CFO Lenovo bị “gài” về thương vụ mua lại RIM
Sau khi Bloomberg dẫn lời Giám đốc tài chính (CFO) của Lenovo là Wong Waiming rằng hãng đang quan tâm tới việc mua lại RIM, hãng sản xuất máy tính số 1 Trung Quốc đã lên tiếng về những vấn đề này.
Công ty cho biết đoạn trích dẫn đã bị đặt ra ngoài ngữ cảnh, khiến có thể gây nên những hiểu nhầm.
“Về tổng quan, chúng tôi không bình luận về các tin đồn hay dự đoán về mua bán & sát nhập.
Chúng tôi nhận thấy CFO của Lenovo đã thảo luận rộng rãi về chiến lược mua bán và sát nhập trong một buổi phỏng vấn gần đây. Trong buổi phỏng vấn này, phóng viên đã đưa ra chủ đề về RIM và ông Wong đã liên tục lặp lại những trả lời theo quan điểm trước đó của Lenovo về chiến lược mua bán sát nhập: Lenovo rất tập trung vào việc phát triển ngành kinh doanh của mình, bằng việc phát triển tự nhiên hoặc thông qua mua bán sát nhập. Khi một vấn đề về mua lại được nêu lên, chúng tôi sẽ thảo luận để xem nó có phù hợp với chiến lược của công ty hay không”.
Như vậy, vấn đề RIM được đưa ra là do phóng viên liên tục đề cập về hãng điện thoại Canada này, do đó ông Wong đã cố gắng để giải thích chiến lược của công ty một cách rộng hơn.
RIM cũng đã nêu lên ý kiến của mình về vấn đề này:
“[CEO của RIM] Thorsten Heins đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chúng tôi đang tập trung vào việc ra mắt BlackBerry 10, hệ điều hành mà chúng tôi sẽ ra mắt vào sự kiện ngày 30/1. Và như chúng tôi đã nói ở Đại hội cổ đông ngày 20/12, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các lựa chọn khả dĩ cho việc “tạo ra những cơ hội mới, tập trung vào những thị trường mà chúng tôi có các đối tác hiệu quả, hơn là hành động một mình, và tối ưu hóa lợi nhuận cho các cổ đông”. Chúng tôi chưa có bất cứ tin tức mới nào về việc xem xét lại chiến lược của mình hiện tại”.
Việc Lenovo có thể mua lại bộ phận di động của RIM khiến nhiều người dấy lại câu chuyện thần kỳ Trung Quốc, như trước đây Lenovo đã từng mua lại thành công thương hiệu máy tính xách tay Thinkpad từ IBM. Tuy vậy, mọi chuyện không dễ dàng khi thương vụ này phải được sự chấp thuận của chính phủ Canada.
Nhưng chuyện smartphone Blackberry do Lenovo sản xuất cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Khi mà RIM tuyên bố sẽ mở rộng bản quyền smartphone Lenovo cho các nhà sản xuất khác. Trong khi đó, thương hiệu Blackberry vẫn được nhiều người Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung đánh giá cao. Vì thế, nếu đạt được thỏa thuận cấp phép, Lenovo sẽ có một vũ khí mạnh để gia tăng lượng smartphone bán ra, thị trường mà hãng đang thực sự thèm muốn.
RIM đang rất khó khăn. Hãng đã công bố khoản lỗ tới 114 triệu USD trong quý 3 năm 2012 và doanh thu chỉ đạt 2,7 tỷ USD. Tất cả niềm hy vọng của RIM và fan hâm mộ giờ đây đang đặt vào sự ra mắt của Hệ điều hành Blackberry 10 cuối tuần này
Video đang HOT
CEO RIM – Thorsten Heins
RIM cũng vừa có động thái “mở cửa” hơn khi ra mắt Blackberry Enterprise Service 10 cho cả các dòng máy Blackberry lẫn smartphone khác.
