Cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng
Việc Trung Quốc cấm xuất khẩu một số kim loại quan trọng sang Mỹ được coi là bước leo thang mới trong căng thẳng thương mại – công nghệ giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Hành động này không chỉ gây ra lo ngại về an ninh kinh tế của Mỹ mà còn đặt ra những thách thức to lớn đối với chuỗi cung ứng chip toàn cầu, vốn đã bị gián đoạn bởi nhiều yếu tố trong những năm gần đây.
Tàu chở hàng hóa Trung Quốc neo tại cảng Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Đầu tuần này, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố lệnh cấm xuất khẩu gallium, germanium, antimony và các vật liệu siêu cứng sang Mỹ. Có hiệu lực ngay lập tức, lệnh cấm này cũng yêu cầu xem xét nghiêm ngặt hơn việc sử dụng cuối cùng đối với các mặt hàng graphite xuất khẩu sang Mỹ. Gallium và germanium được sử dụng trong sản xuất bán dẫn, germanium còn dùng trong công nghệ hồng ngoại, cáp quang và pin Mặt Trời. Trong khi đó, antimony được sử dụng trong đạn dược và vũ khí, còn graphite là thành phần chính về khối lượng trong pin xe điện.
Trung Quốc đưa ra động thái này chỉ một ngày sau khi Mỹ ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc đối với các mặt hàng như thiết bị sản xuất chất bán dẫn và chip. Theo đó, hạn chế xuất khẩu đối với khoảng 140 công ty, trong đó có Naura Technology Group, Piotech và SiCarrier Technology.
Lệnh cấm xuất khẩu lần này của Trung Quốc sang Mỹ đánh dấu một bước ngoặt mới trong căng thẳng thương mại đang leo thang giữa hai quốc gia. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc áp đặt hạn chế xuất khẩu khoáng sản quan trọng chỉ nhắm vào Mỹ, thay vì tất cả các quốc gia, và cũng là lần đầu tiên các biện pháp này được sử dụng để đáp trả trực tiếp các hạn chế công nghệ tiên tiến của Mỹ. Việc này cho thấy vấn đề an ninh trong các mặt hàng khoáng sản quan trọng nay đã gắn liền mật thiết với cuộc chiến thương mại công nghệ.
Video đang HOT
Lời cảnh báo từ trước
Tuy nhiên, Trung Quốc không ban hành lệnh cấm nói trên một cách đột ngột. Như một lời “cảnh báo”, năm ngoái Trung Quốc đã đưa ra các quy định hạn chế xuất khẩu germanium và gallium, và thế giới đã có dịp chứng kiến những tác động sâu rộng của “màn dạo đầu” này. Đó cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc cho thấy Trung Quốc đang nắm giữ một vũ khí mạnh mẽ có thể được sử dụng trong cuộc chiến thương mại leo thang về tương lai của công nghệ. Các biện pháp hạn chế này được đưa ra sau khi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản hạn chế bán chip và thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc.
Năm ngoái, chỉ một tháng sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu hai nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất chất bán dẫn nói trên, lượng xuất khẩu các nguyên liệu này ra nước ngoài đã giảm xuống bằng 0.
Còn năm nay, theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc, tính đến hết tháng 10, không có lô hàng germanium hay gallium (dạng đã qua chế biến hoặc chưa qua chế biến) nào được xuất khẩu sang Mỹ, mặc dù năm ngoái, Mỹ lần lượt là thị trường lớn thứ tư và thứ năm của hai loại khoáng sản này. Tương tự, tổng lượng xuất khẩu các sản phẩm antimony của Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm 97% so với tháng Chín sau khi quy định hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc có hiệu lực.
Ông Jack Bedder, đồng sáng lập Project Blue, cho biết chuỗi cung ứng các nguyên liệu thô này ở phương Tây đang bị thắt chặt. Dữ liệu từ nhà cung cấp thông tin thị trường Argus cho thấy giá antimony trioxide tại Rotterdam đã tăng vọt 228% kể từ đầu năm lên 39.000 USD/tấn vào ngày 28/11.
Trung Quốc gần như độc quyền sản xuất các nguyên tố này. Năm ngoái, Trung Quốc chiếm 48% sản lượng antimony khai thác toàn cầu. Theo công ty tư vấn Project Blue, năm nay, Trung Quốc chiếm 59,2% sản lượng germanium tinh chế và 98,8% sản lượng gallium tinh chế. Ông Ewa Manthey, chiến lược gia hàng hóa của công ty ING Group, cho biết Trung Quốc thống trị hoạt động sản xuất hai kim loại này không phải vì chúng hiếm, mà bởi vì nước này có thể giữ cho chi phí sản xuất chúng ở mức khá thấp và các nhà sản xuất ở những nơi khác không thể sánh được với chi phí cạnh tranh của nước này.
Theo Phó Giáo sư Marina Zhang của Đại học Công nghệ Sydney, mặc dù Mỹ và các đồng minh có các giải pháp thay thế, nhưng việc xây dựng một chuỗi cung ứng độc lập cho việc chế biến gallium và germanium có thể đòi hỏi các khoản đầu tư “khổng lồ” hơn 20 tỷ USD, và việc này có thể mất nhiều năm.
Bà Zhang cho biết mặc dù các khoáng sản này chỉ chiếm “vài trăm triệu USD” trong thương mại toàn cầu, nhưng chúng lại rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp bán dẫn quốc tế, quốc phòng, xe điện và viễn thông, mỗi ngành đều trị giá hàng trăm tỷ USD.
Thách thức với Mỹ
Ông Todd Malan từ công ty khai mỏ Talon Metals nhận định: “Trung Quốc đã phát đi tín hiệu trong một thời gian dài rằng họ sẵn sàng thực hiện những biện pháp này”. Và khi nước này hành động, Mỹ sẽ gặp khó khăn.
