Cảnh sát Mỹ dạy cách đối phó khi bị uy hiếp bằng súng
Trung úy Dan Marcou hướng dẫn thao tác tước súng nghi phạm khi phải đứng trước họng súng của kẻ xấu.
Theo trung úy Marcou, cựu cảnh sát Mỹ với 33 năm kinh nghiệm trong ngành và là chuyên gia đào tạo cảnh sát, một người có ba lựa chọn khi đứng trước họng súng: đặt tính mạng vào tay kẻ xấu với hy vọng bản thân sẽ không bị giết, phản ứng thái quá do không được chuẩn bị, hoặc thực hiện kỹ thuật tước súng trước khi đối phương kịp nói nốt câu.
Nếu làm theo lựa chọn thứ ba, bạn có thể thực hiện một trong những kỹ thuật tước súng gồm ba bước như sau:
Bước 1 – Đánh lạc hướng: Thao tác tước súng sẽ có nhiều khả năng thành công hơn nếu bạn có thể đánh lạc hướng kẻ cầm súng dù chỉ trong giây lát. Ví dụ, bạn có thể ném đồ đang cầm trong tay về phía đối phương, hoặc nếu cầm chìa khóa ôtô, bạn có thể bấm nút cho báo động của xe kêu lên để khiến kẻ xấu quay sang nhìn theo bản năng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể có cách đánh lạc hướng tinh tế là nhìn quá vai của kẻ xấu như thể đang có người đứng đằng sau, thậm chí có thể nói vu vơ rằng “Đừng làm thế, nó có súng đấy” hoặc “Đánh nó đi”.
Để đối phương độc thoại cũng có thể là cách khiến hắn mất tập trung. Ảnh: Anya Marcou.
Nếu kẻ xấu đang nói chuyện với bạn, đây cũng là hoạt động khiến hắn mất tập trung. Bạn có thể ra đòn nhanh và mạnh khi đối phương đang dở câu nói như “Mày có thích chết không. Để tao tiễn…”.
Bước 2 – Xoay người hoặc bước sang một bên, rồi kiểm soát súng: Đầu tiên, bạn cần xoay người hoặc bước sang một bên với khoảng cách vừa đủ để tránh khỏi tầm bắn của khẩu súng.
Đầu tiên, bạn xoay người để tránh mũi súng. Ảnh: Anya Marcou.
Liền sau đó, tay thuận tóm lấy nòng súng từ phía dưới, tay không thuận nắm lấy phần thanh trượt từ phía trên. Nắm chặt súng trong tư thế trên, bạn đồng thời cần cố kéo thanh trượt về phía sau khiế n khẩu súng không thể khai hỏa.
Bước 3 – Phá tay nắm của đối phương và tước súng: Khi đã nắm chặt, bạn đẩy nòng súng lên trên ngược về phía bắp tay của kẻ xấu, điều này sẽ khiến hắn phải buông tay ra. Đồng thời với thao tác này, bạn dùng chân thuận bước rời xa đối phương, chân không thuận trượt theo sau để tạo khoảng cách.
Đẩy nòng súng ngược về bắp tay và vai của đối phương, khiến hắn phải buông tay ra. Ảnh: Anya Marcou.
Một khi tước súng, bạn có thể yêu cầu đối phương nằm xuống đất và đầu hàng.
Sau khi tạo khoảng cách, bạn có thể yêu cầu đối phương đầu hàng. Ảnh: Anya Marcou.
Nếu đối phương dùng súng lục ổ xoay, các thao tác cũng tương tự. Bạn phải cố dùng tay không thuận để ngăn ổ xoay di chuyển, hoặc cho bàn tay không thuận chen giữa phần búa gõ và kim hỏa. Quan trọng nhất, bạn cần luyện tập để giữ cho mũi súng không hướng về mình trong suốt quá trình thực hiện thao tác.
Mỹ, châu Âu đang hiểu sai bài học chống dịch ở Vũ Hán
Bài học của Vũ Hán dành cho thế giới không nằm ở lệnh phong tỏa mà nằm ở một quyết định khác: cách ly khắt khe và có hệ thống hơn.
