Cha con ở miền Tây trồng rau sạch tặng người đi đường
Không chỉ tự trồng trong vườn nhà, hai cha con ở miền Tây còn ra chợ mua rau sạch rồi đem ra vỉa hè dựng sạp, tặng cho người đi đường.
“Ai cần thì lấy, ai dư thì cho”
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền các clip ngắn ghi lại cảnh sạp rau củ nhỏ trên vỉa hè có tấm bảng ghi dòng chữ viết tay: “Ai cần thì lấy, ai dư thì cho. Ai lấy cũng được, lấy đủ là được. Chúc mọi người bình an”.
Dù không có nhiều rau củ nhưng sạp rau này đã thu hút nhiều người bán vé số, nhặt ve chai, phụ hồ,… ghé lại lấy thực phẩm. Tại đây, những người này chủ động chọn và lấy vừa đủ các loại rau củ mình cần rồi ra về.
Nhiều clip ghi lại cảnh một vài người bán vé số, chạy xe ôm có tuổi đều đặn đến sạp lấy một ít rau, nói lời cám ơn với chủ sạp. Sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, các đoạn clip thu hút nhiều lượt xem, bình luận tích cực.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, sạp rau đặc biệt trên là của anh Trần Hải Âu (38 tuổi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Anh Âu là người Tiền Giang nhưng hiện kinh doanh, sinh sống cùng gia đình tại TP Cần Thơ.
Mỗi chiều, nhiều người lao động nghèo đến sạp rau của anh Hải Âu để lựa chọn, lấy vừa đủ rau củ mình cần.
Sạp rau 0 đồng của anh Âu được hình thành một cách tình cờ từ ý tưởng của bố anh, ông Trần Văn Tây. Trước đó, anh Âu và bố thường trồng rau sạch trong khu vườn rộng khoảng 100m2 để phục vụ bữa ăn gia đình.
Do được chăm bón đúng cách, khu vườn của anh Âu luôn xanh tươi rau củ sạch. Anh Âu chia sẻ: “Đến lúc thu hoạch vì rau củ nhiều quá, gia đình tôi sử dụng không hết. Ba tôi ngỏ ý tặng cho bà con vì để lâu rau củ hỏng, gây lãng phí.
Tôi thấy ý tưởng rất hay nên mở sạp rau miễn phí để ai cần thì đến lấy. Để người cần hiểu và đến lấy rau một cách tự nhiên nhất, tôi viết thông tin trên tấm bảng dựng gần đó nói rõ: “Ai cần thì lấy, ai dư thì cho. Ai lấy cũng được, lấy đủ là được”.
Vì công việc, anh Âu mở sạp rau từ 15h – 21h mỗi ngày. Sạp rau 0 đồng dựng lên không lâu, anh Âu đã đón nhận những “khách hàng” đặc biệt. Đó là những người bán vé số dạo có tuổi ở gần nơi anh sinh sống.
Lúc mới đầu, anh Âu cắt rau từ vườn nhà, đem rửa, bó thành từng bó, viết bảng thông tin việc mình tặng rau miễn phí rồi dựng sạp trên vỉa hè. Ảnh: Cắt từ clip
Ban đầu, những người này chưa tin vào việc được tự do lấy rau củ theo ý muốn của mình. Sau khi đọc thông tin trong tấm bảng và được giải thích, họ mới rụt rè lấy một ít rau củ đủ dùng cho một bữa ăn.
Video đang HOT
“Mỗi ngày có khoảng 15 – 20 lượt người đến lấy rau. Tôi không tác động vào việc bà con đến sạp lấy rau. Tôi để mọi người lấy tự do, ai thích, ai cần loại rau củ nào thì lấy loại rau củ đó.
Thế nhưng, hầu hết mọi người đều lấy phần vừa đủ để ăn, không lấy dư. Việc để bà con tự động lựa chọn, lấy rau sẽ giúp bà con có được thứ mình thực sự cần, tránh lãng phí”, anh Âu chia sẻ thêm.
Nhận lại nhiều niềm vui
Sau khi thông tin về sạp rau lan tỏa rộng, anh Âu đón thêm nhiều lượt “khách” mỗi ngày. Lúc này, vườn rau của gia đình anh Âu rơi vào tình trạng “ăn thì dư mà tặng thì thiếu”.
