Cảnh sát tại Úc dùng ứng dụng Find My để truy bắt tội phạm
Tờ báo The Sydney Morning Herald tại Úc vừa đưa tin một trường hợp bất ngờ tại Melbourne, khi cảnh sát lần theo được hai tội phạm bị truy nã nhờ ứng dụng Find My có trên một chiếc iPad mà hai kẻ này đã đánh cắp.
Theo SMH đưa tin:
“Vào ngày 4 tháng Hai, hai tội phạm đã thiệt mạng khi bị cảnh sát truy đuổi tại miền bắc Melbourne bằng ứng dụng Find My trên một chiếc iPad, vốn đã bị hai kẻ này đánh cắp trong một lần đột nhập gia cư trước đó. Người lái xe Vaatoa Chang, 29 tuổi, đến từ Sunshine West, cùng với đồng phạm Jonas Montealegre, 36 tuổi, đã mang theo một chiếc iPad khi chúng đổi phương tiện di chuyển sang một chiếc xe ăn cắp khác trong khi đang bị cảnh sát truy đuổi trong suốt 2 tiếng đồng hồ.”
Chiếc iPad là vật bị hai kẻ trên trộm được khi chúng đột nhập vào nhà một người dân. Ban đầu, những kẻ này bị cảnh sát đuổi theo bằng cách theo dấu tín hiệu của chiếc xe bị trộm, nhưng khi trực thăng cảnh sát bắt đầu vào cuộc thì hai tên này đổi xe, và cảnh sát tiếp tục lần theo chúng bằng tín hiệu của iPad.
Theo phía cảnh sát, chiếc iPad đã bắt đầu phát tín hiệu từ trong chiếc xe Toyota Kluger mà tên trộm đang lái. Cảnh sát đã thông qua ứng dụng Find My của iPad mà lần theo bọn tội phạm trong suốt 2 tiếng đồng hồ:
“Trong hai tiếng tiếp theo, bọn chúng bị truy đuổi đến tận Sunshine Motor Inn và băng qua ngoại ô trước khi bị cảnh sát chặn đường ở tuyến Western Ring Road. Cảnh sát tiếp tục theo dấu chiếc Kluger này qua Tullamarine, Epping, Mernda và Thomastown.
Ngay sau khi giáp mặt cảnh sát, chiếc xe này đã tông vào một chiếc xe tải khác khiến hai tên tội phạm ngồi trong xe thiệt mạng.
Các nhân viên trên trực thăng báo cáo rằng những kẻ này có vẻ định cướp tiếp một chiếc xe khác, nên đã đi chậm lại ở ngã tư High và Regent ở Preston.
Ở đó, một chốt chặn thứ hai của cảnh sát đã được triển khai lúc 9 giờ 57 phút tối.
Video đang HOT
Bốn mươi mốt giây sau đó, chiếc Kluger vượt đèn đỏ và lao đi với tốc độ 100km/h, tông thẳng vào một chiếc xe container chở hàng.
Vụ va chạm khiến thùng hàng của chiếc xe bị rơi ra và rơi trúng một chiếc xe sedan Audi. Tài xế containter lẫn xe Audi đều thoát chết với thương tích nhẹ.”
Qua vụ việc này có thể thấy, những tên tội phạm từ nay có lẽ sẽ cân nhắc hơn chuyện trộm một chiếc iPhone hay iPad, những thiết bị có tính năng phát tín hiệu và theo dấu quá chặt chẽ.
Theo FPT Shop
Ứng dụng của kỹ sư gốc Việt gây tranh cãi ở Mỹ
Chương trình ClearView có cơ sở dữ liệu của hơn ba tỷ gương mặt trên mạng xã hội và được cung cấp cho cảnh sát để bắt tội phạm.
