Câu chuyện đằng sau chiếc máy tính thú vị nhất Asus Expo 2011
Vì sao với giá chỉ có 4 triệu đồng, chiếc netbook của Asus vẫn “qua mặt” những người anh em có giá tới 80 triệu để trở thành sản phẩm công nghệ đáng chú ý nhất Asus Expo 2011?
Asus Expo 2011 đem lại khá nhiều bất ngờ cho người xem. Từ chiếc laptop màn hình 3D không cần kính cho đến những model laptop với dàn loa đủ sức so sánh với cả những hệ thống âm thanh chuyên nghiệp, thậm chí cả công nghệ nhận dạng chuyển động Xticon cũng được Asus đem ra trưng bày.
Không phủ nhận rằng những gì mà Asus “trình diễn” ở Asus Expo Hà Nội 2011 ngày hôm qua thực sự có nhiều thứ khá lạ lẫm đối với người Việt. Tuy nhiên ý tưởng về những sản phẩm như thế lại không hề mới. Trước khi Asus Expo 2011 ở Hà Nội diễn ra mấy ngày, Toshiba đã nhanh tay giới thiệu 2 mẫu laptop với màn hình 3D không cần kính. Thậm chí cả hệ thống nhận dạng chuyển động Xticon cũng không quá xa lạ với người dùng Việt Nam vì “người đồng nghiệp” rất nổi tiếng của nó là Kinect cũng đã được bày bán khá nhiều ở Hà Nội.
Nhưng nằm rất khiêm tốn trong 1 góc của triển lãm, bên cạnh những chiếc netbook không mấy thu hút người thăm quan lại là 1 sản phẩm mà theo ý kiến cá nhân của tôi, là thiết bị thú vị nhất Asus Expo 2011. Chiếc netbook nhỏ nhắn với màn hình 10.1 inch mang tên EeePC X101 không nhận được nhiều sự quan tâm của khách đến xem triển lãm. Cũng rất dễ hiểu bởi vì các netbook với cấu hình thấp, màn hình nhỏ và thiết kế có phần “èo uột” vốn không phải là “gu” của các gamer (mà theo quan sát của tôi, là đối tượng khách thăm quan chính của Asus Expo 2011). Chỉ có 2 máy X101 được trưng bày ở dãy bàn của các netbook, thiếu chút nữa tôi đã bỏ qua sản phẩm này nếu không bất chợt bị 1 dòng chữ trong thông số kỹ thuật của máy thu hút: OS: MeeGo.
1 thiết bị nhỏ bé nhưng có thể lại đang ẩn chứa câu trả lời cho tương lai của netbook.
Như chúng ta đều biết, MeeGo, HĐH dành cho các thiết bị di động ra đời từ sự hợp tác giữa Nokia với Intel đã trải qua 1 con đường đầy sóng gió để có thể bước ra từ phòng thí nghiệm đến với người dùng cuối. MeeGo ra đời với mong muốn có thể trở thành đối trọng với Android và ARM, giúp Intel và Nokia “bơi” qua cơn hoạn nạn này. Đến thời điểm hiện tại, ngoài Chrome OS của Google, MeeGo là HĐH duy nhất hoạt động trên cả 2 nền tảng x86 và ARM.
Không chỉ được định hướng vào smartphone, MeeGo còn có tham vọng chiếm lĩnh cả thị trường laptop giá rẻ, hay còn được gọi với cái tên: netbook.
Việc chạy MeeGo trên các netbook thực ra không quá xa lạ với dân “vọc”. 1 người có đôi chút hiểu biết về Linux và sở hữu 1 chiếc netbook có cấu hình tương thích là có thể cài đặt MeeGo vào và chạy thử HĐH này. Tuy nhiên việc thử nghiệm MeeGo này mới chỉ manh nha trong cộng đồng lập trình viên nhiều kinh nghiệm và hầu như hoàn toàn xa lạ với người dùng cuối. và Asus EeePC X101 là chiếc netbook đầu tiên được nhà sản xuất cài MeeGo mặc định mà tôi được chứng kiến.
