Cặp vợ chồng Mỹ bị đuổi khỏi nhà hàng vì vẫn đeo khẩu trang
Nhà hàng ở Texas cấm khách đeo khẩu trang, trong khi cặp vợ chồng giải thích họ chỉ muốn bảo vệ con trai 4 tháng tuổi bị suy giảm miễn dịch trước đại dịch Covid-19.
Ngày 10/9, Natalie Wester và chồng cô, Jose Lopez-Guerrero, cùng nhóm bạn đến dùng bữa tại một nhà hàng và quán bar ở thành phố Rowlett (bang Texas, Mỹ).
“Chúng tôi mới có con và đang ở giữa một đại dịch. Nhưng tối hôm đó, mẹ tôi đã có mặt để giữ hộ con cho chúng tôi ra ngoài. Sống trong thời dịch, bị cô lập và phải tránh xa mọi người là một vấn đề lớn đối với sức khỏe tinh thần của chúng tôi”, Wester nói với CNN .
Cặp vợ chồng cho biết họ có một con trai 4 tháng tuổi bị xơ nang (rối loạn di truyền ảnh hưởng chủ yếu đến phổi). Cả hai thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giữ an toàn, làm những gì tốt nhất cho gia đình mình, bao gồm cả việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, trừ lúc ăn uống.
Tuy nhiên, nhà hàng họ ghé thăm, Hang Time Sports Grill & Bar, có quy định không đeo khẩu trang. Vợ chồng Wester cho biết họ không biết về yêu cầu này.
“Khoảng 30 phút sau, nhân viên phục vụ của nhà hàng đến nói với chúng tôi rằng quản lý của họ đang ở trong bếp. Và anh ấy không tin vào khẩu trang, cũng không chấp nhận việc khách đeo nó trong nhà hàng”, Wester kể.
Natalie Wester và Jose Lopez-Guerrero cho biết họ luôn đeo khẩu trang ở nơi công cộng để bảo vệ con trai 4 tháng tuổi bị xơ nang. Ảnh: Natalie Wester Guerrero.
Cuối cùng, cặp vợ chồng bị đuổi khỏi nhà hàng vì không chấp nhận tháo khẩu trang. Họ lo lắng việc làm đó có thể gây nguy hiểm cho con trai bị suy giảm miễn dịch ở nhà.
Trong khi đó, Tom, chủ nhà hàng, cho biết: “Tôi đã đổ máu, mồ hôi, nước mắt của mình vào công việc kinh doanh này và tôi không muốn có bất kỳ chiếc khẩu trang nào ở đây. Tôi cảm thấy phản ứng của người Mỹ với khẩu trang bây giờ thật nực cười”.
Video đang HOT
Tháo khẩu trang hoặc rời đi
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ngay cả đối với những người đã được tiêm chủng nếu họ đang ở trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc trong gia đình có thành viên bị suy giảm hệ miễn dịch.
Còn những người chưa tiêm phòng được khuyến khích đeo khẩu trang ở những không gian công cộng trong nhà cho đến khi được tiêm chủng đầy đủ.
Tuy nhiên, ở Texas, lệnh đeo khẩu trang đã được dỡ bỏ. Ngày 10/3, Thống đốc Greg Abbott tuyên bố xóa bỏ các quy định giới hạn và cho biết doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực được phép hoạt động với 100% công suất.
Khi bước vào nhà hàng ở Rowlett, Wester nhớ mình đã được nhân viên yêu cầu tháo khẩu trang nhưng cô lầm tưởng rằng họ chỉ muốn đối chiếu khuôn mặt cô với giấy tờ tùy thân.
“Khi chúng tôi đi vào nhà hàng, nhạc rất lớn và nhân viên tiếp tục yêu cầu tháo khẩu trang, nhưng thành thật tôi chỉ nghĩ họ muốn kiểm tra ID của chúng tôi”.
Nhiều người đi bộ ở Las Vegas không đeo khẩu trang vào tháng 4/2021. Ảnh: AP.
Sau khi nhân viên phục vụ chuyển lời của quản lý nhà hàng và buộc cặp vợ chồng bỏ khẩu trang hoặc rời đi ngay lập tức, Wester mới thực sự hiểu vấn đề và gần như “không nói nên lời”.
Cặp vợ chồng đã cố giải thích rằng họ đã trả tiền ăn, đồng thời có con nhỏ ở nhà bị bệnh xơ nang, nhưng nhân viên nhà hàng không hề mảy may cân nhắc.
Mặc dù đã tiêm phòng, bất cứ lúc nào ra khỏi nhà, vợ chồng Wester đều đeo khẩu trang. Tuy nhiên rắc rối lần này khiến họ rất e ngại.
“Chúng tôi sẽ phải đối mặt với trường hợp tương tự khi chiếc khẩu trang đã bị biến thành câu chuyện chính trị chứ không còn là vấn đề khoa học.
