‘Cha đẻ’ bom hạt nhân Pakistan qua đời
Abdul Qadeer Khan, người đặt nền móng cho chương trình vũ khí hạt nhân Pakistan, qua đời hôm nay ở tuổi 85.
Nhà khoa học nguyên tử Pakistan mất tại thủ đô Islamabad, nơi ông mới đây phải nhập viện vì Covid-19. Abdul Qadeer Khan qua đời sau khi được chuyển tới bệnh viện KRL của thành phố với các vấn đề về phổi, kênh truyền hình nhà nước Pakistan PTV đưa tin.
Ông từng nhập viện này hồi tháng 8 do mắc Covid-19. Sau khi trở về nhà vài tuần trước, ông nhanh chóng được đưa trở lại bệnh viện vì tình trạng bệnh xấu đi.
Nhà khoa học hạt nhân Pakistan Abdul Qadeer Khan bên ngoài tư dinh của ông ở Islamabad hồi tháng 2/2009. Ảnh: Reuters.
Qadeer Khan được ca ngợi là anh hùng dân tộc vì đã có công đưa Pakistan trở thành cường quốc vũ khí hạt nhân Hồi giáo đầu tiên trên thế giới. Tin tức về cái chết của ông đã làm trào dâng một làn sóng tiếc thương cùng những lời ca ngợi về các di sản ông để lại.
“Tôi đau buồn sâu sắc trước cái chết của tiến sĩ A.Q. Khan”, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đăng trên Twitter, nhấn mạnh việc nhà khoa học hạt nhân đã được yêu mến như thế nào nhờ “những cống hiến quan trọng trong nỗ lực đưa chúng ta trở thành một cường quốc vũ khí hạt nhân”.
Video đang HOT
“Với người dân Pakistan, ông ấy là một biểu tượng quốc gia”, Thủ tướng Imran Khan cho hay.
Lãnh đạo đối lập Shehbaz Sharif gọi cái chết của Qadeer Khan là một “mất mát to lớn đối với quốc gia”. “Hôm nay, chúng ta đã mất đi một ân nhân thực sự, người đã phụng sự đất nước bằng cả trái tim và linh hồn”, ông tweet.
Qadeer Khan được ca ngợi vì góp phần đưa Pakistan sánh ngang với Ấn Độ trong lĩnh vực nguyên tử và khiến khả năng phòng thủ của nước này trở nên “bất khả xâm phạm”. Tuy nhiên, ông bị phương Tây cáo buộc chia sẻ bất hợp pháp công nghệ hạt nhân cho Iran, Libya và Triều Tiên.
Sinh ngày 1/4/1936 tại Bhopal, Ấn Độ, Qadeer Khan chỉ là một cậu bé khi gia đình ông di cư đến Pakistan vào năm 1947. Ông lấy bằng khoa học tại Đại học Karachi năm 1960, sau đó tiếp tục theo học ngành kỹ thuật luyện kim ở Berlin trước khi hoàn thành các nghiên cứu bậc cao ở Hà Lan và Bỉ.
Đóng góp quan trọng nhất của ông cho chương trình hạt nhân Pakistan là mang về công nghệ làm giàu uranium. Tuy nhiên, ông bị cáo buộc đánh cắp nó từ Hà Lan khi làm việc cho tập đoàn kỹ thuật hạt nhân Urenco rồi đem công nghệ này về nước vào năm 1976.
Khi ông trở, thủ tướng Pakistan khi đó là Zulfikar Ali Bhutto đã giao Qadeer Khan phụ trách dự án làm giàu uranium mới hình thành của chính phủ.
Năm 1978, nhóm của ông làm giàu uranium thành công và đến năm 1984, họ đã phát triển được vũ khí hạt nhân. Ông lâu nay vẫn cho rằng phòng thủ hạt nhân là biện pháp răn đe hiệu quả nhất.
Sau khi Pakistan thực hiện các vụ thử nghiệm nguyên tử vào năm 1998 nhằm đáp trả những vụ thử nghiệm của Ấn Độ, Qadeer Khan khẳng định Pakistan “không bao giờ muốn chế tạo vũ khí hạt nhân nhưng buộc phải làm vậy”.
Những tranh cãi về sự nghiệp của ông dường như không thể làm Qadeer Khan giảm mức độ nổi tiếng tại quê nhà. Rất nhiều trường học, viện nghiên cứu, bệnh viện trên khắp Pakistan được đặt theo tên ông.
