Câu chuyện chi tiêu của đôi vợ chồng trẻ Sài Gòn: 3 lần thay đổi cách quản lý tiền bạc từ tiêu riêng tới tiêu chung mà vẫn chưa ổn
“Trong hôn nhân, tiền bạc luôn là một vấn đề nhạy cảm, chẳng kém gì tình dục. Hai vợ chồng vẫn luôn cần thêm thời gian, cần liên tục chia sẻ và lắng nghe mong muốn của nhau để hoàn thiện mỗi ngày”, chị XC chia sẻ.
Tiền bạc trong mỗi cuộc hôn nhân, trong mỗi một câu chuyện của các gia đình vốn vẫn là chủ đề khó nói, khó phơi bày vì thế xin phép được giấu tên người nhân vật trong câu chuyện để chị tránh phiền hà.
Chị XC không giàu có nhưng hào phóng. Đi chợ hiếm khi trả giá vì sợ tội người bán rau bán thịt. Đi chơi cùng nhau, một là sòng phẳng, hai là nhận trả phần hơn.
Chị XC quan niệm rớt nia thì đụng sàng nên với chị, thiếu ai là phải trả liền, có nhiêu tiêu nhiêu, không thích nợ nần. Chồng của chị XC cũng là người hào sảng, hiền lành, kiếm tiền giỏi, tiêu tiền cũng rộng tay không kém.
Cưới nhau được gần chục năm, hai vợ chồng cũng đã có con. Khúc mắc duy nhất trong cuộc sống hôn nhân chính là thường xuyên tranh cãi về chuyện tiền bạc.
Từ khi về chung nhà, vợ chồng trẻ đã 3 lần thay đổi cách quản lý tiền
Lần đầu tiên: Hai túi riêng, tiền ai người nấy quản
Đây là lựa chọn của hai người lúc chưa có con. Hai vợ chồng sẽ chỉ chia sẻ khoản chi phí sinh hoạt chung tối thiểu trong gia đình. Người này không biết gì về thu nhập của đối phương, quỹ đen quỹ đỏ gì đó thì tuỳ. Tuy nhiên, cách này khiến thu nhập được bao nhiêu thì bay hết bấy nhiêu nên một thời gian là vỡ kế hoạch.
Sau lần này, chị XC nghĩ các gia đình có thu nhập tự do không ổn định hoặc chênh lệch hai bên quá lớn hoặc không có sự tin tưởng gắn bó lâu dài mới nên áp dụng cách quản lý tiền này.
Thay đổi thứ 2: Một túi chung, vợ giữ tiền
Chị XC áp dụng cách quản lý tiền này vì đánh giá tới 95% gia đình Việt Nam đều áp dụng nên sẽ hiệu quả chăng. Mọi chi tiêu trong nhà chị sẽ tự tính toán. Chồng đi làm về, thu nhập mỗi tháng chỉ giữ lại phần tiêu vặt cá nhân, còn lại đưa hết cho chị quản lý. Cần gì thì xin vợ.
” Tiền tiêu vặt của chồng thì mình phát hàng tuần, tinh tế hơn thì mình tự nhét tiền vào ví chồng. Nhưng được một thời gian cũng thấy không ổn vì chồng mình là người hào sảng, nhiều mối quan hệ. Hai vợ chồng đã từng cãi nhau một trận nảy lửa chỉ vì cách giữ tiền này gò bó cuộc sống của anh“, chị XC chia sẻ.
Video đang HOT
Lần thay đổi thứ 3: Ba túi thông nhau
Sau khi nhận thấy cách quản lý tiền thứ hai không hiệu quả, hai vợ chồng đã thống nhất cách quản lý tiền kiểu “ba túi thông nhau”. Theo cách quản lý tiền của trường phái này, hai vợ chồng thỏa thuận một khoản cố định hàng tháng để sinh hoạt và tiết kiệm chung.
Ví dụ: Thu nhập 20 triệu/tháng/người, số tiền này thay đổi tùy giai đoạn. Phần còn lại, của ai người nấy giữ, thích chi tiêu vào đâu, cho ai hay làm gì là tự do cá nhân.
Nó khác với cách đầu tiên hai vợ chồng áp dụng ở chỗ:
- Vẫn có tiết kiệm chung. Những khoản chi chính đáng như du lịch, sắm sửa lớn, nội ngoại… sẽ sử dụng từ túi chung này và do cả hai đồng thuận.
- Linh hoạt khoản chung hàng tháng: Cố gắng hoàn thành mục tiêu, nhưng nếu lỡ thời điểm nào có người không đủ, thì chỉ cần nhẹ nhàng thông báo.
- Chia sẻ và tôn trọng: Hai người vẫn cập nhật cho nhau biết túi riêng có bao nhiêu, được sử dụng như thế nào, đầu tư hay nợ nần ra sao, để cần thì hỗ trợ hoặc tham khảo ý kiến.
