Cảnh báo rủi ro khi đầu tư “tiền ảo”
Lợi dụng tâm lý tò mò và muốn làm giàu nhanh của nhiều người dân, ngày càng xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh tiền ảo thông qua in-tơ-nét. Tuy nhiên, qua rà soát, cơ quan Công an đã phát hiện nhiều “kênh đầu tư” có dấu hiệu hoạt động vi phạm pháp luật.
Ảnh minh họa
Huy động tiền qua ví điện tử
Những năm gần đây, việc ủy thác cho vay và kinh doanh đa cấp tiền ảo có xu hướng tăng mạnh ở nước ta. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo liên tục về các hình thức đầu tư tiền ảo thường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhưng nhiều người vẫn bất chấp, tham gia đầu tư. Mới đây, Bộ Công an đã phát hiện và đưa ra cảnh báo về dấu hiệu lừa đảo của ví thanh toán điện tử mang tên “PayAsian”. Theo tài liệu điều tra của Bộ Công an, PayAsian xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2019, do Nguyễn Mạnh Hùng (trú tại phường 3, quận 11, TP Hồ Chí Minh) là người đại diện pháp luật, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần PayAsian. Nguyễn Mạnh Hùng cùng một số người thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo quảng cáo, lôi kéo người tham gia đầu tư vào ví điện tử PayAsian. Giới thiệu PayAsian là ví điện tử thanh toán mobile đầu tiên trên thế giới chấp nhận tất cả các loại tiền tệ quốc gia, không giới hạn địa lý, lĩnh vực, cộng đồng, hay môi trường thanh toán… Hình thức hoạt động của ví điện tử PayAsian được quảng cáo là sử dụng đồng tiền thanh toán có tên PAYA, với tổng số lượng phát hành là 21 tỷ đồng PAYA và quảng cáo sau sáu tháng sẽ tăng lên gấp mười, thậm chí là 20 lần hoặc nhiều hơn thế. Nhà đầu tư khi tham gia vào hệ thống sẽ được tiền thưởng giống như mô hình đa cấp kim tự tháp. Cụ thể: Muốn tham gia vào hệ thống PayAsian, nhà đầu tư phải nộp ít nhất số tiền tương ứng 100 USD để mua đồng PAYA với giá 0,05 USD/PAYA. Mỗi thành viên khi lôi kéo được người khác tham gia nộp tiền sẽ được hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu; và càng lôi kéo được nhiều người tham gia thì càng được hưởng nhiều lợi ích (hoa hồng của F1 là 30%; F2 là 20%; thưởng nhánh yếu là 30%; thưởng lãnh đạo là 15% tổng doanh số nhánh yếu khi đạt mốc 10 triệu PAYA, 20 triệu PAYA…).
Qua xác minh trụ sở Công ty cổ phần PayAsian tại 137 Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, lực lượng Công an được biết, đây là trụ sở của Công ty cổ phần EcoWorld, bên trong trụ sở công ty này được Công ty PayAsian thuê treo biển quảng cáo mang dòng chữ “PAYASIAN”. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện chưa cấp phép cho ví điện tử PayAsian; Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng chưa cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho Công ty cổ phần PayAsian. Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, ví điện tử PayAsian hiện chưa được cơ quan chức năng cấp phép, số tiền nạp vào ví điện tử PayAsian không thể sử dụng; các nhà đầu tư muốn rút tiền chỉ có cách bán PAYA ảo cho nhà đầu tư khác trong nội bộ, tồn tại rất nhiều rủi ro. Hoạt động của Công ty cổ phần PayAsian có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhiều rủi ro khi đầu tư
Cũng liên quan đầu tư tiền ảo, Bộ Công an mới đây đã phát hiện hình thức hoạt động của Công ty Tài chính công nghệ ERG thực chất là mô hình Ponzi (vay của người sau trả cho người trước) và mô hình này sẽ sụp đổ khi số tiền của nhà đầu tư mới không đủ trả lãi cho các nhà đầu tư trước. Theo tài liệu điều tra, ERG được giới thiệu là Công ty Tài chính công nghệ thuộc Tập đoàn “tự xưng” ERG Group INC, là kênh đầu tư tài chính đến từ châu Âu; tập trung mạnh vào năm lĩnh vực của ngành công nghiệp 4.0 là Trading (thương mại), Mining (khai thác tiền ảo), Game (trò chơi trực tuyến), Paid to Click (trả tiền cho lượt nhấp chuột), Ecommerce (thương mại điện tử). Công ty Tài chính công nghệ ERG thuộc Tập đoàn “tự xưng” ERG Group INC có địa chỉ tại quần đảo Virgin thuộc Anh; mục đích kinh doanh là thu hút và quản lý quỹ đầu tư, lợi nhuận bằng cách sử dụng sự biến động của tiền điện tử và tăng số lượng người dùng; được quảng cáo sẽ mang về lãi suất, lợi nhuận rất lớn là 180%/năm.
