Cao tốc 34.000 tỷ chi chít ổ gà: Bộ GTVT sắp hoàn thiện kết luận thanh tra đột xuất
Đoàn thanh tra đột xuất về công tác quản lý, thực hiện, khai thác cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi của bộ GTVT đang hoàn thiện dự thảo Kết luận thanh tra. Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan có chức năng khác xử lý nghiêm đối với vi phạm (nếu có) của các cá nhân, tập thể.
Ngày 28/2, tin từ bộ GTVT, đơn vị vừa có Công văn số 1600/BGTVT-VT phản hồi nhiều ý kiến của cử tri về sự bức xúc trước chất lượng của dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mà các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh trong thời gian qua.
Theo bộ GTVT, sau 14 tháng đưa vào khai thác, tại đoạn Đà Nẵng – Tam Kỳ (Km0 – Km65) đã xuất hiện hư hỏng cục bộ mặt đường với diện tích hư hỏng (ổ gà tại lớp bê tông nhựa tạo nhám) khoảng 70m2 trên tổng số 3,1 triệu m2 mặt đường; một số công trình cầu, hầm chui dân sinh trên toàn tuyến xuất hiện thấm, dột; một số vị trí mái ta luy bị xói lở do nhà thầu chưa hoàn thiện công tác trồng cỏ và gia cố mái bằng đá hộc xây vữa xi măng. Các hư hỏng này trách nhiệm bảo hành của nhà thầu theo quy định của hợp đồng. Đến nay, các hư hỏng, khiếm khuyết tại dự án đã được khắc phục, chủ đầu tư là tổng công ty Đầu tư Phát triển cao tốc Việt Nam VEC đang tiếp tục theo dõi để yêu cầu các nhà thầu xử lý bổ sung ở các trường hợp cần thiết.
Ổ gà, bong tróc tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi xuất hiện chi chít sau mỗi cơn mưa cuối năm 2018.
Trong quá trình thi công dự án, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Tư vấn kiểm định độc lập đã tiến hành nhiều công tác kiểm tra, đánh giá, chấn chỉnh về chất lượng thi công công trình.
Bộ GTVT cũng cho rằng, dự án cũng chịu sự kiểm tra, giám sát của 3 đoàn thanh tra, kiểm toán. Đó là, Thanh tra bộ Kế hoạch đầu tư (năm 2015), Thanh tra bộ GTVT (năm 2016 – năm 2017) và Kiểm toán nhà nước (năm 2017).
Cùng với đó, bộ GTVT đã 2 lần thanh tra đột xuất đối với dự án. Cụ thể vào năm 2015 đối với gói thầu A5 và sau khi báo chí phản ánh về những hư hỏng (ổ gà, bong tróc …) tại dự án vào tháng 10/2018. Hiện nay, Đoàn thanh tra đột xuất dự án đang hoàn thiện dự thảo Kết luận thanh tra. Bộ GTVT sẽ phối hợp với ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xử lý nghiêm đối với vi phạm (nếu có) của các cá nhân, tập thể liên quan theo quy định.
Video đang HOT
Đoàn công tác của cục Quản lý đường bộ 3, tổng cục Đường bộ (bộ GTVT) kiểm tra chất lượng cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vào cuối năm 2018.
Được biết, liên quan đến các tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi này, VEC đã tiến hành: Đình chỉ công tác Giám đốc ban Quản lý dự án; Cảnh cáo 4 đơn vị gồm: Ban điều hành liên danh nhà thầu gói 4, ban điều hành liên danh nhà thầu gói 6, ban Quản lý dự án Đà Nẵng – Quảng Ngãi, ban điều hành quản lý khai thác đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (VECS); Cảnh cáo Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu gói 4, Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu gói 6, cán bộ phụ trách thi công nhà thầu gói 4 (đoạn Công ty Tuấn Lộc thi công), cán bộ phụ trách thi công nhà thầu gói 6 (đoạn Tổng công ty Thành An thi công), Phó Giám đốc kiêm đội trưởng đội vận hành và bảo trì ban điều hành đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (VECS).
Trước đó, như báo điện tử Người Đưa Tin đã nhiều lần phản ánh, dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi do VEC – thuộc ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Dự án có tổng chiều dài 139,2km, được khởi công xây dựng vào ngày 19/5/2013 với số vốn 34.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, các hạng mục trên tuyến chính, được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã kiểm tra, đánh giá và chấp thuận nghiệm thu đưa vào khai thác theo quy định, đoạn Đà Nẵng – Tam Kỳ (Km0 – Km65) sử dụng vốn vay JICA thông xe đưa vào khai thác từ ngày 2/8/2017, đoạn Tam Kỳ – Quảng Ngãi (Km65 – Km139 204) sử dụng vốn vay WB thông xe đưa vào khai thác từ ngày 2/9/2018.
Kết luận thanh tra của bộ GTVT về dự án ngàn tỷ sắp hoàn thành.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2018, đoạn tuyến Đà Nẵng – Tam Kỳ (Km0 – Km65) liên tục xảy ra hư hỏng, bong tróc, ổ gà… ở mặt đường. Tiếp đến, nhiều cầu cống, hầm chui trên suốt cả cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đồng loạt hư hỏng (dột, thấm nước, nứt…). Sự việc đã khiến dư luận vô cùng thất vọng, bức xúc.
