Câu chuyện nghẹt thở của ‘bệnh nhân người Việt’ ở Singapore
“Em có nghĩ mình bị nhiễm virus corona không?”, bác sĩ nhìn vào màn hình rồi nhìn thẳng vào mắt tôi. “Nếu em nói có, tôi sẽ gọi xe cấp cứu ngay bây giờ!”.
Nơi tâm bão lại là nơi bình yên nhất. Một bầu không khí tập trung, yên tĩnh trong trạm dã chiến – Ảnh: NGA LINH
Ngày 23-1, tôi cùng nhóm bạn đồng nghiệp về Hà Nội đón tết. Sân bay Nội Bài chật ních, lẫn lộn tiếng nói cười của người dân mọi quốc gia. Đó cũng là ngày Trung Quốc tuyên bố với thế giới chiến dịch phong tỏa thành phố Vũ Hán.
Hết tết, chúng tôi trở lại Singapore. Ba ngày sau, đang ăn tối chúc mừng vừa hoàn thành một khóa huấn luyện căng thẳng với bác Tim, một đồng nghiệp đáng kính, tôi bắt đầu thấy sốt và ngứa họng.
Bần thần vì không có nhiều kinh nghiệm thăm khám nơi đất khách, lại vừa tiếp xúc với khá nhiều đồng nghiệp, thân chủ, cộng thêm nỗi lo cuộc sống và công việc bị ảnh hưởng, tôi vội vàng tìm địa chỉ phòng khám.
Lát sau, tôi ngồi trên xe của bác Tim, liên tục ho mà không có khẩu trang. Tôi cảm thấy xấu hổ, có lỗi và cả khó hiểu. Cầm nhiệt kế điện tử mà tôi loay hoay không biết đo ở trán như thế nào. 37,9 độ C.
Suốt 7 tuần sau đó là chuỗi ngày sức khỏe không ổn định, phải vừa đi làm khi triệu chứng dứt, rồi tự cách ly mỗi khi các triệu chứng quay lại, trộn lẫn và tiếp nối: sốt, ngứa họng, đau họng, tức ngực, sổ mũi và lúc này là ho không dứt.
Mỗi lần như vậy tôi được cấp một giấy chứng nhận y tế nghỉ 5 ngày và một đơn thuốc không đổi: thuốc kháng sinh hoặc thuốc dị ứng, xirô uống và viên ngậm họng. Không bác sĩ nào tự tin kết luận sức khỏe của tôi, có nghi ngờ là corona không, nếu không thì là vấn đề gì…
Thỉnh thoảng một bác sĩ, y tá lại ngồi xuống bên cạnh động viên tinh thần người chờ – Ảnh: NGA LINH
Chưa có bác sĩ nào thẳng thắn như bác sĩ hôm nay, Adrian. Lần cuối em đi du lịch là khi nào, ở đâu? – Từ 23-1 đến 5-2, Hà Nội ạ – Em có nghĩ em bị nhiễm virus không? – Em hi vọng là không, mặc dù đã quá số ngày ủ bệnh, em có lịch sử di chuyển nước ngoài…
Gần đây em có tiếp xúc với F0 nào không? – Không ạ, những người bạn đến Việt Nam cùng em hiện đều không có biểu hiện gì – Virus này rất mới, mọi thứ đều có thể xảy ra, ai cũng có thể nhiễm bệnh. Bộ xét nghiệm không thừa thãi, nhưng tôi vẫn phải quyết định gửi em đi…
Tôi thấy mắt hơi mờ, tai ù đi, miệng khô, tim đập nhanh, thân nhiệt tăng, chân tay bủn rủn, buồn tiểu, cơ co, bụng đau, đầu choáng váng. Tôi lo sợ trước một tương lai nguy hiểm, gây hệ lụy cho nhiều người, lo lắng cho một mối đe dọa giả định, với các kịch bản giả thuyết về phần trăm tử vong cao và công việc nơi xứ người sẽ gặp vô vàn gián đoạn.
Video đang HOT
Lo lắng đã đẩy tôi vào trạng thái “chiến đấu” trong suốt thời gian tự cách ly: thu dọn nhà cửa sạch sẽ, đóng đồ dùng cá nhân cần thiết vào một chiếc vali nhỏ, ghi lại lịch trình tiếp xúc, những nơi đã đi, tự mày mò tìm hiểu quy trình nhập viện, chính sách chữa trị tại Singapore nếu kết quả dương tính… Tôi cũng soạn sẵn tin nhắn cho bố mẹ, các em, bạn thân nhất và những đồng nghiệp quan trọng.
Quy trình 7 tiếng đồng hồ chờ đợi trong bình tĩnh giữa các hàng ghế cách nhau 1m – Ảnh: NGA LINH
“Bệnh nhân người Việt, đội ngũ của chúng tôi ở tuyến đầu sẽ chăm sóc cho em. Hãy yên tâm!”, câu nói tiễn tôi lên xe cấp cứu của bác sĩ Adrian giúp tôi trấn tĩnh.