Pakistan chia rẽ vì chiến thắng của Taliban
Nhiều người Pakistan ăn mừng chiến thắng của Taliban tại Afghanistan, song cũng có người lo sợ điều này sẽ thúc đẩy các tổ chức chiến binh Hồi giáo.
Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, lực lượng Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP), một nhánh của Taliban ở Pakistan, đã gửi lời chúc mừng tới "chiến thắng thần thánh" của lực lượng. Thông điệp này cho thấy việc Taliban tiếp quản Afghanistan có thể có ý nghĩa lớn với Pakistan, một trong vài nước từng công nhận Taliban khi lực lượng này nắm quyền ở Afghanistan 20 năm trước.
Các chính trị gia, giáo sĩ, sĩ quan quân đội và thậm chí Thủ tướng Pakistan Imran Khan đều hoan nghênh sự thành lập của chế độ Taliban. Tuy nhiên, nhiều người lại lo ngại chiến thắng của lực lượng này sẽ thúc đẩy các tổ chức chiến binh Hồi giáo hoạt động mạnh hơn ở Pakistan.
Những nhóm chiến binh này đang đấu tranh để Pakistan áp dụng một mô hình cai trị kiểu Hồi giáo hà khắc hơn, tương tự cách Taliban áp đặt ở Afghanistan từ năm 1996 đến 2001.
"Vài tháng tới có thể sẽ yên bình, nhưng sau đó chủ nghĩa cực đoan sẽ nhen nhóm. Nếu Taliban thành công dưới bất cứ hình thức nào, các chiến binh sẽ có lý do thuyết phục về hệ thống cai trị kiểu Hồi giáo ở Pakistan", nhà phân tích chính trị Ayesha Siddiqa cho biết.
Người dân Pakistan đọc các bài báo nói về chiến thắng của Taliban tại Afghanistan ở một sạp báo tại Islamabad hôm 16/8. Ảnh: AFP.
TTP, một nhóm chiến binh bị cấm tại Pakistan chịu trách nhiệm về loạt vụ tấn công khủng bố, gần đây đang hồi sinh. Nhóm này là một nhánh của Taliban Afghanistan và mối quan hệ của họ cũng như hệ tư tưởng chung là không thể phủ nhận. Trong số những tù nhân đầu tiên được Taliban thả ở Afghanistan vào tuần trước có phó chỉ huy TPP Faqir Muhammad.
Tuy nhiên, vẫn rất nhiều người ở Pakistan bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Taliban tiếp quản Afghanistan, trong đó có Asad Durrani, cựu lãnh đạo Tình báo liên dịch vụ (ISI) của Pakistan.
"Quần chúng sẽ rất vui mừng khi Taliban kiểm soát Afghanistan. Mối lo ngại chủ yếu đến từ các tầng lớp đặc quyền, những người sẽ bị tước đi sức mạnh nhằm bóc lột dân nghèo", Durrani nói.
Cựu lãnh đạo ISI cũng ca ngợi mô hình cai trị kiểu hồi giáo của Taliban. "Vấn đề ở đây là Taliban không có ý định ảnh hưởng đến chính trị hay hệ tư tưởng ở Pakistan. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta, liệu chúng ta có muốn áp dụng mô hình chiến thắng của họ hay không", Durrani nhận định.
Sau khi hoàn thành quá trình kiểm soát Afghanistan, Taliban tuyên bố chiến tranh đã kết thúc ở nước này và kêu gọi hòa bình với cộng đồng quốc tế. Lực lượng này khẳng định không muốn sống cô lập và sẽ sớm làm rõ hình thức nhà nước, chế độ chính trị.
Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov đã lên kế hoạch gặp mặt Taliban, trong khi Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng phát triển "quan hệ hữu nghị" với lực lượng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng thể hiện sự hoan nghênh với thông điệp nước này đánh giá là tích cực, được Taliban đưa ra với cộng đồng quốc tế sau khi kiểm soát Afghanistan.
Dữ liệu mới nhất cho thấy vaccine của Sinopharm an toàn và hiệu quả Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn tin trên tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 17/8 cho biết Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG) - một chi nhánh của Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), vừa thông báo vaccine của hãng này không làm tăng nguy cơ gây ra chứng huyết khối hoặc giảm tiểu...