Cấp tốc chống lây nhiễm chéo sau trường hợp tử vong vì bệnh sởi
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca sởi dương tính cao hơn 111 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Tại tỉnh Đồng Nai vừa ghi nhận bé trai 3 tuổi tử vong do nghi sởi biến chứng, nâng tổng số tử vong lên 6 trường hợp từ đầu năm đến nay. Dịch sởi bùng phát vào năm 2014 lây lan nhanh trong cơ sở y tế khiến hơn 100 trẻ tử vong là bài học sâu sắc trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn ở bệnh viện, phòng, chống lây nhiễm chéo khi tỷ lệ trẻ chưa tiêm vaccine sởi trong cộng đồng còn cao.
Nguy hiểm của bệnh sởi biến chứng
Ca tử vong vì nghi do sởi biến chứng mới nhất là bé trai 3 tuổi, trú tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Theo mẹ bệnh nhi, ngày 23/11, bé bị sốt, không đau ngực, đau bụng, ho ít, đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai được chẩn đoán sởi, cho thuốc về theo dõi. Gia đình cho con tái khám vào các ngày 25 và 28/11. Đến sáng 29/11, cháu bé ho nhiều, khò khè, khó thở, lừ đừ, được gia đình đưa đi viện. Trên đường đi bé khó thở, hụt hơi, sau đó hôn mê.
Tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cháu bé không tự thở, mất mạch cảnh, đồng tử 2 bên giãn, phát ban toàn thân… Các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành hồi sinh tim phổi, tích cực cứu chữa cho cháu bé nhưng bệnh nhân ngừng thở, đồng tử 2 bên giãn, không có phản xạ ánh sáng, mạch và huyết áp bằng 0. Đến 10h40 cùng ngày, các bác sĩ xác định bệnh nhi tử vong, chẩn tử vong ngoại viện chưa rõ nguyên nhân, nghi do sởi biến chứng dẫn đến viêm cơ tim, viêm não.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phân luồng, cách ly bệnh nhân nghi sởi, chống lây nhiễm chéo.
Đây là ca tử vong thứ 2 vì nghi sởi biến chứng tại Đồng Nai từ đầu năm 2024 đến nay. Ca tử vong trước đó là bé trai H.T.H. (8 tuổi, trú tại TP Biên Hòa) được đưa tới bệnh viện sáng 18/11 sau khi người nhà phát hiện cháu bé gọi hỏi không trả lời. Sau 50 phút các bác sĩ cấp cứu ngừng tuần hoàn, bệnh nhi được xác định tử vong ngoại viện do bệnh sởi biến chứng viêm phổi nặng.
Video đang HOT
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, bệnh sởi tại địa phương diễn ra nghiêm trọng. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 3.000 ca bệnh sởi ở cả 11 huyện, TP trong tỉnh; trong khi cùng thời điểm này vào năm 2023 chỉ ghi nhận 3 ca bệnh sởi, không có ca tử vong.
Trước đó, một bé gái 13 tháng tuổi ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cũng tử vong vì bệnh sởi dù cháu đã được tiêm đủ 2 liều vaccine phòng bệnh sởi vào các ngày 3/7 và 3/10/2024. Bé gái mắc sởi diễn tiến nặng dẫn đến tử vong ngày 11/11 do các biến chứng suy gan cấp, viêm phổi và sốc nhiễm trùng.
Biến chứng của bệnh sởi rất nguy hiểm. Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng. Trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm màng não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng, viêm loét ruột, viêm loét giác mạc, suy giảm miễn dịch, thậm chí có thể gây tử vong…
Còn nhiều trẻ chưa tiêm chủng, không để lây lan chéo
Theo Bộ Y tế, một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp. Ở phía Bắc, số ca mắc sởi gần đây cũng tăng vọt. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ 9/10 đến 19/11, ghi nhận 195 ca sởi dương tính, trong đó, tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi) chiếm hơn 31%, với trẻ trên 9 tháng tuổi, tỷ lệ chưa tiêm chủng chiếm đến 40%.
Dịch sởi bùng phát đã ghi nhận hầu hết những ca mắc đều chưa tiêm vaccine sởi. Tại tỉnh Đồng Nai, trong số ca mắc sởi có tới 91,5% chưa tiêm vaccine sởi, 4,8% đã tiêm vaccine có thành phần sởi và 3,7% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Đáng lưu ý, đã ghi nhận 329 ca bệnh dưới 9 tháng tuổi mắc sởi (9 tháng tuổi là tuổi bắt đầu tiêm vaccine sởi mũi 1 theo quy định của Bộ Y tế), chiếm tỉ lệ 14,6%. Ngoài ra, ghi nhận hơn 200 trường hợp từ 11 tuổi trở lên mắc sởi, trong đó có 120 bệnh nhân từ 15 tuổi trở lên.
