Cấp phép xây dựng cho cả vùng dự án treo
Đại biểu Quốc hội cho rằng nên cấp phép xây dựng tạm hoặc giấy phép có thời hạn trong vùng dự án treo để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.
Chiều 10/4, thảo luận về Luật Xây dựng sửa đổi, đại biểu Huỳnh Thành Lập cho rằng, cấp giấy phép xây dựng tạm cho người dân ở trong khu vực quy hoạch treo là cần thiết. Dẫn thực tế tại TP HCM thời gian qua, ông Lập chia sẻ, người dân rất khổ sở bởi quá nhiều dự án treo, thậm chí không ít dự án treo 15-20 năm.
“Trong trường hợp này mà dân không được cấp phép làm nhà thì lợi ích hợp pháp của người có quyền sử dụng đất bị xâm phạm”, ông Lập nói.
Vị trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, khi cấp phép tạm cho người dân thì nên căn cứ vào dự kiến dự án hết treo, khi đó nếu dự án được thực hiện sớm hơn thì người dân sẽ không được đền bù và phải cam kết tự tháo dỡ công trình. Còn khi hết thời hạn cấp phép tạm mà dự án mới thu hồi đất để thực hiện thì phải đền bù cả công trình trên đất như với công trình được cấp phép chính thức.
Dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh) bị “treo” gần 20 năm gây khó khăn cho người dân. Ảnh: Hữu Công.
Đồng ý với quan điểm này, song Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến góp ý “nên cân nhắc đổi tên giấy phép xây dựng tạm thành giấy phép xây dựng có thời hạn”. Tuy nhiên, ông Tiến lưu ý khi cấp phải gắn với điều kiện cụ thể, hồ sơ cụ thể.
“Tôi cũng đề nghị cần xem xét cấp giấy phép xây dựng tạm cho dân trong vùng dự án treo nhưng phải gắn liền điều kiện công trình như quy mô, diện tích chiều cao”, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bổ sung. Ông Vinh cho rằng, như vậy sẽ giảm bớt khó khăn cho người dân vướng phải dự án chưa được triển khai trong nhiều năm.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán đồng việc cấp giấy xây dựng có thời hạn và nhấn mạnh điều này là quyền lợi chính đáng cho người dân.
Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tán đồng việc cấp phép xây dựng cho dân vùng dự án treo và phải gọi là giấy phép xây dựng có thời hạn. “Trước đây các thành phố đề nghị cấp giấy phép xây dựng tạm vì thực tế đòi hỏi thế, nhưng xét về nội hàm, hình thức tên gọi thì chưa an tâm, gọi giấy phép có thời hạn là hợp lý”, Bộ trưởng Dũng nói.
Video đang HOT
Người đứng đầu ngành xây dựng cũng ví dụ, với dự án được quy hoạch cho 20 năm tới thì vẫn cấp phép cho xây dựng có thời hạn ít ra cũng 5-10 năm để tạo điều kiện cho người dân sản xuất kinh doanh trong khi chờ dự án.
Không riêng với vùng có dự án treo, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) còn đề nghị, nên cấp giấy phép có thời hạn cho người dân ở vùng nông thôn chưa được quy hoạch xây nhà ở hoặc khu dân cư.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nêu quan điểm, chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết thì không cấp giấy phép. Một khi chính quyền cấp phép mà sau đó vẫn không được quy hoạch khu để ở thì chính quyền phải bồi thường cho người dân.
Chí Hiếu
Theo VNE
Những phát ngôn "gây sốc" vụ nghi án hối lộ 80 triệu yên
Tính đến thời điểm này thì danh tính người nhận tiền hối lộ 80 triệu yen của công ty JTC vẫn còn là ẩn số nhưng xung quanh nghi án này có những phát ngôn lại khiến cho nhiều người phải "chột dạ".
Mới đây, dư luận xôn xao trước tin một tờ báo lớn của Nhật cho rằng các quan chức cấp cao của ngành đường sắt Việt Nam đã nhận khoản hối lộ 80 triệu Yen (khoảng 16,4 tỷ đồng) của Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC).
Cùng điểm lại những phát ngôn "gây sốc" nhất xung quanh nghi án gây chấn động dư luận này.
Kiên quyết làm rõ, bất kể người đó là ai
Ngay khi nhận được thông tin, ngày 23/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã tổ chức cuộc họp với tất cả các cơ quan, đơn vị có liên quan đến Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 để làm rõ thông tin báo chí Nhật Bản và Việt Nam đã phản ánh.
