CEO Sundar Pichai giải thích việc Google đang phải cắt giảm chi phí
Theo CEO Sundar Pichai, hạnh phúc không nhất thiết phải là bằng tiền, qua đó khuyến khích nhân viên tích cực làm việc và đoàn kết với nhau trong thời buổi khó khăn.
Theo hãng tin CNBC, Google đang phải cố gắng biện minh cho tình trạng môi trường làm việc ngày càng không thân thiện và tăng trưởng giảm tốc, công ty phải cắt giảm chi phí và nhân viên thì ngày một stress hơn.
Trong cuộc họp với công ty vào tuần qua, CEO Sundar Pichai đã gặp phải những câu hỏi cực kỳ gay gắt từ phía nhân viên liên quan đến chính sách cắt giảm ngân sách cho du lịch và giải trí. Đồng thời, những quy định mới liên quan đến quản lý năng suất và khả năng sa thải cũng được đưa ra thảo luận.
Doanh thu của Google đang có dấu hiệu chững lại (triệu USD)
“Tôi hy vọng là các bạn có xem tin tức. Thực tế là chúng ta đều hiểu công ty cần có trách nhiệm hơn trong điều kiện kinh tế vĩ mô gặp khó khăn nhất 10 năm qua. Tôi nghĩ với một công ty thì điều quan trọng nhất hiện nay là cùng nhau vượt qua khó khăn này”, CEO Pichai trả lời câu hỏi tại sao Google cắt giảm ngân sách du lịch và giải trí của nhân viên dù công ty đạt lợi nhuận kỷ lục và có lượng lớn tiền dự trữ.
Hãng tin CNBC nhận định cuộc họp của Alphabet, công ty mẹ của Google, diễn ra trong bối cảnh hàng loạt ông lớn ngành công nghệ, ví dụ như Meta của Facebook, cũng đang gặp nhiều thách thức về kinh tế. Những rủi ro như suy thoái, lạm phát, lãi suất tăng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chi tiêu cho quảng cáo.
Bởi vậy, những tập đoàn trong 10 năm qua từng tăng trưởng tốt và nổi tiếng với môi trường làm việc thoải mái có thể sẽ phải đối mặt với thực tại khó khăn hơn trước đây.
Tháng 7/2022, Alphabet báo cáo kết quả kinh doanh quý II thấp hơn dự báo, trong khi tăng trưởng của quý III bị cảnh báo là sẽ giảm xuống 1 con số, thấp hơn rất nhiều so với hơn 40% tăng trưởng của năm trước.
CEO Pichai nhận định không phải yếu tố kinh tế vĩ mô là nguyên nhân duy nhất khiến Google gặp thách thức mà chính sự đồ sộ của bộ máy tổ chức cũng góp phần ảnh hưởng đến năng suất của công ty.
Cắt giảm chi phí
Sau khi có tăng trưởng tốt trong đại dịch Covid-19, giám đốc tài chính Ruth Porat của Google đã cảnh báo vào đầu năm nay rằng một số thách thức kinh tế sẽ diễn ra trong tương lai gần.
Thật vậy, Google hiện đã phải hủy bỏ dự án máy tính Pixelbook đời tiếp theo cũng như giảm ngân sách cho dự án Area 120.
Cũng trong tháng 7/2022, Google đã phát động chương trình “Simplicity Sprint”, qua đó tập hợp ý tưởng của hơn 174.000 nhân viên về việc làm thế nào để lao động có hiệu quả hơn và cắt giảm được chi phí thừa.
Đầu tháng 9/2022, CEO Pichai tiếp tục tuyên bố sẽ khiến công ty gia tăng 20% năng suất lao động, đồng thời giảm tuyển dụng cũng như đầu tư.
Video đang HOT
“Có thể bạn lên kế hoạch tuyển dụng 6 người nhưng lại chỉ có thể làm với 4 người thôi và buộc phải tự hỏi làm thế nào để hoàn thành công việc”, CEO Pichai trả lời câu hỏi liên quan đến việc làm thế nào Google có thể nâng 20% năng suất lao động.
“Đôi khi chúng ta có một quy trình ra mắt sản phẩm quá rườm rà hơn mức cần thiết và điều này ngày càng trở nên rắc rối qua mỗi năm”, CEO Pichai tiếp tục nhấn mạnh vào việc tái cấu trúc lại phương pháp làm việc của Google.
Đồng thời, CEO Pichai cũng cho biết đã lưu ý đến các cuộc khảo sát của nhân viên thể hiện công ty đang ngày một áp lực hơn chứ không còn tự do như trước đây.
