Cát Lình – bức tranh đa sắc của Chiềng Muôn
Đây mới chính là thiên đường của mây, của gió, ôm ấp những thửa ruộng bậc thang như được dát vàng trong sắc nắng thu se lạnh, mời gọi du khách về khám phá, trải nghiệm…
Sóng lúa Cát Lình.
Cách trung tâm huyện Mường La chưa đầy 20 km, bản Cát Lình của đồng bào Mông nằm bên sườn đỉnh Pu Tha Kềnh (núi múa khèn) cao hơn 2.500m so với mực nước biển. Mùa này, lúa trên những thửa ruộng bậc thang đang chín rộ, nhìn từ xa tựa như bức tranh đa sắc màu, tầng tầng lớp lớp trải dài từ sườn núi này nối sang núi khác, kéo xuống tận thung sâu. Cát Lình – là địa danh phiên âm ra tiếng phổ thông, chứ người dân nơi đây vẫn gọi vùng đất này là Co Linh (nghĩa là khu rừng nhiều khỉ), cũng bởi vùng đất này còn khá hoang sơ, nơi trú ngụ của nhiều loài muông thú, trong đó có loài khỉ. Rừng nguyên sinh còn nhiều, suối nước dồi dào quanh năm, đồng bào dân tộc Mông các vùng Chiềng Ân, Ngọc Chiến đã về đây khai khẩn, lập bản, bám trụ từ những năm 70 của thế kỷ trước. Lên Cát Lình chỉ có một con đường liên bản gập ghềnh sỏi đá, nối trung tâm xã Chiềng Muôn với các bản Hua Đán – Nậm Kìm – Cát Lình.
Video đang HOT
Trưởng bản Hàng A Ký khá ngạc nhiên khi thấy đoàn khách lạ về bản, vậy nên câu chuyện về nơi này anh Ký tiết lộ khá hạn chế. Chỉ biết bản hiện có 41 hộ, 237 khẩu, 34 ha ruộng 2 vụ, nhưng chỉ làm 1 vụ cũng đủ ăn cả năm, rừng khoanh nuôi bảo vệ còn nhiều, chưa có con số cụ thể. Tuy là vùng đất dốc, núi đá sừng sững chông chênh, nhưng do nguồn nước tự nhiên dồi dào, nên bà con đã chặn khe, ngăn dòng, đào mương, bắc máng dẫn nước khai hoang ruộng bậc thang. Đến năm 2012, bản được đầu tư hệ thống thủy lợi kiên cố dài hơn 2km từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ, bà con mở thêm diện tích ruộng bậc thang, tự cung tự cấp hoàn toàn về lương thực. Hiện tại, ngoài lúa nước, bà con còn được trợ giá nuôi gần 100 con trâu, bò, 250 con dê và nhiều loài gia cầm, nhất là vịt đen bản địa. Đặc biệt, nơi đây có truyền thống nuôi cá ruộng, tạo thêm nguồn thực phẩm sạch, ngon, chất lượng. Tuy là bản vùng ba đặc biệt khó khăn, chưa có điện lưới, nhưng bà con đã tận dụng nguồn nước đặt máy phát điện mini thắp sáng, chạy máy xay xát. Bản hiện có trường học mầm non, tiểu học điểm lẻ cắm bản…
Từ Cát Lình, du khách có thể phóng tầm mắt xuống dưới thung sâu ngắm toàn cảnh cả ba cung bậc thủy điện Nậm Chiến lung linh ánh điện về đêm; mỗi sớm thức dậy được ngắm những biển mây bồng bềnh trắng lùa từ dưới các hồ thủy điện, đẩy dần lên vắt ngang các đỉnh núi như bức tranh thủy mặc. Về Cát Lình, du khách không chỉ được nghe những bản nhạc của suối, mà còn được tắm nước suối trong mát lạnh, hít thở không khí trong lành, hòa mình vào những dãy núi cao trùng điệp và trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Mông thân thiện, giàu lòng mến khách, cùng đi gặt lúa, đuổi gà thả rừng, bắt cá ruộng bậc thang, ngủ trong nhà gỗ pơ mu, thưởng thức rượu ngâm thảo quả cùng những đặc sản khác của núi rừng.
Dẫu còn không ít khó khăn, vất vả, nhưng Cát Lình thực sự là điểm đến lý tưởng để thăm thú, khám phá và trải nghiệm.
Bãi Đá Nhảy - Bức tranh thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú
Toàn thể vùng Đá Nhảy rộng khoảng 4-5 ha, trải dài trên địa phận hai xã Hải Trạch, Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình).
Bãi Đá Nhảy là một quần thể các khối đá lớn có hình con cóc, con trâu nằm, hình "trống - mái", hổ quỳ, voi phục... Nhiều khối đá được đặt tên rõ ràng, như: Đèo Ngoài, Đồng Thuần, Đá Đen, Đèo Trong... Có khối do bị mưa gió bào mòn thành hình các trụ đá cao chừng 7-8 m, có chỗ tạo thành những hang động xinh xắn, có miệng hang, thành hang trông thật kỳ dị, hấp dẫn. Tùy thuộc vào sự lên xuống của nước biển theo mùa, du khách tới đây chắc chắn sẽ ngạc nhiên với sự biến đổi màu sắc của từng phiến đá.
