Cầu Nhật Tân khó về đích đúng hẹn
Cầu Nhật Tân, một trong những dự án trọng điểm, được trông đợi để giải tỏa áp lực lên cầu Thăng Long, theo kế hoạch, cầu sẽ hoàn thành vào năm 2014, tuy nhiên, hiện tiến độ các gói thầu đều ì ạch, liên tục phải điều chỉnh.
Theo kế hoạch, cầu sẽ hoàn thành vào năm 2014,
tuy nhiên, hiện tiến độ các gói thầu đều ì ạch, liên tục phải điều chỉnh
Video đang HOT
Chậm vì vướng mặt bằng
Cầu Nhật Tân được khởi công từ năm 2009 với 3 gói thầu. Dự án nối với tuyến đường sân bay Nội Bài, góp phần hoàn thiện đường vành đai 2 giải tỏa áp lực cho cầu Thăng Long. Theo ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Nhật Tân, Ban quản lý Dự án 85 (Bộ GTVT), tiến độ dự án bị ảnh hưởng do ách tắc trong khâu bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
Đến thời điểm này, giá trị toàn dự án mới hoàn thành được gần 60% khối lượng công việc. Còn theo ông Hoàng Trung Kính, Trưởng phòng GPMB, Ban quản lý Dự án Tả Ngạn, dự án cầu Nhật Tân đi qua 2 quận huyện của địa bàn Thủ đô với tổng diện tích phải thu hồi vĩnh viễn là gần 116 ha. Vướng mắc lớn nhất của toàn dự án nằm ở gói thầu số 2. Hiện gói thầu này vẫn vướng 2,3 ha đất của 280 hộ dân tại nút giao Phú Thượng (phường Phú Thượng – Tây Hồ) chưa được giải phóng. “Hiện đã có 164 hộ dân bàn giao mặt bằng và di dời. Tuy nhiên, đơn vị thi công không thể thi công được vì nhà cửa các hộ này xen kẽ với 116 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng do chưa đồng thuận với giá đền bù, đồng thời không chấp hành cho tổ công tác giải phóng mặt bằng của phường, quận vào kiểm đếm đo đạc. Vì vậy, công tác GPMB sạch gặp nhiều khó khăn”.
Tại hiện trường xây dựng cầu Nhật Tân, theo ghi nhận, tại công trường thi công dự án vẫn còn rất ngổn ngang. Hiện tại, nhà thầu đang thi công lớp móng mặt, bệ, trụ phần cầu dẫn và phần thân phía trên các trụ tháp, chế tạo các kết cấu thép, phủ dầm cầu lên các mố trụ thì đoạn được đoạn chưa… Ông Minh nhìn nhận, cả ba gói thầu mới đạt 35-63% khối lượng công việc. Cụ thể, gói thầu số 1 đạt 63% gói thầu số 2 đạt 35% gói thầu số 3 đạt 56,3%.
Đầy quyết tâm song tiến độ vẫn chậm
Theo ông Minh, gói thầu số 1 xây dựng cầu chính và cầu dẫn phía Bắc, được khởi công tháng 10-2009, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 10-2012. Nhưng đến nay, phần trụ tháp cầu đang thi công mố trụ và bắt đầu lắp dầm thép trên trụ đầu tiên.
Là gói thầu được khởi công sớm nhất vào tháng 4-2009 và được yêu cầu hoàn thành tháng 2-2012, song đến thời điểm này, nhiều hạng mục của gói thầu số 3 xây dựng đường dẫn phía Bắc (huyện Đông Anh) vẫn đang thi công đường dẫn và các cầu vượt nút giao Vĩnh Ngọc, cầu Sông Thiếp. Lý giải cho việc các gói thầu đều chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, ông Minh khẳng định, dự án đã bị ảnh hưởng do ách tắc trong khâu bàn giao mặt bằng sạch. Vì thế, toàn bộ dự án phải điều chỉnh tiến độ thi công.
Chứng minh cho điều này, ông Minh đưa ra dẫn chứng, các đơn vị thi công đều nhận mặt bằng làm nhiều đợt. Thậm chí, đến tháng 5 vừa qua, đơn vị thi công mới nhận hết mặt bằng của cầu vượt đê Tả Hồng (chậm 3 năm so với kế hoạch) vì thế nên rất khó hoàn thành theo đúng tiến độ phê duyệt dự án như ban đầu.
