Cầu thủ Việt khóc dở mếu dở vì bị mạo danh trên Facebook
Facebook trở thành kênh thông tin không thể thiếu với nhiều cầu thủ Việt Nam, nhưng không ít người gặp rắc rối từ cơ chế mở của mạng xã hội này.
Chỉ cần vài hình ảnh và thông tin sưu tầm được, ai cũng có thể dễ dàng lập những trang cá nhân giả mạo cầu thủ nổi tiếng. Thời gian qua, nhiều ngôi sao sân cỏ Việt trở thành “nạn nhân”, bị mang tiếng xấu và phải mất công sức thanh minh để được “trong sạch”.
Facebook ‘xịn’ của Lê Công Vinh. Ảnh: CMH.
Lee Nguyễn là một trong những cầu thủ bị mạo danh nhiều nhất. Tiền vệ Việt kiều thậm chí từng bị chỉ trích nặng nề sau những hành động được cho là “ném đá” trên Facebook. Những cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra vì người hâm mộ cho rằng Lee Nguyễn có lời nói tục tĩu. Không còn cách nào khác, cầu thủ đang chơi ở giải nhà nghề Mỹ (MLS) phải lên tiếng khẳng định chưa bao giờ xúc phạm ai và mình chỉ là nạn nhân của trò giả mạo.
Gần đây, trang Facebook lấy tên Lee Nguyễn ở Texas (Mỹ) liên tiếp có tranh cãi gay gắt với ca sĩ Pha Lê và buông lời mỉa mai đẳng cấp của đội tuyển Việt Nam trong trận giao hữu với CLB Arsenal. “Tại sao báo chí ở Việt Nam một lần nữa đặt tôi vào cái trò hề như vậy… Cô ấy là ai, làm gì, tôi không biết cô ấy, kết quả là rất ấn tượng vì cô ấy có một khuôn mặt rất xấu… hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ gặp được cô haha”, nick Lee Nguyễn viết. Sau đó, một status cũng đưa ra nhận định về trận đấu của đội tuyển Việt Nam: “Arsenal đấu với Việt Nam, Việt Nam thắng. Điều đó không thể xảy ra bởi vì sự khác biệt đẳng cấp. Bóng đá Việt Nam chỉ được biết đến bởi phong cách chơi bạo lực”.
Video đang HOT
Ngay sau phát biểu này, Lee Nguyễn đã bị phản ứng mạnh. Nhiều người cho rằng anh không trụ lại được ở Việt Nam, giờ quay lại nói xấu đội bóng quê hương. Tất cả diễn biến trên đang khiến hình ảnh của anh xấu đi trông thấy. Tuy nhiên, ngay sau đó, Lee Nguyễn “xịn” lên tiếng: “Tôi chỉ có một Facebook duy nhất là Lee Nguyen’s Offical Page, ngoài ra mọi tài khoản khác sử dụng tên và hình ảnh của tôi đều là giả mạo”.
Lee Nguyễn cho rằng không khó để phát hiện ra dấu hiệu mạo danh, khi địa chỉ đăng bình luận đều ghi là tiểu bang Texas, nhưng Lee Nguyễn lại đang ở Boston – nơi CLB New England Revolution đóng quân. Hơn nữa, Lee Nguyễn cho biết không có thói quen viết tiếng Việt bởi thực sự vốn tiếng Việt của anh không nhiều. Cầu thủ Việt kiều đang muốn tập trung chuyên môn. Hiện tại, anh thi đấu rất ấn tượng tại giải MLS và đang hy vọng sẽ được gọi trở lại tuyển Mỹ tham dự World Cup 2014.