Đối với những câu hỏi liên quan đến sa thải, vị giám đốc này cho biết sẽ cố gắng cập nhật những thông tin mới nhất cho mọi người và giải thích rằng động thái cắt giảm này không phải ở mức độ như mọi người nghĩ.
Tuy nhiên hãng tin CNBC cho biết CEO Pichai lại né tránh các câu hỏi của nhân viên về việc cắt giảm lương của bộ phận lãnh đạo nhằm chung tay giúp công ty trong thời buổi khó khăn.
Năm 2021, CEO Pichai nhận được 6,3 triệu USD tiền lương, trong khi những giám đốc cấp cao khác của Google nhận được tổng cộng hơn 28 triệu USD.
Hạnh phúc không đo bằng tiền
Hãng tin CNBC cho biết CEO Pichai nhắc đến văn hóa của Google vẫn khá là thú vị kể cả khi những thú vui “vụn vặt” bị loại bỏ.
“Tôi vẫn còn nhớ đến thời Google chỉ là một công ty nhỏ. Rõ ràng, niềm vui thú làm việc không phải, và cũng không nên luôn bị đo bằng tiền. Bạn có thể bước vào một startup nhỏ mà mọi người vẫn có được niềm vui làm việc chăm chỉ mà không cân đo đong đếm bằng tiền”, CEO Pichai nhận định.
Sự khẳng định của CEO Pichai được đưa ra sau hàng loạt những câu hỏi của nhân viên về chế độ làm việc của Google đang ngày một khắt khe hơn trước.
Đồng thời, CEO Pichai cũng khẳng định công ty không chỉ chăm chăm cắt giảm đầu tư. Google vẫn tiếp tục đổ tiền cho mảng máy tính lượng tử và hướng đến tương lai dài hạn.
“Chúng tôi cam kết chăm sóc những nhân viên của mình. Có điều tôi nghĩ rằng chúng ta đang phải trải qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế vĩ mô và điều quan trọng nhất hiện nay là mọi người trong công phải đoàn kết và cùng làm việc với nhau”, CEO Pichai cho biết.
Cách 'Warren Buffett của giới tiền số' tiếp tục mở rộng đế chế bất chấp khó khăn trên thị trường
Trong khi các sàn giao dịch tiền điện tử khác rơi vào cảnh phá sản, FTX vẫn đang gom tài sản với giá hời nhờ lượng tiền mặt dồi dào, chi phí thấp, chuyển thành công ty tư nhân.
Trong bối cảnh thị trường tiền điện tử đang sụp đổ, CEO của FTX Sam Bankman-Fried lại gom tài sản với giá hời, thậm chí, anh cho biết vẫn còn tiền mặt để mua nếu cơ hội đến.
Đây có vẻ là điều rất bất ngờ, đặc biệt là khi các "gã khổng lồ" tiền điện tử với giá trị lên tới hàng tỷ USD khác đang rơi vào cảnh phá sản trong năm nay. Đối thủ cạnh tranh chính của FTX, Coinbase, chứng kiến giá cổ phiếu của họ giảm 70% và đã sa thải 1/5 nhân viên do giá tiền điện tử lao dốc.
Tuy nhiên, FTX bằng cách nào đó lại đang nổi lên như một trường hợp khác biệt trong lĩnh vực này.
Tỷ phú 30 tuổi Bankman-Fried cho biết đó là kết quả của việc tích trữ lượng tiền mặt dồi dào, giữ chi phí chung thấp, tránh cho vay và có thể nhanh chóng chuyển thành công ty tư nhân.
CEO của FTX Sam Bankman-Fried. Ảnh: FTX.
"Điều quan trọng là lĩnh vực tiền điện tử phải vượt qua được thời kỳ khó khăn này mà không bị tổn hại gì. Sẽ chẳng ai được lợi lộc gì về dài hạn nếu chúng tôi phải chịu thiệt hại và kiệt sức", Bankman-Fried nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở FTX ở Nassau, Bahamas.
Thị trường tiền điện tử mất hàng tỷ USD trong vài tuần gần đây do tác động từ sự sụp đổ của đồng Terra USD cũng như vụ thất bại của quỹ phòng hộ tiền điện tử Three Arrows Capital. Những bên cho Three Arrows vay sẽ là "quân domino" tiếp theo đổ xuống. Tháng 7, FTX đã ký một thoả thuận mang lại cho họ lựa chọn mua BlockFi trả cho bên cho vay sau khi họ được cấp hạn mức tín dụng 250 triệu USD. FTX cũng chi thêm 500 triệu USD cho Voyager Digital, công ty này sau đó đã tuyên bố phá sản. Ngoài ra, FTX đang trong quá trình thảo luận để mua lại sàn giao dịch tiền điện tử Bithumb của Hàn Quốc.
