Canh chua Nam bộ
Mỗi lần tết đến hoặc đi xa trở về quê cũ, nếu được thưởng thức món canh chua, ngửi mùi “huyền diệu” của các loại rau sau vườn, lòng ta sẽ dậy lên nỗi nhớ khôn nguôi.
Hiếm có món ăn nào gắn bó với hương quê, với tình tự dân tộc như món canh chua Việt. Nhà văn Sơn Nam cho rằng, món ăn miền Nam vừa hào phóng vừa đậm đà phong vị thời khẩn hoang. Hào phóng vì nó kết hợp với nhiều loại rau, mỗi loại đều có vị thuốc nhằm điều chỉnh sự mất quân bình âm dương trong cơ thể; đồng thời góp phần kích thích tiêu hóa, làm cho ngon miệng.
Nguyên liệu bắt mắt cho một nồi canh ngon – Ảnh: T.T
Có tới hàng chục cách nấu, cách sử dụng nguyên liệu khác nhau cho nồi canh chua. Các bà nội trợ hay dùng chanh, me, giấm. Với người sành điệu, những thợ nấu tài hoa bao giờ cũng coi nồi canh chua như một “thang thuốc” với đủ thành phần dinh dưỡng và các vị mặn, ngọt, chua, cay, nồng nên đã dày công nghiên cứu, chọn ra nguyên liệu, gia vị hoàn toàn Việt. Người thưởng thức chỉ nếm thôi cũng đủ biết tay nghề của thợ nấu thế nào.
Video đang HOT
Ngoài chanh, me, giấm; vị chua của nồi canh có thể đến từ cơm mẻ, lá giang, lá cóc, trái giác, xoài non, chùm ruột, khế, bứa, bần… Chẳng hạn, canh chua cá lóc, hấp dẫn nhất là nấu với cơm mẻ; canh tôm, cua nấu với me phải là thứ me non. Còn cá trê, cá ngát mà nấu với bần thì được xếp vào mức ngon nức tiếng. Lươn nấu chua với đọt cóc; gà nấu với lá giang; cá rô, cá chép nấu với trái giác; cá linh non nấu với bần… đều là những món khi đã ăn thì khó mà quên được. Ngoài ra, người dân quê còn có sáng kiến tôm nấu với trứng kiến vàng, cá nấu với dưa môn… mùi vị thơm ngon độc đáo.
Tất cả các loại trái và lá rừng đều có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhưng mỗi thứ có vị chua, độ chua khác nhau, tạo nên hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Vị chua chua, dìu dịu của lá giang hòa quyện với vị ngọt đậm của thịt gà sẽ làm nồi canh chua gà nấu lá giang có mùi thơm kỳ lạ; cá linh non nấu với trái bứa thì trên cả tuyệt vời.
Nói đến nồi canh chua mà bỏ quên vai trò của rau thơm thì quá bất công. Bởi vì dù thịt cá ngon cỡ nào, người nấu khéo léo đến đâu mà thiếu ngò om, húng chanh, ngò gai, húng quế… coi như nồi canh đó chẳng còn ý nghĩa gì. Các loại rau nêm ngoài mùi thơm, kích thích vị giác còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thực, lợi tiểu và chống được vi khuẩn. Mới nhìn nồi canh chua đẹp mắt, hài hòa với đầy đủ ngũ sắc (đen, đỏ xanh, trắng, vàng) và ngũ vị (mặn, béo, chua, cay, ngọt) cũng đủ tác động vào mọi giác quan, giúp người ta chưa ăn đã thấy ngon.
Thiên Lộc
Theo thanh niên
Đậm đà canh chua cá chẽm
Cái nắng gắt gao một ngày giữa trưa tháng mười một chợt trở nên dịu nhẹ, khi mà trên mâm cơm có tô canh chua cá chẽm.
