Cấp 1 mã số công dân gốc cho người Việt Nam
Bộ Công an xác định mã số gốc duy nhất của công dân không chỉ cấp những đối tượng thuộc diện được cấp chứng minh thư (từ 14 tuổi trở lên) mà còn được cấp cho cả trẻ mới sinh.
Loạn mã số
Trong bối cảnh các Bộ, ngành đang nỗ lực tăng tốc trên hành trình tiến tới Chính phủ điện tử, nhiều dự án cung cấp dịch vụ cho công dân, doanh nghiệp có sử dụng mã số đã và đang được triển khai. Chẳng hạn, sau 15 năm thực hiện cấp mã số thuế, hiện Tổng cục Thuế đang quản lý 18 triệu mã số thuế. Theo “tiết lộ” của bà Trương Thị Hải Đường, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Tổng cục Thuế thì hệ thống mã số thuế này là sản phẩm mua của nước ngoài có trữ lượng khoảng 1 tỷ mã số.
Không chịu “thua chị kém em”, ngành Bảo hiểm Xã hội cũng đang quản lý tới 56,5 triệu mã số, dự kiến tương lai tăng lên mức 90 triệu, và đang chuẩn bị triển khai một dự án cũng bắt buộc phải sinh ra mã số riêng cho ngành.
Tại Diễn đàn cấp cao về CNTT-TT Việt Nam năm 2012 (Vietnam ICT Summit) vừa diễn ra mới đây, TS. Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp chia sẻ: “Từ trước đến nay, hầu như các ngành vẫn độc lập làm mã số riêng, không thống nhất, không có khóa (key) thống nhất, như vậy thì sẽ tốn kém, mà không hiệu quả. Đã có hiện tượng cơ quan thuế phát hiện đối tượng khai thuế khai trùng số chứng minh thư nhân dân”.
Điều đáng nói là mỗi công dân phải sở hữu khá nhiều loại mã số khác nhau do nhiều cơ quan khác nhau cấp phát nhưng về cơ bản vẫn chỉ gồm các thông số như ngày tháng năm sinh, giới tính, tình trạng kết hôn,….
“Tình hình có vẻ rối loạn, ai cũng làm mã số cho công dân nhưng không biết kết nối thế nào”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ Việt Nam (VINASA) nhận định.
Cấp 1 mã số gốc duy nhất cho công dân
Theo TSKH. Thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng, việc cấp mã số riêng duy nhất cho mỗi công dân từ khi sinh đến khi mất đi đang là vấn đề bức xúc cần phải thực hiện càng sớm càng tốt. Mã số gốc này sẽ được gắn vào chứng minh thư và tương lai là gắn vào thẻ công dân điện tử.
Được biết Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ TT&TT và các Bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, và thẻ công dân điện tử. Tuy nhiên, công việc mới đang chỉ ở giai đoạn khởi động, thí điểm.
Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: Từ 1/7/2012, người dân sẽ được cấp chứng minh thư mới, mã số chứng minh thư mới sẽ được coi là mã số công dân.
Video đang HOT
Khác với dự kiến trước đây, Bộ Công an xác định mã số công dân sẽ không chỉ cấp cho những người thuộc diện được cấp chứng minh thư (từ 14 tuổi trở lên) mà còn được cấp cho cả trẻ mới sinh thông qua sự phối hợp của hệ thống tư pháp thực hiện việc làm chứng nhận khai sinh ở phường xã. Như vậy, mỗi công dân đều sẽ có 1 mã số. Bộ Công an đã thỏa thuận với Bộ Tư pháp rằng Bộ Công an sẽ sinh mã số công dân để Bộ Tư pháp cấp phát cho công dân kể cả công dân vừa mới sinh. Việc khai báo các thông số thay đổi của công dân sau này sẽ được thực hiện tại xã phường và được cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch (Luật Hộ tịch sẽ được ban hành trong thời gian tới nhưng theo dự thảo Luật được công bố gần đây nhất thì vẫn chưa thấy đề cập tới sổ hộ tịch điện tử – cũng có thể coi là thẻ công dân điện tử).
“Trước sau gì cũng phải có thẻ công dân có thể tích hợp các thông tin cá nhân từ khi sinh ra đến khi mất đi. Khi Bộ Công an đã cấp được mã số công dân và tiến tới là thẻ công dân điện tử thì các Bộ, ngành nên nghiên cứu ngay để sử dụng mã thẻ công dân đó trong việc triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu cho ngành mình hoặc triển khai các hệ thống ứng dụng CNTT chuyên ngành”, ông Bắc khuyến nghị.