Asus EeePC X101 nằm rất khiêm tốn bên cạnh các netbook Windows, gần như bị khách thăm quan lãng quên.
Vậy thì tại sao tôi lại cho rằng 1 chiếc netbook chạy MeeGo nhỏ nhắn lại là điểm nhấn đáng chú ý nhất trong Asus Expo 2011?
Sau đây là các lý do.
Cơn gió mới cho thị trường netbook?
Ai cũng biết rằng netbook từng là 1 hiện tượng trong giới công nghệ cách đây vài ba năm. Khi những mẫu netbook đầu tiên ra đời, người ta rất hào hứng với ý tưởng rằng họ có thể sở hữu 1 chiếc laptop với giá chỉ 300$ và đảm bảo được nhu cầu cơ bản như duyệt web, đọc và sửa tài liệu với trọng lượng, kích thước chỉ bằng 1/3 các laptop truyền thống đảm bảo nhu cầu di động của người dùng…
Thời điểm đó, người ta bắt đầu nói đến việc Netbook sẽ trở thành 1 thế lực cho kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp PC. Nhưng dần dà, netbook bộc lộ những yếu điểm của mình: HĐH Windows tỏ ra quá nặng nề đối với cấu hình thấp của netbook, màn hình và bàn phím quá nhỏ gây khó khăn cho việc thao tác cũng như theo dõi nội dung và cuối cùng là Windows “cắn” pin quá nhiều mà vì bị giới hạn bởi kích thước và trọng lượng, các netbook khó lòng “nhồi nhét” thêm dung lượng pin.
Có thể nói, điều khiến các netbook thất bại chính là HĐH Windows.
Kích thước nhỏ, tính di động cao là 1 trong những đặc điểm không thể thiếu của netbook.
Và với sự ra đời của iPad và các tablet, netbook dần tụt hậu và gần như rơi vào quên lãng. Khi Chrome OS ra mắt, người ta rất mong chờ rằng đó sẽ là 1 trong những tác nhân thúc đẩy sự thành công của các Netbook. Tuy nhiên việc phụ thuộc quá nhiều vào kết nối Internet của Chrome OS lại là 1 điểm yếu khó chấp nhận với những nơi có kết nối mạng chậm chạp và không ổn định như ở Việt Nam.
Sự xuất hiện của MeeGo đánh dấu sự ra đời của 1 HĐH mới dành cho các netbook. Và lý do khiến chúng ta nên cảm thấy lạc quan về X101 cũng giống như lý do chúng ta nên cảm thấy phấn khởi khi chiếc smartphone chạy Android đầu tiên ra mắt: 1 HĐH mới đánh dấu những sự cạnh tranh mới, và rất có thể là những chuyển biến mới ở 1 thị trường tưởng như đã “chết” từ lâu.
Video đang HOT
Tôi sẽ không vẽ nên những viễn cảnh quá tươi sáng về 1 tương lai nơi mà netbook đánh bại tablet. Tuy nhiên qua những gì mà MeeGo hứa hẹn, 1 tương lai tươi sáng hơn của netbook là điều hoàn toàn có thể. Khi Android mới ra mắt, không một ai nghĩ rằng HĐH này có thể đánh gục được Symbian hay vượt qua iOS. Bây giờ hãy nhìn lại xem? 40% thị phần smartphone ở Bắc Mỹ đã lọt vào tay Android và HĐH này vẫn đang tiếp tục tăng trưởng rất nhanh.
Nhiều hứa hẹn từ MeeGo
Ra đời từ sự kết hợp của 2 dự án Meamo của Nokia và Moblin của Intel. MeeGo là 1 HĐH dựa trên nền Linux. Và cũng như các sản phẩm khác ra đời từ Linux, MeeGo hoàn toàn miễn phí. Điều này có nghĩa là 1 chiếc netbook chạy MeeGo sẽ rẻ hơn 1 chiếc netbook chạy Windows vì không mất tiền chi cho bản quyền HĐH. 1 licsense Windows 7 bán kèm netbook có thể tạm tính là khoảng 50$. Với 1 chiếc netbook giá chỉ khoảng 300$, bạn sẽ thấy con số này có ý nghĩa như thế nào. Asus EeePC X101 đang được rao bán tại thị trường Mỹ chỉ với giá 200USD (4 triệu đồng), rẻ hơn hầu hết các netbook cùng loại. Ưu thế về giá có thể được coi là 1 trong những điểm “ăn tiền” nhất của MeeGo.