Trái lại, Lenovo là ngôi sao đang lên và theo nhiều dự đoán, sẽ sớm trở lại ngôi vị nhà sản xuất PC số một thế giới. Công ty này vừa mới công bố laptop Thinkpad Chromebook nhắm tới thị trường giáo dục. Bộ phận di động của hãng cũng thu được khá nhiều thành công ở nội địa, nhưng để mở rộng thành tựu ấy ra ngoài lãnh thổ, hãng cần nhiều hơn thế, và thương vụ mua lại một đơn vị sản xuất di động có tiếng là một lựa chọn khả dĩ.
Theo Genk
Vì sao ngành sản xuất đồ công nghệ đang quay trở lại nước Mỹ
Mức lương tại Trung Quốc, Ấn Độ dần bắt kịp Âu, Mỹ. Trong khi Việt Nam hay Indonesa dù lương thấp nhưng thua về chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển cao.
Đầu tháng này, các quan chức địa phương tại thành phố Whitsett, Bắc Carolina, sẽ cùng nhau dự lễ cắt băng khánh thành một cơ sở sản xuất mới ở nơi đây. Thời điểm dây chuyền sản xuất mới bắt đầu hoạt động cũng đồng thời đánh dấu một sự kiện mà bấy lâu nay nhiều người cho là không thể: Nước Mỹ một lần nữa sẽ tự tay mình sản xuất máy tính.
Thị trường sản xuất máy tính khổng lồ của nước Mỹ dường như đã bị lãng quên từ 30 năm trước, và đại đa số những chiếc máy tính xách tay được sản xuất tại châu Á.
Năm 2008 và 2010, hãng sản xuất máy tính Dell đã cho đóng cửa 2 nhà máy sản xuất ở Mỹ để chuyển dây chuyền sang Trung Quốc.
HP cũng chỉ một nhà máy sản xuất màn hình máy tính nhỏ tại quê nhà. Trong khi đó, một nhà cơ sở sản xuất máy tính đang được xây dựng ở Mỹ cũng không phải là của doanh nghiệp bản địa, mà là của Lenovo, tập đoàn công nghệ thành công bậc nhất Trung Quốc.
Năm 2005, Lenovo mua lại công ty ThinkPad của IBM và trở thành công ty sản xuất máy tính cá nhân (PC) lớn nhất thế giới, vượt mặt đối thủ HP.
Sự lớn mạnh của Lenovo cũng đánh dấu chương mới nhất trong câu chuyện toàn cầu hóa bắt đầu diễn ra kể từ thập niên 1980. Tư tưởng ban đầu của mô hình gia công ở nước ngoài khởi nguồn từ các doanh nghiệp phương Tây, với lập luận rằng việc thuê sản xuất ngoài sẽ giúp tiết kiệm một nguồn chi phí lớn khi hoạt động sản xuất được gửi sang nước khác có chi phí lao động thấp hơn.
Mô hình sản xuất ở nước ngoài có nghĩa doanh nghiệp sẽ chuyển mọi hoạt động sản xuất ra bên ngoài biên giới quốc gia, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Mô hình này cũng bao gồm cả việc thuê gia công ngoài, trong đó các doanh nghiệp sẽ thuê các nhà thầu bên ngoài cho mỗi công đoạn gia công. Thuê gia công có thể thực ở trong hoặc ngoài nước, song mô hình sản xuất ở nước ngoài thì hoàn toàn ở ngoài biên giới quốc gia.
Trong suốt nhiều thập kỷ, mô hình sản xuất này quả thực rất hiệu quả và đem đến thành công rực rỡ. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, các công ty bắt đầu phải xem xét lại những dấu chân mà họ đã đặt lên khắp toàn cầu.
Lý do đầu tiên và quan trọng nhất chính là sự "chênh lệch" về chi phí lao động của lực lượng lao động toàn cầu, động lực khiến các công ty có dây chuyền sản xuất ra nước ngoài, đang dần biến mất.
Trong thập kỷ qua, lương của người lao động ở Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng từ 10-20%, trong khi lương ở Mỹ và châu Âu bắt đầu bị các nước bắt kịp.
