Cầu thủ chuyên nghiệp thời cách ly tránh dịch
Làng bóng thế giới gần như đóng băng tất cả bởi đại dịch COVID-19 và hiếm hoi lắm mới có một số CLB của Đức bắt đầu tập luyện trở lại để chuẩn bị cho bóng lăn phần còn lại của mùa giải.
Riêng với V-League, sau hai cuộc họp dự kiến tái khởi động vào giữa tháng 4 hoặc đầu tháng 5 đã phá sản và không biết đến bao giờ các cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức giải.
Vấn đề rất đáng quan tâm của các CLB nói chung là việc cầu thủ cần bao nhiêu thời gian để lấy lại thể lực một cách bảo đảm nhất cho cường độ vận động cao trong suốt 90 phút?
Theo nhiều HLV có kinh nghiệm ở V-League lẫn giải hạng Nhất thì cầu thủ cần ít nhất hai tuần để tăng tốc tập luyện, có thể kéo dài ba tuần đến cả tháng mới sẵn sàng mọi thứ cho khả năng thi đấu trở lại với điểm rơi phong độ hoàn chỉnh. Cũng do thời gian nghỉ quá dài và kế hoạch tự tập luyện ở mỗi đội bóng khác nhau, họ rất cần các nhà làm giải toan tính kỹ thời điểm bóng lăn trở lại, chứ không phải chọn ngày rồi bắt CLB phải theo.
Các cầu thủ Man Utd sau buổi tập này đã chia tay về tập riêng chờ ngày đá lại. Ảnh: GETTY IMAGES
Ở giải Đức, một số CLB đã bắt đầu tập luyện và như HLV Julian Nagelsmann của Dortmund tiết lộ các cầu thủ của ông không mất quá nhiều thể lực cùng sự trở lại bình thường sau một hoặc hai tuần nữa.
Còn HLV thể lực Juanjo Del Ojo của CLB Monaco ở giải Ligue 1 (Pháp) tiết lộ: “Nó phụ thuộc vào thời gian cầu thủ ngừng tập trong bao lâu. Nếu kéo dài năm hoặc sáu tuần, chúng tôi sẽ cần tối thiểu ba tuần trước khi trở lại thi đấu một cách chắc chắn hơn và giảm nhiều nguy cơ chấn thương”.
Video đang HOT
Chuyên gia sức khỏe Xavier Frezza trợ giúp cho các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ở Pháp cặn kẽ hơn: “Cầu thủ ở châu Âu chưa bao giờ trải qua thời gian nghỉ dài vì dịch bệnh trong sự nghiệp họ. Một cầu thủ chuyên nghiệp chỉ có thể nghỉ ba đến bốn tuần vào mùa hè sau giải nhưng họ vẫn tập để duy trì thể lực trong điều kiện tốt.
Bây giờ họ nghỉ đến cả hai tháng là một thử thách kỳ lạ. Thời gian nghỉ quá dài buộc họ phải tính toán kỹ mối tương quan giữa số lượng các buổi tập đầy đủ trước khi trở lại thi đấu để giảm thiểu chấn thương.
Cho nên việc cầu thủ kỷ luật tự giác trong quá trình giải tạm dừng sẽ đóng một vai trò lớn. Dĩ nhiên, những cầu thủ giữ được vóc dáng và tránh tăng cân sẽ trở lại tốt hơn nhiều”.
Các CLB cần thông báo khoảng 3-4 tuần trước khi trở lại
V-League 2020 mới chỉ đá hai vòng không khán giả và tạm hoãn lần thứ ba, trong khi giải hạng Nhất lẫn Cúp quốc gia còn chưa kịp khởi tranh.
Hầu hết các CLB đều cho cầu thủ tự tập để duy trì thể lực.
Đến khi đá lại, các CLB mong được thông báo sớm trước khi đá lại khoảng 3-4 tuần để tất cả sẵn sàng trở lại với việc chuẩn bị tốt nhất.
ĐĂNG HUY – BẢO NHI
Bóng đá thế giới thiệt hại nặng nề
Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) ước tính chi phí hủy Euro 2020 lên đến 400 triệu euro cùng rất nhiều thiệt hại của làng bóng thế giới khi hầu hết giải đấu bị tạm hoãn vì COVID-19.
Hai trong các sự kiện quan trọng nhất của làng bóng đá bốn năm mới diễn ra một lần đã sẵn sàng cho mùa hè này nhưng cuối cùng phải dời sang năm 2021 bởi sự bùng phát khó lường của COVID-19.
Giải vô địch châu Âu, chỉ đứng sau World Cup về tầm quan trọng và giá trị của bóng đá quốc tế, bị hoãn lại cho đến năm 2021, sau cuộc họp của Hội đồng UEFA. Vài giờ sau, ban tổ chức Copa America, giải vô địch Nam Mỹ, dự kiến sẽ diễn ra đồng thời với Euro, tuyên bố rằng họ cũng chuyển sự kiện của mình ở hai quốc gia Argentina và Colombia dời lại một năm.