Video đang HOT
Qua công tác kiểm tra, Bộ Công an được biết, công ty này không được cơ quan nào của Anh cấp phép; các trang web hoạt động kinh doanh của Tập đoàn ERG không đăng ký hoạt động tại Việt Nam; ứng dụng ERG do một công ty nước ngoài cung cấp… Hình thức hoạt động kinh doanh của Công ty Tài chính công nghệ ERG là nhà đầu tư khi muốn tham gia vào gói huy động tài chính của ERG phải cài đặt ứng dụng (thường gọi là app) do ERG cung cấp và thực hiện theo hướng dẫn đầu tư. Nhà đầu tư sẽ tham gia vào một trong 13 gói đầu tư khác nhau, từ 100 USD/gói đến 1 triệu USD/gói. Lợi nhuận không phụ thuộc vào gói đầu tư mà phụ thuộc vào thời gian đầu tư (hình thức giống lãi suất gửi ngân hàng, gồm ba tháng, sáu tháng, 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng), với lãi suất lần lượt từ 6%/tháng đến 15%/tháng, tương đương 180%/năm. ể đầu tư các gói này, nhà đầu tư có hai hình thức chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Tài chính công nghệ ERG là chuyển tiền Việt Nam đồng vào tài khoản của người bán (là các thành viên của ERG) để mua “USD ảo” được hiển thị trên tài khoản ERG khởi tạo của mình hoặc chuyển các loại tiền điện tử (như Bitcoin, Ethereum, Bitcoin Cash, Litecoin) tích hợp được vào ví ERG để đầu tư. Ngoài ra, mỗi một gói đầu tư đều có gói hoa hồng giới thiệu (giống mô hình đa cấp). Thí dụ, nếu nhà đầu tư trước mời được khách hàng khác đầu tư gói 50.000 USD vào hệ thống, thì người giới thiệu sẽ được nhận 6% hoa hồng cho F1, 5% cho F2 và 3% cho F3…
Bộ Công an xác định, hiện Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền điện tử và tiền mã hóa nào. Nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào gói huy động của ERG, vì nhà đầu tư không biết, không xác thực được tên công ty, trụ sở công ty này ở đâu. Những nhà đầu tư thiếu hiểu biết về công nghệ sẽ đầu tư qua môi giới, sau khi gửi tiền thì không được nhận bất cứ giấy tờ hay biên lai gì. Sau một thời gian tham gia, nhà đầu tư chỉ được ERG trả lãi bằng tiền “USD ảo” có trong ứng dụng ERG được cài đặt trong điện thoại. Nếu muốn rút tiền chỉ có cách bán “USD ảo” này cho nhà đầu tư khác trong hệ thống ERG, không bán được ra ngoài hệ thống. Trong trường hợp không có người mua hoặc ứng dụng ERG bị sập, nhà đầu tư sẽ mất tiền, tương tự như một số sàn tiền ảo bị sập thời gian trước đây khiến cho nhiều người tại Việt Nam bị mất trắng các khoản tiền đã đầu tư.
LÊ TÚ
Theo Nhandan.com.vn
VN- Index lao dốc: Nên đầu tư hay đứng ngoài?
Sau nhiều phiên vượt ngưỡng 1.000 điểm, thị trường chứng khoán (TTCK) tuần qua đã có những ngày ảm đạm khi VN- Index lao dốc, khối ngoại tăng bán ra.
Trong xu hướng điều chỉnh này, tích lũy cổ phiếu chờ sóng tăng giá đón Tết hay thận trọng đứng ngoài thị trường là câu hỏi khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn.
Khối ngoại bán ròng gần 500 tỷ đồng
Tuần qua, thị trường tiếp tục đi theo chiều hướng xấu. Đặc biệt, trong 2 phiên cuối tuần, thị trường giảm rất mạnh với áp lực đồng loạt đến từ nhóm cổ phiếu trụ cột. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 977,78 điểm, tương ứng giảm 3,19% so với tuần trước đó. HNX-Index cũng giảm 2,77% xuống 103,09 điểm.
Điểm tiêu cực của thị trường trong tuần qua là việc khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng. Tính trên toàn thị trường, khối ngoại mua vào 110 triệu cổ phiếu, trị giá 4.001,7 tỷ đồng, trong khi bán ra 117,8 triệu cổ phiếu, trị giá 4.470,8 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 470 tỷ đồng.