Hoan Ton-That năm nay 31 tuổi. Anh sinh ra ở Australia trong một gia đình người Việt. Năm 19 tuổi, anh cùng gia đình rời đến Thung lũng Silicon ở Mỹ để sinh sống. Năm 2017, Hoan Ton-That bỏ đại học giữa chừng và đến San Francisco. Lúc này, iPhone mới xuất hiện và Hoan Ton-That nuôi mong ước được tạo ra thị trường sôi động cho các ứng dụng mạng xã hội. Tuy vậy, những mạo hiểm ban đầu của anh không gặt hái được mấy thành quả.
Mới đây, kỹ sư công nghệ Australia gốc Việt này vừa phát minh ra công cụ nhận diện gương mặt ngoài đời của những người dùng mạng xã hội, chỉ nhờ việc quét ảnh đại diện của họ, có tên ClearView. Thông qua công ty công nghệ cùng tên, anh đã cung cấp ClearView cho 600 cơ quan hành pháp ở Mỹ, từ cảnh sát địa phương ở bang Florida đến Bộ An ninh Nội địa.
Hoan Ton-That, sáng lập ClearView AI. Ảnh: NYTimes.
Ứng dụng của Hoan Ton-That có cơ chế hoạt động rất đơn giản. Người dùng chỉ cần chụp ảnh người mình muốn nhận diện, đăng lên hệ thống, sau đó sẽ nhận lại những bức ảnh người đó từng công khai, đi kèm các đường link của nơi mà những tấm hình đó xuất hiện. Cơ sở dữ liệu của hệ thống nhận diện gương mặt này được ClearView tuyên bố là lấy từ hơn ba tỷ hình ảnh của các nguồn như Facebook, YouTube, Venmo và hàng triệu website khác. Theo phóng viên Kashmir Hill của NYTimes, đây là con số khổng lồ, vượt xa mọi thứ mà chính phủ Mỹ cũng như các "ông lớn" ở Thung lũng Sillicon từng gây dựng.
Đại diện của các cơ quan hành pháp trong bang và liên bang của Mỹ cho biết, họ biết rất ít về cơ chế vận hành của công ty công nghệ ClearView và ai đứng sau nó. Những cơ quan này sử dụng ứng dụng của ClearView để giải quyết các vụ trộm cắp trong siêu thị, xác định danh tính của kẻ trộm, làm giả thẻ tín dụng, hại người cũng như lạm dụng tình ái với trẻ em.
Hiện tại, các công nghệ liên quan đến việc nhận dạng người thông qua gương mặt vẫn gây tranh cãi bởi chúng xâm phạm quyền riêng tư. Thực tế, một số công ty công nghệ có khả năng tạo ra những công cụ như ClearView từ nhiều năm trước nhưng quyết định không làm. Ví dụ, năm 2011, Chủ tịch Google lúc đó cho biết họ không phát triển mạnh mảng nhận dạng người thông qua gương mặt bởi nó thể bị sử dụng theo cách rất tệ. Một số thành phố lớn ở Mỹ, ví dụ San Francisco, cũng đã cấm cảnh sát sở tại sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt để phục vụ công việc.
Tuy vậy, trong năm vừa qua, hàng trăm cơ quan hành pháp của Mỹ đã sử dụng công nghệ của ClearView mà không có sự giám sát của xã hội. Theo phân tích của nguồn tin, các bộ mã trong chương trình của ClearView còn cho phép ứng dụng kết nối với kính tăng cường thực tế ảo. Nhờ đó, người sử dụng thiết bị có thể xác định nhân dạng,thông tin của bất cứ ai họ muốn, từ một nhà hoạt động trong đám đông biểu tình đến một người lạ hấp dẫn ở trong nhà ga. Mọi thông tin về những đối tượng này như tên tuổi, nơi sống, hoạt động của họ cũng như các mối quan hệ xung quanh đều bị ứng dụng phơi bày.
