CDC Châu Phi cảnh báo không nên hạn chế đi lại vì dịch marburg và đậu mùa khỉ
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 9/10, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC) kêu gọi các quốc gia trên thế giới kiềm chế việc áp dụng lệnh cấm đi lại hoặc hạn chế di chuyển nhắm vào các quốc gia châu Phi trong bối cảnh dịch bệnh do bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ( mpox) và bệnh do virus marburg gây ra.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tại bệnh viện ở tỉnh Bắc Kivu, CHDC Congo ngày 15/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Tuyên bố của CDC châu Phi nêu rõ các biện pháp như vậy không phù hợp với các hướng dẫn y tế quốc tế và có nguy cơ làm suy yếu các phản ứng y tế công cộng, làm sâu sắc thêm các thách thức kinh tế cũng như khơi lại sự bất bình đẳng và ngờ vực đã xuất hiện trong đại dịch COVID-19, đặc biệt là giữa Bắc Bán cầu và Nam Bán cầu.
CDC châu Phi nhấn mạnh rằng các hạn chế đi lại không được khuyến khích, trừ phi có bằng chứng thuyết phục, vì các biện pháp như vậy trong lịch sử đã cho thấy phản tác dụng, làm chậm các nỗ lực ứng phó, gia tăng tâm lý lo lắng của công chúng và làm gián đoạn khả năng di chuyển toàn cầu.
Video đang HOT
Thay vào đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC châu Phi khuyến nghị tập trung vào việc giám sát chặt chẽ hơn, phát hiện sớm, quản lý ca bệnh, tiêm chủng có mục tiêu và sự tham gia của cộng đồng như những chiến lược hiệu quả nhất để kiểm soát các đợt bùng phát.
CDC châu Phi tiếp tục tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ với tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng và các đối tác quốc tế để chống lại các đợt bùng phát mpox và marburg đang diễn ra thông qua các giải pháp phối hợp và dựa trên khoa học, ưu tiên an ninh y tế và ổn định kinh tế.
Tuần trước, CDC châu Phi thông báo ghi nhận tổng cộng 34.297 ca đậu mùa khỉ, trong đó 866 ca tử vong, kể từ đầu năm đến nay.
Mới đây nhất, Rwanda đã tuyên bố bùng phát bệnh do virus marburg vào ngày 27/9 và tính đến ngày 4/10 quốc gia này đã ghi nhận 36 ca nhiễm và 11 ca tử vong.
CHDC Congo phát động chiến dịch tiêm chủng phòng đậu mùa khỉ
Ngày 5/10, CHDC Congo, tâm điểm của dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) ở châu Phi - đã phát động chiến dịch tiêm chủng tại thành phố Goma ở phía Đông.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tại bệnh viện ở tỉnh Bắc Kivu, CHDC Congo ngày 19/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Chiến dịch bị chậm 3 ngày so với kế hoạch ban đầu do khó khăn trong việc vận chuyển vaccine. Hiện những mũi vaccine đầu tiên đã được tiêm cho nhân viên các bệnh viện và dự kiến chương trình sẽ được mở rộng tới người dân ở miền Đông từ ngày 7/10.
Theo Chánh văn phòng Bộ Y tế CHDC Congo, Romain Muboyayi, nước này sẽ tiến hành "chiến dịch toàn diện" chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Cho đến nay, Congo đã nhận được 265.000 liều vaccine, bao gồm cả vaccine do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng triệu liều vaccine nữa sẽ được Pháp, Nhật Bản và Mỹ cung cấp theo các cam kết trước đó.
Bộ trưởng Y tế CHDC Congo, Samuel-Roger Kamba, cho biết từ đầu năm đến nay tại nước này đã có hơn 30.000 ca mắc đậu mùa khỉ, trong đó có 988 ca tử vong, phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi. Ông Kamba nói rõ hiện Congo chưa thể tiến hành tiêm chủng đại trà mà sẽ chỉ hướng tới những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Các vaccine phòng đậu mùa khỉ hiện có tại Congo là sản phẩm của hãng dược Bavarian Nordic (Đan Mạch), chỉ dành cho người lớn. Congo đang phải đàm phán để có thêm nguồn cung cấp từ Nhật Bản, nơi đã bào chế thành công vaccine sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em. Trước đó, Nhật Bản đã cam kết cung cấp 3 triệu liều vaccine cho Congo.
Trong khi đó, trong tuyên bố đưa ra hồi tháng trước tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Tổng thống Joe Biden cho biết Washington dự định tài trợ 1 triệu liều vaccine phòng đậu mùa khỉ cho khu vực châu Phi, trong đó có Congo. Ông Biden nói: "Chúng tôi sẵn sàng cam kết hỗ trợ 500 triệu USD để giúp các quốc gia châu Phi ngăn chặn và ứng phó với dịch bệnh, cũng như tài trợ 1 triệu liều vaccine phòng bệnh ngay từ bây giờ".
Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 tại Đan Mạch trong quá trình nghiên cứu về loài khỉ. Căn bệnh này sau đó được phát hiện ở người vào năm 1970 tại khu vực mà ngày nay là CHDC Congo.
Đến tháng 5/2022, virus gây bệnh đã thu hút sự chú ý của quốc tế khi chủng clade 2b lan rộng ra nhiều nước, chủ yếu ảnh hưởng đến cộng đồng đồng tính nam và người song tính.
Tháng 7 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu, mức độ cảnh báo cao nhất của tổ chức này. Theo WHO, tiêm phòng vaccine là biện pháp quan trọng bổ sung cho các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
CDC châu Phi: Dịch bệnh đậu mùa khỉ ở châu lục chưa thể kiểm soát Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi ngày 19/9 cảnh báo dịch bệnh đậu mùa khỉ ở khu vực này vẫn chưa được kiểm soát khi một số quốc gia vẫn ghi nhận số trường hợp mắc bệnh đang gia tăng. Nhân viên y tế làm việc tại trung tâm điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở ngoại...