“Nơi tâm bão” đón tôi là một trạm dã chiến với lều bạt trắng toát dựng trong một khu biệt lập của Bệnh viện Khoo Teck Puat. Lạnh như một tủ kem, mọi người thoải mái ho qua lớp khẩu trang và ngồi yên trên những chiếc ghế cách nhau 1m. Các bác sĩ mặc áo xanh bảo hộ thoăn thoắt di chuyển.
Tôi được đo huyết áp, chụp X-quang, đặc biệt lấy dịch mũi và họng, không hề đau đớn như “lời đồn”. Trước khi đưa chiếc tăm bông dài chọc sâu vào mũi, bác sĩ còn kịp đùa: “Người Việt nổi tiếng dũng cảm, phở Việt nổi tiếng ngon!” rồi hướng dẫn cụ thể cách hít thở đều, chậm, nhẹ, để đúng 10 giây lấy được dịch ra một cách dễ chịu nhất.
Nhiều y tá khác nhau thi thoảng ngồi xuống bên tôi và nhiều bệnh nhân khác không chút ngần ngại, hỏi thăm với giọng điệu ân cần, nhẹ nhàng đến kỳ lạ.
Thời gian 7 tiếng ngồi chờ cho đến khi mẫu sinh phẩm về đến phòng thí nghiệm an toàn đối với tôi trôi nhanh, êm đềm và đầy tập trung. Cuối cùng sau bao ngày sống trong thấp thỏm và nghi ngại, tôi cũng có thời gian để nhớ đến những người thân yêu, tường thuật cho em trai đang chờ ở Hà Nội, cập nhật cho các đồng nghiệp lo cho tôi từng phút ở đất nước của họ.
Quang cảnh biệt lập ngoài khu dã chiến – Ảnh: NGA LINH
Qua 0h của ngày hôm sau, với kết quả X-quang không có dấu hiệu bất thường và thân nhiệt không quá 38 độ C, tôi được phép về nhà bằng taxi đã tắt máy lạnh và hạ cửa kính. Tôi được yêu cầu nghiêm ngặt hơn, không được ra khỏi nhà trong 3 ngày cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm.
Tối muộn 3 ngày sau, tôi nhận được điện thoại chúc mừng kết quả âm tính tại thời điểm xét nghiệm. Khi quay lại bệnh viện nhận giấy chứng nhận và lịch hẹn tìm hiểu nguyên nhân vào tháng 5, bác sĩ vẫn nhắc tôi tiếp tục theo dõi sức khỏe, nghỉ ngơi, cẩn trọng vì hành trình chống dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn tiến không ngờ.
Tôi nghe rất nhiều người nói rằng COVID-19 khiến chúng ta sống khác hơn, chậm lại. Ta có nhu cầu về nhà kịp bữa cơm gia đình, hỏi han, trò chuyện, đọc sách, nghe nhạc, nấu ăn, dạo bộ. Ta tạo ra các “nghi thức” mới: rửa tay 20 giây, tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh, tự giác đi khám khi có triệu chứng, tự nguyện cách ly, có trách nhiệm với xã hội.
Chúng ta quan tâm hơn đến sức khỏe của mình và biết ơn khi cơ thể không đau ốm.
Vali nhỏ với đồ dùng cá nhân cần thiết luôn ở thế sẵn sàng đối với một người sống xa nhà thời dịch – Ảnh: NGA LINH
Tôi cũng được chứng kiến những nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa của sự kết nối, ngay cả trong sự cô đơn, nhưng không cô lập. Tôi nhớ lại ngày cơ quan đòi tôi dạy nhảy chỉ vì tôi là người Việt Nam và sự lạc quan, sáng tạo của người Việt với Ghen Cô-Vy đã đi xuyên các châu lục.
Tôi nhớ những người bạn Trung Quốc đang sống ở đại lục, Đài Loan, châu Âu cởi lòng về nỗi sợ hãi, sự xấu hổ và áp lực bị kỳ thị của họ những ngày đỉnh dịch. Những người bạn Hàn Quốc hôm trước nhắn sẽ gửi khẩu trang tiếp tế cho tôi, hôm sau vỡ òa trong lo lắng trước những gì xảy ra ở Daegu.
Bạn tôi ở Ý chia sẻ đoạn video hàng xóm nhà cô hát opera váng trời. Người bạn thân có con nhỏ ở Mỹ chủ động rời khỏi New York nhờ “sống theo nhịp dịch của châu Á”. Người bạn ở Sài Gòn nhất quyết nói không với trào lưu công kích bệnh nhân 17, 34, thay vào đó chia sẻ những hình ảnh, nghĩa cử, ý thức đẹp của nhân dân và đội ngũ đang chiến đấu ở tuyến đầu.
Đại dịch toàn cầu mang mọi người lại gần nhau và nhắc nhở hành động đoàn kết tự nguyện, tự phát ngay cả giữa những người xa lạ.