Bộ GTVT quyết tâm xử lý nghiêm khắc những vi phạm, bất kể người đó là ai.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: " Bộ GTVT sẽ kiên quyết, khẩn trương kiểm tra, làm rõ những vấn đề báo chí nêu và xử lý nghiêm khắc những vi phạm, bất kể người đó là ai".
Tôi cam đoan không nhận hối lộ
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là người bị tạm dừng công việc vì nghi nghi có dính líu tới bê bối trên. Khi trả lời chuyên trang Người đồng hành của Tạp chí Nhịp sống số, ông Hiếu đã phủ nhận hoàn toàn việc này: "Tôi cam đoan là không nhận bất kỳ khoản tiền hối lộ nào từ Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản. Tôi cũng không làm gì sai trái cả. Tôi là Đảng viên, tôi cam đoan về điều đó".
Không biết bọn họ "đi đêm" với nhau từ lúc nào?
Ngày 26/3, Bộ GTVT công bố thêm 10 cán bộ trong danh sách phải báo cáo liên quan đến nghi án đưa hối lộ 80 triệu yen, trong đó có ông Lê Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT đã về hưu từ 1/3/2013.
Trao đổi với PV Pháp luật TP. HCM - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng (giai đoạn 2008-2013) - người khi đó được giao phụ trách quản lý lĩnh vực đường sắt nói nói: "Tôi cũng rất ngạc nhiên với thông tin "lại quả" 80 triệu yen. Khi nghe thông tin tôi giật mình và không biết bọn này "đi đêm" với nhau lúc nào"...
Ăn thua gì, còn nhiều đồng chí chưa bị lộ
GS Nguyễn Mại - nguyên thành viên Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT đã đưa ra nhận xét thẳng thắn trên tờ báo Tri Thức Trẻ ngày 26/3.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Mại.
Ông Mại cũng nói thêm: "Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vì bây giờ nói về tham nhũng thì nước mình có "tên tuổi thứ hạng" lắm rồi, có xấu nữa cũng chả xấu hơn mấy. PCI 2013 vừa rồi, DN FDI họ còn đánh giá bệnh của mình nặng hơn Lào và Campuchia mà".
Lúc họ nôn nóng, tôi đã nghi ngờ
Trả lời phóng viên VTC News, ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, việc ngành đường sắt nôn nóng và sốt ruột trong việc đề xuất xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã khiến ông nghi ngờ.
Ông Tiến cho hay, "tại kỳ họp Quốc hội khóa XII (2007-2011), ngành đường sắt rất "hăng hái", "nhiệt tình", rất nôn nóng mong muốn Quốc hội thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. "Tôi tự đặt ra câu hỏi, tại sao ngành đường sắt phải nôn nóng và sốt ruột đến thế! Rõ ràng, đằng sau việc này phải có vấn đề gì đó"...
Cùng một cách làm ăn như vậy, vấn đề là chưa bị lộ thôi
Gần như tất cả các dự án đường sắt JTC (Nhật Bản) trúng thầu tại Việt Nam đều mời đốc Công ty cổ phần tư vấn Đầu tư và xây dựng TRICC tham gia và ngược lại, song, đại diện lãnh đạo TRICC cho hay họ cũng chỉ biết tin đưa hối lộ qua báo chí.
Khi được phóng viên báo Tiền Phong hỏi về nhận định công việc và dấu hiệu bất thường của JTC sau nhiều năm cộng tác, ông Nguyễn Tiến Công, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn Đầu tư và xây dựng TRICC cho biết: "Rất khó trả lời".
Cũng theo ông Công, có nhiều ý kiến phản ánh về cách làm ăn của người Việt, lộn xộn từ chính sách tới tính thực thi và "cùng một cách làm ăn như vậy, vấn đề là chưa bị lộ thôi".
Theo LĐO
Bộ trưởng vi hành: Cầu Vĩnh Tuy ra sao? 13 ngày sau khi Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng vi hành vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy, đoàn kiểm định độc lập vẫn đang tiến hành công việc của mình. Chiều 26/2/2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã xuống trực tiếp bãi sông Hồng đoạn cầu Vĩnh Tuy bắc qua để kiểm tra hiện trạng vết nứt trụ...