Cũng theo ông Bắc, thống nhất mã số công dân duy nhất là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan tới nhiều Bộ, ngành, địa phương, bởi vậy, nên có sự chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ và lãnh đạo cao nhất của Chính phủ cũng như lãnh đạo cao nhất của các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Đồng quan điểm kể trên, ông Đỗ Văn Sinh – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho rằng dứt khoát phải có sự thống nhất chỉ đạo từ Chính phủ thì mới thực hiện được, nếu không sẽ bùng nhùng, gây lãng phí.
Ông Lê Trường Thiên, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án PPP Tập đoàn FPT:
Công nghệ hiện tại đã phát triển đủ để đáp ứng nhu cầu phát hành thẻ công dân điện tử với mã số gốc duy nhất cho mỗi công dân và người dân có thể dùng thẻ này để sử dụng nhiều dịch vụ công của các Bộ, ngành khác nhau. Hiện đã có những những công nghệ bảo mật để xác thực thẻ đó là duy nhất, một thẻ có khả năng lưu nhiều thông tin khác nhau như thông tin về vân tay, thông tin về tròng mắt,… Mặt khác cũng đã có những hệ thống kiến trúc mở hỗ trợ các Bộ, ngành có thể dùng chung một nền tảng để phát triển các ứng dụng khác nhau. Chẳng hạn sau khi Bộ Công an phát hành ra một thẻ công dân điện tử rồi thì các Bộ, ngành có thể phát triển thêm các ứng dụng đặc thù của ngành mình để người dân có thể sử dụng thẻ để dùng nh ững dịch vụ công, và bản thân công dân có thể tự cài ứng dụng vào thẻ của mình để dùng các dịch vụ trực tuyến. FPT đã nghiên cứu những công nghệ liên quan để đảm bảo có thể phát hành cho mỗi công dân có 1 thẻ duy nhất không thể làm giả.
Nghị định số 90/2010 đã giao cho Bộ Công an xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo thiết kế, thông tin của công dân được thu thập, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm số định danh cá nhân ảnh chân dung họ và tên ngày, tháng, năm sinh giới tính nơi sinh quê quán dân tộc tôn giáo quốc tịch CMND hộ chiếu thẻ bảo hiểm y tế mã số thuế cá nhân trình độ học vấn tình trạng hôn nhân họ và tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng… Trong đó, số định danh cá nhân được cấp khi đăng ký hộ khẩu (sau 60 ngày từ khi đăng ký khai sinh). Bộ Công an đã hoàn tất Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với tổng kinh phí 5.000 tỉ đồng, và bắt đầu triển khai thí điểm.
Theo vietbao
Lý giải việc ứng dụng CNTT hạn chế trong đời sống xã hội
Trong nhiều năm qua, công nghệ thông tin đã thể hiện vai trò quan trọng trong sự phát triển mọi mặt đời sống xã hội. Tuy nhiên, ứng dụng CNTT vẫn còn hạn chế vì nhiều nguyên nhân...
Phát biểu tại diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2012 diễn ra vào sáng 26/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT, cho rằng, trong nhiều năm qua CNTT-TT Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
CNTT-TT đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự tăng trưởng và hiệu quả ngày càng cao, là công cụ quan trọng để tăng cường năng suất, chất lượng, hiệu quả của các ngành kinh tế xã hội, góp phần cải cách thủ tục hành chính và trở thành công cụ tích cực để cung cấp thông tin đa dạng, đa phương tiện, liên tục, phục vụ người dân ở trong mọi miền đất nước trong nước và nước ngoài.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT phát biểu tại Vietnam ICT Summit 2012 diễn ra vào sáng 26/6. (Ảnh Quốc Dũng)
Nhìn lại 10 năm qua, phát triển CNTT- TT như một ngành kinh tế mũi nhọn đem lại những kết quả to lớn. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực của đất nước ta còn hạn chế. Phó Thủ tướng hy vọng, thông qua diễn đàn Vietnam ICT Summit năm nay sẽ góp phần làm rõ vì sao việc ứng dụng CNTT trong các Bộ ngành, doanh nghiệp, cơ sở còn hạn chế.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong thời gian qua, các ngành chủ yếu còn quan tâm đến các tiêu chí về tăng trưởng, chưa quan tâm đúng mức về các tiêu chí chất lượng, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, hoạt động của các tổ chức cơ sở. Hay nói một cách khác, trong giai đoạn còn tăng trưởng theo mô hình dựa chủ yếu vào vốn vào đất, vào lao động giản đơn, chưa quan tâm đến ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó CNTT vốn là công cụ để phát triển nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Lý do thứ hai là trong quản lý, các ngành ở các địa phương, người đứng đầu chưa đặt ra những nhiệm vụ, đầu bài về ứng dụng CNTT để tăng năng suất. Hạn chế này một phần do họ chỉ được đào tạo theo chuyên ngành hẹp, không được đào tạo về CNTT. Do đó rất cần những người vừa có kiến thức chuyên môn vừa hiểu biết về CNTT. Những người này sẽ là đòn bẩy, đi đầu ứng dụng trong ngành.
