Cánh thư bằng hữu
Tôi sẽ nâng niu, trân trọng nó như một kỉ vật quý báu của cái thời cắp sách đến trường.
Cảm ơn cánh thư bằng hữu mà lớp phó đã gửi cho tôi (Ảnh minh họa)
Nhận lá thư từ bác giao thư, tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy đó là một lá thư được viết tay. Thời đại công nghệ thông tin, người ta chẳng buồn gởi thư cho nhau huống gì đây lại là thư tay. Nếu có cần liên lạc với nhau thì chỉ một cú điện thoại hay một tin nhắn là xong. Tôi thầm nghĩ như vậy nhưng rồi cũng mở thư ra xem và bất ngờ hơn khi thấy đó là thư của cô lớp phó dễ thương, xinh xắn năm nào – cô bạn thân mà đã sáu năm nay, tôi hoàn toàn biệt vô âm tín.
Vẫn là dòng chữ nắn nót, ngay ngắn của ngày xưa. Sau một vài lời chào hỏi, cô ấy bảo với tôi rằng rất nhớ cái bọn “nhất quỷ nhì ma” của lớp 12C3 năm nào. Cô còn cho biết mình bây giờ đã trở thành một cô giáo trẻ, hiện đang công tác ở một vùng quê nghèo khó nhưng đầy tình nghĩa. Nhớ ngày ấy, khi ở buổi Lễ trưởng thành, chúng tôi đã nghẹn ngào chia tay và hẹn sẽ gặp nhau ở giảng đường đại học sư phạm. Thế nhưng, vì nhiều lý do tôi đành lỗi hẹn với bụi phấn. Bây giờ, khi nghe cô ấy bảo đã biến ước mơ của mình thành hiện thực, tôi mừng cho cô và thầm nhắn nhủ: “Hãy giúp mình thực hiện luôn ước mơ ngày nào cậu nhé!”.
Ngừng một lúc vì xúc động, tôi lại đọc tiếp lá thư còn dang dở. Lớp phó thông báo với tôi về tình hình của nhóm “siêu quậy”, mà tôi và cô ấy cùng là thành viên. Cô cho hay thằng Hùng, con Hạnh đã lập gia đình; cái “Lan gầy” còn nhanh hơn khi đã có một bé trai kháu khỉnh, dễ thương,… Hồi còn đi học, chúng tôi hay trêu Lan là “Thị Nở”, nhưng bây giờ cô đã thành gia lập thất và sống rất vui vẻ, hạnh phúc. Thế là mừng cho cô ấy và mừng cho nhóm rồi còn gì. Nghĩ vậy, tôi bật cười.
Video đang HOT
Rồi sau đó là tin tức về những người bạn cùng ngồi chung bàn, chung tổ năm nào. Từ khi gấp lại trang sách, mỗi đứa đi theo một đường. Nhiều người may mắn có công việc ổn định, có địa vị nhất định trong xã hội; có đứa buồn cho số phận vì phải sống khó khăn, vất vả; có người bỏ bút bán buôn nhưng cũng có người theo đuổi nghiệp văn chương, “gõ đầu trẻ” hoặc đi bộ đội,… Tôi ngậm ngùi và xót xa biết bao cho những người bạn có số phận kém may mắn. Không biết với cuộc sống xô bồ như thế này thì bao giờ tôi mới gặp lại được họ, vì tất cả thời gian quý báu mà người ta dành cho bạn bè và trường lớp đều đã bị chiếm hết bởi gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền.
Nói đến đây, chắc có lẽ cánh thư tôi cầm, trên những dòng chữ nắn nót, xinh xắn đã đọng lại nhiều giọt nước mắt của cô lớp phó thân thương năm nào. Cô ấy là người bạn tốt nhất, giàu tình cảm nhất mà tôi đã từng biết. Mặc dù học rất giỏi, lại xinh đẹp nhưng bạn ấy chưa bao giờ tự cao, chưa bao giờ xem thường những thằng bị cho là “cá biệt” trong lớp như chúng tôi. Và nhờ được ngồi chung bàn, được lớp phó kèm cặp mà tôi bây giờ đã trưởng thành, đã chịu khó học hành hơn. Bởi vậy, khi nhận được lá thư – và cũng là lá thư duy nhất trong sáu năm qua tôi nhận được từ bạn bè, tôi đã xúc động, vui sướng và hạnh phúc biết dường nào.
Cuối thư, cô ấy cho biết rằng sẽ họp lớp và đã ghi cả thời gian, địa điểm cụ thể. Tôi lật tờ lịch ra xem và bồn chồn, hồi họp vì đã gần đến tháng chín. Vậy là tháng chín này tôi sẽ được gặp lại những người bạn mà tôi yêu quý và nhớ nhung da diết. Cảm ơn cánh thư bằng hữu mà lớp phó đã gửi cho tôi. Tôi sẽ nâng niu, trân trọng nó như một kỉ vật quý báu của cái thời cắp sách đến trường.