Netbook chạy MeeGo hứa hẹn sẽ rẻ hơn các netbook chạy Windows vì cấu hình thấp hơn và HĐH miễn phí.
Về cơ bản, MeeGo là 1 HĐH có gốc Linux. Và các Linux nổi tiếng với khả năng hoạt động mượt mà trên các cấu hình cực kỳ “thảm hại”. Chắc chắn MeeGo cũng sẽ thừa hưởng đặc tính này của Linux. Và khi được ứng dụng trên các netbook với cấu hình bị giới hạn, MeeGo sẽ hoạt động chạy nhanh hơn và đòi hỏi cấu hình thấp hơn.
Không quá phụ thuộc vào kết nối internet như các Chromebook, netbook chạy MeeGo có thể hoạt động độc lập với mạng Internet.
Chưa hết, bạn hãy nhớ rằng MeeGo còn được xây dựng để chạy trên smartphone, và nếu 1 smartphone MeeGo có thể hoạt động suốt 24 tiếng chỉ với 1 lần sạc, hãy tưởng tượng xem 1 chiếc netbook chạy MeeGo sẽ có thời lượng pin bao lâu. Tất nhiên nền tảng ARM cũng góp phần vào việc tiết kiệm pin cho smartphone, và các chip x86 trên netbook sẽ ngốn rất nhiều điện năng, nhưng chắc chắn so sánh 2 chiếc netbook chạy Windows và MeeGo, chiếc chạy MeeGo sẽ có rất, rất nhiều ưu thế về pin.
Giao diện của Windows với các icon nhỏ vốn gây nhiều khó khăn khi thao tác trên các màn hình có diện tích chỉ 10 inch. Điều này được khắc phục hoàn toàn đối với MeeGo vì ngay từ khâu thiết kế, nó đã hướng tới các thiết bị có màn hình dưới 10 inch.
Giao diện được tối ưu cho các màn hình cỡ nhỏ.
Một trong những điều quan trọng nhất đối với 1 HĐH là số lượng và chất lượng ứng dụng chạy được trên HĐH đó. Và khi nói đến ứng dụng, MeeGo hiện tại vẫn chưa thực sự là 1 đối thủ xứng tầm so với các nền tảng khác như Android hay Windows Phone chứ chưa cần nhắc tới 1 HĐH lâu đời như Windows. Tuy nhiên có thể thấy rõ rằng nếu như MeeGo lớn mạnh đủ để thu hút sự chú ý của giới lập trình viên, việc HĐH này hoạt động trên cả netbook lẫn smartphone (và cả tablet trong tương lai) sẽ là 1 lợi thế cực lớn. 1 lập trình viên chỉ cần viết ứng dụng của mình 1 lần là có thể chạy trên cả 3 thiết bị.
Với trình duyệt tích hợp, MeeGo có thể làm được tất cả những gì mà Chromebook hứa hẹn. Flash cũng hoạt động rất mượt trên MeeGo (chú ý các banner quảng cáo).
Đây là 1 lợi thế mà cả iOS, Android hay Windows Phone đều không thể có được, vì các HĐH này không hoạt động trên netbook. Hiện tại đã có 1 vài phương pháp khá đơn giản để port các ứng dụng viết cho Linux lên MeeGo, đồng thời với sự hứa hẹn rằng sẽ có phương pháp giúp các ứng dụng của Android hoạt động ổn định trên MeeGo. Mặc dù không nên quá tin tưởng vào những tuyên bố kiểu như ứng dụng Android sẽ hoạt động như ứng dụng native trên MeeGo, nhưng sự vay mượn ứng dụng của các HĐH khác sẽ giúp MeeGo có được 1 khởi điểm không đến nỗi nào trong cuộc chạy đua giữa các HĐH, ít nhất là cho tới khi các thiết bị MeeGo thuyết phục được lập trình viên quay sang viết ứng dụng cho mình.