Không chỉ các cơ quan hành pháp, ClearView còn cấp phép sử dụng ứng dụng nhận dạng cho hàng loạt công ty tư nhân để phục vụ mục đích bảo mật. Eric Goldman, đồng Giám đốc của Viện Luật Công nghệ cao tại Đại học Santa Clara (Mỹ), cho biết: "Các khả năng để vũ khí hoá công cụ này là vô tận. Hãy thử tưởng tượng một quan chức trong cơ quan hành pháp nào đó muốn lén lút theo dõi bạn đời hay một chính phủ nước nước nào đó sử dụng ứng dụng này để đào xới các bí mật của ai đó rồi dùng chúng để tống tiền hay bắt giam họ".
Để tránh phát minh của mình gây lùm xùm, ClearView trong một thời gian dài tìm cách ẩn thân. Từ tháng 11 năm ngoái, website của hãng công nghệ này chỉ là một trang gần như trống trơn, chỉ đề địa chỉ giả của văn phòng là ở Manhattan. Trên mạng xã hội tìm kiếm việc làm LinkedIn, công ty này chỉ liệt kê duy nhất một thành viên là "John Good" với tư cách là giám đốc bán hàng. Tuy vậy, thực chất, John Good là tên giả của Hoan Ton-That.
Phóng viên của NYTimes đã liên hệ với công ty thông qua email và điện thoại nhưng không bao giờ nhận được câu trả lời từ những người có liên quan. Kashmir Hill đã yêu cầu một số cảnh sát chạy thử ứng dụng ClearView để quét ảnh của mình. Chỉ một lúc sau khi sử dụng ứng dụng, cảnh sát có nhận được cuộc gọi từ đại diện ClearView hỏi rằng liệu họ có đang liên lạc gì với báo chí hay không. "Điều này cho thấy ClearView hoàn toàn có khả năng kiểm soát thông tin về việc cảnh sát đang truy tìm ai. Có nhiều nguy cơ mà ứng dụng ClearView đang ẩn chứa. Các cơ quan hành pháp phải đăng ảnh có tính chất nhạy cảm lên hệ thống máy chủ của một công ty mà không biết rõ khả năng bảo vệ dữ liệu của nó đến đâu", Kashmir Hill viết.
Hoan Ton-That thử tìm kiếm ảnh về chính mình. Ảnh: NYTimes.
Một điểm khác khiến việc áp dụng công nghệ nhận diện gương mặt để tìm kiếm người gây tranh cãi là nó có xu hướng đưa ra các kết quả sai lệch đối với một số nhóm nhất định, đặc biệt là người da màu. Ngay cả một số ứng dụng mà cảnh sát Mỹ đang sử dụng, trong đó có ClearView, chưa được các chuyên gia độc lập kiểm định.
Clare Garvie, một nhà nghiên cứu ở Trung tâm Công nghệ và Quyền Riêng tư ở Đại học George Town (Mỹ) cho biết, hiện tại không có dữ liệu nào chứng minh được rằng ứng dụng ClearView là chính xác. Hệ thống cơ sở dữ liệu càng lớn, nguy cơ nhận diện bị sai lệch càng lớn bởi những người có gương mặt giống nhau không thiếu. "Họ đang nói về hệ thống dữ liệu khổng lồ về những người ngẫu nhiên tìm được trên Internet", chuyên gia cho biết.
Sau một thời gian im lặng, ClearView mới trả lời những nghi vấn. Đại diện của công ty cho biết sự im lặng của họ lâu nay là giai đoạn khởi đầu điển hình của một start-up vốn mong muốn sự kín đáo. Hoan Ton-That thừa nhận mình có đang thiết kế một ứng dụng dành cho kính tăng cường thực tế ảo nhưng công ty ClearView không có ý định phát hành nó.
Anh nói thêm tấm ảnh của Kashmir Hill nhờ cảnh sát quét thử trên ClearView khiến ứng dụng của Hoan Ton-That rung lên hồi chuông cảnh báo vì phát hiện ra "hành vi tìm kiếm bất thường" từ người dùng và coi đây là "những tìm kiếm không phù hợp".
