Cấp trùng thẻ BHYT: Siêu lãng phí!
43 tỉnh, thành vừa phát hiện gần 750.000 thẻ BHYT cấp trùng, hầu hết là những đối tượng thuộc diện chính sách.
Từ cuối năm 2012, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã có văn bản gửi BHXH các tỉnh, thành yêu cầu báo cáo về tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Đến nay, 43 tỉnh đã báo cáo phát hiện gần 750.000 thẻ BHYT cấp trùng. Trong đó, Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP HCM, Đồng Tháp, Lai Châu, Sơn La… là những địa phương có số thẻ cấp trùng nhiều nhất.
Do chồng chéo, công nghệ yếu (?!)
Ngày 16/7, ông Phạm Mai, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định, cho biết trong 3 năm (từ 2010-2012), tỉnh này đã cấp trùng thẻ BHYT cho hơn 17.600 trường hợp với tổng số tiền 3,5 tỉ đồng, phần lớn rơi vào nhóm đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Còn tại tỉnh Phú Yên, trong 2 năm qua cũng có gần 1.500 trường hợp cấp trùng thẻ với số tiền trên 600 triệu đồng. Tương tự, ông Phạm Ngọc Hà, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam, thống kê chỉ trong năm 2012, tỉnh này cấp trùng 7.000 thẻ BHYT, gây lãng phí khoảng 4 tỉ đồng. Trong khi đó, BHXH tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cấp trùng 25.533 thẻ BHYT từ năm 2010-2012; trong đó, trên 17.800 người được cấp 2 thẻ, 539 người có 3 thẻ, 65 người có 4 thẻ và nhiều trường hợp được cấp tới 6 thẻ; gây lãng phí ngân sách nhà nước 8 tỉ đồng.
Khám chữa bệnh bằng BHYT tại Bệnh viện quận 3, TP HCM
Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, việc cấp trùng thẻ diễn ra từ nhiều năm nay. Đối tượng cấp trùng chủ yếu ở nhóm người nghèo, người có công với thân nhân sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, thân nhân công an. Do đó, có tình trạng 1 người có thể được cấp tới 3-4 thẻ vì vừa được phát thẻ người nghèo vừa được phát thẻ người có công, thân nhân sĩ quan quân đội vừa là đối tượng hội cựu chiến binh.
Đại diện BHXH Việt Nam nhận định nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do trong các quy định của luật, thông tư chưa quy đầu mối, trách nhiệm cho đơn vị, tổ chức lập danh sách người có thẻ BHYT. Chính vì thế, người nghèo, trẻ em do UBND xã lập danh sách; cựu chiến binh do hội cựu chiến binh lập; thân nhân sĩ quan quân đội lại theo hệ thống của tỉnh đội, huyện đội. Danh sách lập ra không thống nhất từ một đầu mối nên không thể rà soát được các đối tượng. Mặt khác, khi cơ quan BHXH nhận được danh sách có đóng dấu, ký tên của một cơ quan tổ chức đã được luật và các văn bản hướng dẫn quy định thì phải cấp thẻ. Dĩ nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng có quy định rà soát lại thẻ BHYT nhưng do hạ tầng công nghệ thông tin của hệ thống BHXH Việt Nam chưa đáp ứng được vấn đề này nên không loại được hết thẻ trùng. Ngay trong quá trình phân loại, dù phát hiện thẻ trùng họ tên, ngày tháng năm sinh, thậm chí cùng quê quán, cũng chưa thể xác định 2 người là một nên không đủ cơ sở pháp lý để loại hẳn thẻ trùng.
Video đang HOT
Tiền tiêu hết, sao thu hồi?
