Cánh diều vàng: Thoả hiệp – ‘Ao làng’ – Lộn xộn
Mang tiếng là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, nhưng mỗi khi giải diễn ra, những người làm điện ảnh e dè nhìn nhau và ước gì: “Diều đừng đứt dây nữa!”.
Thỏa hiệp
Có lẽ chưa năm nào giải Cánh diều thỏa hiệp như năm nay. Việc cùng một lúc vinh danh 3 bộ phim với giải Cánh diều bạc là Hương Ga, Lạc giới và Những đứa con của làng là một minh chứng tiêu biểu cho sự thỏa hiệp đó.
Nếu như Hương Ga với sự quay trở lại ấn tượng của Trương Ngọc Ánh cùng doanh số bán vé khổng lồ – một trong số ít bộ phim năm qua thắng về doanh thu, Lạc giới lại ghi nhận sự cố gắng “trẻ hoá” bản thân của thế hệ cựu trào như Phi Tiến Sơn. Còn Những đứa con của làng là đại diện của nhánh nhà nước, làm phim theo dạng cơ chế hoạch định hàng năm.
Bởi vậy, có thể thấy rõ các nhà “cầm cân nảy mực” đã đau đầu trong chuyện không muốn mất lòng ai. Nếu chấm cho Hương Ga thì điều ra tiếng vào về chuyện thiên vị phim doanh thu cao, dù có nhiều điều đáng ghi nhận hơn là chuyện doanh thu cao.
Nếu chấm Lạc giới thì sợ bị mang tiếng ủng hộ dòng phim đồng tính, ủng hộ sự cải tiến chưa hoàn chỉnh. Còn nếu chấm cho Những đứa con của làng thì khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi” hoặc “mẹ hát con khen hay”. Bởi vậy, gạt qua một loạt ứng viên khác, ba Cánh diều bạc coi như BGK và BTC khỏi đau đầu.
Ở đây không bàn cãi chuyện phim nào xứng đáng hơn, chỉ muốn nói đến thái độ của BTC trong việc tôn vinh những giá trị điện ảnh. Mỗi bộ phim đều có một giá trị nhất định, việc BTC tôn vinh giá trị đó cũng thể hiện rõ tinh thần, tiêu chí giải thưởng.
Thế nhưng, tiếc rằng, BTC đã từ chối quyền cất giọng nói mạch lạc, rõ ràng và đầy quyền uy của một đơn vị được xác lập để “cầm trịch” nền điện ảnh nước nhà. Trong khi đó, điện ảnh là bộ môn đòi hỏi tiếng nói riêng, sự sáng tạo bên cạnh các yếu tố về kỹ thuật nghề nghiệp. Thật tiếc ngay cả cơ quan làm nghề chính thống mà không nói được tiếng nói về nghề!
Đạo diễn cùng một số diễn viên chính phim Hương Ga tại Lễ trao giải Cánh diều 2014.
Dẫu biết “làm dâu trăm họ” là áp lực lớn nhưng với quyền uy của mình, Hội hoàn toàn có thể tôn vinh những giá trị mà họ cho là đúng với tiêu chí của mình, dẫu có thể “gạch đá” nhận về không ít, nhưng nó vẫn còn là một thái độ rõ ràng. Đằng này, kiểu “quan bảy cũng ừ, quan tư cũng gật” thì sự thất vọng còn nhiều hơn là không cần bàn cãi.
Tương tự như vậy là ở giải thưởng Diễn viên triển vọng, khi cùng một lúc vinh danh 3 cái tên Ngọc Thanh Tâm, Sơn Tùng và Nguyễn Bình An. Không khó để chọn ra một gương mặt để trao giải triển vọng hay bởi BTC nghĩ rằng đó chỉ là một giải “nhỏ nhỏ xinh xinh” mang tính khích lệ các diễn viên trẻ?
Xét trên mặt bằng chung, cả ba nhân tố kể trên đều có những mặt xuất sắc của mình khi hoá thân vào từng vai diễn. Thế nhưng, việc có bao nhiêu gương mặt trẻ thì trao bấy nhiêu giải triển vọng thì thật đáng kinh ngạc về sự… rộng lượng của BTC.
Một giải thưởng không làm nên một sự nghiệp. Thậm chí giải thưởng đó còn mang lại điều tiếng cho người được nhận nếu như nó không được trao một cách đáng trân trọng. Chắc chắn một điều, cả ba diễn viên trẻ kể tên trên đều thích thú với việc được đứng một mình trên sân khấu hơn là “dàn hàng ngang mà tiến” như vậy, dẫu rằng, giữa họ cũng chẳng có xích mích gì.