Ví dụ, chị XC thích ăn chắc mặc bền, sẽ mở sổ tiết kiệm, mua vàng, ngoại tệ. Anh chồng thì thích đầu tư mạo hiểm chứng khoán, đáo hạn, bất động sản… đó là việc của anh và chị tuyệt nhiên không can dự vào.
Chị XC giải thích thêm: “Bản thân mình không có nhu cầu giữ tiền của ai cả, quản tiền mình đã mệt rồi. Vì nếu đổi ngược lại, đưa hết tiền cho chồng giữ, cần cho ba mẹ chị em, muốn đầu tư gì phải trình bày đợi duyệt cũng thấy bị chèn ép. Tiền mình vất vả làm ra mà không được tiêu theo ý mình thì khó chịu lắm.
Hơn nữa, bản thân là phụ nữ, cũng không thích khi hẹn hò đi ăn xem phim lại phải rút ví trả hoài. Rồi không lẽ mỗi lần mua quà cho vợ, chồng mình lại phải ngửa tay xin. Vậy thì còn gì bất ngờ, còn gì mạnh mẽ lãng mạn của người đàn ông nữa”.
Bài học quản lý chi tiêu với các cặp vợ chồng trẻ
Cách thứ ba là cả hai vợ chồng cảm thấy hợp lý, dễ thở nhất và áp dụng tới hiện tại. Nhưng chính chị XC cũng chia sẻ thường buồn vì chuyện góp tiền chi tiêu và ứng xử của chồng.
” Mình ấm ức vì thấy không được ghi nhận. Có thời điểm thấy chồng đầu tư thua lỗ, mình sẽ lẳng lặng nhận phần chi nhiều hơn trong gia đình. Nhưng khi chồng to tiếng trách móc, hỏi ngược tại sao lại chi tiêu nhiều thế.
Mình buồn vì bản thân vốn không chú trọng vật chất. Hơn nữa, những chi phí này mới đơn thuần là phần chia đôi trách nhiệm cơ bản: Nuôi con, lương người giúp việc, thức ăn bột giặt, điện nước sinh hoạt mà thôi. Chưa có đồng nào đòi hỏi quá đáng cả“, chị XC chia sẻ.
Gia đình là tổ ấm chung, việc thể hiện tự trọng và thiện chí hợp tác cũng là điều cần thiết. Người vợ không thể luôn nhắc tới việc phải đóng góp tiền, hoặc chỉ cần đưa hết phần trách nhiệm là xong. Tốt hơn nữa, thi thoảng hãy hỏi em có gặp khó khăn gì không, nhiêu đây có đủ không.
Sau 3 lần thay đổi cách quản lý tiền bạc trong gia đình, chị XC nhận ra: Trong hôn nhân, tiền bạc luôn là một vấn đề nhạy cảm, chẳng kém gì tình dục. Hai vợ chồng vẫn luôn cần thêm thời gian, cần liên tục chia sẻ và lắng nghe mong muốn của nhau. Sau mỗi lần cãi vã và tìm cách, hai vợ chồng chị cũng sẽ tìm được phương án giải quyết tốt hơn.
Bài viết được ghi lại theo lời kể của XC
5 điều về TIỀN BẠC nếu chưa biết có thể huỷ hoại mối quan hệ, riêng cái số 2 đã gây ra lắm vụ chia tay "bóc phốt" trên mạng
Tưởng chừng chỉ cần yêu nhau là đủ, thế nhưng, tình cũng sẽ chóng tàn nếu bạn và người ấy không nắm rõ được 5 quy tắc dùng tiền trong một mối quan hệ được liệt kê sau đây!
Tiền bạc luôn là vấn đề nhạy cảm trong tất cả các mối quan hệ, kể cả tình yêu. Nhiều người thường không dám đề cập trực tiếp đến chuyện tiền nong với người yêu bởi nhiều lý do. Nào là sợ mất mặt, sợ bị nghĩ đang lợi dụng hoặc đào mỏ, sợ thua kém... Nếu chỉ đang yêu nhau còn có thể "giả vờ như không biết gì", tránh đề cập đến được, nhưng nếu cả hai đã dọn chung về sống một nhà thì sao?
Đối với các cặp đôi sống chung nhưng chưa cưới mà nói, tiền bạc lại là vấn đề nhức nhối hơn rất nhiều. Rõ ràng đã ràng buộc nhau với các chi phí chung như tiền nhà, tiền điện - nước, ăn uống và các kế hoạch to hơn. Nhưng cũng chưa chính thức là vợ là chồng để có thể dễ dàng và hiểu thật kỹ về tình hình tài chính của người kia. Rắc rối trăm bề, làm sai một li có thể "toang" luôn mối quan hệ không chừng.