Hiện các địa phương đang khá lúng túng trong xử lý việc cấp trùng thẻ BHYT. Ông Nguyễn Trúc Phương, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên – Huế, thừa nhận việc cấp trùng thẻ dẫn đến lãng phí ngân sách nhà nước ngoài trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn còn do lỗi của BHXH tỉnh Thừa Thiên – Huế. “Số tiền 8 tỉ đồng lãng phí do cấp trùng thẻ chúng tôi sẽ hoàn trả lại cho Sở Tài chính. Tuy nhiên, Chính phủ nên giao việc quản lý, cấp thẻ BHYT cho một đầu mối đồng thời, xây dựng phần mềm hiện đại có chức năng rà soát để phát hiện sự trùng lặp” – ông Phương cho biết.
BHXH TP Đà Nẵng cũng cho hay đang phối hợp với Sở Tài chính để rà soát lại những đối tượng cấp trùng thẻ. Theo ông Trương Toa, Trưởng Phòng Cấp sổ, thẻ BHXH TP Đà Nẵng, đề nghị cần xây dựng một hệ thống dữ liệu lưu trữ toàn bộ thông tin các đối tượng tham gia BHYT. Bên cạnh đó, còn đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương và cơ quan BHXH.
Theo đại diện BHXH Việt Nam, sau khi xác minh số thẻ cấp trùng, cơ quan này sẽ tiến hành thu hồi thẻ trùng và hoàn trả tiền về ngân sách nhà nước. Theo đúng quy định, thẻ nào có mã quyền lợi tốt nhất sẽ được giữ lại. Tuy nhiên, việc thu hồi rất khó khăn vì không phải ai cũng tự giác nộp. “Hiện BHXH đã phân bổ thẻ đăng ký ban đầu theo số lượng thẻ phát hành nên ở nhiều bệnh viện, thẻ trùng được phân bổ và tính vào quỹ cho các bệnh viện. Nếu bây giờ chuyển trả lại ngân sách sẽ phải hạch toán lại và Quỹ BHYT phải giảm trừ một khoản chi phí lớn, trong khi thực tế số tiền này đã bị tiêu hết” – đại diện cơ quan bảo hiểm giải thích.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT – BHXH Việt Nam, cho biết BHXH đang đề xuất phương án đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình với sự xác nhận của UBND trong dự thảo sửa đổi Luật BHYT. Tuy nhiên, phương án này cũng khó khắc phục hoàn hoàn toàn việc cấp trùng thẻ vì người dân vừa kê khai ở gia đình lại kê khai ở cả nơi làm việc.
Một bé gái được cấp 6 thẻ
Cháu N.T.T.K (ngụ xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được cấp tới 6 thẻ BHYT. Trường hợp này được đại diện BHXH tỉnh Thừa Thiên – Huế lý giải là do phía BHXH tỉnh nhận một lúc danh sách gồm 1.036 trẻ đề nghị được cấp thẻ BHYT, trong đó tên của cháu K. được lập thành 6 lần và nằm rải rác trong hàng trăm trang giấy nên cán bộ cấp thẻ không thể phát hiện (!).
Theo Khampha
Tham gia bảo hiểm y tế là bắt buộc
BHYT sẽ giảm mức thanh toán đối với trái tuyến, vượt tuyến (cả nội trú avà ngoại trú).
Đó là những thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội nghị xin ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) do Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức ngày 19/6. Theo dự thảo thì BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với mọi đối tượng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, góp phần thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.
Bắt buộc tham gia
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, việc tham gia BHYT ở nước ta đang theo tâm lý ngược chiều, chỉ khi ốm hoặc sắp ốm, người dân mới thấy xuất hiện nhu cầu mua thẻ BHYT. "Vì vậy, tiến tới BHYT toàn dân sẽ góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển" - bà Xuyên nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết thêm quá trình triển khai cho thấy quy định việc tham gia BHYT hiện nay chưa rõ ràng nên nhiều nhóm đối tượng đã không tham gia. Vì vậy, để tiến tới thực hiện BHYT toàn dân thì luật sửa đổi phải quy định tham gia BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc.