Video đang HOT
Điều đáng ngạc nhiên của BTC ở hạng mục này là không hề công bố số lượng đề cử. Và một điều khác cũng rất đáng thắc mắc là bất cứ hội đồng giám khảo nào cũng sẽ có con số ban giám khảo là số lẻ với thang điểm quy chuẩn rõ ràng, bởi vậy chuyện “đồng giải thưởng” là hết sức hi hữu. Nếu có chuyện bằng điểm thì Chủ tịch hội đồng giám khảo chính là lá phiếu lớn nhất để quyết định ai là người chiến thắng.
“Ao làng”
17 bộ phim truyện nhựa tranh giải nhưng chỉ chưa quá một bàn tay những bộ phim xem được, chứ đừng nói là phim xuất sắc. Thôi thì “so bó đũa chọn cột cờ”. Việc bộ phim đình đám nhất năm vừa qua với hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ trên thế giới là Đập cánh giữa không trung cũng không mấy mặn mà với giải của Hội vì lý do “phim gửi tham dự trễ”.
Thắc mắc ở chỗ đạo diễn ở Việt Nam, bản phim cũng ở Việt Nam mà cụ thể là ở Hà Nội thì hà cớ gì chuyện gửi trễ (!?). Hoặc như, Phan Đăng Di, đạo diễn tài năng của điện ảnh Việt Nam thì hiện tại với tác phẩm Cha lớn, cha nhỏ và những câu chuyện khác vừa lọt vào vòng tranh cử chính thức liên hoan phim Berlin – một trong 3 liên hoan phim lớn và uy tín nhất thế giới – cũng vắng mặt.
Nói thế để thấy, chất lượng và sự đánh giá tương quan về niềm tin của những người làm công tác sáng tạo điện ảnh ở Việt Nam dành cho cơ quan chính thống của nghề là không nhiều. Nếu nói trắng là “không thiết tha” thì có lẽ cũng không sai.
Nói rủi chứ chẳng may phim gửi tham gia mà không được giải có phải là “bẽ mặt” với những nhà làm phim độc lập khi phim của họ đã được quốc tế ghi nhận. Mà nếu họ gửi cũng khó bởi nếu không chấm phim họ mà chấm phim quốc nội thì chẳng phải trực tiếp thừa nhận giải thưởng của mình danh giá hơn giải quốc tế và những đạo diễn như Phan Đăng Di, như Nguyễn Hoàng Điệp không xứng đáng được tôn vinh đến vậy. Nghĩ mà thương BTC và BGK vì “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Thôi thì cứ xuê xoa cho vui cả làng.
Gọi là “ao làng” cũng đúng vì có những hạng mục chỉ có hai phim tham dự (theo như công bố bằng clip trên màn hình tại sân khấu) nhưng vẫn tìm ra giải vàng và bạc (kỳ lạ ghê!). Có hững hạng mục chỉ có 3 tác phẩm gửi nhưng vẫn quyết định trao giải. Bên cạnh đó, bộ phim tài liệu đình đám nhất trong vài năm trở lại đây, đáng ghi nhận khi phim được công chiếu rộng rãi, tạo hiệu ứng và có doanh thu, là Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng lại chỉ nhận được bằng khen.
Khi những cá nhân chọn một hướng đi khó như điện ảnh độc lập hoặc tài liệu thì rất cần sự ủng hộ, động viên của các cơ quan có thẩm quyền hoặc quản lý để tiếp sức họ trên con đường khai phá những mảnh đất nhọc nhằn. Đằng này, thái độ của Hội khác nào quay lưng. Bởi vậy, cũng không nên trách nếu nghệ sĩ có hờ hững với giải thưởng này.
Lễ trao giải thưởng Cánh diều 2014 bị đánh giá là luộm thuộm.
Lộn xộn
Những lộn xộn ở lễ trao giải như chuyện ca sĩ Sơn Tùng đến và về sớm, lấy mất ghế của vợ Quyền Linh, Giang Hồng Ngọc hát trong tình trạng âm thanh bị hỏng, hoặc những chuyện được quan tâm như Trần Bảo Sơn trao giải nữ chính cho vợ cũ Trương Ngọc Ánh đều đã được báo mạng khai thác hết. Mấy chuyện đó có lẽ là tâm điểm của sự quan tâm, nhưng ở hiện trường còn những chuyện lộn xộn hơn rất nhiều.
Tiêu biểu là chuyện các vị khách mời lên trao giải thưởng nhưng không đọc tên rõ ràng, không biết mặt nghệ sĩ, không biết tên đoàn phim và trao giải thưởng cho xong. Thế nên mới có tình trạng khi kết thúc chương trình, nghệ sĩ cứ tìm nhau đổi cúp, đổi giải thưởng.