Nó khiến tôi nhận ra rằng có lẽ tôi không nên ra ngoài nữa, ít nhất không phải ở đây, ở Texas, không phải lúc này. Vì đó không còn là môi trường tốt”.
Phân biệt đối xử
Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra các biện pháp bảo vệ đối với người Mỹ dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, khuyết tật, tôn giáo, tình trạng gia đình, nguồn gốc quốc gia và quyền công dân, nhưng không đưa ra bất kỳ biện pháp bảo vệ cụ thể nào liên quan đến đeo khẩu trang.
Theo luật liên bang, các doanh nghiệp tư nhân có thể áp đặt bất kỳ quy tắc nào đối với khách hàng của họ, miễn là họ không phân biệt đối xử dựa trên những điều đã nêu, phó giáo sư Emily Berman của Trung tâm Luật Đại học Houston nói với CNN .
Như vậy, các doanh nghiệp có thể cấm sử dụng khẩu trang. Tuy nhiên, có hai trường hợp đặc biệt cần lưu ý.
Một phụ nữ đeo khẩu trang khi bước vào Disney Store ở Quảng trường Thời đại của New York, hôm 27/7. Theo khuyến cáo của CDC, những người Mỹ được tiêm chủng đầy đủ vẫn nên đeo khẩu trang vì biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Ảnh: Reuters.
Thứ nhất, nếu một người có tình trạng thể chất khiến họ đặc biệt dễ bị nhiễm Covid-19 (hoặc sống với người dễ bị lây nhiễm), thì tình trạng đó có thể được coi là khuyết tật, theo bà Berman.
“Nếu vậy, có thể lập luận rằng việc buộc người đó phải cởi khẩu trang hoặc rời khỏi nơi nào đó sẽ cấu thành sự phân biệt đối xử trên cơ sở khuyết tật”.
Thứ hai, chính quyền tiểu bang và địa phương thường mở rộng danh sách các danh mục bị cấm phân biệt đối xử. “Vì vậy, những thứ như mang thai, tình trạng chuyển giới, tình trạng hôn nhân… cũng được bảo vệ ở một số khu vực pháp lý nhất định, có nghĩa là các quy tắc ở mỗi nơi mỗi khác”.
Trong trường hợp của Wester, cô không có ý định khởi kiện nhà hàng.
Mục tiêu của cô khi chia sẻ câu chuyện của mình là khuyến khích chủ nhà hàng xem xét lại quy định và khuyên các khách hàng khác nên cân nhắc việc đến dùng bữa ở những nơi như thế này.
Malaysia, Ấn Độ đứng đầu châu Á về phục hồi kinh tế nhanh hơn dự báo
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Bloomberg, hoạt động kinh tế tại Malaysia và Ấn Độ trong năm tới dự kiến sẽ phục hồi nhanh hơn so với dự báo trước đó, dù hai nước này nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 trong những tháng gần đây.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn kết quả khảo sát cho biết triển vọng tăng trưởng kinh tế của Malaysia được điều chỉnh tăng nhiều nhất trong khu vực, với 0,85%, lên mức tăng trưởng dự kiến 5,65% vào năm tới. Tiếp theo là Ấn Độ, với mức điều chỉnh tăng 0,8% điểm phần trăm, dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%.
Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế đã nâng dự báo tăng trưởng đối với hầu hết các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam với mức điều chỉnh tăng 0,3%. Triển vọng kinh tế của Indonesia ít thay đổi, trong khi triển vọng tăng trưởng của Thái Lan và New Zealand được điều chỉnh giảm lần lượt khoảng 0,2% và 0,45%.
Dù là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày cao nhất thế giới trong tháng 8 vừa qua và đã trải qua đợt thay đổi bộ máy lãnh đạo, nhưng Malaysia không phải đối mặt với bất kỳ rủi ro kinh tế trước mắt nào. Nhu cầu trong nước cải thiện và xuất khẩu gia tăng đã hỗ trợ cho hoạt động của nền kinh tế và GDP của nước này quý II/2021 tăng 16,1%.
Đối với Ấn Độ, bà Madhavi Arora, nhà kinh tế hàng đầu tại Emkay Global Financial Services Ltd, cho rằng nhu cầu hàng hóa tăng mạnh giúp nước này đạt được mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm tính đến tháng 3 vừa qua, trong bối cảnh số ca nhiễm mới hằng tuần giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 tháng tính đến ngày 19/9. Đến thời điểm hiện tại, những thiệt hại về kinh tế của quốc gia Nam Á này đã được khắc phục và sẽ được thúc đẩy nhờ các nhân tố như các công ty thích ứng tốt hơn, điều kiện tài chính ổn định và tăng trưởng toàn cầu được đẩy mạnh.
Nhật Bản đưa thêm 7 tỉnh vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp về y tế Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 17/8, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa thêm 7 tỉnh vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19. Quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 20/8. Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông tại nhà ga tàu ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN...