Cảnh báo trẻ nhỏ bị đuối nước do người lớn bất cẩn
Chỉ trong vòng hơn một tháng qua, Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) đã tiếp nhận 10 trẻ đuối nước phải nhập viện, trong đó có 3 trẻ tử vong khi cùng gia đình đi nghỉ.
Trẻ bị đuối nước được sơ cứu đúng, cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Nhi T.Ư đang bình phục – ĐÌNH PHƯƠNG
Trẻ cần người lớn quan tâm, để ý
Ngày 8.9, bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Khoa Hồi sức cấp cứu nội – Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết mới đây nhất bé trai 7 tuổi ở Lào Cai đi chơi cùng gia đình đã tử vong do đuối nước. Trước khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư cấp cứu, cháu đi nghỉ cùng gia đình và ở tại một resort. Trong lúc chờ người lớn gửi xe, cháu đến gần hồ bơi chơi. Khi người nhà quay lại thì phát hiện cháu đã ngã xuống hồ.
Sau khi được đưa lên bờ và cấp cứu tại Bệnh viện Nhi T.Ư, mặc dù tim đã đập lại sau 40 phút ép tim, nhưng bé trai vẫn không qua khỏi do trước đó chìm trong nước khá lâu, khoảng 20 phút; hô hấp, tuần hoàn, não đều không thể hồi phục.
Trước đó, ngày 2.9, có 3 trẻ từ 7 – 9 tuổi cùng bị đuối nước, được đưa vào Bệnh viện Nhi T.Ư cấp cứu. Trong đó, hai bé 7 và 9 tuổi là chị em ruột, cháu bé còn lại 8 tuổi, là con các gia đình cùng tổ chức đi chơi ngày lễ. Trong lúc vui chơi, khi người lớn không để ý, cả ba cháu bé bị ngã xuống hồ.
Sau khi được phát hiện, đưa lên bờ, các cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Tuy nhiên, do bị chìm lâu dưới nước, khi vào viện, cháu bé 8 tuổi đã tử vong. Cháu bé 9 tuổi tử vong sau đó một ngày (hôm 3.9). Cháu bé 7 tuổi do tình trạng quá nặng nên gia đình xin đưa về bệnh viện địa phương, cũng tử vong sau đó, hôm 6.9.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng lưu ý nhiều trẻ em đuối nước do người lớn sơ suất, mải trò chuyện, sử dụng điện thoại hoặc làm các công việc khác, xao nhãng, thiếu quan sát, không kịp ngăn chặn hoặc tiếp cận trẻ đuối nước.
“Trẻ con rất hiếu động, thấy nước thường lội xuống, hoặc cũng có thể bị ngã mà không được phát hiện kịp thời để đưa lên bờ. Do đó, để tránh cho trẻ bị đuối nước, trước hết người lớn cần rất quan tâm trông nom trẻ”, bác sĩ Dũng nói.
Bác sĩ Dũng cũng chia sẻ nếu không may bị ngã xuống hồ bơi, hồ nước, trẻ cần được nhanh chóng đưa lên bờ và sơ cứu đúng cách. Như trường hợp của cháu trai 13 tuổi ở Hà Nội mới đây, không may bị ngã xuống đầm sen trong lúc đi chơi cùng các bạn, may mắn được đưa lên bờ sớm, sơ cứu đúng và chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi T.Ư. Hiện cháu đã cai được máy thở và tỉnh táo.
“Nếu bị ngạt nước, chỉ trong vòng 3 – 5 phút đã gây mất não (chết não) do não bị thiếu ô xy. Do đó, ngay khi đưa lên bờ, cần đặt trẻ bị đuối nước nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, nhanh chóng quan sát lấy các dị vật trong mũi, miệng (nếu có) và tiến hành việc hà hơi thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực”, bác sĩ Dũng hướng dẫn.
Để sơ cứu trẻ đuối nước, nếu có hai người, một người hà hơi thổi ngạt, một người ép tim. Nếu có một người, thực hiện thổi ngạt 2 nhịp, hà hơi 2 nhịp và ép tim 5 nhịp. “Thực hiện ép tim tại vị trí: 1/2 dưới xương ức, chứ không phải là ép tim phía bên ngực trái”, bác sĩ Dũng lưu ý.