Euro 2020 dự kiến tổ chức tại 12 TP ở 12 quốc gia châu Âu khác nhau buộc phải hủy bỏ. Đây là một sự kiện mà UEFA dự kiến sẽ tạo ra nguồn thu hơn 2,5 tỉ USD, sau khi các nhà tổ chức đã nhận bán ra khoảng 30 triệu vé vào sân. Euro dự tính diễn ra ở nhiều địa điểm, từ Azerbaijan đến Ireland với trận bán kết và trận chung kết tại sân vận động Wembley ở London. UEFA đã tính có khoảng 400 nhân viên tổ chức sự kiện này trên các quốc gia và ước tính chi phí thiệt hại vào khoảng 400 triệu euro.
Euro 2020 đã chính thức hoãn vì đại dịch COVID-19 và Copa America cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, các giải vô địch quốc gia châu Âu đang đối diện nguy cơ mất khả năng thanh toán, thất nghiệp, bên cạnh những tác động tiềm tàng đối với nền kinh tế bóng đá, đặc biệt về phía các cầu thủ. Ước tính ở nước Đức có khoảng 60.000 người được tuyển dụng trực tiếp thông qua môn thể thao vua này.
Hậu quả của COVID-19 gây ra chưa tính hết bằng tiền. Một số cầu thủ và CLB đang có thành tích cao nhất bị cô lập, bao gồm nhà vô địch 13 lần Real Madrid, gã khổng lồ Juventus của Ý và 1/4 các CLB tại giải Ngoại hạng Anh. Một số quan chức liên đoàn bóng đá cũng đã tuyên bố họ nhiễm virus.
Trong vài tuần qua, bóng đá thế giới rơi vào cảnh bấn loạn, dù lác đác vẫn nỗ lực diễn ra như không có gì thay đổi hoặc gắng gượng thi đấu sau những cánh cửa sân đóng kín cho đến khi không có lựa chọn nào khác. Premier League ở Anh, giải đấu trong nước giàu có nhất của môn thể thao vua, là một trong những giải cuối cùng phải tạm dừng.
Sự lưỡng lự của một vài tổ chức bóng đá từng dẫn đến thái độ thất vọng và giận dữ của nhiều người. Cựu ngôi sao của Manchester United, Wayne Rooney, đã chỉ trích các cơ quan bóng đá đối xử với cầu thủ như... heo với chất vấn tại sao giải Anh vẫn chơi giữa mùa dịch COVID-19 rất nguy hiểm, trong khi các giải vô địch quốc gia châu Âu khác đã hoãn. Damiano Tommasi, một cựu cầu thủ Roma hiện đứng đầu hiệp hội các cầu thủ ở Ý, cũng giận dữ tố cáo các nhà làm bóng đá cấm khán giả vào sân mà lẽ ra phải hủy bỏ.
Một vấn đề lớn khác của làng bóng châu Âu khi dịch bệnh kéo dài trong sự gián đoạn thi đấu là hợp đồng với cầu thủ - thường kết thúc vào cuối tháng 6, khi xong mùa giải. Điều này có nghĩa là cầu thủ sẽ tiếp tục nhận lương mà không thi đấu nếu mùa giải diễn ra vào tháng 7 hoặc xa hơn. Hiện có nhiều CLB có dấu hiệu kêu gọi hỗ trợ tài chính để chống chọi qua ngày, chờ qua mùa dịch.
Euro hoãn và ảnh hưởng của các giải đấu khác
UEFA cũng cho biết sẽ tiếp tục các giải đấu vô địch quốc gia ở châu Âu đang vào giai đoạn cuối, kết thúc trước ngày 30-6, tại những nơi ít bị ảnh hưởng của COVID-19; cũng có nghĩa các trận đấu Champions League, thường diễn ra vào giữa tuần, có thể chơi vào cuối tuần.
Euro 2020 bị hoãn một năm có ảnh hưởng lớn đến lịch thi đấu bóng đá các giải quốc tế khác. Ngoài World Cup các CLB, vòng chung kết Euro bóng đá nữ đã lên kế hoạch từ năm 2021, giờ sẽ chuyển sang năm 2022. UEFA cũng cho biết tất cả sự kiện và trận đấu (bao gồm cả giao hữu) của CLB lẫn đội tuyển quốc gia của cả nam và nữ đều bị hoãn lại cho đến khi có thông báo mới.
Theo PLO
HLV Nagelsmann hân hoan khi tiễn HLV Mourinho rời Champions League HLV Julian Nagelsmann của RB Leipzig hân hoan khi đánh bại Tottenham để giành vé vào tứ kết Champions League 2019/2020. HLV Julian Nagelsmann vui mừng khi đội nhà giành vé vào tứ kết Champions League 2019/2020 (Ảnh: Getty). Sáng nay (11/3), RB Leipzig đã giành chiến thắng 3-0 trước Tottenham trong trận lượt về vòng 1/8 Champions League 2019/2020. Sau 2 lượt...