Tương lai của ngành bán dẫn dành cho các thiết bị quốc phòng Mỹ phụ thuộc vào nguồn cung cấp gallium và germanium tinh khiết ổn định. Một báo cáo gần đây của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính, lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn hai loại khoáng sản này có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm tới 3,4 tỷ USD.
Trong biện pháp được đưa ra lần này, Trung Quốc không cấm hoàn toàn việc xuất khẩu graphite, nhưng nước này tiếp tục siết chặt hơn nữa quy định hạn chế xuất khẩu nguyên liệu này, vốn được áp đặt từ năm 2023. Việc này cũng cũng gây ra thách thức lớn cho Mỹ. Trung Quốc hiện chiếm 77% sản lượng graphite tự nhiên, hơn 95% sản lượng graphite tổng hợp và gần 100% công suất tinh chế graphite toàn cầu. Trong khi đó, trữ lượng graphite của Mỹ chỉ dưới 1% toàn cầu và nước này hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Mặc dù một số dự án sản xuất graphite tổng hợp đang được triển khai, nhưng năng lực sản xuất vẫn còn hạn chế.
Graphite là nguyên liệu quan trọng cho ngành xe điện (EV). Trong khi xe xăng và diesel không cần graphite, mỗi chiếc xe điện lại cần trung bình 62 kg graphite. Ngành EV đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Tháng Sáu năm nay, số việc làm trong lĩnh vực sản xuất ô tô tại Mỹ đã đạt mức cao nhất 34 năm. Đạo luật Giảm lạm phát đã giúp huy động 114 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân vào hệ sinh thái EV, dự kiến tạo ra 99.600 việc làm. Thiếu graphite đồng nghĩa với việc ngành công nghiệp EV của Mỹ sẽ không thể phát triển.
Vì vậy, Mỹ cần phải triển khai các chính sách khuyến khích và công cụ tài chính để thúc đẩy đầu tư với các nước đối tác nhằm đảm bảo nguồn cung cấp các tài nguyên thiết yếu. Chẳng hạn như, trước những quy định hạn chế mới về graphite, các khoản đầu tư vào ba quốc gia châu Phi là Madagascar, Mozambique và Tanzania sẽ rất quan trọng. Đây là nơi sở hữu tổng cộng 21% trữ lượng graphite toàn cầu, so với 15,8% của Trung Quốc. Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (USIDFC) đã cấp khoản vay 150 triệu USD cho một dự án khai thác graphite tại Mozambique trong năm nay.
Hiện tại, lệnh cấm lần này sẽ có tác động hạn chế, vì các mặt hàng bị ảnh hưởng đã chịu tác động của các quy định hạn chế xuất khẩu từ trước đó. Sau khi Trung Quốc áp đặt hạn chế đối với antimony vào tháng 8/2024, lượng hàng xuất khẩu các sản phẩm antimony của Trung Quốc đã giảm 97%. Trong năm qua, không có lô hàng germanium hay gallium nào của Trung Quốc được vận chuyển sang Mỹ. Do đó, thông báo của Trung Quốc tuần này dường như mang tính biểu tượng hơn là thực tế.
Tuy nhiên, Trung Quốc có vị thế thống trị trong nhiều mặt hàng, chứ không chỉ bốn loại khoáng sản này. Việc siết chặt kiểm soát xuất khẩu hơn nữa rất có khả năng xảy ra khi chính quyền mới của ông Donald Trump lên nắm quyền với các chính sách thuế quan mạnh mẽ và tiền lệ về bất đồng thương mại với Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại tiếp diễn giữa Trung Quốc và Canada
Ngày 26/9, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) thông báo mở cuộc điều tra chống phân biệt đối xử với các biện pháp hạn chế của Canada nhằm vào một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Xe ô tô chạy bằng năng lượng mới chờ xuất khẩu tại khu cảng ở thành phố Thái Thương thuộc Tô Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Trong thông báo trực tuyến, Bộ trên cho biết có bằng chứng và thông tin cho thấy các khoản thuế bổ sung theo kế hoạch và các biện pháp hạn chế khác của Canada đối với xe điện, thép và các sản phẩm nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc là hoạt động thương mại phân biệt đối xử theo luật ngoại thương của nước này. Cuộc điều tra bắt đầu cùng ngày thông báo được đăng tải, dự kiến kéo dài 3 tháng và có thể gia hạn trong những điều kiện đặc biệt.
Trước đó, trong tháng này, Bắc Kinh đã thông báo kế hoạch điều tra đối với cải dầu nhập khẩu từ Canada sau khi Ottawa tham gia cùng với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc và 25% đối với nhôm và thép của nước này. Hơn một nửa cải dầu xuất khẩu của Canada là vào Trung Quốc, nước nhập khẩu hạt có dầu lớn nhất thế giới.
Trung Quốc đã bày tỏ lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối các biện pháp hạn chế của Canada và yêu cầu đàm phán về thuế với Canada tại Tổ chức thương mại thế giới.
Tranh chấp thương mại giữa hai nước gia tăng tuần này sau khi Canada tuyên bố sẽ xem xét cấm sử dụng phần mềm của Trung Quốc cho xe điện và nhiều biện pháp hạn chế khác.
Thêm 37 công ty Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại của Mỹ Theo thông báo ngày 9/5 của Bộ Thương mại Mỹ, nước này đã bổ sung 37 công ty Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại do nguy cơ gây ra mối đe dọa đáng kể cho an ninh quốc gia của Mỹ. Quang cảnh cảng hàng hóa ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 12/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN Động thái...