Cảnh báo nguy cơ tắc động mạch chi cấp tính khi bị tê bì chân tay
Bác sỹ Trần Quốc Tuấn, công tác tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết tắc động mạch chi cấp tính xảy ra do tắc nghẽn đột ngột lòng động mạch bởi cục máu đông hay một mảng xơ vữa, dị vật…
Hình ảnh chụp MSCT mạch máu của ông N. bị tắc. (Ảnh: TTXVN phát)
Thời gian gần đây, các bệnh viện tại Cần Thơ ghi nhận những ca bệnh nhập viện do tê bì chân tay, bệnh nhân tự mua thuốc thấp khớp uống nhưng không khỏi.
Chỉ khi nhập viện, bệnh nhân mới biết mình bị tắc động mạch chi cấp tính, đối diện với nguy cơ đoạn chi…
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân B.T.T (nữ, 104 tuổi, ngụ tại Cần Thơ), nhập viện trong tình trạng đau nhức và tím bàn chân trái.
Người nhà cho biết bệnh nhân có dùng thuốc giảm đau, kháng viêm nhưng triệu chứng ngày càng tăng, bàn chân trái tím tái.
Bệnh nhân được các bác sỹ chẩn đoán tắc động mạch đùi cấp với biểu hiện lâm sàng của hội chứng thiếu máu cấp tính , được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Video đang HOT
Êkíp các bác sỹ đã tiến hành rạch da vùng 1/3 trên trong cẳng chân trái, bộc lộ động mạch khoeo trái, chày sau; dùng ống thông mạch máu lấy huyết khối động mạch đùi nông và huyết khối động mạch chày sau. Thời gian thực hiện phẫu thuật là 60 phút.
Sau can thiệp, tình trạng tắc nghẽn động mạch chi cấp cải thiện rõ, chi trái hết tím, hết đau, mạch rõ, chi ấm.
Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, bệnh nhân C.V.N (58 tuổi, ngụ tại tỉnh Vĩnh Long) nhập viện với triệu chứng đau, tê, lạnh nhiều, mất cảm giác bàn chân trái.
Qua thăm khám và kết quả chụp MSCT, các bác sỹ chẩn đoán ông N bị tắc hoàn toàn động mạch chậu, đùi, khoeo và cẳng chân trái do xơ vữa mạch máu và tình trạng tăng đông máu hình thành huyết khối.
Các bác sỹ nhanh chóng phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh. Trong hơn 1 giờ, bác sỹ dùng ống thông chuyên dụng lấy ra toàn bộ đoạn huyết khối dài 80cm trong mạch máu.
Sau can thiệp, người bệnh đi lại được, 2 chân hồng hào, hết tê, hết lạnh, mạch máu 2 chân đập tốt.
Bác sỹ Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết trước đây, phẫu thuật điều trị thiếu máu cấp tính ở chi chỉ có một phương pháp duy nhất là đoạn chi.
Cùng với sự tiến bộ của y học cũng như hiểu biết đầy đủ về cơ chế sinh bệnh, điều trị tắc động mạch chi đã có thay đổi rất nhiều, trong đó phải kể đến sự ra đời của kỹ thuật lấy cục máu gây tắc bằng dụng cụ đặc biệt gọi là ống thông mạch máu Fogarty và kỹ thuật tái lập lưu thông mạch máu bằng phẫu thuật cầu nối.
Bác sỹ Trần Quốc Tuấn, Khoa Ngoại tim mạch-Lồng ngực, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết tắc động mạch chi cấp tính xảy ra do tắc nghẽn đột ngột lòng động mạch bởi cục máu đông hay một mảng xơ vữa, dị vật… Hậu quả là thiếu máu nuôi cấp tính phần chi mà động mạch đó nuôi dưỡng, nếu tình trạng không được giải quyết kịp thời, phần chi sẽ bị hoại tử trong vòng vài giờ đến vài ngày.
Đối tượng có nguy cơ tắc động mạch chi cấp tính gồm người có bệnh lý tim mạch như rung nhĩ, hẹp van 2 lá, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, u nhày nhĩ trái, phình động mạch, xơ vữa động mạch, viêm mạch máu; người mắc các bệnh lý tăng đông máu như đa hồng cầu, tăng tiểu cầu, ung thư; người bị đái tháo đường, tăng lipid máu.
