CEO của Google cảnh báo về tác động của AI tới xã hội
Ngày 16/4, Giám đốc điều hành hãng Google, ông Sundar Pichai, cảnh báo xã hội chưa chuẩn bị sẵn sàng cho sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Biểu tượng Google trên màn hình điện thoại thông minh. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Mới đây, Google cho ra mắt sản phẩm chatbot thử nghiệm mang tên Bard, có ứng dụng công nghệ AI, sau khi “kình địch” Microsoft thông báo tích hợp ứng dụng ChatGPT của OpenAI vào phiên bản nâng cấp của công cụ tìm kiếm Bing. Kể từ khi ra mắt vào năm 2022, ChatGPT của OpenAI đã tạo ra “cơn sốt” trong giới công nghệ và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, dư luận ngày càng lo ngại về hậu quả của công nghệ AI đối với con người. Tháng trước, lãnh đạo các tập đoàncông nghệ như Elon Musk, Steve Wozniak cùng với 25.000 người khác đã ký vào thư ngỏ kêu gọi tạm dừng ngay lập tức các thử nghiệm phát triển hệ thống ngôn ngữ mạnh hơn GPT-4 của OpenAI.
Google đã công bố bản thảo khuyến nghị các điều khoản quản lý AI nhưng ông Pichai cho rằng xã hội phải nhanh chóng tìm cách thích ứng, với việc trang bị các quy định, luật trừng phạt lạm dụng và các hiệp ước giữa các quốc gia nhằm đảm bảo AI an toàn cho thế giới. Chia sẻ tại chương trình “60 Minutes” của Đài truyền hình CBS (Mỹ), CEO của Google, Sundar Pichai cho rằng việc xây dựng luật quản lý AI để đảm bảo công nghệ này được ứng dụng một cách an toàn và phù hợp với các giá trị nhân văn sẽ không thể do một công ty công nghệ tự quyết định, mà còn cần có sự tham gia từ các nhà khoa học xã hội, các chuyên gia đạo đức và các nhà nghiên cứu trong những lĩnh vực liên quan khác.
Bên cạnh đó, ông Pichai còn đưa ra cảnh báo AI sẽ tác động đến “mọi sản phẩm của mọi công ty”. Ông đánh giá các công nghệ mới có khả năng làm việc giống con người đang trở nên “đáng lo ngại”, khi các ứng dụng AI có thể thực hiện một số công việc, trong đó có thể kể đến nhà văn, kế toán, kiến trúc sư, bác sĩ hay thậm chí cả kỹ sư phần mềm. Ngoài ra, vị CEO cho rằng vấn đề thông tin sai lệch, tin tức và hình ảnh giả mạo sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và có thể gây hậu quả khôn lường.
Video đang HOT
Khi được hỏi liệu xã hội đã sẵn sàng cho công nghệ AI như Bard hay chưa, ông Pichai cho biết một mặt ông tin rằng xã hội chưa kịp thích ứng, thể hiện qua thực tế rằng tốc độ tư duy và thích ứng của các tổ chức xã hội hiện chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của công nghệ.
Mặt khác, ông cũng lạc quan vì hiện nay nhiều người đã bắt đầu lo lắng về những hệ lụy của AI từ rất sớm, điều này khác so với khi các công nghệ trước đây xuất hiện.
Với thời lượng chương trình kéo dài 60 phút, ông Sundar Pichai cùng với người dẫn chương trình Scott Pelley đã có những trải nghiệm thú vị cùng với chatbot Bard, như nhận biết đồ vật, sáng tạo câu chuyện,… Tuy nhiên, khi trả lời một câu hỏi về lạm phát, ứng dụng Bard đã giới thiệu về 5 cuốn sách về lạm phát nhưng 5 cuốn sách này không hề tồn tại trên thực tế.
Ông Pichai lý giải Bard cũng có “ảo giác” và có những “hộp đen” bên trong ứng dụng này mà chính những nhà phát triển cũng không thể hiểu hết được. Câu trả lời này khiến Pelley ngỡ ngàng và thốt ra câu hỏi rằng “bạn không hoàn toàn hiểu về cách ứng dụng thông minh như người này vận hành mà vẫn ‘thả’ ra xã hội?”. CEO Google trả lời “chính con người cũng không thể hiểu hết suy nghĩ của loài người”.
OpenAI có nguy cơ bị kiện tại Australia vì thông tin sai lệch trên ChatGPT
Công ty OpenAI, chủ sở hữu ứng dụng ChatGPT, đang đối mặt với nguy cơ bị kiện tại Australia liên quan đến thông tin trên ChatGPT cho rằng một thị trưởng ở bang Victoria từng "ngồi tù vì tội nhận hối lộ".
Biểu tượng của OpenAI và ChatGPT. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây có thể là vụ kiện đầu tiên nhằm vào ứng dụng ngôn ngữ tự động đình đám của công nghệ công nghệ Mỹ liên quan đến hành vi "phỉ báng" người khác.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ông Brian Hood - Thị trưởng khu vực địa phương Hepburn Shire ở bang Victoria, tuyên bố sẽ khởi kiện OpenAI nếu công ty này không đính chính thông tin sai sự thật trên ChatGPT cho rằng ông từng nhận hối lộ trong vụ bê bối liên quan đến một công ty con của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương Australia) vào đầu những năm 2000.
Các luật sư đại diện của ông Brian Hood cho biết thực tế là ông từng làm việc cho công ty in tiền Note Printing Australia, song ông là người đã thông báo cho nhà chức trách về các hoạt động hối lộ giữa công ty với các quan chức nước ngoài để giành hợp đồng in tiền, trái với thông tin mà ứng dụng ChatGPT đưa ra.
Các luật sư cho biết họ đã gửi một lá thư bày tỏ lo ngại tới chủ sở hữu ChatGPT là OpenAI vào ngày 21/3, trong đó đề nghị OpenAI khắc phục những lỗi sai về thông tin trong vòng 28 ngày, nếu không sẽ phải đối mặt với một vụ kiện "xúc phạm danh dự người khác".
Đến nay, công ty có trụ sở tại San Francisco, Mỹ vẫn chưa hồi đáp bức thư pháp lý của ông Hood.
Nếu ông Hood khởi kiện, đây có thể là lần đầu tiên một cá nhân kiện chủ sở hữu ChatGPT liên quan đến những sản phẩm ngôn ngữ tự động do ứng dụng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) này đưa ra.
ChatGPT là ứng dụng được sử dụng ngày càng phổ biến và đã được Microsoft tích hợp vào công cụ tìm kiếm "Bing" của mình hồi tháng 2 vừa qua.
Ông James Naughton, đối tác tại công ty luật Gordon Legal của ông Hood, cho rằng đây có thể là thời điểm mang tính bước ngoặt, đánh dấu bước đầu áp dụng "luật phỉ báng" vào một lĩnh vực mới như AI và các ấn phẩm trên không gian mạng.
Theo luật pháp Australia, chi phí bồi thường thiệt hại do làm tổn hại danh dự của người khác lên tới 400.000 AUD (tương đương 268.410 USD).
Trung Quốc bất ngờ cấm ChatGPT Chính phủ Trung Quốc cấm tất cả hãng công nghệ trong nước cung cấp dịch vụ ChatGPT dưới bất cứ hình thức nào. "Các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Tencent hay Alibaba đều đã nhận được chỉ đạo từ giới chức về việc ngừng cung cấp dịch vụ ChatGPT cả trực tiếp lẫn gián tiếp thông qua nền tảng...