Cầu thủ U19 của bầu Đức: Chưa ra trường đã có lãi
Được đầu tư nhiều tiền của trong dài hạn, U19 Việt Nam trở thành sản phẩm ‘đến ngày hái quả’ của bầu Đức.
Công Phượng và các đồng đội tạo tiếng vang lớn nhờ chuyến tập huấn ở châu Âu. Ảnh: TT.
Sau khi trình làng trong năm 2013 với hai giải đấu vô địch Đông Nam Á và vòng loại châu Á rất thành công, U19 Việt Nam tiếp tục là hiện tượng trong năm nay, với sự khởi đầu nhiều để lại nhiều dư vị vui buồn tại Cup TP HCM. Trong lịch sử, chưa có đội bóng trẻ nào lại tạo nên hiệu ứng tích cực như U19 Việt Nam, đội bóng với nòng cốt là các cầu thủ Học viện HAGL. Ngay cả lứa U16 của Văn Quyến năm nào, cũng không nhận được sự quan tâm bằng U19 bây giờ.
Thương hiệu U19 càng đình đám khi đội bóng trẻ của bầu Đức thi đấu tưng bừng trong chuyến tập huấn châu Âu – được đánh giá tốn kém nhất trong lịch sử bóng đá Việt. Dù vậy, kết quả và hiệu ứng thu được của chuyến đi cũng không ít hơn số tiền bầu Đức bỏ ra. Đây là kế hoạch chuẩn bị của bầu Đức dành cho các cầu thủ U19, trước khi toàn đội có thêm chuyến tập huấn tại Nhật Bản, rồi tham dự giải vô địch Đông Nam Á và đặc biệt là vòng chung kết U19 châu Á trong năm nay.
Chuyến tập huấn châu Âu của U19 Việt Nam ngốn khoản kinh phí hơn 400.000 USD (hơn 8 tỷ đồng) của bầu Đức và các đối tác. Với mục tiêu nâng tầm hơn nữa về mọi mặt cho các cầu thủ trẻ, bầu Đức chưa bao giờ tiếc tiền. Nhưng chắc chắn ông bầu giỏi kinh doanh này cũng rất tinh tường để nhìn thấy những lợi ích từ U19 đem lại.
U19 Việt Nam chọn U19 Arsenal là đối thủ đá giao hữu đầu tiên trong chuyến tập huấn châu Âu của mình, đúng ngày lượt trận cuối của vòng loại Asian Cup 2015 diễn ra. Trong khi trên sân Mỹ Đình tuyển Việt Nam gặp Hong Kong thì mọi sự chú ý của người hâm mộ đổ dồn về trận giao hữu không khán giả ở London. Dù rằng, U19 Arsenal không tung ra đội hình mạnh nhất với nhiều cầu thủ trẻ ở lứa tuổi 15-16.
Bầu Đức xây Học viện bóng đá phục vụ mục tiêu “xuất khẩu” và nếu vậy, U19 Việt Nam là một sản phẩm kinh doanh của bầu Đức. Ông chủ của Tập đoàn HAGL tuyên bố sẵn sàng bán các cầu thủ được đào tạo tới giải hạng hai, hạng ba ở Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha hay J-League. Chuyến tập huấn châu Âu thi đấu giao hữu với các đội bóng “vừa tầm” hay thậm chí là yếu giúp U19 Việt Nam được biết đến phần nào ở làng bóng đá lục địa già. Công việc PR hình ảnh cũng được làm rất tốt. Sau mỗi trận đá tập của U19, những thông tin và hình ảnh của đội tràn ngập trên mạng là minh chứng cho điều này.
Chuyến tập huấn tiêu tốn hơn 8 tỷ đồng nhưng ông bầu này không phải là người phải bỏ ra toàn bộ, bởi trên áo thi đấu, tập luyện của U19 đang gắn logo của nhiều nhà tài trợ. Quan trọng hơn, thương hiệu U19 đang rất hot, giúp tài sản bầu Đức tăng thêm một khoản lớn từ sàn chứng khoán đầu năm nay. Dù gì, dẫu có mục đích kinh doanh, việc thi đấu với tinh thần quả cảm, lối chơi đẹp mắt, cống hiến và fairplay, U19 Việt Nam vẫn xứng đáng được gửi gắm niềm tin và tình yêu.
Theo VNE