Theo VNE
Bạn gái có tướng sát chồng
Mẹ tôi cho rằng nếu cưới Quỳnh về thì chắc chắn tôi sẽ chết như hai người chồng trước của nàng.
Mẹ tôi khăng khăng bảo lưu ý kiến. Bà cho rằng nếu cưới Quỳnh về thì chắc chắn tôi sẽ chết như hai người chồng trước của nàng.
Tôi không tin một chiếc nốt ruồi bé bằng đầu tăm thế kia lại có thể quyết định sự sống chết của một con người. Thế nhưng có một thực tế là hai người chồng trước của Quỳnh đều chết bất đắc kỳ tử...
Tôi gặp Quỳnh cách đây hơn 1 năm và đã bị đánh gục bởi sự dịu dàng, tinh tế cũng như vẻ đẹp thuần khiết của nàng. Khi biết Quỳnh đang độc thân, tôi ngỏ lời yêu nàng và Quỳnh cũng đã đồng ý. Khi đó tôi chưa biết về việc hai người chồng, đúng hơn là hai vị hôn phu của Quỳnh đều đã bị tai nạn qua đời trước ngày cưới chẳng bao lâu.
Lần đầu đưa Quỳnh về ra mắt gia đình, mẹ tôi rất vui vì thằng con trai độc nhất của mẹ cuối cùng cũng dắt bạn gái về nhà. Mẹ cũng thừa nhận với tôi là Quỳnh rất ngoan hiền, dễ thương. Hai người nói chuyện rất tâm đầu ý hợp.
Thế nhưng sau đó ít lâu, mẹ tôi bỗng quay phắt 180 độ. Bà nói đã cho người về quê Quỳnh tìm hiểu và biết trước tôi, Quỳnh đã từng có hai đời chồng nhưng cả hai đều chết đột ngột khi ngày cưới đã cận kề. Bà còn bảo, nhìn kỹ sẽ thấy vết sẹo do phá nốt ruồi dưới mắt Quỳnh. "Phá rồi nhưng vẫn còn dấu vết. Đã là số mạng thì dù có phá cũng không cải số được đâu con"- mẹ tôi quả quyết.
Chẳng lẽ cái nốt ruồi ấy lại có sức mạnh ghê gớm, giết chết cùng lúc 2 người như vậy? (Ảnh minh họa)
Tôi không dám nói với Quỳnh chuyện này nhưng thấy tôi có vẻ lo lắng nên nàng truy vấn. Cuối cùng tôi đành phải nói thật mọi chuyện. Nghe xong, Quỳnh bần thần. Nàng kể cho tôi nghe về hai người đàn ông trước đây của mình. Người đầu tiên bị đột quỵ trong khi xem bóng đá, người thứ hai chết cũng liên quan đến việc chơi thể thao. "Khi tụi em yêu nhau, em không hề biết các anh ấy có tiền sử bệnh tim mạch. Sau chuyện đó, em đã đi phá cái nốt ruồi dù nó chỉ bé xíu..."- giọng Quỳnh nghèn nghẹn.
Thế nhưng ở cái vùng quê nhỏ bé của Quỳnh, chuyện hai người chồng sắp cưới của nàng đột ngột qua đời trước ngày cưới đã được truyền tai nhau và còn bị thêu dệt thêm, đến nỗi cả một thời gian dài, Quỳnh không dám về quê. Cứ tưởng người ta đã quên, nào ngờ khi mẹ tôi cho người về tìm hiểu thì người ta lại khơi lên, thêm thắt đủ điều...
Mấy hôm nay Quỳnh rất buồn. Nàng không muốn gặp tôi với lý do muốn được yên tĩnh để suy nghĩ và sắp xếp cuộc sống của mình. Riêng tôi, dù ngoài miệng cố thuyết phục mẹ nhưng trong bụng, tôi cũng thấy lo.
Nếu thật sự có số mệnh thì tôi làm sao thoát khỏi con đường mà những người đàn ông trước đây của Quỳnh đã đi qua... Chẳng lẽ cái nốt ruồi ấy lại có sức mạnh ghê gớm, giết chết cùng lúc 2 người như vậy?
Theo Khampha
Ngại ngùng khi hôn lên má em! Vẻ hồn nhiên của em khiến tôi mỉm cười và quên đi sự ngại ngùng của mình. Tôi là giáo viên của một trường nông thôn, tôi đã dạy em suốt 3 năm học. Ngoài thời gian dạy chính khóa trên lớp, tôi còn dạy em trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Tôi cũng không biết tình cảm của tôi dành...