LÊ ĐỖ NGA LINH
Các nước phong tỏa biên giới, Singapore cấm khách Trung Quốc
Singapore là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên cấm nhập cảnh và quá cảnh đối với tất cả du khách đến từ mọi khu vực ở Trung Quốc.
Nhiều nước quốc gia châu Á đã đóng cửa biên giới hoặc cấm nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc. Ảnh: YAHOO
Tối 31-1, Singapore là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên cấm tất cả du khách đến từ mọi khu vực ở Trung Quốc trước nguy cơ lây lan của chủng virus Corona mới, trang tin The Straits Times cho biết.
Singapore cấm nhập cảnh và quá cảnh đối với tất cả du khách có quốc tịch Trung Quốc hoặc những du khách nước ngoài từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày. Lệnh cấm có hiệu lực từ 11 giờ 59 phút tối 1-2.
Trước đó, hầu hết các quốc gia láng giềng của Trung Quốc đã đóng cửa biên giới hoặc ban hành lệnh hạn chế đi lại đối với người dân tỉnh Hồ Bắc - trung tâm của vùng dịch do chủng virus Corona mới (2019-nCoV) gây ra.
Các cảnh báo y tế được tăng cường ở sân bay quốc tế Jewel Changi của Singapore vì virus Corona mới. Ảnh: YAHOO
Theo trang tin du lịch Triều Tiên Young Pioneer Tours, nước này đã sớm đóng cửa biên giới tạm thời đối với cho tất cả du khách có dấu hiệu nhiễm virus 2019-nCoV từ ngày 22-1.
Ngày 27-1, Hong Kong và Đài Loan đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả du khách Hồ Bắc hoặc có lịch sử đi lại qua các vùng dịch trong vòng 14 ngày. Lệnh cấm không áp dụng với người dân Hong Kong trở về lại đặc khu này.
Cùng ngày, Malaysia tuyên bố cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ tỉnh Hồ Bắc. Nước này cũng tạm dừng việc cấp thị thực cho các công dân Trung Quốc đến từ các khu vực có dịch, báo The Jakarta Post cho hay.
Ngày 28-1, Lào và Nepal - hai nước chỉ có các đoạn biên giới ngắn với Trung Quốc - lần lượt đóng cửa các khu vực biên giới trên. Nepal đóng cửa khu vực biên giới Rasuwagadhi trong vòng 15 ngày, còn Lào đóng cửa khu vực biên giới Tam Giác Vàng chung với Myanmar và Trung Quốc, theo tạp chí Newsweek.
Ngày 29-1, Kazakhstan thông báo sẽ tạm ngừng hoạt động đi lại qua biên giới với Trung Quốc từ ngày 31-1 và dừng các chuyến bay giữa hai nước từ ngày 3-2. Astana cũng ngừng cấp thị thực cho tất cả công dân Trung Quốc.
Một biển báo tại biên giới Nga - Trung. Ảnh: RT
Ngày 30-1, Nga tuyên bố đóng cửa biên giới chung với Trung Quốc ở vùng Viễn Đông. Tajikistan cũng cho biết nước này đã đóng cửa khu vực biên giới Qolma theo đề xuất của Bắc Kinh. Trong cùng ngày, Việt Nam tuyên bố sẽ tạm ngừng cấp thị thực cho du khách Trung Quốc.
Ngay trước Singapore, Philippines cũng yêu cầu tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả các du khách - kể cả những người không có quốc tịch Trung Quốc - đến từ tỉnh Hồ Bắc từ ngày 31-1, theo hãng tin CNN phiên bản Philippines.
Trong khi đó, các nước khác có chung biên giới với Trung Quốc cũng đưa ra các yêu cầu hạn chế đi lại và tăng cường kiểm soát, kiểm tra y tế tại các khu vực có du khách Trung Quốc đi qua.
Tất cả các biện pháp trên là một trong những biện pháp để kiểm soát sự lây lan của chủng virus Corona mới, phòng ngừa khả năng bùng phát thêm các ổ dịch mới ở ngoài Trung Quốc.
Virus Corona chủng 2019-nCoV được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc. Ngày 30-1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì loại virus này.
Tính đến tối 31-1, hãng tin CNN ghi nhận được 213 trường hợp tử vong sau khi nhiễm chủng virus này, tất cả đều ở Trung Quốc 9.709. Đồng thời, có 9.709 ca nhiễm virus 2019-nCoV được ghi nhận ở Trung Quốc và tổng cộng 140 ca nhiễm khác được phát hiện ngoài lãnh thổ nước này.
VĂN KIẾM
Theo plo.vn
Nhà tiên tri Nostradamus tiết lộ sốc về virus Corona chết chóc Đại dịch Coronavirus đã giết chết ít nhất 170 người và lây nhiễm hơn 7.700 người, đang khiến cả thế giới hoang mang lo sợ dường như đã được nhà tiên tri nổi tiếng Nostradamus nhắc đến khi ông cảnh báo về một "bệnh dịch lớn" trong tương lai. Theo báo Anh Express, virus Corona (2019-nCoV) đang lan rộng ra khắp Trung Quốc...