"Không miễn nhiễm"
Mặc dù sàn giao dịch tiền điện tử FTX của Bankman-Fried cũng bị thiệt hại vì đà lao dốc của các tài sản kỹ thuật số, song vị CEO 30 tuổi này cho biết tăng trưởng thị phần của công ty giúp bù đắp được phần nào "nỗi đau".
"Không phải chúng tôi không miễn nhiễm với nó, mà là chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để tăng cường sự hiện diện của mình trong năm qua. Và chúng tôi có một nền tảng ít phụ thuộc vào nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn là những người có xu hướng giao dịch theo tâm lý thị trường hơn", Bankman-Fried nói.
Phần lớn khối lượng giao dịch của FTX đến từ những khách hàng giao dịch ít nhất 100.000 USD mỗi ngày, thường là những công ty giao dịch số lượng nhỏ, văn phòng gia đình và các nhà giao dịch trong ngày, Bankman-Fried cho hay. FTX cũng từng khẳng định người dùng của công ty ít nhạy cảm với giá tiền điện tử và giữ vững tinh thần tương đối tốt khi tài sản này rơi vào thị trường "gấu".
CNBC từng đưa tin hồi tháng 8 rằng sàn giao dịch tiền điện tử này ghi nhận doanh thu khoảng 1 tỷ USD trong năm 2021. Bankman-Fried cũng xác nhận các kết quả tài chính đang đi đúng hướng và năm nay sẽ ghi nhận con số tương tự, tuỳ thuộc vào việc thị trường giảm tới mức nào. Anh cũng cho biết công ty đang có lãi.
FTX ghi nhận đà tăng trưởng ngoạn mục kể từ khi Bankman-Fress cùng người đồng sáng lập Gary Wang ra mắt sàn giao dịch này vào năm 2019. Ảnh: Global Business Outlook.
Theo Bankman-Fried, ít nhân viên là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. FTX có khoảng 350 nhân viên, tương đương khoảng 1/10 số lượng nhân viên của Coinbase.
Bankman-Fried tốt nghiệp khoa vật lý của Viện Công nghệ Massachusetts và bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà giao dịch định lượng tại Jane Street Capital. Anh ấy mua bitcoin đầu tiên vào 5 năm trước và dần bị cuốn vào thị trường này. Năm 2017, anh ra mắt công ty giao dịch độc quyền Alameda Research để bắt đầu giao dịch tiền điện tử toàn thời gian. Có thời điểm, công ty này kiếm được 1 triệu USD mỗi ngày, bằng cách mua tiền điện tử trên một sàn giao dịch ở một thị trường nào đó rồi bán lại trên các sàn giao dịch toàn cầu khác.
Alameda Research vẫn chiếm khoảng 6% khối lượng giao dịch trên FTX, theo các tài liệu CNBC thu thập được. Dù vẫn là một cổ đông lớn ở Alameda, Bankman-Fried lại không tham gia vào hoạt động hàng ngày của công ty. Anh cho biết anh đã làm việc trong vài năm qua để loại bỏ xung đột lợi ích tại Alameda.
FTX ghi nhận đà tăng trưởng ngoạn mục kể từ khi Bankman-Fress cùng người đồng sáng lập Gary Wang ra mắt sàn giao dịch này vào năm 2019. Tháng 1, công ty huy động được 400 triệu USD với mức định giá 32 tỷ USD, đưa tổng vốn đầu tư mạo hiểm trong ba năm qua lên khoảng 2 tỷ USD.
FTX Trading Ltd. từng mua lại một số công ty ở nhiều quốc gia, như Thụy Sĩ, Australia, Síp, Đức, Gibraltar, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Sàn giao dịch này chi khoảng một nửa số tiền mặt của mình cho các khoản cứu trợ và sáp nhập, mà thương vụ gần đây nhất là mua 30% cổ phần tại Skybridge Capital của Anthony Scaramucci.
"Chúng tôi vẫn còn một ít tiền để thực hiện các thương vụ nếu nó hữu ích hoặc quan trọng", Bankman-Fried cho biết.