Bên cạnh đó là chuyện BTC quyết định mang tiền và phát ngay tại chỗ cho bất cứ cá nhân nào đoạt giải. Chuyện thật mà như đùa ở một giải thưởng quốc gia.
Bên cánh gà bên phải của sân khấu có một chiếc bàn và hai người phụ nữ “tay hòm chìa khoá” ngồi đó để chờ nghệ sĩ cầm giấy biên nhận (kèm theo bằng khen) đến để ký và nhận tiền tại chỗ. Diễn viên nhận giải bận thì nhờ trợ lý lấy hộ, diễn viên rảnh rang thì lấy trực tiếp. Khung cảnh lộn xộn một cách đáng sợ.
Cũng chính chuyện tiền nong là mối bận tâm lớn nhất của giải thưởng Cánh diều khi hết đại diện Hội đến diễn viên Quyền Linh lên báo kêu than về chuyện không có kinh phí tổ chức. 58 hạng mục được trao, mỗi hạng mục trung bình cũng vài triệu, tính ra số tiền cũng đã lên đến hàng trăm triệu, trong khi đó chi phí dành cho tổ chức chương trình chỉ dừng ở mức… vài chục triệu.
Tại sao BTC không nghĩ đến chuyện dùng toàn bộ số tiền giải thưởng để tổ chức một chương trình hoành tráng, lộng lẫy và cẩn thận chứ không cần phải chui vào một chỗ vừa nhỏ vừa hẹp vừa khó đi lại của một trung tâm tiệc cưới bên bờ sông Sài Gòn?
Nói thế là bởi có những giải thưởng trên thế giới họ chỉ trao cúp và bằng khen mà không hề có hiện vật hoặc hiện kim. Bản thân giải thưởng đã là một sự ghi nhận, vinh dự và là điều đáng tự hào của bất cứ ai được vinh danh. Hơn nữa, nghệ sĩ cũng đâu có giàu hơn khi nhận vài triệu đồng? Còn riêng với Cánh diều thì mỗi khi mùa giải về là BTC chạy đôn chạy đáo, nhờ cậy người này người kia xin tài trợ khi chỉ còn vài ngày nữa là sự kiện diễn ra.
Thôi thì cứ hy vọng đến một ngày, Cánh diều thực sự là một giải để tôn vinh và bay cao những ước mơ sáng tạo…
Theo Nguyễn Hà/Cảnh sát Toàn cầu
Đã đến lúc phải thay máu 'Oscar Việt'
Vì sao giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh được nói vui như Oscar Việt sau hàng chục năm tổ chức vẫn không có được sức hút và uy tín cần có?
Giải kém thuyết phục
Cánh diều là giải thưởng nghề nghiệp có tính chất điểm lại những cá nhân và bộ phim được cho là nổi bật nhất trong năm. Tổ chức lần đầu cách đây hơn 20 năm, từ 2003 giải này có tên chính thức là Cánh diều và đều đặn tổ chức trao giải vào tháng 3 hàng năm, khi dư âm lễ trao giải Oscar của điện ảnh Mỹ vẫn còn.
Tuy nhiên, nếu Oscar thu hút sự quan tâm của nhiều người về các đề cử, diễn viên, phim nào có khả năng thắng giải. Chuyện hậu trường váy áo của các diễn viên trên thảm đỏ cũng được đem ra mổ xẻ. Cánh diều sau nhiều năm kỳ lạ là ngày càng kém thu hút sự quan tâm của công chúng hơn.
Kim Lý - Trương Ngọc Ánh trong Hương Ga.
Các bộ phim được tranh giải dựa theo đăng ký của các hãng phim chứ không phải được tuyển chọn. Đề cử các hạng mục chỉ được thông báo ngay trong đêm trao giải và thậm chí nhiều nghệ sĩ không có mặt nhận giải. Một giải thưởng điện ảnh thường niên đáng lẽ rất có sức hút với công chúng mà phải chật vật lo tài trợ, mời mọc mỏi mồm mà chưa chắc đã được các nghệ sĩ đáp lại.
Và khó hiểu là các giải thưởng thì không năm nào thuyết phục được công chúng hoàn toàn. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Ở hạng mục Phim điện ảnh đã không có giải vàng. Tức là chính giám khảo cũng không xác định được phim nào nổi bật nhất. Cuối cùng họ quyết định trao 1 lúc 3 giải bạc cho ba bộ phim thuộc 3 thể loại khác nhau như một sự cào bằng và an ủi với Những đứa con của làng, Hương Ga, Lạc giới.