Khi Vũ Hán và hai thành phố gần đó cách ly từ ngày 23/1, dịch Covid-19 đã giảm lây lan sang các vùng khác ở Trung Quốc, nhưng vẫn không ngừng lây lan bên trong Vũ Hán, một số chuyên gia nói với Wall Street Journal.
Thay vào đó, virus tiếp tục lây giữa những người sống cùng nhà, trong khi các bệnh viện quá tải khiến người bệnh không thể nhập viện, một số bệnh nhân và bác sĩ ở Vũ Hán cho biết.
Vì vậy, bài học dành cho giới chức Mỹ và châu Âu không nằm ở lệnh phong tỏa đơn thuần, mà nằm ở một quyết định khác của Vũ Hán ngày 2/2 - tiến hành cách ly khắt khe và có hệ thống hơn, trong đó những người nghi nhiễm do tiếp xúc với ca bệnh cũng được cách ly tập trung tại các bệnh viện hay các cơ sở tạm.
Cảnh sát chào nhân viên y tế (kéo vali) ở bến tàu Vũ Hán, trước khi người này rời đi. Ảnh: Reuters.
Phong tỏa chưa đủ
Chiến lược của Vũ Hán bao gồm biến hàng trăm khách sạn, trường học cùng các cơ sở khác thành trung tâm cách ly, và dựng thêm các bệnh viện dã chiến trong các tòa nhà của chính quyền.
Các biện pháp đó đi xa hơn những gì các thành phố phương Tây đang tiến hành. Các lệnh phong tỏa ở Mỹ và châu Âu có thể kìm hãm sự lây lan nhưng sẽ không đủ để ngăn chặn dịch hay ngăn các bệnh viện trở nên quá tải, theo một số chuyên gia và bác sĩ.
"Nhiều bài học đang bị bỏ quên", Devi Sridhar, giáo sư y tế cộng đồng tại Đại học Edinburgh, nói với Wall Street Journal. "Lệnh phong tỏa giúp có thêm thời gian, nhưng cách duy nhất để chống được dịch là truy tìm xem ai lây virus".
Bà cho biết Mỹ, Anh và các nước châu Âu cuối cùng có thể sẽ phải lập các bệnh viện, cơ sở tạm để cách ly thêm nhiều người bệnh nếu muốn kiểm soát được virus.
"Trừ khi có trời can thiệp, tôi nghĩ không có cách nào khác cả", giáo sư Sridhar nói. "Chúng ta cũng đang làm vậy, chỉ là làm chậm hơn".
Thành phố New York đã lên kế hoạch lập bệnh viện lưu động, chẳng hạn chuyển đổi trung tâm triển lãm Javits ở Manhattan thành nơi có sức chứa 1.000 giường bệnh. New York cũng đang tính chuyển nhiều khách sạn thành bệnh viện, nhưng chưa rõ sẽ có thêm bao nhiêu giường.
Các nhân viên y tế chuẩn bị rời khỏi Vũ Hán được vỗ tay ở sân bay. Ảnh: AP.
Vũ Hán có thể đã có "miễn dịch bầy đàn"
Zhang Jinnong, Trưởng khoa cấp cứu tại bệnh viện Xiehe ở Vũ Hán, cho biết điều quan trọng nhất là tách người nhiễm bệnh và người khỏe mạnh. Ông cũng khuyên nên dùng khách sạn làm cơ sở cách ly, vì tại đây mỗi người có các phòng riêng biệt. "Bạn chỉ cần tắt điều hòa", ông nói.
Gần đây, ông Zhang nhận thấy một số bệnh nhân có kháng thể đối với virus mà không hề biết mình từng nhiễm. Ông cho rằng Vũ Hán đã có một chút "miễn dịch bầy đàn".
Vũ Hán có 50.000 ca nhiễm, và 2.524 ca tử vong tính đến ngày 24/3, chiếm 77% số ca tử vong ở Trung Quốc. Tỷ lệ tử vong là 5%. Từ cuối tháng 2, số ca nhiễm ở Vũ Hán đã giảm dần. Trong 6 ngày gần đây Vũ Hán chỉ có 1 ca nhiễm mới.
Điều đó khiến chính quyền dần nới lỏng phong tỏa. Người khỏe mạnh sẽ được ra khỏi tỉnh Hồ Bắc từ 25/3, còn lệnh phong tỏa Vũ Hán sẽ được nới lỏng ngày 8/4.