Hồi năm 2012, cựu đội trưởng tuyển Việt Nam Minh Phương cũng dính scandal vì bị giả mạo Facebook. Trên trang mạng xã hội, nick Minh Phương đưa ra nhiều lời bình về bóng đá Việt Nam và về đội tuyển vừa thất bại tại AFF Cup. Tác giả viết lời bình với nội dung khá sốc: “Ở cấp thượng tầng, của bộ máy bóng đá nước nhà, các vị chức sắc luôn tung hô giải đấu V-League là giải đấu số một Đông Nam Á…”. Sau đó, Minh Phương phải lên tiếng để khẳng định mình chưa sử dụng Facebook để xóa đi những dư luận không hay về mình. “Tôi chỉ có thời gian để chăm sóc cho gia đình với hai đứa con chứ không rảnh để viết comment này nọ”, tiền vệ người Đồng Nai cho biết.
Mới đây nhất, ngôi sao số một của bóng đá Việt Nam hiện nay Công Vinh cũng đang đau đầu vì bị mạo danh rất nhiều trên Facebook. Tất nhiên những người này đều có ý đồ xấu, thậm chí làm mọi cách để bôi nhọ hình ảnh Công Vinh trên mạng xã hội. Hôm qua, quá bức xúc, Công Vinh phải lên tiếng và thay ảnh đại diện trên trang cá nhân bằng tấm hình mặc áo CLB mới Consadole Sapporo. “Trang này có ghi chú rất rõ là do chính tôi quản lý. Còn những trang khác đều là giả mạo”, Công Vinh nói.
Các cầu thủ nổi tiếng đang trở thành “miếng mồi ngon” của kẻ mạo danh Facebook. Chính vì thế, hầu hết giới quần đùi áo số đều hạn chế tiếp xúc, nói chuyện với người lạ, đồng thời có những thông tin chứng minh mình là “xịn” trên Facebook. Dù vậy, thỉnh thoảng lại xuất hiện những câu “chém gió” hay “ném đá” của những kẻ mạo danh, khiến các cầu thủ chỉ biết khóc dở mếu dở.
Theo VNE
Công Vinh và hai lần xuất ngoại
Cho đến giờ, Công Vinh vẫn là cầu thủ Việt Nam được ra nước ngoài thi đấu nhiều nhất.
Chiều 22/7, lãnh đạo CLB Consadole Sapporo cùng SLNA ký kết hợp đồng và Công Vinh sẽ khoác áo đội bóng hạng Nhì Nhật Bản trong khoảng 5 tháng. Như vậy, đây là lần thứ hai Công Vinh được ra nước ngoài thi đấu, nhưng chắc chắn anh sẽ không bị tiếng là đi "học việc" như đợt trước.
Công Vinh mặc chiếc áo của Consadole Sapporo trong lễ ký hợp đồng tại TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: Mai Hương.
Năm 2009, ngay sau khi kết thúc vòng 26 V-League, Công Vinh sang CLB Leixoes (Bồ Đào Nha) khoác áo theo hợp đồng ngắn hạn từ tháng 9-12/2009. Công Vinh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng ở giải đấu hàng đầu châu Âu, Portuguese Liga.
Mối liên hệ giữa Công Vinh và Leixoes bắt nguồn từ HLV Calisto. Đây cũng là phi vụ được xem là có dấu lớn của bầu Hiển. Khi đó, Hà Nội T&T mới thăng hạng nên rất cần đánh bóng thương hiệu. Vì thế, việc đưa Công Vinh sang Bồ Đào Nha thử việc ở CLB Leixoes đã tạo nên "cơn địa chấn". Ai cũng thấy rõ ngay từ đầu cơ hội để Công Vinh được đá chính tại Leixoes chỉ là giấc mơ nhưng cũng phải thừa nhận Công Vinh đi vào trang sử bóng đá Việt Nam khi là cầu thủ Việt đầu tiên đá ở châu Âu.