Mỗi khi thủy triều lên, sóng vỗ tung bọt trắng xóa, đá tảng, đá hòn trông tựa như những con cóc lớn nhảy chồm trên sóng nước, hoặc như những con hổ quỳ, voi phục đùa giỡn với sóng biển. Có thể vì hình thế riêng biệt đó mà ra đời danh xưng Đá Nhảy nhằm lột tả hết vẻ mỹ miều của non nước nơi đây. Do cảnh sắc ấn tượng của Đá Nhảy mà năm 1842 vua Thiệu Trị trong chuyến Bắc tuần đã nghỉ chân tại đây và cho khắc bia lưu dấu.
Quang cảnh bãi Đá Nhảy.
Bên cạnh vẻ ngoài kỳ thú, đa dạng của đá, nằm trong quần thể thiên nhiên hoang sơ này còn có một giếng nước độc đáo, tục gọi là "giếng Cóc" do một tảng đá lớn hình con cóc che trên miệng giếng. Giếng ở sâu trong "hang Cóc", người muốn lấy nước phải chui vào trong "bụng Cóc", khom xuống mới múc được từng gáo nước. Nước giếng Cóc tích tụ từ mạch nước ngầm chứa trong đá cát nên vô cùng tinh khiết và mát lành. Bên cạnh giếng Cóc có đền thờ Nam Hải Đại Vương. Trước đây, ngư dân trong vùng mỗi lần ra khơi đều ghé vào đây cúng lễ. Nước giếng Cóc được người dân múc lên tế lễ và cũng là nguồn mạch dự trữ trong những chuyến đánh cá dài ngày.
Địa danh Đá Nhảy còn liên quan đến một câu đối hay được người dân trong vùng truyền tụng qua nhiều thế hệ. Tương truyền rằng, trong một cuộc thi Đình dưới triều vua Thành Thái, để thử sức các thí sinh nhà vua đã ra một vế đối: "Bò đi Đá Nhảy". Vế đối hóc búa vì toàn là động từ nhưng cũng có hai danh từ là "bò" và "đá". Thí sinh Trần Văn Thống, người làng La Hà (một ngôi làng thuộc Bát danh hương Quảng Bình) đã lấy địa danh làng mình để đối: "Hùm hét La Hà", cũng có bốn động từ và có hai danh từ là "hùm" và "hà". Có người cho rằng La Hà là làng ở giữa sông, làm gì có "hùm" (cọp), nhưng sự thật thì ngày trước đã có lần cọp bơi qua sông về cù lao La Hà quấy phá.
Khu Đá Nhảy nằm ngay dưới chân đèo Lý Hòa. Đèo Lý Hòa thường gọi là đèo Đá Nhảy, độ cao cách mặt nước biển chỉ 75 m và chiều dài chừng 2 km nhưng cảnh sắc rất quyến rũ, thơ mộng. Con đèo này xuất phát từ dãy Trường Sơn, với liên tục núi đồi thấp dần, nhỏ dần lao ra tận biển Đông. Đứng trên đỉnh đèo sẽ quan sát được gần như toàn bộ danh thắng Đá Nhảy hoang sơ, điệp trùng giống như một bãi đá đang nhảy nhót, đùa giỡn với sóng biển trên một bãi cát trắng trông thật ngoạn mục. Cùng với đó là những làng mạc trù phú xung quanh, từng đoàn thuyền quăng lưới, những con người say mê với công việc thường ngày...
Biển Đá Nhảy có nước trong veo và cát trắng phẳng lì. Mùa hè, bãi biển Đá Nhảy chật kín du khách thập phương từ nam ra, ngoài bắc vào, cả người dân địa phương sau một ngày mưu sinh vất vả cũng hòa mình vào biển biếc bao la với từng đợt sóng rì rào cùng làn gió mát rượi. Đến đây, du khách còn có thể tham gia nhiều loại hình giải trí vận động như: chèo thuyền, leo núi, săn bắn hay đơn giản là dạo chơi trong bạt ngàn rừng dương. Biển Đá Nhảy còn có nhiều loại hải sản như tôm, cá, cua, mực, ốc, đặc biệt là ốc sắt... có thể chế biến những món đặc sản biển hấp dẫn.
Nếu có dịp đi ngang qua vùng đất Quảng Bình nắng gió, bạn hãy dành chút thời gian ghé lại Đá Nhảy. Chỉ cần xuống xe và đi bộ vài bước chân, bạn đã chạm được vào cát, đá, nước... của danh thắng Đá Nhảy với khung cảnh hoang sơ, kỳ thú đẹp như tranh vẽ.
Mùa hoa mận Khuổi Bắc Những ai từng đến xóm Khuổi Bắc, xã Quang Trung, huyện Hòa An (Cao Bằng) dịp xuân về dường như không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của mùa hoa mận trắng, và luôn nhớ tới mùa xuân miền sơn cước tỉnh Cao Bằng. Bức tranh vườn mận trắng nhìn từ trên cao. (Ảnh: Phạm Hữu Tuyền) Mùa hoa mận trắng của người...