chim, ông Hải xem đây là gia đình thứ 2 của mình
Bén duyên với nghề nuôi chim từ năm 2010, thoáng chốc đã 11 năm trôi qua, ông Hải xem đàn chim ở vườn chim Hòa Bình như người nhà. Để chẩn bệnh cho chim, ông Hải chỉ cần nhìn qua dáng đi, nghe tiếng chim hay xem chất thải của chim là biết. Ở một góc chuồng, có 5 con chim bồ câu đang xù lông, đi khập khiễng. Đấy là số chim đang bệnh, được cách ly chuồng riêng. Chốc nữa cho chim khỏe ăn xong, ông Hải sẽ mớm thóc, bơm thuốc cho các “bệnh nhân” đó.
Bồ câu là loài sống theo cặp trống – mái. Trứng chim khi đẻ ra cũng theo cặp. Khi lẻ đôi, chim buồn, bỏ ăn rồi xuống sắc rất nhanh sau đó. Ngoài ra, bồ câu có khả năng ghi nhớ đường đi rất tốt. Ông Hải nhiều lần thử bắt 5-10 con, cột vải màu vào chân làm dấu rồi đưa lên chùa Linh Ứng (bán đảo Sơn Trà) cách chuồng chim khoảng 8 km để thả. Chạy xe máy về đến Vườn chim hòa bình ông đã thấy chúng bay về.
“Những ngày giông bão, chim bị cuốn theo luồng gió bay sâu vào trong thành phố. Nếu gặp người cho ăn, chúng sẽ ở lại. Rất nhiều đàn chim trong phố là chim từ vườn chim công viên Biển Đông dạt vào. Người dân rất thích thú khi thấy bồ câu hiện diện khắp nơi ở Đà Nẵng. Vì thế, Vườn chim bồ câu thể hiện tinh thần hòa bình, nết chung thủy và góp phần kiến tạo nên vẻ đẹp của thành phố”, ông Hải tự hào.
2 cá thể chim bồ câu bị bệnh, đang được chăm sóc riêng biệt
Ông Hải chăm sóc một con chim bị bệnh, chỉ cần nhìn thoáng qua, ông đã có thể chẩn bệnh cho bầy chim
Chim bồ câu là biểu tượng cho hòa bình, chung thủy, góp phần kiến tạo vẻ đẹp của thành phố
Đón Tết cùng chim bồ câu
Vườn chim hòa bình ở công viên biển Đông lập nên từ năm 2008, được thành phố Đà Nẵng đầu tư để tạo điểm nhấn với du khách như một số quảng trường ở châu Âu. Vườn chim có 5 trụ bê tông, phía trên đặc chuồng gỗ để làm nhà cho chim ở.
Vì lịch cho chim ăn là cố định, những dịp lễ, Tết ông Hải không dám vắng mặt. Ông sợ chim nghe tiếng còi lạ, không chịu xuống ăn, bị đói. Mùng 1 Tết mọi năm, ông Hải đến Vườn chim hòa bình sớm hơn thường lệ. Cho chim ăn xong, ông nhanh chóng chạy hơn 40km về quê (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) thăm gia đình rồi lật đật có mặt tại Đà Nẵng để thổi còi, lùa chim. Tối nào cũng vậy, khi đàn chim về tổ, ông mới về nhà.
Khó nhất là ngày mưa bão, ông Hải cùng cộng sự đội mưa chằn chống chuồng chim, tìm đủ mọi cách để che gió cho 5 nhà chim bồ câu tại Vườn chim hòa bình. Khi chim an toàn, ông mới về nhà chống bão. Dù vậy, mỗi lần bão quét qua, đàn chim lại rơi rụng đôi phần, ông kiểm đếm, rồi bần thần thương xót.
Để chống chịu với nắng và gió biển, chim bồ câu tại Vườn chim hầu hết đều là chim bồ câu ta
Bầy chim xếp thành hàng, đi theo hiệu lệnh của ông Hải
Trong năm 2022, bầy chim sẽ được tái cơ cấu, mục tiêu đưa số lượng trở lại mức 1.500 cá thể
Ban đầu, vườn chỉ có 200 con bồ câu giống, trong đó có cả bồ câu lai Pháp, nhưng sau chỉ bồ câu ta mới thích nghi được với nắng nóng và gió biển. Dưới sự chăm sóc của ông Hải, đàn chim dần sinh sôi, có lúc lên đến 1.500 con.
Những ngày đầu xuân, ngoài việc cho chim ăn, ông Hải còn túc trực tại chuồng chim để thổi còi, điều khiển đàn chim cho du khách chụp hình. Nhiều tấm ảnh cưới của các đôi uyên ương đã lấy bối cảnh tại Vườn chim hòa bình. Nhiều du khách đến Đà Nẵng cũng lưu niệm, đem hình ảnh cánh chim bồ câu của thành phố đi khắp nơi trên thế giới.
Năm đến, BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đầu tư thêm 100 – 200 con chim giống để tái đàn. Mục tiêu đưa số lượng chim lên lại mốc 1.500 cá thể. Phần mình, ông chỉ mong có đủ sức khỏe để ngày ngày được thổi còi gọi chim.
Bất kể Tết hay lễ, mưa hay nắng, niềm vui của ông là thấy Vườn chim hòa bình mãi đông đúc, chim rợp trời.