Nhiều chính phủ phương Tây ban đầu bác bỏ phương án phong tỏa, nhưng sau đó cũng phải ra lệnh hạn chế đi lại, yêu cầu người dân ở trong nhà. Nhưng so với Vũ Hán, các nước chưa có các nỗ lực song hành để nhận dạng và cách ly các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm.
Nhân viên y tế đang tẩy trùng khoa điều trị tích cực ở Bệnh viện Công đoàn Jiangbei ở Vũ Hán ngày 12/3. Ảnh: China Daily/Reuters.
Nhiều chuyên gia quốc tế tỏ ra hoài nghi về mô hình của Vũ Hán, nhất là khi chính quyền tại đây từng giấu thông tin giai đoạn đầu của dịch. Một số khác đặt câu hỏi về con số chính thức của Trung Quốc. Ủy ban y tế Vũ Hán cho biết con số thống kê không bao gồm các ca không triệu chứng đang được cách ly tập trung, dù những ca đó xét nghiệm dương tính.
Một số ý kiến khác cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc quá tốn kém, và vẫn tồn tại nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại khi hết phong tỏa.
Trong số các bác sĩ và cư dân Vũ Hán, nhiều ý kiến cho rằng lệnh phong tỏa quá đột ngột, hà khắc, và được ban hành quá muộn, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao, khi các bệnh viện thiếu sự chuẩn bị trước làn sóng bệnh nhân tới khám. Sự thiếu chuẩn bị đồ bảo hộ cũng khiến nhiều nhân viên y tế nhiễm virus.
Nhân viên y tế và cảnh sát cùng tham gia lễ đóng cửa bệnh viện tạm ở Vũ Hán, ngày 10/3. Ảnh: Reuters.
Mỹ nên cân nhắc "cách ly theo nhóm"
Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan ngày 22/3 cảnh báo rằng phong tỏa là chưa đủ để kiểm soát đại dịch và kêu gọi các chính phủ chú trọng vào nhận dạng và cách ly người nhiễm và những người họ tiếp xúc.
Cách tiếp cận "cách ly có hệ thống" ở Vũ Hán, được tiến hành từ ngày 2/2, tương tự biện pháp cũng được áp dụng hiệu quả ở Hàn Quốc và Singapore, theo các chuyên gia.
Hàn Quốc, nước đã xét nghiệm nhiều nhất thế giới, ban đầu cho nhập viện tất cả ca nhiễm. Nhưng khi bệnh viện quá tải, từ ngày 1/3, các bệnh nhân virus corona được chia thành bốn nhóm: không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, nặng và nguy kịch.
Chỉ hai nhóm sau là được nhập viện, còn hai nhóm đầu được đưa tới các bệnh viện tạm.
Ở Singapore, các ca nghi nhiễm được cách ly tại bệnh viện, trong khi người tiếp xúc với ca bệnh được truy tìm và cách ly ở các cơ sở của chính quyền hoặc ở nhà.
Nhân viên dọn các giường bệnh trong bệnh viện tạm được chuyển đổi từ một sân thi đấu thể thao. Ảnh: China Daily.
Ian Lipkin, chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Đại học Columbia, từng thăm Trung Quốc và cố vấn cho giới chức Trung Quốc, nói Mỹ nên ngay lập tức ra lệnh ở nhà trên toàn quốc, và lập ra hệ thống "cách ly theo từng nhóm" cho đến khi có vắcxin.
"Chúng ta phải cách ly riêng những người nhiễm cần chăm sóc y tế gấp, những người bị nhiễm nhưng triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, những người nghi nhiễm dựa vào quá trình tiếp xúc, và những người khỏe mạnh, chưa hề tiếp xúc", ông nói.
Ban đầu ở Vũ Hán, các ca nhiễm và nghi nhiễm đáng ra được cách ly ở bệnh viện. Nhưng bệnh viện sớm quá tải, khi đến ngày 27/1 đã có 15.000 người đi khám sốt mỗi ngày.