Cửa biển quê nhà, lâu lắm mới có ngày trở lại. Lâu lắm mới được đặt từng bước chân lên những thanh gỗ tạp kết lối đi, ngăn vuông vức những lồng bè đầy ắp cá tôm. Mặt trời càng lúc càng lên cao, nắng chói chang không thương tiếc làn da, nhưng chẳng ai lấy làm nhọc mệt. Tất cả đều chăm chú vào các loại hải sản thoạt nhìn đã ngon mắt, rồi thích thú lắng tai nghe lồng này cá chẽm đớp mồi, lồng kia cá chim quẫy đạp...
Bè cá quê tôi, thức ăn rải xuống chủ yếu là các loại cá tạp. Bởi thế khi xuất bè thịt cá thơm ngon gần gũi với tự nhiên. Cá bán ở chợ quê, đem về chợ tỉnh, chở lên thành phố... Từ khi mặt trời lên cho tới lúc đứng bóng, cả làng bè luôn tất bật bên cạnh những giỏ cá nặng trĩu tươi roi rói.
Nguyên liệu cho nồi canh chua thơm ngon - Ảnh: Đăng Khôi
Người quê tôi hầu như không khi nào lo thiếu vắng cá tươi trong bữa cơm hằng ngày. Các bà nội trợ sành nấu sành ăn, có thể cân nhắc với cá mú, cá bớp, cá chẽm, cá dứa, cá nâu... và nhiều loại khác. Một chiều ở bếp nhà, chúng tôi ra bè chơi trở về mang biếu mẹ một con chẽm nặng gần hai ký lô. Mẹ lắc đầu "chê" cá to, nhưng đôi mắt lấp lánh niềm vui được trổ tài nội trợ.
Cá chẽm thịt ngọt, lành tính, có thể chế biến thành nhiều món ngon: chưng tương, nấu ngót, kho hành ớt, chiên xù xốt chua ngọt... Nhưng "đã" nhất vẫn là cá chẽm nấu canh chua.
Những cơn mưa miền Đông Nam bộ thưa dần, nhưng sau vườn mẹ tôi vẫn còn giữ lại được nhiều loại rau gieo trồng hồi giữa mùa mưa. Trái khóm vàng ruộm. Những tai bạc hà xanh mướt phủ bên ngoài lớp phấn trắng mỏng. Mùi hăng của vạt hành. Mùi thơm dễ chịu của ngò gai, ngò om. Và mùi cay quyến rũ của cây ớt thấp lè tè trái chín đỏ cây.
Chúng tôi chỉ phải nhìn sang vườn hàng xóm để "mượn" hai trái cà chua và mấy trái me chín trên cây còn lại từ năm trước. Nồi canh coi như trọn vẹn. Nước me kèm theo hai trái ớt giã nát, đợi sôi vài dạo, thả từng lát cá vào. Cá vừa chín tới, cho vào tiếp khóm, bạc hà đã cắt miếng vừa ăn. Tiếp theo là cà chua, nêm nếm vừa miệng và nhanh tay tắt bếp vì cà mau chín. Rải hành, rau ngò và thêm vài lát ớt vào nồi, mùi thơm dậy lên nức mũi...
Gắp một miếng cá chẽm thơm ngon chấm vào chén nước mắm cay, anh em chúng tôi đùa nhau: "Người khôn ăn cái...". Vậy thì "người dại húp nước", ai nấy đua nhau húp xì xụp từng muỗng canh nóng hổi ngọt lừ. Cá béo cực kỳ, nên công đoạn nêm nếm cũng rất giản dị, vị giác cảm nhận trọn vẹn món quà về từ cửa biển...
Theo thanh niên
Nhớ canh chua bông súng cá sặc Món ăn bình dị, hấp dẫn người ăn bởi vị chua nhẹ của nước canh, ai đã thưởng thức một lần sẽ không quên được hương vị thơm ngon rất riêng của nó. Canh chua bông súng cá sặc là món ăn gắn liền với tuổi thơ tôi trong mùa nước nổi. Mỗi khi nước lũ tràn về, hoa súng nở đầy đồng...