Tại Hội nghị Trung ương khóa 11 vừa qua đã thông qua Nghị quyết số 15 ngày 16/1/2012 để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đưa nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nghị quyết đã xác định CNTT - TT là một trong những hạ tầng quan trọng. Thực hiện chủ trương đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16 về chương trình hành động xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hình thức trong đó xác định xây dựng hạ tầng thông tin đến năm 2020.
Do đó, mỗi ngành đều có sự phát triển theo đặc thù, nhưng CNTT chính là xử lý khâu chung của tất cả các ngành, đó là thu thập thông tin, xử lý thông tin và phổ biến thông tin. CNTT chính là hạ tầng thông tin của tất cả các ngành khác. Thông qua CNTT, việc thu thập thông tin có thể làm ở quy mô lớn hơn, sẵn sàng hơn. Đặc biệt, nếu có ùn tắc giao thông, mọi người chỉ quan sát được trong vài trăm mét nhưng nếu có hệ thống cảm biến, thì mọi người đều biết được thông tin tắc nghẽn ở một số khu vực.
Như vậy, CNTT giúp cho việc thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu với quy mô và tầm lớn hơn. Tốc độ xử lý và tính phức tạp của xử lý cao hơn rất nhiều. Nếu có thể xử lý thông tin chúng ta có thể mô phỏng được, dự báo quá trình và quyết định sẽ làm gì.
Tóm lại ,CNTT chính là công cụ để cùng cách ngành tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sự phát triển của ngành đó. Vậy làm thế nào ứng dụng nhanh hơn và hiệu quả hơn?
Trước hết, bên cạnh các chỉ tiêu về tăng trưởng cần đưa ra các chỉ số về tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới sản phẩm dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị mình trên cơ sở toàn ngành. Nếu không có chỉ tiêu này thì không có động lực để phát triển.
Thứ hai, nên chăng cần xây dựng chuẩn hóa việc bồi dưỡng cán bộ quản lý hiểu biết về CNTT.
Thứ ba là chúng ta cần nghiên cứu xem mỗi một ngành cần bao nhiêu phần trăm tỷ lệ lao động của ngành đó có hai bằng cấp, bằng chuyên môn và bằng CNTT. Đây chính là cầu nối để gắn kết CNTT với các ngành.
Thứ tư, các ngành cần hình thành các tổ chức chuyên trách về CNTT để hướng dẫn ứng dụng, đề xuất các chính sách hộ trợ CNTT của ngành mình.
Thứ năm, nên chăng cần khuyến khích các đơn vị tư vấn ứng dụng CNTT cho từng ngành. Đặc biệt là việc triển khai chính phủ điện tử.
Các Bộ, Ngành nên có kinh phí nghiên cứu cho việc ứng dụng CNTT phù hợp với từng ngành.
"Với quyết tâm triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương và cùng với sự hỗ trợ đắc lực của các tổ chức CNTT, chuyên gia CNTT trong nước và nước ngoài... sẽ nhanh chóng đưa CNTT vào giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay của xã hội" - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo vietbao
"Thiếu Tổng công trình sư cho các đại dự án CNTT" Việt Nam đang xây dựng nhiều dự án lớn, có tầm ảnh hưởng quốc gia như xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, thẻ công dân điện tử... Tuy nhiên một "nút thắt" muôn thuở lại nổi lên: Tìm đâu cho được các Tổng công trình sư dự án? "Không ra được đầu bài vì không chuyên về CNTT!"...