Mỗi khi ông Hải thổi còi, đàn chim cất cánh. Ngày lễ Tết đối với ông là những ngày túc trực tại Vườn chim, điều khiển đàn chim bồ câu cho du khách khắp nơi chụp hình lưu niệm
Đà Nẵng nhộn nhịp trở lại sau 2 tháng cách ly xã hội
Sau hai tháng cách ly xã hội, phố phường Đà Nẵng nhộn nhịp trở lại khi người dân được tắm biển, tập thể dục ngoài trời và đi chợ truyền thống.
Khung cảnh nhộn nhịp ở vỉa hè đường Bạch Đằng (quận Hải Châu), lúc 5h45 ngày 30/9 và cảnh khác biệt khi thành phố thực hiện cách ly xã hội từ 31/7 đến 29/9.
Ngày 28/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh ban hành văn bản về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, thay thế cho yêu cầu cách ly xã hội "cao hơn Chỉ thị 16" áp dụng từ 18h ngày 31/7. Văn bản mới có hiệu lực từ 0h ngày 30/9.
Người dân tìm đến công viên biển Đông tập thể dục vào sáng sớm. Dù mở lại nhiều hoạt động, thành phố chỉ cho phép các hoạt động thể thao ngoài trời không tiếp xúc trực tiếp.
Người dân Đà Nẵng được tắm biển từ 4h30 đến 6h30.
Thành phố cấm tắm biển để chống dịch từ trưa 15/7 đến nay. Trong ngày đầu tiên nới lỏng, cảnh tắm biển không quá đông đúc. Đang giữa tuần nên nhiều người trang thủ đi tắm sớm và về đi làm.
6h30 ngày 30/9, nhân viên cứu hộ thổi còi thông báo để người dân kết thúc việc tắm biển.
Người dân đeo khẩu trang ngay khi lên khỏi biển. Thành phố yêu cầu người dân phải rời đi, không được tụ tập trên bãi cát. Khu vực tắm nước ngọt cũng chưa được phép mở cửa hoạt động.
Nhiều người thích thú khi xem cảnh kéo lưới sau thời gian dài thành phố cách ly xã hội. Những mớ cá tươi rói được mua ngay khi đưa lên bờ.
Cầu Rồng sáng 30/9, người dân đi lại đông đúc. Trước đó trong thời gian Đà Nẵng cách ly xã hội, các chốt được dựng lên để kiểm soát phương tiện, lượng người ra đường thưa vắng hơn.
Sáng 30/9, khu vực đường Điện Biên Phủ đoạn qua hầm chui Nguyễn Tri Phương (quận Thanh Khê) nhộn nhịp xe cộ qua lại, khác hẳn với cảnh vắng vẻ khi thành phố tạm dừng mọi hoạt động. Đây là tuyến đường huyết mạch nối các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ với trung tâm thành phố.
Thành phố cũng cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự hoạt động trở lại, nhưng không tập trung quá 30 người cùng một thời điểm. Các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà, ngoài trời không tiếp xúc trực tiếp được mở lại, không tập trung quá 20 người.
Các tiệm tóc mở lại, đón nhiều khách đến làm đẹp. Chủ tiệm và khách chấp hành việc đeo khẩu trang. Số lượng khách không vượt quá 50% công suất phục vụ của tiệm.
Anh Nguyễn Hoàng Hưng, chủ tiệm tóc Hưng Samurai (số 23 đường Lê Độ), cho biết các nhân viên làm việc tại đây đã được tiêm một mũi vaccine Covid-19. "Từ hôm qua đến nay rất nhiều khách quan liên lạc để đặt giờ đến cắt tóc. Tôi cũng điều tiết khách, không để đông người cùng đến tiệm trong một thời điểm", anh Hưng nói.
Chợ truyền thống được phép mở lại với điều kiện bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng; có vách ngăn giữa người bán, người mua; tiểu thương và những người làm việc trực tiếp tại chợ phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine sau 14 ngày hoặc đã khỏi Covid-19.
Theo ghi nhận, các chợ vắng vẻ vì người dân đã đi chợ 3 ngày/lần theo thẻ QRCode; ngoài ra, các chợ tự phát mọc lên ở nhiều tuyến đường những ngày gần đây nên nhiều người dân tiện đường ghé mua.
Thành phố cũng cho các khách sạn, cơ sở lưu trú được hoạt động không quá 30% số phòng hiện có; nếu khách đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 thì được lưu trú tối đa không quá 50% số phòng (chưa được tổ chức dịch vụ khác tại cơ sở lưu trú).
Ghi nhận tại phố Võ Nguyên Giáp ven biển và các tuyến đường lớn xung quanh, các khách sạn vẫn đóng cửa im lìm vào sáng nay (30/9), chỉ có người dân đi tập thể dục qua lại buổi sáng sớm, sau đó là cảnh vắng vẻ.
Đến nay, có 51/56 xã, phường ở Đà Nẵng là vùng xanh (sau 14 ngày liên tiếp không phát hiện ca mắc Covid-19 và không có khu vực bị phong toả). Thành phố còn 8 điểm phong toả (vùng đỏ), tập trung ở một số phường của quận Hải Châu và quận Liên Chiểu.
Trong ảnh, nhân viên shipper phải đặt hàng lên bàn trước khu cách ly, khử khuẩn và để khách ra nhận. Tiền được người mua đặt lại trên bàn để shipper đến nhận sau đó.
Đà Nẵng, Thái Nguyên: Thêm 56 ca Covid-19, 39 người đã cách ly trước đó Tỉnh Thái Nguyên vừa ghi nhận 6 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, trong đó 5 bệnh nhân là F1 của cô gái đến từ Hậu Giang. Đà Nẵng thêm 50 ca nhiễm SARS-CoV-2, 39 ca đã cách ly trước đó Chiều 28/7, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 50...