Trước những hoài nghi về độ chính xác của ClearView, Hoan Ton-That cho biết công cụ của anh không phải lúc nào cũng hoạt động tốt. Chỉ có 75% kết quả tìm kiếm mà ứng dụng đưa ra là chính xác.
Hầu hết ảnh trong cơ sở dữ liệu của ứng dụng kém chi tiết và chính xác, bởi chúng được chụp từ các camera mà cảnh sát gắn trên tường hoặc trần nhà rồi tải lên hệ thống.. "Họ đặt camera giám sát ở nơi quá cao. Góc đặt sai khiến công nghệ nhận diện gương mặt bị sai lệch", anh cho biết.
Trước vấn đề ClearView xâm phạm quyền riêng tư đồng thời đang vi phạm điều khoản của các trang mạng xã hội như Facebook khi sử dụng hình ảnh của người dùng, Hoan Ton-That nhún vai: "Nhiều người cũng đang làm điều đó mà, Facebook cũng biết".
Mặt khác, phía ClearView cũng trấn an các khách hàng thân thiết trong một văn bản Hỏi-đáp rằng các nhân viên hỗ trợ của họ sẽ không bao giờ xem ảnh mà cảnh sát đăng lên cơ sở dữ liệu. Họ còn thuê Paul D. Clement, một luật sư từng dưới trướng Cựu Tổng thống George W. Bush để xoa dịu những lo ngại về tính hợp pháp của ứng dụng.
Hoan Ton-That cho biết công ty ClearView được sáng lập bởi Richard Schwartz, người từng là phụ tá của Rudolph W. Giuliani - cựu thị trưởng của thành phố New York (Mỹ). Bên cạnh đó, hãng công nghệ còn được "chống lưng" về tài chính bởi Peter Thiel, nhà đầu tư mạo hiểm đứng sau Facebook và công ty phần mềm Palantir.
Trước đó, ClearView còn được đầu tư bởi một công ty nhỏ khác có tên Kirenaga Partners. Người sáng lập ra Kirenaga Partners, David Scalzo, bác bỏ mọi hoài nghi về việc công nghệ nhận diện gương mặt của ClearView khiến quyền riêng tư dễ bị xâm phạm trên Internet. Ông cũng khẳng định đây là công cụ giá trị để giải quyết các vấn nạn về tội phạm.
"Tôi khẳng định như vậy bởi thông tin ngày một phát triển, nên sẽ chẳng có gì gọi là riêng tư nữa. Luật thì đương nhiên phải quyết định cái gì là hợp pháp, nhưng người ta không thể ngăn cấm công nghệ phát triển được. Đương nhiên, sự phát triển ấy có thể dẫn tới một tương lai đen tối, nhưng người ta vẫn không thể kìm hãm nó được", ông Scalzo cho biết.
Đại diện các cơ quan hành pháp cũng bày tỏ sự lạc quan về ClearView. Ông Cohen - cựu cảnh sát trưởng bang Indiana - cho rằng ứng dụng của Hoan Ton-That rất hiệu quả. Tuy vậy, một số khác cũng chia sẻ họ không hề biết ảnh mình tải lên hệ thống đều được lưu trên máy chủ của ClearView.
Trong khi đó, Jay Nancarrow, phát ngôn viên của Facebook, cho biết họ đang xem xét tình hình đối với ClearView và hứa sẽ "đưa ra hành động phù hợp nếu phát hiện quy định của mình bị vi phạm".
Theo vnexpress
Ứng dụng nhận diện khuôn mặt tìm lại mái ấm cho hàng nghìn trẻ em Ấn Độ Một ứng dụng nhận diện khuôn mặt được cảnh sát Ấn Độ triển khai đã giúp hàng nghìn trẻ em thất lạc đoàn tụ với gia đình. Trẻ em bán hàng rong trên một đường phố ở Amritsar, Ấn Độ. Mỗi năm, tại Ấn Độ lại có hàng chục nghìn trẻ em mất tích và nhiều trẻ em bị các đường dây buôn...