Kết
Có một kinh nghiệm mà tôi đúc rút được qua một thời gian rất dài quan sát thị trường thiết bị công nghệ 1 vài năm trở lại đây đó là: “Không nên đưa ra kết luận chắc chắn về bất kỳ việc gì khi chưa chứng kiến nó xảy ra”. Chúng ta đều từng cho rằng netbook sẽ thăng hoa, Windows Phone 7 sẽ thành công rực rỡ hoặc Nokia sẽ tiếp tục tập trung vào việc phát triển 1 HĐH của riêng mình như MeeGo hoặc Symbian thay vì đón nhận 1 nền tảng mới. Thực tế đã chứng minh, tất cả những kết luận đó đều là sai lầm.
Các thiết bị công nghệ đang tham gia vào một cuộc cách mạng giống như cuộc cách mạng PC cách đây 20 năm. Các thiết bị của kỷ nguyên hậu-PC sẽ lần lượt thay thế máy tính truyền thống trong thời gian tới, và những “cơn sóng ngầm” luôn sôi sục trong lòng thị trường khiến việc dự đoán tương lai của 1 thiết bị là điều vô cùng khó khăn. Hiện tại iPad và các tablet đang ở “cửa trên” so với netbook. Tuy nhiên sẽ là quá vội vàng nếu khẳng định rằng trật tự ấy sẽ vĩnh viễn giữ nguyên.
Tôi không nói rằng MeeGo sẽ đủ sức thay đổi cả thị trường, lật ngược 1 ván cờ đang thua của các netbook, vì bản thân HĐH này còn đang đứng trên 1 số phận rất bấp bênh. Tuy nhiên việc 1 OEM như Asus cho ra đời 1 netbook chạy MeeGo đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng, netbook chưa chết hẳn như chúng ta vẫn tưởng, vẫn có những nhà đầu tư quan tâm đến thiết bị này. Và chỉ cần còn người quan tâm đến nó, MeeGo nói chung và netbook nói riêng vẫn còn cơ hội để trưởng thành và 1 ngày nào đó, thách thức ngôi vương của Android, iOS hay thậm chí là Windows.
Có thể đó chỉ là những mộng tưởng rất xa vời, nhưng cũng có thể nó sẽ diễn ra. Không phải trong ngày mai, nhưng là trong 1 tương lai không quá… mịt mù.
Theo Bưu Điện VN
Kín khách trong ngày khai mạc Asus Expo 2011 tại Hà Nội
Cũng giống như tại TP Hồ Chí Minh, Asus Expo diễn ra tại Hà Nội cũng thu hút một lượng khách tham quan cực lớn ngay từ những giờ đầu tiên mở cửa.
9 giờ sáng nay, triển lãm Asus Expo 2011 tại Hà Nội chính thức mở cửa tại khách sạn Grand Plaza (119 Trần Duy Hưng). So với buổi triển lãm diễn ra trước đó ở Tp Hồ Chí Minh, không khí tại Hà Nội cũng vô cùng náo nhiệt. Điều này có thể dễ dàng nhận ra qua lượng khách tới tham quan trong 2 giờ đầu tiên mở cửa. Bên cạnh đó, thông tin từ BTC cho hay có trên 6.000 lượt đăng ký online thành công tại website của sự kiện.
Khán đài chính đặt tại trung tâm của Asus Expo 2011.
Năm 2011 này, Asus Expo trở lại với khẩu hiệu "Phá vỡ mọi giới hạn" được thiết kế hướng đến sự kết nối, trải nghiệm ở tầm cao mới, lí thú và mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Chương trình đưa khách mời vào một "tour du lịch công nghệ" rất đặc biệt. Khách mời sẽ được trải nghiệm những sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất của Asus, được tận tay trải nghiệm những công nghệ của Asus, bước vào không gian số hiện đại.
Theo thông tin chúng tôi được biết, trong buổi triển lãm có hơn 100 sản phẩm Asus được trưng bày tại 12 khu vực chính. Các sản phẩm chia thành nhiều mảng như: bo mạch chủ, card đồ họa, màn hình, máy tính để bàn, máy tính xách tay, netbook, máy chủ, các thiết bị đa phương tiện, giải pháp mạng vô tuyến, các thiết bị mạng.