Khách hàng tham khảo thông tin tại một sàn chứng khoán trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trên sàn HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 487,6 tỷ đồng (giảm 52% so với giá trị bán ròng của tuần trước), tương ứng khối lượng bán ròng là 8,2 triệu cổ phiếu. KDH bị bán ròng mạnh nhất với giá trị đạt 237 tỷ đồng.
Giao dịch của khối ngoại đối với KDH chỉ tập trung trong phiên 21/11 với giá trị bán ròng 257 tỷ đồng (9,8 triệu cổ phiếu) thông qua phương thức thỏa thuận. Đứng thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HOSE là VIC với 205 tỷ đồng. Các cổ phiếu trụ cột khác như VCB, VJC, HPG, VHM, VNM... cũng đều bị khối ngoại bán ròng mạnh.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến việc TTCK lao dốc tuần qua là do dòng tiền thiếu hụt. 10 tháng năm 2019, vốn hóa thị trường tăng 13% trong khi thanh khoản lại sụt giảm 35%. Chỉ số VN-Index cũng ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là những dấu hiệu cho thấy dòng tiền yếu.
"Do đó, đà tăng của VN-Index thời gian gần đây thiên về kỹ thuật, thị trường có nhịp điều chỉnh mạnh là tất yếu" - ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết.
Dòng tiền trên thị trường suy yếu, theo ông Khánh, chủ yếu là do các yếu tố thế giới. Mặc dù thương chiến đã dịu bớt nhưng không phải tất cả mọi bên tham gia đều thắng. Mỹ - Trung ký thỏa thuận thì hai bên phải nhường nhịn nhau hoặc có bên nào đó phải chịu phần thiệt. Mặt khác, xu hướng của thương chiến đã lan rộng tới châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Việc các ngân hàng T.Ư liên tục hạ lãi suất cũng là tin xấu trong dài hạn. Mặc dù bơm tiền ra kích thích nền kinh tế nhưng lại việc áp dụng chính sách nới lỏng không đạt được hiệu quả.
Thận trọng đầu tư dài hạn
Trước xu hướng điều chỉnh của thị trường, có hai luồng khuyến nghị khác nhau gửi cho các nhà đầu tư. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, đây là cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu, đón chờ sóng tăng trước Tết.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến thận trọng hơn về việc trong dài hạn, sau chuỗi giảm điểm thị trường đang hình thành xu hướng xuống và có thể kéo dài. Còn ngắn hạn, thị trường sẽ có diễn biến tích lũy hoặc giảm nhẹ. Tuy nhiên, từ nay đến Tết Nguyên đán, VN-Index sẽ khó vượt lên mức 1,030 điểm.
Ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Tư vấn Phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, trong tuần này thị trường có thể sẽ có nhịp hồi phục ngắn hạn về vùng tiệm cận 1.000 điểm (trong khoảng 995 - 1.000 điểm).
Trước mắt, thị trường sẽ kéo dài xu hướng điều chỉnh và tạo đáy vững vào trung tuần tháng 12. Trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường chờ cơ hội. Việc đầu tư vào Bluechip lúc này cũng thiên về lướt sóng và khó để kiếm lời nếu nắm giữ dài hạn.
Từ đánh giá này, các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên linh hoạt với vị thế đầu tư ngắn hạn. Trước đó, thị trường có giai đoạn tăng điểm kéo dài do đó cần thời gian điều chỉnh dài để tích lũy tạo nên đáy mới vững chắc hơn.
Theo đó, nhà đầu tư nên hạn chế mở vị thế đầu tư trung hạn. Còn nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro trung bình nên đứng ngoài thị trường xem xét. Những nhà đầu tư này được khuyến nghị tận dụng nhịp giảm điểm sau khi hồi ngắn hạn của thị trường để bắt đáy.
"Nếu nhà đầu tư "lướt sóng" ngắn thì quan tâm tới cổ phiếu penny (cổ phiếu của một công ty nhỏ thường giao dịch với giá dưới 5 USD/cổ phiếu) nhiều hơn vì không cần quan tâm tới yếu tố nội tại. Tuy nhiên, phải là những nhà đầu tư có kinh nghiệm và tâm lý tốt thì mới có thể kiếm lời được từ cổ phiếu penny." - Giám đốc Tư vấn Phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam Nguyễn Xuân Bình
Theo Kinhtedothi.vn
Quá rủi ro với cho vay qua sàn Chủ sàn không chịu trách nhiệm khi người vay không trả được nợ hoặc sàn bị sập có thể khiến người cho vay mất sạch tiền Sự bùng phát trở lại của loại hình cho vay online qua app (ứng dụng) dựa trên nền tảng công nghệ cho vay ngang hàng (P2P Lending) không chỉ thu hút nhiều người vay mà cả những...