Để đủ rau cho người cần, anh quyết định trích một phần lợi nhuận từ việc kinh doanh để ra chợ mua rau bổ sung vào sạp rau 0 đồng. Trung bình, anh mua khoảng 30 – 60kg rau củ để bày lên sạp, tặng người cần.
Tại chợ, anh chủ động lựa chọn nơi cung cấp rau củ uy tín, ít sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Thấy việc làm của anh Âu có ý nghĩa, nhiều tiểu thương bán rau cũng chung tay ủng hộ.
Sau này, thấy rau trong vườn không đủ để tặng người cần, anh bỏ tiền túi đến chợ mua, bổ sung vào sạp rau 0 đồng của mình.
Ngoài việc tình nguyện cung cấp rau củ sạch với giá phải chăng, họ còn tặng thêm cho anh những bó rau cải, túi cà rốt, cân khoai tây,…
Người dân địa phương có vườn rau, khi sử dụng không hết cũng tình nguyện gửi, góp rau củ vào sạp rau 0 đồng của anh Âu. “Có người ở tỉnh khác khi thấy sạp rau của tôi có nhiều người khó khăn đến nhận cũng tình nguyện chung tay, góp sức.
Họ gửi cho tôi một số loại thực phẩm khô như cá khô, lạp xưởng, xúc xích, chà bông, trứng, nước tương, nước mắm, mì tôm,… nhờ bỏ vào sạp rau để người đến lấy có thêm sự lựa chọn”, anh Âu nói thêm.
Với sự chung sức của nhiều người, hiện nay sạp rau của anh Âu đa dạng về các mặt hàng. Ngoài các loại rau xanh như cải ngọt, cải thảo, rau muống, mồng tơi,… sạp còn có bí đỏ, bầu, mướp, đậu ve cùng một số loại trái cây.
Sự đa dạng của sạp rau đã giúp người khó khăn có thêm nhiều sự lựa chọn, cải thiện được bữa ăn của mình. Bà Lan (65 tuổi, bán vé số ở khu vực chợ Tân An, phường Tân An, quận Ninh Kiều) chia sẻ: “Rau xanh bây giờ đắt nên sạp rau này giúp tôi rất nhiều.
Thay vì phải tốn tiền mua rau, tôi đến đây lấy bó rau, trái bí miễn phí về nấu đủ bữa ăn. Như vậy, tôi tiết kiệm được một số tiền không nhỏ để có chi phí trang trải cuộc sống, uống thuốc”.
Hiện anh Âu không có ý định đóng sạp rau mà sẽ duy trì việc tặng rau củ mỗi ngày.
Hiện nay, ngoài việc mua rau ngoài chợ, anh Âu và bố vẫn duy trì việc trồng rau sạch trong vườn nhà để vừa phục vụ bữa ăn hàng ngày, vừa bổ sung vào sạp rau 0 đồng. Tại nhà, ông Trần Văn Tây đóng vai trò người hỗ trợ, hướng dẫn con trai cách trồng, chăm bón hoa màu.
Với mục đích trồng rau để gia đình sử dụng, tặng người cần nên ông Tây và con trai không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Thay vào đó, ông trồng, chăm bón rau bằng phân hữu cơ.
Anh Âu tâm sự: “Tôi quan niệm việc làm từ thiện không phân biệt quy mô hay nhỏ lẻ. Giúp được ai đó trong khả năng của mình, tôi cũng cảm thấy rất vui, hạnh phúc.
Vì vậy, tôi luôn cố gắng làm tốt nhất những gì mình có thể. Tôi chưa có ý định dừng sạp rau. Hiện tại, tôi vẫn duy trì việc tặng rau củ hàng ngày và chỉ dừng lại khi không còn đủ khả năng tiếp tục”.
Ông Nguyễn Văn Minh, Bí thư, Trưởng khu vực 2, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết: “Khi có ý định tặng rau cho bà con, anh Âu có liên hệ, trao đổi với địa phương nên tôi có nắm thông tin. Chúng tôi cũng đã đến tận nơi quan sát và ghi nhận việc anh Âu hỗ trợ, tặng rau củ, trái cây miễn phí cho bà con. Đây là việc làm tích cực và hoạt động trên phương diện người có thì hỗ trợ, chia sẻ cho người chưa có, người cần”. |
Mát lòng những điểm tiếp nước miễn phí cho người lao động trong ngày hè
Trên một số tuyến phố ở Hà Nội, cứ vào thời điểm nắng nóng lại xuất hiện những 'trạm' tiếp nước uống miễn phí dành cho người đi đường, người lao động nghèo.