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện… Một ca bệnh sởi có thể lây cho 12 – 18 người với tốc độ và phạm vi lây lan mạnh hơn cúm và thủy đậu rất nhiều. Đặc biệt, bệnh dễ lây lan ở lớp học, phòng bệnh nếu có ca mắc, dễ phát sinh thành ổ dịch. Do vậy, lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế rất đáng lo ngại khi thời gian gần đây bệnh sởi gia tăng, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, số người đến khám, điều trị tại cơ sở y tế tăng nhanh, nhất là tại các bệnh viện chuyên khoa như bệnh viện Nhi, bệnh viện Sản Nhi, bệnh viện Bệnh truyền nhiễm bệnh nhiệt đới… nếu không làm tốt công tác phân luồng, cách ly ngay ca nghi sởi thì bệnh dễ lây lan sang các bệnh nhi khi đến khám chữa bệnh.
Để phòng, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn yêu cầu giám đốc Sở Y tế các tỉnh, TP chỉ đạo các bệnh viện khẩn trương tổ chức phân luồng ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám. Bố trí khu khám riêng cho người bệnh sởi hoặc nghi mắc sởi. Các bệnh viện cần chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, phương tiện cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh. Thực hiện tốt việc phân loại, thu dung, cách ly, điều trị theo quy định nhằm hạn chế lây lan, tử vong. Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Hà Anh Đức, Cục yêu cầu các cơ sở y tế cần phối hợp chặt chẽ giữa công tác khám, chữa bệnh và công tác dự phòng và thực hiện báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.
Về việc vì sao trẻ đã tiêm 2 mũi vaccine sởi mà vẫn mắc bệnh? Trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vaccine sởi có miễn dịch bền vững nhưng không phải ai tiêm cũng có miễn dịch 100%, mà tùy vào cơ địa của từng người, tùy vào chất lượng vaccine mà miễn dịch của cơ thể không đạt 100%.
Dù đã tiêm 2 mũi vaccine vẫn có thể mắc sởi nhưng tỷ lệ này thấp. Vì vậy, người dân không nên chủ quan, khi tới nơi đông người nên đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh tiếp xúc với người nghi mắc bệnh…
Thêm 7 trường hợp mắc sởi tại Hà Nội
Trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa ghi nhận thêm 7 trường hợp mắc bệnh sởi, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm 2024 đến nay là 13 ca (trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh).
Sáng 30-9, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, thành phố vừa ghi nhận thêm 7 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó có 5 trường hợp chưa được tiêm chủng và 2 trường hợp chưa tiêm đầy đủ vắc xin sởi.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 13 trường hợp mắc sởi; trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh.
Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: Phong Lan
Trước tình hình số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát các trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Đồng thời, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Bên cạnh đó, CDC thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là ngành Giáo dục để tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng vắc xin sởi của toàn bộ trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố (hoàn thành trong tháng 10-2024). Dựa vào kết quả rà soát này để chuẩn bị triển khai tổ chức tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi-rubella (MR) cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa tiêm chủng đủ mũi theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND thành phố.
Trước đó, sau khi công bố dịch sởi trên địa bàn, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ vào cuối tháng 8-2024 với mục đích nâng cao miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn dịch sởi.
Với kinh nghiệm tiêm chủng vắc xin nhiều năm, Hệ thống tiêm chủng VNVC là đơn vị dịch vụ chủ lực cùng thành phố Hồ Chí Minh tiêm vắc xin sởi miễn phí cho trẻ em từ 1-10 tuổi nhằm tăng tốc bao phủ vắc xin, rút ngắn thời gian bùng dịch.
Trước đó, từ đầu tháng 9-2024 đến nay, 39 trung tâm tiêm chủng VNVC tại thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm hơn 30 ngàn liều vắc xin có thành phần chống sởi cho trẻ em dưới 10 tuổi. Đây là con số rất ý nghĩa đóng góp cho chiến dịch của thành phố Hồ Chí Minh nhằm kiểm soát và đẩy lùi dịch sởi năm nay.
Theo Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC Bạch Thị Chính, sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan cực nhanh, 90-100% người chưa tiêm vắc xin, hoặc chưa từng mắc bệnh tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ bị mắc.
Một người nhiễm bệnh có thể lây cho 20 người khỏe mạnh. Người nhiễm vi rút sởi có thể lây nhiễm cho người khác thông qua giọt bắn, dịch tiết từ niêm mạc mũi họng khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Do vậy, bệnh sởi rất dễ lây lan ở những nơi đông người như khu dân cư, khu công nghiệp, trường học, ký túc xá, bệnh viện...
Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, là đối tượng rất dễ bị mắc bệnh sởi do hệ miễn dịch non yếu và giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ sau khi sinh ra.
Theo các chuyên gia y tế, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh sởi trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (>95%).
Đồng Nai thực hiện chiến dịch tiêm vaccine sởi rubella cho hơn 2.000 nhân viên y tế Tin từ Sở Y tế Đồng Nai cho biết, từ ngày 27/9, tỉnh này mở chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella cho hơn 81.000 trẻ em và hơn 2.000 nhân nhân y tế có nguy cơ cao, đang khám và điều trị cho bệnh nhân sởi. Chiến dịch tiêm chủng lần này, tập trung vào đối tượng cho trẻ từ 1-10 tuổi...