Tại nhiều quốc gia khác, bao gồm Việt Nam, Indonesia và Philippines, mức lương còn khá thấp, song trình độ sản xuất vẫn thua kém Trung Quốc về quy mô, mức độ hiệu quả cũng như thua cả về chuỗi cung ứng. Mặc dù vẫn có sự chênh lệch lớn về mức lương giữa nhiều khu vực khác nhau của thế giới, song bù lại, những yếu tố khác như chi phí vận chuyển lại khá cao.
Chi phí lao động của Lenovo tại Bắc Carolina hiện vẫn cao hơn so với các nhà máy ở Trung Quốc hay Mexico, trong khoảng cách này đã thu hẹp đáng kể. Do đó, sẽ không có gì quá khó hiểu khi Lenovo cân nhắc rút dây chuyền sản xuất khỏi các thị trường mới nổi. Chủ tịch tập đoàn Lenovo khu vực Bắc Mỹ, ông David Schmoock, nhận định do quá trình sản xuất được tự động hóa nhiều hơn, chi phí nhân công trong tổng chi phí sản xuất chung đang giảm đi rõ rệt.
Lý do thứ 2, nhiều công ty Mỹ nhận ra rằng họ đã đi quá xa với mô hình gia công ở nước ngoài và cần thiết phải trở lại quê nhà. Nhiều công ty nổi danh như Google, General Electric, Caterpillar và Ford đang chuyển dần hoạt động sản xuất trở về nước Mỹ hoặc cho xây mới thêm nhà máy ở Mỹ. Tháng 12 năm ngoái, hãng Apple cũng cho biết sẽ bắt đầu xây dựng một dây chuyền sản xuất máy tính Mac tại Mỹ vào cuối năm 2013.
Việc lựa chọn một địa điểm tốt cho quá trình sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ là một loại hình khoa học thiếu chính xác và không ít công ty đã sai lầm. Giáo sư về chiến lược cạnh tranh tại Trường kinh doanh Đại học Harvard, ông Michael Porter, cho biết khi theo đuổi chiến lược mua bán và sáp nhập không hiệu quả, nhiều công ty đã nếm mùi thất bại đau đớn và buộc phải đưa ra những điều kiện khắt khe hơn đối với lĩnh vực này.
Mô hình gia công ở nước ngoài cũng tương tự như vậy, nhiều giám đốc điều hành (CEO) đã quá vội vàng khi chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài với quy mô lớn. Tại châu Âu, các doanh nghiệp không hăng hái với việc sản xuất ở nước ngoài như Mỹ, trong khi đó, một số lượng nhỏ các doanh nghiệp nhận ra sai lầm cũng bắt đầu quay về quê nhà, ông cho biết.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp giờ đây nhận ra việc gia công ở nước ngoài có những nhược điểm chết người về khoảng cách địa lý. Khoảng cách quá xa khiến chi phí vận chuyển nửa vòng Trái Đất bằng đường biển tăng vọt, chưa kể phải mất vài tuần hàng hóa mới tới được địa điểm dự kiến. Họ cũng nhận ra rằng việc thuê gia công ở nước ngoài trong khi tiếp tục duy trì hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) ở quê nhà có ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động đổi mới.
Giải pháp cho vấn đề này đó là chuyển cả hoạt động R&D ra nước ngoài, song như thế lại nảy sinh một nhược điểm khác: Nguy cơ bị mất tài sản sở hữu trí tuệ. Chưa kể còn những rủi ro khác như chiến tranh, thảm họa tự nhiên có thể làm ảnh hưởng hoặc gián đoạn tới chuỗi cung ứng tại quê nhà.
Lý do thứ 3, các doanh nghiệp đang nhanh chóng từ bỏ mô hình sản xuất mọi thứ tại chỗ với chi phí thấp để cung cấp cho phần còn lại của thế giới. Trung Quốc giờ đây không còn được xem là địa điểm sản xuất giá rẻ như trước, mà đã trở thành một thị trường khồng lồ.
Ngày nay, lý do chính khiến các công ty đa quốc chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài là vì họ muốn tiếp cận người tiêu dùng tại các thị trường lớn một cách nhanh chóng. Nhưng cách tư duy này lại hoàn toàn không giống với tư tưởng chung của mô hình gia công ở nước ngoài cách đây 3 thập kỷ.