Dưới đây là 5 gạch đầu dòng quan trọng về chuyện tiền nong mà những cặp đôi chưa kết hôn và đang sống chung cần biết.
1. Xác định cách "góp gạo thổi cơm chung"
Ngoài những chi phí sinh hoạt cần chung tay đóng góp, các cặp đôi tốt nhất không nên gộp chung tất cả tiền bạc lại một mối. Đồng ý là thu nhập quy về một mối, việc theo dõi chi tiêu và thanh toán các hóa đơn cũng dễ dàng hơn. Nhưng kéo theo đó những rắc rối khi cả hai người đều có những khoản riêng cần chi, dễ dẫn đến cãi vã nếu không làm tốt việc quản lý chi tiêu.
Tốt nhất, các bạn nên tạo một tài khoản chung, góp vào đó những phần chi phí ngang bằng nhau và giữ riêng tiền lương của mình cho những chi phí sinh hoạt cá nhân.
2. Thẳng thắn và sòng phẳng
Thẳng thắn, không giấu đối phương về thói quen chi tiêu, các vấn đề tài chính và nợ nần là điều mà ai đang trong mối quan hệ nghiêm túc đều cần phải làm. Đừng bao giờ ngần ngại chia sẻ với bạn chung nhà về thu nhập, tiết kiệm hay các khoản vay cũng như suy nghĩ của bạn về vấn đề tài chính của đối phương.
Ngoài ra, việc sòng phẳng trong chi tiêu cũng sẽ giúp cả hai không có bất cứ vướng mắc nào trong lòng hay lăn tăn về chuyện tiền bạc mà bỏ qua tình cảm của người kia. Chưa kể, hãy dự trù khi mối quan hệ của cả hai không đi đến đâu, điều này sẽ khiến khả năng tranh cãi ai bỏ nhiều hơn, ai chi ít hơn và viễn cảnh cảnh "chia tay đòi quà" hạn chế xảy ra hết mức có thể.
3. Đưa ra những quyết định lớn cùng nhau
Khi đã chung sống với nhau, hai bạn tốt nhất nên thảo luận tất cả những dự định về tiền bạc với đối phương. Bởi lẽ giờ đây, một phần thu nhập của bạn cũng đã đóng góp vào kinh tế chung của hai người, nếu khủng hoảng tài chính xảy ra, rất có thể tài chính chung cũng sụp đổ theo.
Mặt khác, việc cùng nhau đưa ra những quyết định cả về tài chính lẫn cuộc sống đều giúp hai bạn thêm hiểu và cảm thấy được đối phương tôn trọng. Từ đó, chuyện tình cảm và tiền bạc đều sẽ gắn kết, thăng hoa thêm rất nhiều.
4. Thường xuyên có những cuộc trao đổi
Không nên mập mờ về vấn đề tài chính của cá nhân trong một mối quan hệ, nhất là khi các bạn đã xác định đi xa cùng nhau. Chưa kể, mỗi giai đoạn của cuộc sống, thu nhập, chi phí sinh hoạt hay tiền dành cho các kế hoạch đều sẽ có những thay đổi nhất định. Thế nên, hãy thường xuyên có những cuộc "money-chat" nghiêm túc để trao đổi với nhau về tiền bạc.
"Money-chat" không chỉ để cả hai hiểu rõ về tài chính của đối phương mà còn là cơ hội để cặp đôi xem lại cách quản lý tiền bạc, thói quen chi tiêu và học hỏi những tip hay ho từ nhau.
5. Có chung một khoản tiền khẩn cấp
Dù bạn có gộp chung thu nhập về một mối hay không, hãy luôn cố để có chung một khoản tiền khẩn cấp cùng nhau. Chung sống đồng nghĩa cả hai đều thừa biết sẽ có những ngày tháng bất ổn đang chực chờ như một trong hai mất việc, có vấn đề về sức khỏe, nếu có sẵn một quỹ khẩn cấp, gánh nặng tài chính sẽ nhẹ hơn rất nhiều.
Việc để dành ra bao nhiêu tiền khẩn cấp tùy theo thỏa thuận của các bạn nhưng tốt nhất nên đủ cho chi phí chung trong vòng từ ba đến sáu tháng.
Ảnh: Tổng hợp
6 người nghỉ hưu trước 45 tuổi chia sẻ quyết định này đã thay đổi thói quen về tiền bạc của họ như thế nào Nghỉ hưu sớm sẽ thay đổi cuộc sống và cả cách chi tiêu của bạn. Trang Business Insider đã nói chuyện với 6 người lựa chọn về hưu sớm về vấn đề tài chính của họ thay đổi ra sao sau khi thực hiện điều này. Hóa ra, cuộc sống tài chính của họ nhìn chung được cải thiện sau khi nghỉ hưu...