Theo Ban điều hành dự án cầu, khó khăn lớn nhất hiện nay nằm ở gói thầu số 2 khởi công 9-2011, yêu cầu hoàn thành tháng 5-2014. Trước câu hỏi, nếu mặt bằng được bàn giao theo đúng chỉ đạo của thành phố phải xong trước năm 2012 thì tiến độ dự án gói số 2 có về đích đúng hẹn. Ban này khẳng định: Nếu công tác GPMB xong thì tiến độ sẽ hoàn thành”. Đề cập đến việc chất lượng công trình có bị ảnh hưởng bởi các điểm chưa GPMB sẽ không thể thi công thành chuỗi đường, ông Minh khẳng định: “Việc thi công chỉ bị ảnh hưởng đến trình tự các dự án còn chất lượng sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ”.
Theo ANTD
Sông Tích bao giờ sống lại?
Dự án tiếp nước cải tạo sông Tích với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng dù được xem là dự án cấp bách, phục vụ dân sinh nhưng tiến độ thì "rùa bò". Tiến độ đã chậm rõ rệt, nhưng những góc khuất đằng sau siêu dự án nghìn tỷ này cùng với việc sử dụng vốn không tương xứng không khỏi khiến dư luận bức xúc.
Sau khởi công 14 tháng, công trình mới làm được 500m kênh dẫn
Dự án chạy dọc 7 huyện
Ngày 6-10-2010, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú (xã Thuần Mỹ, Ba Vì). Theo đó, dự án chạy dọc qua địa bàn 7 huyện, thị xã của TP như Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ... chạy xuôi sang Chương Mỹ, Mỹ Đức. Diện tích chiếm đất khoảng 72ha với tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách thành phố hàng năm, trái phiếu Chính phủ, nguồn ODA, BT... và các nguồn huy động khác.
Dự án đặt mục tiêu cấp nước tưới cho 16.000 ha đất sản xuất nông nghiệp cung cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất công nghiệp cải tạo môi trường sinh thái đảm bảo tiêu thoát nước, phòng chống lũ, đồng thời xây dựng đường giao thông kết hợp hai bên bờ...
Dự án chia làm 2 giai đoạn và 3 đoạn thi công. Giai đoạn 1 từ năm 2010-2013, sẽ tập trung thực hiện đoạn từ Lương Phú về đến cầu Ó, nhằm khôi phục, tiếp nước làm sống lại dòng sông Tích. Giai đoạn này gồm 2 đoạn. Đoạn 1 từ cống lấy nước đầu mối Lương Phú đến cầu Trắng xã Đường Lâm, TX Sơn Tây có chiều dài 27,5km, mức đầu tư của gói thầu này lên tới 2.400 tỷ đồng. Trong đó, đoạn này sẽ đào mới 12km kênh dẫn để lấy nước từ sông Đà vào đoạn 2 đi qua địa bàn TX Sơn Tây có chiều dài 13,5km, từ cầu Trắng đến cầu Ó đoạn 3 từ cầu Ó đến Ba Thá, Mỹ Đức có chiều dài 70km, thực hiện từ năm 2014-2015.
Theo phân công, đoạn 1 và đoạn 3 do Sở NN&PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư đoạn 2 do UBND TX Sơn Tây làm chủ đầu tư như một dự án độc lập. Đoạn 1, Sở NN&PTNT đã giao cho Ban QLDA sông Tích làm đại diện, thực hiện ký Hợp đồng thi công với công ty CP tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh (công ty Bình Minh), là đơn vị được chỉ định thi công hầu hết các gói thầu trọng điểm thuộc dự án. Trong năm 2011, Ban QLDA sông Tích đã ký 2 hợp đồng với công ty Bình Minh. Gói thầu 12a thi công xây lắp phần thủy Cụm công trình đầu mối, trị giá hơn 90 tỷ đồng, ký vào tháng 5-2011 gói thầu 12b toàn bộ phần xây lắp công trình thuộc đoạn I, trị giá hơn 2.100 tỷ đồng, ký vào đầu tháng 12-2011.