Người dân mua BHYT tại UBND phường 3, quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD
Dự thảo cũng bổ sung quy định phương thức đóng chuyển đổi từ tham gia BHYT cá nhân sang tham gia theo hộ gia đình. Nhiều đại biểu đồng tình và cho rằng BHYT hộ gia đình là hình thức gắn trách nhiệm tham gia BHYT của hộ gia đình và trách nhiệm của UBND cấp xã trong thực hiện BHYT. Đồng thời, tạo điều kiện dễ quản lý, dễ triển khai cũng như thống nhất được chế độ, nghĩa vụ và quyền lợi của người tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung việc thanh toán BHYT cho điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt cho trẻ em dưới sáu tuổi nhằm tăng quyền lợi BHYT cho trẻ em.
Giảm mức thanh toán đối với trái tuyến
Cũng theo dự thảo, BHYT sẽ giảm mức thanh toán đối với trái tuyến, vượt tuyến (cả nội trú và ngoại trú) với mức thanh toán giảm từ 30%, 50%, 70% như hiện nay xuống còn 20%, 40%, 60% theo hạng BV đối với trường hợp nội trú và 10%, 20%, 30% theo hạng BV đối với trường hợp ngoại trú.
Theo nhiều đại biểu, việc quy định mức cùng chi trả cao hơn đối với trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến là cần thiết, phù hợp với kinh nghiệm các nước để hạn chế việc vượt tuyến kỹ thuật, hạn chế sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, giảm tình trạng quá tải và đảm bảo sự an toàn của quỹ mà vẫn đáp ứng được nhu cầu tiếp cận dịch vụ của người tham gia BHYT.
Nhiều đại biểu cũng đồng tình với quy định quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí khám, chữa bệnh mà người bệnh cùng chi trả trong năm lớn hơn 12 tháng lương cơ bản (trừ trường hợp vượt tuyến, trái tuyến và sử dụng thuốc ngoài danh mục). Theo đại diện Vụ BHXH, việc quy định cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh không có giới hạn mức chi trả tối đa với những người mắc bệnh nặng, có chi phí lớn (ung thư, phẫu thuật, can thiệp tim mạch, ghép tạng, chạy thận nhân tạo...) là cần thiết để giảm phần tự chi trả trực tiếp từ tiền túi của mỗi cá nhân do chi phí y tế quá lớn. Đây là điểm mới nhằm giảm chi tiêu y tế từ tiền túi của mỗi cá nhân, tránh được "bẫy nghèo" trong y tế cho các trường hợp bệnh nặng chi phí lớn.
Thành lập Hội đồng tư vấn chính sách BHYT Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong sử dụng thuốc, trong sử dụng các dịch vụ y tế, sử dụng quỹ BHYT, Bộ Y tế đang đề xuất thành lập Hội đồng đánh giá, thẩm định BHYT. Hội đồng có nhiệm vụ đánh giá chi phí và chất lượng chuyên môn, tính phù hợp của việc cung ứng dịch vụ y tế cho người bệnh; thẩm định chi phí mà cơ sở khám, chữa bệnh yêu cầu thanh toán; quyết định hoàn lại chi phí, kiểm tra gian lận trong quản lý và sử dụng quỹ BHYT. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn để thẩm tra, đánh giá; xây dựng và hướng dẫn về cơ chế thanh toán cho phù hợp. Điều này nhằm bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT, tính hợp lý trong cung ứng dịch vụ của các cơ sở khám, chữa bệnh, bảo đảm tính tuân thủ các quy định của pháp luật về BHYT, có thể hạn chế hiện tượng lạm dụng quỹ BHYT, đồng thời bảo đảm Quỹ BHYT được sử dụng có hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên
Theo 24h
Hoãn mổ để đợi thẻ BHYT mới Nhiều bệnh nhân điều trị nội trú đang lo lắng phải gánh khoản viện phí khổng lồ vì thẻ bảo hiểm y tế hết hạn Gần một tuần qua, anh Phùng Văn Hải (quê Thái Bình) tất tả ngược xuôi lo thủ tục cho người thân đang điều trị tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai - Hà Nội. Cha anh Hải mới nhập...