Nắng nóng gay gắt của mùa hè trên đường phố Hà Nội khiến người dân, đặc biệt là những người lao động, mưu sinh ngoài trời trở nên vất vả, nhọc nhằn hơn. Chia sẻ cùng những nỗi vất vả mưu sinh ấy, chị Hương (chủ tiệm Rau má Thiện Duyên) vài năm nay, cứ mùa hè là đặt bình nước lọc miễn phí trước cửa hàng của mình tại số 93 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy với mong muốn giúp giải khát, hạ nhiệt, bù nước cho những ai cần.
Chị Hương chia sẻ: "Dưới thời tiết nắng nóng bây giờ, thấy các cô lao công, chú xe ôm bươn trải mưu sinh ngoài đường rất vất vả. Tôi đặt bình nước ở đó với mong muốn giúp đỡ được cô chú phần nào. Một ngày cửa hàng mình thay 3 bình nước. Tôi cũng vận động các bạn nhân viên ở cửa hàng cuối ca làm đi dọc đường từ cửa tiệm lên chợ Long Biên để tặng những chai trà trái cây, trà sữa, nước rau má cho các cô chú lao động tự do. Các bạn ấy đều là sinh viên và mình muốn hướng các bạn tới tâm thiện nguyện từ sớm".
Bảng biển ghi những dòng chữ đơn giản nhưng tràn đầy tình thương, sự quan tâm.
Dọc tuyến phố Xuân Thủy, quận Cầu Giấy cũng có rất nhiều điểm tiếp nước miễn phí do một số cá nhân, tập thể mở ra.
Không chỉ nước lọc, trên đường Trần Duy Hưng xuất hiện một điểm "Trà đá miễn phí". Được biết, người đặt bình trà đá ở đây là đôi vợ chồng trẻ người Cần Thơ thuê trọ gần đó và thường xuyên làm từ thiện tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Bình trà đá được anh chị bê ra từ 8h sáng đến 9h tối, cứ vơi đi một nửa chị sẽ ra châm thêm cho đầy bình.
Lo lắng người đi đường qua sẽ không nhìn thấy, anh chị còn chu đáo treo một tấm biển nhỏ trên cao.
Một tài xế xe ôm công nghệ chia sẻ: "Tôi là "khách quen" của bình trà đá này đấy. Ngày nào cũng phải rẽ qua đây vài lần để uống. Nhiều khi cả sáng làm được 30.000 đồng mà mua cốc trà đá, chai nước suối tốn 4.000-5.000 cũng tiếc lắm chứ. Đối với tôi, ngụm nước ấy không chỉ giúp giải khát mà còn chứa chất tình người. Tôi cảm thấy rất biết ơn và tôn trọng những người có tấm lòng hảo tâm như vậy".
Những điểm cung cấp nước uống miễn phí thường để ở sát lề đường dưới những tán cây bóng mát, giúp người dân lao động, người đi đường dễ dàng hơn khi lấy nước uống và dừng chân nghỉ ngơi.
Một điểm phục vụ nước mát miễn phí khác trên tuyến đường Trần Duy Hưng.
Những "quầy nước" miễn phí này được dựng lên rất chỉn chu gồm cốc nhựa dùng 1 lần và thùng rác bên cạnh. Kèm theo đó là lời nhắn không thể dễ thương hơn.
Chị Phạm Thị Nghiên (lao công, công ty Môi trường đô thị Hà Nội) bộc bạch: "Công việc vất vả, phải đi khắp ngõ ngách, gặp được những điểm tiếp nước miễn phí như này là quý lắm. Giữa trưa nắng thế này mà uống được được ly nước sạch, mát mẻ làm việc thấy dịu hẳn đi cơn nóng".
Đối với người phải lao động ngoài trời dưới cái nóng gay gắt ngày hè, những điểm nước uống miễn phí như thế này giúp họ phần nào vơi đi sự cực nhọc.
Ấm áp tình người Đà Nẵng Đà Nẵng đang bước vào cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên mức 40 độ C, cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Trong điều kiện nắng nóng gay gắt, nhiều người dân tại Đà Nẵng tự nguyện phát nước cam, nước mía, nước lọc miễn phí cho người đi đường với thông điệp 'Nước miễn phí -...