“Ép tim là chìa khóa vàng khi sơ cứu, tăng cơ hội sống cho trẻ. Khi tiếp cận, đưa được trẻ lên bờ, cần thực hiện sơ cứu ngay, không được vác trẻ dốc ngược, vì như vậy mất cơ hội vàng để sơ cứu đúng”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Đau lòng 5 thanh thiếu niên đi câu cá, bất ngờ xuồng lật, 1 người mất tích
Theo ông đi câu cá, 2 cháu bé té xuống sông đuối nước
Trong lúc chơi đùa trên cầu khi theo ông đi câu cá, bé gái không may té xuống giữa sông. Được người dân cứu lên bờ nhưng cháu đã hôn mê, ngưng thở, phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Thông tin từ Bệnh viện quận Thủ Đức, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp bị đuối nước. Nạn nhân là bé T.N.T.V. (9 tuổi) nhập viện trong tình trạng thở nhanh, thở co kéo, kích động, hoảng loạn, không ngừng la hét.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước đó, cháu theo ông nội cùng 2 bé trai khác là anh họ đi câu cá. Trong lúc ông đang buông cần ngồi tập trung theo dõi phao câu thì các bé chơi đùa trên thành cầu, bé T.V. cùng người anh họ là N.B. không may trượt chân, té xuống giữa sông. Người ông hoảng hốt kêu cứu khi thấy 2 cháu đang chới với giữa dòng.
Bé gái may mắn được các bác sĩ cứu sống sau khi té xuống sông, đã ngưng thở
Khoảng 10 phút sau khi té xuống nước, bé gái được người dân ứng cứu, vớt lên bờ trong tình trạng hôn mê không có phản xạ, da tím tái, ngưng thở. Bé trai còn lại bị dòng nước cuốn trôi, phải 30 phút sau người dân mới tìm thấy và đưa cháu lên bờ.
Về phần bé gái T.V. sau khi vớt lên bờ, cháu được người đi đường sơ cứu bằng cách ép tim, thổi ngạt, xốc nước. Vài phút sau bé hồng hào trở lại, ho được... cháu nhanh chóng được chuyển đến sở y tế gần hiện trường cấp cứu. Sau khi cho nạn nhân sử dụng thuốc cắt cơn co giật, cho thở oxy bác sĩ nhanh chóng chuyển bé đến Bệnh viện quận Thủ Đức.
Thời điểm nhập viện , bệnh nhi có biểu hiện kích thích, la hét, thở co kéo, phản xạ với kích thích đau, đồng tử đều 2 bên, phổi nhiều ran ứ đọng. Bệnh nhân được chụp X-quang cấp cứu và chuyển vào Hồi sức Nhi. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, an thần, thở máy, chống phù não và kháng sinh. Trong quá trình cấp cứu, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi bị phù nề nhiều vùng thanh môn, sonde dạ dày ra nhiều nước dịch có màu đục cho thấy bé đã uống rất nhiều nước sau khi té xuống sông.
Sau gần 1 tuần điều trị tích cực, bé được cai máy thở và được đánh giá mức độ tổn thương não do thiếu oxy. Rất may, dù bị ngạt nước trong thời gian dài nhưng cháu không bị tổn thương nghiêm trọng. Hiện tại bé ổn định, ăn uống và sinh hoạt bình thường, tỉnh táo, được chuyển qua khoa Nhi để theo dõi điều trị tiếp.
Từ trường hợp trên, Bác sĩ Nguyễn Hà Phương, Đơn vị Hồi sức Nhi lưu ý: "Mùa hè là khoảng thời gian trẻ nghỉ học ở nhà, phụ huynh nên lưu ý cho trẻ chơi ở những nơi an toàn, có thể kiểm soát được. Các bậc phụ huynh có con em nhỏ nên trang bị cho mình các kiến thức về sơ cấp cứu đúng cách và kịp thời để hạn chế tối đa những thương tổn cho trẻ khi tai nạn xảy ra".
Trường hợp trên, bệnh nhi rất may mắn được sơ cứu kịp thời, tận dụng thời gian vàng sau đuối nước. Bên cạnh đó, việc hồi sức diễn ra thuận lợi, thời gian ngắn nên bé may mắn thoát khỏi các di chứng nặng nề từ việc tổn thương não hoặc đe dọa đến cả tính mạng. Cho trẻ học bơi hoặc dạy cho trẻ là kỹ năng thiết yếu để có khả năng tự phòng vệ và bảo vệ bản thân trong trường hợp bị sa xuống vùng nước sâu nhưng không có người lớn bên cạnh.
Bé trai 15 tháng tuổi ngừng tuần hoàn do đuối nước được cứu sống Một bé trai 15 tháng tuổi bị đuối nước, ngừng tuần hoàn, nguy cơ tử vong rất cao đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cứu sống. Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa vừa tiếp nhận bệnh nhân Lê Việt Đ. (15 tháng tuổi), ở xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), vào viện ngày...