Bước ngoặt
FTX hưởng lợi từ việc trở thành một công ty tư nhân trong năm nay. Đó là họ không bị ảnh hưởng bởi sự tăng - giảm giá hàng ngày như một cổ phiếu bình thường. Bankman-Fried cũng cho biết khi cần hành động nhanh chóng để chốt thoả thuận với đối tác, họ cũng không phải tốn sức xin ý kiến của hàng nghìn cổ đông.
"Thực tế, việc này sẽ khó hơn rất nhiều nếu bạn làm với tư cách là một công ty đại chúng. Khi bạn chỉ có 3 ngày từ khi bắt đầu cho tới khi kết thúc một thương vụ rồi xuống tiền, bạn không thể đủ thời gian thực hiện một mớ quy trình như một công ty đại chúng phải làm", CEO của FTX nói.
Bankman-Fried cho biết nhiều thương vụ của họ được quyết định và thực hiện chỉ trong vài ngày và những ngày đó, đội ngũ nhân sự của anh hầu như không ngủ.
Warren Buffett thế hệ tiếp theo?
Những động thái mới nhất của Bankman-Fried trong lĩnh vực tiền điện tử được so sánh với chiến lược đầu tư của tỷ phú Warren Buffett vào năm 2008. Chủ tịch kiêm CEO của Berkshire Hathaway từng ngăn chặn được tình trạng thua lỗ triền miền trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng khoản đầu tư 5 tỷ USD vào Goldman Sachs. Khoản đầu tư này sau đó mang lại cho tập đoàn 3 tỷ USD lợi nhuận.
Bankman-Fried cho biết anh đang tìm những doanh nghiệp mà vừa có thể trở thành khoản đầu tư tốt của FTX vừa là nơi để anh hỗ trợ họ, khách hàng cũng như hệ sinh thái của họ. Bankman-Fried luôn tâm niệm một lời khuyên của nhà đầu tư tỷ phú Buffett rằng: "Bạn không cần phải có một khối óc sáng tạo hay sáng suốt xuất sắc, bạn có thể làm được điều đó bằng cách đưa ra những quyết định đúng đắn trong nhiều thập kỷ và kết quả sẽ cộng dồn cho bạn sau đó".
Tỷ phú Warren Buffett cho biết sẽ không mua tất cả bitcoin trên thế giới dù chỉ với giá 25 USD vì nó không tạo ra bất cứ thứ gì. Ảnh: CNBC.
Giống như ông Buffett, Bankman-Fried từng ký cam kết Giving Pledge, một thoả thuận giữa những người giàu có nhất thế giới nhằm quyên góp phần lớn tài sản của mình cho hoạt động từ thiện. CEO của FTX cho biết anh đã cho đi khoảng 100 triệu USD trong năm nay cho hoạt động ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.
Bankman-Fried cũng sở hữu tính cách khiêm tốn giống như ông Buffett. Bankman-Fried đang ở chung nhà với 10 người bạn cùng một chú chó giống Goldendoodle tên là Gopher. Anh có một chiếc Toyota Corolla và khẳng định bản thân không có hứng thú với những thứ đắt đỏ hơn như du thuyền hay Lamborghini.
Tuy nhiên, hai nhà đầu tư này lại có quan điểm trái ngược với tiền điện tử.
Đầu năm nay, ông Buffett cho biết sẽ không mua tất cả bitcoin trên thế giới dù chỉ với giá 25 USD vì nó không tạo ra bất cứ thứ gì. Ông cùng bạn đồng hành của mình, Charlie Munger, đều lên tiếng chỉ trích về tiền điện tử suốt nhiều năm qua.
Trong khi đó, Bankman-Fried cho rằng: "Tôi nghĩ ông ấy không nên điều hành một công ty nếu nghĩ như vậy. Tôi cho là ông ấy không thực sự nghĩ như thế và thông tin đó rất có thể đã bị cường điệu hoá. Còn nếu đúng, thì ông ấy đã bỏ lỡ sức mạnh của blockchain..."
Sundar Pichai đi phỏng vấn xin việc: Trả lời thẳng chưa từng dùng Gmail nhưng vẫn được nhận rồi trở thành CEO Google Câu trả lời phỏng vấn ngắn gọn và trực diện, đầy bất ngờ của Sundar Pichai đã mở ra cánh cửa vào Google cho ông, để rồi giờ đây ông là một trong những con người quan trọng nhất đang điều hành gã khổng lồ công nghệ này. Thông thường trong một cuộc phỏng vấn xin việc, ta đều cố gắng hết sức...