14 tháng, hơn 200 tỷ đồng và 500m kênh
Tháng 5-2011, dự án tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích chính thức được khởi công tại xã Thuần Mỹ. Lễ khởi công diễn ra trong sự chứng kiến của hàng nghìn bà con trên địa bàn huyện, cũng như sự quan tâm theo dõi của hàng triệu người dân. Tuy nhiên đến nay, công trình vẫn giậm chân tại chỗ. Người dân trên địa bàn xã Thuần Mỹ không khỏi thất vọng về một công trình hoành tráng mà lại quá chậm trễ như vậy.
Tại khu vực kênh dẫn đang đào ở trên địa bàn xã Thuần Mỹ, tất cả những gì đơn vị thi công mới làm được là đoạn kênh dẫn dài chừng 500m/12km thi công mái kè sông Đà gần cống lấy nước đầu mối Lương Phú được khoảng 150m và thả được 300m cơ đá hộc dưới nền sông. Ông Nguyễn Đắc Thỏa, Phó Giám đốc Ban QLDA sông Tích cho biết, đến thời điểm hiện tại, hai bên ghi nhận khối lượng thực hiện xây lắp ước đạt chừng 12 tỷ đồng. Đề cập về tiến độ của dự án, ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận: "Do ban đầu đã chủ quan về khâu GPMB, tưởng khu vực đất đai cần giải phóng chủ yếu là đất bãi bồi nên thời gian giải phóng sẽ nhanh. Nhưng, khi bắt tay vào làm mới thấy việc xác minh nguồn gốc đất rất phức tạp và mất thời gian". Ban QLDA vừa có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội kéo dài thời gian thi công, bởi, nếu đúng tiến độ như trong quy định phê duyệt thì không thể nào làm kịp.
Theo UBND xã Thuần Mỹ, toàn xã có 6 thôn thì cả 6 thôn đều bị ảnh hưởng bởi dự án sông Tích. Để làm dự án này, xã phải thu hồi gần 50ha đất hoa màu và đất thổ cư của khoảng 1.000 hộ gia đình. Hơn nữa, đại diện xã Thuần Mỹ cũng cho rằng, với dự án này, muốn đấu nối nước từ sông Đà để làm "sống" lại sông Tích thì phải đào sâu ít nhất 14m. Tuy nhiên, việc tiến độ dự án quá chậm so với kế hoạch đã dần làm mất đi niềm tin của người dân. Ông Trần Đình Chúc, xã Thuần Mỹ bày tỏ: "Lúc khởi công làm lớn lắm, bà con khắp làng trên xã dưới kéo đến xem. Nhưng, khởi công rồi thi công, sắp qua 2 năm rồi mà chưa thấy hình hài gì cả. Chẳng hiểu họ làm ăn kiểu gì nữa".
Cũng theo ông Thỏa, đến thời điểm hiện tại, Ban QLDA mới bàn giao được 14,5ha vào tháng 3-2012, trước đó, tháng 5-2011 đã bàn giao 2ha để làm lễ khởi công. Đề cập đến việc có mặt bằng nhưng đơn vị thi công không triển khai, ông Thỏa cho rằng, do mặt bằng bàn giao kiểu xôi đỗ, không có đường vào nên đơn vị thi công không thực hiện được.
Điều đáng nói, ngay sau khi được chỉ định thầu, ký hợp đồng 12a và 12b với Ban QLDA, trong năm 2011, công ty Bình Minh đã được tạm ứng 218 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án. Trong khi, khối lượng thực hiện công việc mới đạt 12 tỷ đồng. Dư luận không khỏi băn khoăn, hơn 200 tỷ đồng còn lại, thời gian qua, đơn vị thi công đã sử dụng làm gì?.
(Còn nữa)
Theo ANTD
Xe tải lật, hàng trăm bao bột sắn đổ dưới chân cầu Xe tải chở 45 tấn bột sắn đang đổ dốc cầu Hoàng Long (Thanh Hóa) thì bị lật. Cả trăm bao tải trên xe đổ ụp xuống vực khiến hàng chục người dân bỏ chạy tán loạn. 17h chiều 21/11, xe tải biển Thanh Hóa khi đi qua cầu Hoàng Long (xã Hoằng Long, TP Thanh Hóa) thì bị mất lái rồi lao...