Thay đổi quan trọng đến vào ngày 2/2, khi Vũ Hán giao cho các tổ dân phố phân chia các ca nhiễm virus thành các nhóm, đưa các ca xác nhận nhiễm vào viện, còn những người khác sẽ vào bệnh viện tạm hay cơ sở cách ly.
"Khi bạn có thể tách các ca nghi nhiễm và những người tiếp xúc gần, đó là bước ngoặt của dịch bệnh ở Vũ Hán", Du Bin, Trưởng khoa điều trị tích cực ở Bệnh viện Công đoàn Bắc Kinh, đã tới Vũ Hán làm việc những tuần qua, nói.
Các y bác sĩ ở Vũ Hán chào một bệnh nhân được cho rời khỏi bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn ngày 1/3. Ảnh: China Daily.
Tách các ca nhẹ để tiết kiệm nguồn lực
Ông Du Bin nhắc lại ý kiến của WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của xét nghiệm. "Ngoài việc xét nghiệm, tôi không biết cách nào bạn có thể xác định các ca nghi nhiễm và cách ly những người tiếp xúc gần", ông nói.
Việc tách các ca bệnh nhẹ "là cách tốt để tiết kiệm nguồn lực", Meng Xinke, bác sĩ điều trị tích cực từ Bệnh viện Nhân dân số 2 ở Thâm Quyến, đã tới Vũ Hán hỗ trợ, nói .
Ông nói 5 bác sĩ có thể chăm sóc cho 400 bệnh nhân mỗi ca trực. Họ kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, cho thuốc, xét nghiệm, theo dõi xem ai chuyển thành ca nặng.
Nhưng ông cho biết sau hai tuần, khoảng 10-15% số bệnh nhân ra khỏi các bệnh viện tạm lại xét nghiệm dương tính - cho thấy họ chưa hoàn toàn bình phục.
Vì vậy, đến ngày 22/2, Vũ Hán yêu cầu mọi bệnh nhân ra viện phải cách ly thêm 14 ngày tại cơ sở cách ly trước khi được về nhà.
Một nhân viên y tế chăm sóc cho một đứa trẻ nhiễm virus corona tại Bệnh viện Nhi Vũ Hán ngày 6/3. Ảnh: China Daily.
Các chuyên gia cũng cho rằng các nước thiếu hụt bộ xét nghiệm có thể cân nhắc kinh nghiệm của Vũ Hán.
Không đủ nguồn lực xét nghiệm hàng nghìn ca nghi nhiễm, vào ngày 4/2, giới chức y tế cho phép các bác sĩ đọc hình chụp CT phổi để chẩn đoán Covid-19 ở Hồ Bắc.
Điều đó khiến số ca nhiễm tăng vọt, khiến giới chuyên gia kinh ngạc, khó hiểu. Nhưng đến ngày 19/2, số ca nhiễm mới ở Vũ Hán giảm xuống con số vài trăm, và đến ngày 11/3, chỉ là một chữ số.
Một nghiên cứu gần đây từ Trung tâm Y tế Tongji ở Vũ Hán ước tính rằng số ca lây nhiễm trung bình từ mỗi ca dương tính là khoảng 3,68 trong giai đoạn trước khi có lệnh phong tỏa ngày 23/1.
Con số này cần phải giảm xuống dưới 1 để ngăn chặn dịch bệnh, và nó đã giảm xuống 0,32 trong thời gian từ 2-18/2, nghiên cứu cho thấy.
Cuộc sống tại Vũ Hán trở lại bình thường sau 2 tháng bị phong tỏa
Các công nhân dần đi làm trở lại, nhiều chuyến xe buýt xuất hiện trên phố xá để đưa đón người dân. Có thể nói, cuộc sống tại Vũ Hán đã trở lại sau 2 tháng chống chọi với Covid-19.
Singapore lo người dân mở tiệc 'chia tay' trước khi bước vào phong tỏa Giới chức Singapore đã nhắc nhở các địa điểm giải trí tuân thủ quy định khách hàng phải giữ khoảng cách an toàn trong các buổi tiệc chia tay trước lệnh đóng cửa 1 tháng. Theo thông báo ngày 24/3 của chính phủ Singapore, mọi địa điểm giải trí tại nước này kể từ 23h59 ngày 26/3 phải đóng cửa đến ngày 30/4....