Trong số này, thuyết phục và tròn trịa hơn cả là Những đứa con của làngnhưng trao giải cho Hương Ga, Lạc giới thì có thể nói là khiên cưỡng. Nếu đặt Hương Ga, Lạc giới cạnh các phim khác như Chàng trai năm ấy, Quả tim máu hay Scandal 2 thì không khó để nhận biết phim nào tốt hơn. Sự lựa chọn này phải chăng là để chứng tỏ giám khảo đã có sự đột phá trong cách nhìn nhận dòng phim thị trường đề cập đến các vấn đề nóng và nhạy cảm trong xã hội như chuyện xã hội đen, chuyện giới tính?
Về các giải thưởng diễn xuất, Huy Cường xứng đáng nhận giải Nam phụ xuất sắc với vai gã khờ tên Bè trong Những đứa con của làng. Tuy nhiên chọn Trung Dũng (Lạc giới) để trao giải Nam chính thì không thuyết phục bởi vai diễn này nếu so với Quý Bình (Tốc độ và đường cong, Quả tim máu), Sơn Tùng M-TP (Chàng trai năm ấy) và Chi Bảo (Scandal 2) thì rõ ràng kém hơn. Chiến thắng của Lạc giới cũng khiến nhiều người "ngã ngửa" vì ngạc nhiên.
Một lựa chọn bất ngờ của giám khảo năm nay là trao giải Nữ chính xuất sắc cho Trương Ngọc Ánh với vai bà trùm Hương Ga trong bộ phim cùng tên do chính công ty cô góp vốn đầu tư.
Trương Ngọc Ánh là một diễn viên có tài và đã khẳng định diễn xuất của mình qua hàng loạt vai diễn khác nhau. Tuy nhiên chị lại được coi là người vô duyên với các giải thưởng. Giải thưởng Cánh diều lần này nếu nói là sự ghi nhận cho cả quãng thời gian cống hiến cho nghệ thuật của Trương Ngọc Ánh thì sẽ chính xác hơn là việc đánh giá Hương Ga là vai diễn xuất sắc.
Giám khảo quá già
Giải Cánh diều năm nào cũng dậy sóng dư luận về chuyện giám khảo, kết quả, khâu tổ chức.
Giải Cánh diều đã nhiều lần bị kêu ca là chọn giám khảo quá già và năm nay cũng không ngoại lệ. Nhà lý luận phê bình Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội điện ảnh không biết tới lần thứ mấy được mời vào vị trí trưởng ban giám khảo, dù ông đã 76 tuổi. NSND Trà Giang cũng đã ngoài 70. Nhà văn Chu Lai năm nay cũng 69 tuổi. Nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, các đạo diễn Đào Bá Sơn, Nguyễn Vinh Sơn, Vũ Xuân Hưng cũng đều có tuổi...
Không phủ nhận họ đều là những người có uy tín trong lĩnh vực của mình với rất nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, có người nhiều năm không làm phim, lại đã cứng tuổi thì việc "đổi mới tư duy" khi xem xét phim của các nhà làm phim trẻ liệu có chính xác?
Hiển nhiên những người có phim tranh giải thì không được mời vào giám khảo như Victor Vũ, Bùi Tuấn Dũng.... nhưng nhiều đạo diễn, diễn viên trẻ được coi là có nghề như Nguyễn Hoàng Điệp, Hồng Ánh, Phan Đăng Di, Trương Minh Quốc Thái... sao không mời họ ngồi ghế giám khảo để góp thêm 1 tiếng nói với nhãn quan của người trẻ khi lượng phim tham gia hầu hết là phim của người trẻ làm, về giới trẻ, mang màu sắc thị trường?
Đó là chưa kể việc quá nhiều người già ngồi vào ban giám khảo sẽ dẫn đến việc cho ra một giải thưởng quá an toàn, kém độ nhảy cảm với cái mới và thiếu đột phá đã xảy ra. Việc xếp ngang 3 phim vào Cánh diều bạc đã cho thấy quan niệm cũ kỹ, ít cởi mở trong thẩm định nghệ thuật năm nay.
Trong khi rất nhiều giải thưởng phim ngắn của giới trẻ sôi nổi và gây tiếng vang như tiệc phim ngắn trực tuyến YxineFF, Búp sen vàng... thì xem ra Cánh diều đang tự làm mình trở nên già nua và cũ kỹ.
Theo Linh Anh/Vietnamnet
Chàng trai năm ấy: 'Lạc mất' Cánh diều có phải vì Sơn Tùng? So với sự thành công của "Thần tượng", "Chàng trai năm ấy" chỉ nhận được bằng khen và giải Diễn viên trẻ triển vọng tại Cánh diều 2014. Vì sao lại sa sút đến như vậy? Sòng phẳng mà đánh giá thì phim Chàng trai năm ấy "một tám một mười" với Thần tượng (đều do Quang Huy đạo diễn) - từng đoạt...