Trong đó, mảng sản phẩm máy tính xách tay mang đến nhiều đại diện tiêu biểu, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam như chiếc Asus U46SV siêu mỏng nhẹ, 3 dòng máy G Series 3D (có 1 model không cần sử dụng kính), 2 model giải trí cao cấp Asus NX90 và Asus N53, dòng máy vỏ tre đặc biệt Asus U43 Bamboo, thế hệ laptop "siêu xe" Asus Lamborghini VX7... Bên cạnh đó, sản phẩm máy tính bảng Asus EeePad Slider kiểu dáng trượt cũng lần đầu tiên góp mặt chính thức ở thị trường trong nước.
Một trong những điểm hấp dẫn nhất tại ASUS EXPO 2011 là ASUS ROG Championship Grand Final - vòng chung kết giải thi đấu thể thao lớn nhất trong năm do ASUS tài trợ. Vòng chung kết này quy tự những đội DotA lớn tại Việt Nam như WAG, Full Louis, LGV và StarsBoba.
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, các gian trưng bày sản phẩm máy tính bảng, dòng laptop 3D và các hệ thống máy tính demo thu hút đông đảo khách tham quan. Trong chiều nay, Asus Expo 2011 sẽ tiếp tục đón khách với nhiều hoạt động bên lề khác.
Dưới đây là chùm hình ảnh tham quan Asus Expo 2011:
Asus Expo 2011 kín khách ngay từ giờ đầu tiên mở cửa.
Có 12 khu vực trưng bày, bao quanh sân khấu chính.
Khách hàng tham quan có thể theo dõi diễn biến chính của giải đấu DotA qua màn hình lớn trên sân khấu.
Laptop là nhóm sản phẩm chủ đạo tại Asus Expo 2011. Trong hình là gian hàng Asus EeePC.
Sản phẩm nhóm siêu giải trí Asus N75SF, kích thước màn hình lớn, hệ thống loa Bang & Olufsen.
Một số model thấp hơn của dòng N-series.
Còn đây là phiên bản Asus N43SL do nghệ sĩ Châu Kiệt Luân thiết kế hình ảnh.
Khu vực trưng bày các sản phẩm Asus Lamborghini, nổi bật nhất là sự hiện diện của chiếc VX7.
Dòng máy Asus G53SX trang bị màn hình 3D không cần kính. Model có giá dự kiến khoảng 55 triệu
sử dụng công nghệ tương tự Toshiba F750.
Các model khác của dòng G hỗ trợ 3D khi dùng kèm kính Nvidia 3Dvision.
Khu vực máy tính bảng cũng thu hút rất nhiều sự chú ý, đặc biệt là chiếc EeePad Slider đầu tiên ở Việt Nam.
Các sản phẩm ngoại vi khác như màn hình cũng có mặt trong Asus Expo 2011.
Hệ thống cảm biến chuyển động Xtion.
Hệ thống các bo mạch chủ P67, H67, Z68... cùng góp mặt tại một góc khán phòng.
Trình diễn chơi game trên 3 màn hình cùng hệ thống ghế lái đặc biệt.
Tác phẩm case độ hàng đầu Việt Nam của modder Nhện Hổ Phách.
Khu vực thi đấu game luôn thu hút lượng lớn khách tham quan.
Đội ngũ PG có mặt tại Asus Expo 2011 với phong cách trẻ trung, năng động.
Trong số khách tham gia, có cả người nước ngoài.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Kín khách trong ngày khai mạc Asus Expo 2011 tại Hà Nội Cũng giống như tại TP Hồ Chí Minh, Asus Expo diễn ra tại Hà Nội cũng thu hút một lượng khách tham quan cực lớn ngay từ những giờ đầu tiên mở cửa. 9 giờ sáng nay, triển lãm Asus Expo 2011 tại Hà Nội chính thức mở cửa tại khách sạn Grand Plaza (119 Trần Duy Hưng). So với buổi triển lãm...