Theo Nguoiduatin
Tính hợp lý mức phí và thời gian thu phí một số tuyến cao tốc
Báo SGGP ngày 14-2 có bài Cần thanh tra toàn diện thu phí đường bộ, đặt vấn đề cần công bố doanh thu của các trạm thu phí để người dân cùng biết và giám sát; căn cứ doanh thu thực tế để Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh lại thời gian thu phí. Tôi xin có thêm ý kiến về vấn đề này.
Trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TPHCM- Long Thành- Dầu Giây.
Thời gian qua, các tuyến cao tốc lần lượt được ra đời, góp phần quan trọng vào việc giảm ùn tắc giao thông ở các tuyến quốc lộ liên quan, kéo giảm tai nạn giao thông, đồng thời rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, một số tuyến cao tốc sau khi được đưa vào khai thác không lâu đã nảy sinh một số bất cập. Đó là sự xuống cấp khá nhanh ở những tuyến đường có chi phí xây dựng đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa được đưa vào lưu thông một tháng đã bị bong tróc lớp nhựa tạo nhám, hình thành những chỗ lồi lõm nguy hiểm, buộc phải dừng lưu thông, dừng thu phí để sửa chữa.
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị xuống cấp nghiêm trọng với nhiều "sống trâu" và vết hằn lún. Các công trình phụ trợ trên các tuyến cao tốc cũng chưa thật đồng bộ, có nơi đường dẫn xây dựng chưa hoàn chỉnh, biển báo không hợp lý dẫn đến một số phương tiện "đi nhầm" lên cao tốc; nhiều đoạn không có đèn đường, trong khi các dải phân cách không bảo đảm che chắn ánh sáng từ chiều ngược lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro... Nạn ùn tắc vào các khung giờ cao điểm, dẫn đến các phương tiện phải "bò" ở các tuyến lẽ ra được lưu thông đến 100km/giờ hoặc hơn...
Gần như tất cả các tuyến cao tốc đều được xây dựng bằng nguồn vốn vay ODA hoặc theo hình thức BOT, nên việc thu phí để hoàn vốn là điều đương nhiên.
Tuy nhiên, mức phí mà người lưu thông phải trả cho các chặng đường cao tốc chưa tương xứng với điều kiện họ được đi trên thực tế. Việc tính toán thu phí như thế nào, thời gian bao lâu cần được minh bạch, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp và người dân.
Trên thực tế, khi tính mức phí, nhà đầu tư thường đưa ra một con số bình quân về số phương tiện lưu thông, nhưng con số này sớm lạc hậu bởi sự gia tăng nhanh số phương tiện, trong khi đó, mức phí sau một quãng thời gian thì chỉ có tăng chứ không giảm, dù số phương tiện tăng lên. Thời gian thu phí cũng ít được công bố rõ ràng.
Từ thực tế đó, cần thiết phải tính toán lại việc thu phí ở các tuyến cao tốc. Bộ Giao thông Vận tải phải là cơ quan bảo đảm sự hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và xã hội, chứ không thể luôn bảo vệ cho sự có lãi của nhà đầu tư (vốn đã từng xảy ra đối với một số dự án BOT).
Xét cho cùng, khi mức phí cao tốc cao thì không phải chỉ người tham gia giao thông mới chịu thiệt, mà rất nhiều người khác cũng bị ảnh hưởng, bởi người và hàng hóa đi qua cao tốc đều tác động đến chi phí đầu vào (giá thành) của các hàng hóa và dịch vụ.
Trước mắt, với một số tuyến cao tốc có mức phí khá cao (trên 1.500 đồng/km/xe con), nên giảm phí hoặc kéo dài thời gian tăng mức phí mới. Đồng thời, công khai lượng phương tiện lưu thông, tổng mức thu hàng năm, thời hạn thu phí (sẽ được điều chỉnh theo từng năm, tùy vào lượng xe lưu thông, nhưng không dài hơn thời hạn đã dự kiến).
Đã có ý kiến so sánh mức phí cao tốc ở Việt Nam là rẻ hơn nhiều so với các nước. So sánh này thật khập khiễng, bởi nếu chỉ so thông số này thì chưa đủ, mà phải so trong mối tương quan cả với mức sống (thu nhập bình quân), chi phí xây dựng mỗi kilômét cao tốc (kể cả chi phí bảo trì), tỷ lệ phí lưu thông trong cơ cấu sản xuất một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu...
Đừng vì quan tâm đến việc thu hút nhà đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc mà hy sinh lợi ích của người dân, của xã hội!
TRỊNH MINH GIANG (quận Thủ Đức, TPHCM)
Theo SGGP
Phải hoàn thành dự án cầu Vàm Cống trước 31/3/2019 Ngày 14/2, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Nhật làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra một số dự án trọng điểm... Thứ trưởng Nguyễn Nhật trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công cầu Vàm Cống - Ảnh: Hồng Thuỷ Ngày 14/2, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Nhật làm trưởng đoàn đã đi...