Thay vào đó, cách làm này chỉ đơn thuần chuyển hoạt động gia công vào thị trường nơi nó cung cấp sản phẩm. Chẳng hạn, dây chuyền sản xuất điện thoại của Siemens hiện tại đa phần nằm ở Trung Quốc và Ấn Độ, bởi đây là 2 thị trưởng lớn nhất của công ty, tương tự như trước kia là Mỹ và Đức.
Các công ty ngày nay mong muốn được ở ngay trong, hoặc ở gần, thị trường tiêu thụ lớn nhất của họ, để nhanh chóng nắm bắt nhu cầu khách hàng và nhanh chóng đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu ở địa phương. Giám đốc điều hành Bombardier - nhà sản xuất máy bay và tàu hỏa của Canada - ông Pierre Beaudoin cho biết hãng đã chuyển dây chuyền sản xuất vào Trung Quốc. Giờ đây, Bombardier ở Trung Quốc và vì lợi ích của Trung Quốc.
Bản thân Lenovo, một công ty Trung Quốc, cũng có một nhà máy riêng ở quê nhà. Lý do Lenovo chuyển sản xuất vào Mỹ là do họ muốn nắm bắt nhu cầu của khách hàng Mỹ và nhanh chóng đáp ứng. Nếu họ tiếp tục ở Trung Quốc, sẽ phải mất 6 tuần những sản phẩm của họ mới tới được tay người tiêu dùng.
Theo logic này, Mỹ, châu Âu có thể thu hút thêm nhiều khoản đầu tư mới trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tìm kiếm sự hiện diện lớn hơn trên chính thị trường tiêu dùng của họ. Không chỉ các doanh nghiệp phương Tây mới tìm cách đem dây chuyền sản xuất về quê nhà, ngay cả các công ty lớn ở những thị trường mới nổi như Lenovo hay Tata Group cũng đang tìm cách khuếch trương thương hiệu, năng lực sản xuất và nhân công ở phương Tây.
Sự thay đổi lớn lao này không chỉ diễn ra trong lĩnh vực sản xuất mà còn ngay cả trong các ngành dịch vụ. Các doanh nghiệp lập trình phần mềm, tổng đài hoặc quản lý dữ liệu chính là những đối tượng đầu tiên muốn di chuyển. Tiếp theo đó là những doanh nghiệp dịch vụ phức tạp hơn như y tế, phân tích và ngân hàng đầu tư.
Có thể nói, cốt lõi của mô hình gia công ở nước ngoài truyền thống đó là tìm kiếm chi phí lao động rẻ hơn. Theo thời gian, mô hình này đã được cải tiến, loại bỏ một số nhược điểm và giữ lại những ưu điểm. Tuy nhiên, những sự thay đổi đó không làm các tập đoàn đa quốc gia trở nên kém toàn cầu hóa hơn, mà chỉ khiến họ phải phân phối lại hoạt động một cách đồng đều hơn, có chọn lọc hơn và phải cân nhắc nhiều yếu tố hơn, chứ không đơn thuần chỉ nhắm vào chi phí lao động.
Bên cạnh đó, sự thay đổi lớn như vậy còn đem đến cơ hội cho những nước giàu và người lao động ở đó. Họ có cơ hội để giành lại những ngành công nghiệp và hoạt động sản xuất mà họ đã tự đánh mất hàng thập kỷ qua. Ngoài ra, các nước phát triển cũng sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn để thắng các nước mới nổi có ưu thế về lao động giá rẻ, bằng cách đầu tư mạnh mẽ nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động, cũng như giúp người lao động linh hoạt và nhiệt tình hơn trong quá trình sản xuất.
Theo Genk
Dell muốn "bán mình"? Cổ phiếu của Dell tăng gần 13% vào hôm qua 14/1 sau khi Bloomberg News cho biết Dell đang đàm phán với ít nhất 2 công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân về vụ mua lại công ty máy tính đang gặp khó khăn này. Thương vụ mua lại có thể không giải quyết mọi vấn đề của Dell nhưng sẽ...