Thực tế, Công Vinh chủ yếu ngồi trên băng ghế dự bị của Leixoes. Trong 4 tháng tại đây, tiền đạo xứ Nghệ một lần đá chính, một lần vào thay người ở giải quốc gia, hai lần đá chính ở các giải đấu phụ. Công Vinh ghi được 3 bàn thắng, một bàn ở Cup quốc gia Bồ Đào Nha vào lưới đội hạng Ba và cú đúp vào lưới đội bóng không tên tuổi Victoria Guimares ở League Cup (tổ chức theo vùng miền). Lời chia tay của Công Vinh tại Leixoes là trận cuối cùng trong năm 2009, gặp Olhanense. Tuy nhiên,Công Vinh thậm chí còn không có tên trong danh sách thi đấu của đội bóng Bồ Đào Nha.
Có nhiều ý kiến cho rằng Công Vinh sang Bồ Đào Nha chỉ là học việc, phục vụ mục đích của bầu Hiển hay HLV Calisto ở phía sau. Nhưng việc chân sút Nghệ An sang Bồ cũng là một sự kiện ít nhiều vượt ra khỏi biên giới của bóng đá Việt Nam. Nếu cứ coi là chuyến đi học việc, Công Vinh cũng đã có những bài học vỡ lòng quý báu, giúp tiền đạo này trưởng thành hơn rất nhiều trong sự nghiệp thi đấu sau này.
Chỉ có điều, dù khoác áo đội bóng của giải vô địch Bồ Đào Nha, sự thừa nhận của người hâm mộ với Công Vinh, sự ghi nhận của CLB Leixoes gần như bằng không. CV89 vẫn chỉ dừng lại ở một kỷ lục, một cột mốc mới với bóng đá Việt Nam. Bởi sau khi Công Vinh khoác áo Leixoes, bóng đá Việt Nam vẫn quá xa lạ với các đội bóng châu Âu.
Các giải đấu của Nhật Bản tất nhiên không được đánh giá cao bằng các CLB châu Âu, nhưng đây cũng là lần đầu tiên một cầu thủ Việt Nam thi đấu tại đất nước mặt trời mọc.
Consadole Sapporo thành lập năm 1935 và hiện thi đấu ở giải hạng Nhì Nhật Bản. Đội từng đạt giành giải vô địch Nhật Bản năm 1977, vô địch giải hạng Nhì năm 1979 và mùa 1988-89, đoạt Cup Liên đoàn 1981 (với tên gọi Toshiba Horikawa-cho S.C), đoạt Cup Liên đoàn Nhật năm 1997, vô địch hạng Nhì năm 2000 và 2007 (với tên gọi Consadole Sapporo).
Chẳng phải tự nhiên Consadole Sapporo theo đuổi Công Vinh trong suốt hơn nửa năm như vậy. Màn trình diễn của Công Vinh từ đầu mùa V-League hoàn toàn chinh phục đội hạng Nhì Nhật Bản. Lần này, cơ hội đá chính của Công Vinh sẽ lớn hơn nhiều, thay vì mài đũng quần như ở Leixoes. Cựu chân sút SLNA sẽ có dịp được thể hiện hết tài năng của mình, mở ra cơ hội phát triển sự nghiệp, thay vì phục vụ cho mục đích nào đó.
Mỗi lần xuất ngoại của Công Vinh mang đến những cảm xúc khác nhau. Những người hâm mộ bóng đá Việt Nam mong chàng trai sinh năm 1985 thành công, không chỉ giúp anh tiến thân, mà còn mở ra cánh cửa "xuất ngoại" với những cầu thủ tài năng khác của Việt Nam.
Theo VNE
Vụ "CV9 đi Nhật" từ góc nhìn ở...quán bia Câu chuyện Công Vinh sắp sang Nhật du đấu đang được bàn luận rôm rả, xin gửi đến bạn đọc ghi chép từ một... bàn nhậu. Công Vinh sang Nhật đơn thuần chỉ để quảng cáo bia hay vì chuyên môn? - Này, có cái vụ Consadole Sapporo mua Công Vinh vui quá ha? - Vui gì ông ơi, họ mua làm PR...