Ngoài ra, người hút thuốc lá, từ 50 tuổi trở lên hay thường xuyên sử dụng các thuốc ngừa thai, chất gây nghiện cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Bác sỹ Tuấn đặc biệt lưu ý các triệu chứng ban đầu của tắc động mạch chi cấp tính dễ lầm lẫn với các bệnh về xương khớp nên người bệnh thường chủ quan, bỏ sót hoặc chậm trễ đi khám.
Do đó, khi có một trong những triệu chứng như đau xảy ra đột ngột, dữ dội ở chi hay cảm giác tê bì, kiến bò vùng da chi bị tắc mạch, mất cảm giác, chi lạnh và tái nhợt, cử động các ngón yếu, thậm chí liệt hoàn toàn, người bệnh nên kịp thời đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa mạch máu, tránh hậu quả đáng tiếc./.
Phân biệt cơn đau đầu thường và đau đầu cảnh báo đột quỵ
BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch - Đột quỵ Cần Thơ lưu ý, bệnh nhân và người nhà cần trang bị kiến thức phân biệt các cơn đau đầu thông thường, đau đầu cảnh bảo đột quỵ.
Ảnh minh họa.
BS Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho nhiều ca đột quỵ, xuất huyết não. Bệnh nhân không giới hạn độ tuổi, giới tính, tuy nhiên có ghi nhận tình trạng trẻ hóa.
Điểm mấu chốt để có thể can thiệp cứu sống bệnh nhân chính là yếu tố tầm soát phát hiện sớm và cấp cứu bệnh nhân trong "giờ vàng" (khoảng 6 tiếng tính từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đột quỵ). Theo BS Phong, kết hợp được 2 điều kiện này dù bệnh nhân cao tuổi vẫn có cơ hội được cứu sống.
Đơn cử, bệnh nhân L.V.S. (nam, 84 tuổi, ngụ tại Bạc Liêu) nhập viện trong tình trạng yếu nửa người bên phải, lơ mơ. Thời gian từ lúc khởi phát bệnh đến lúc nhập viện là 5h30. Kết quả chụp CTscan não cho thấy, bệnh nhân bị tắc động mạch thân nền từ vị trí hợp lưu đến đỉnh thân nền.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã thực hiện can thiệp, trong 10 phút đã tái thông hoàn toàn động mạch bị tắc, hút ra được nhiều huyết khối. Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, hồi phục gần như hoàn toàn.
BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch - Đột quỵ Cần Thơ lưu ý, bệnh nhân và người nhà cần trang bị kiến thức phân biệt các cơn đau đầu thông thường, đau đầu cảnh bảo đột quỵ. Cụ thể, đau đầu do các nguyên nhân như mất ngủ, căng thẳng, uống rượu bia quá nhiều... chỉ cần nghỉ ngơi sẽ dứt cơn đau.
Đau đầu bệnh lý tiềm ẩn đó là đau đầu do rối loạn chức năng của cơ thể như đau đầu migraine, đau đầu do nhiễm trùng (viêm màng não, sốt cao), đau đầu do tăng huyết áp khiến bệnh nhân choáng váng, nôn ói.
Đau đầu migraine là chứng đau đầu nguyên phát, xuất hiện thành đợt. Triệu chứng thường kéo dài từ 4 đến 72 giờ và có thể trầm trọng hơn. Đau thường ở một bên, kiểu mạch đập, nặng hơn khi gắng sức, kèm theo các triệu chứng như buồn nôn và nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc mùi hôi.
Đau đầu nguy hiểm đó là những cơn đau kéo dài khoảng 10-15 phút hoặc vài giờ khiến người bệnh mất tập trung trong công việc và thường hay cáu gắt, bực bội. Tình trạng đau đầu diễn ra thường xuyên, nhất là khi đi tàu xe đường dài, suy nghĩ nhiều hoặc khi mới ngủ dậy... Bệnh nhân cần tới các cơ sở y tế để thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh có thể là đau đầu do thiếu máu não (hẹp mạch máu não).
Đau đầu do dị dạng mạch máu não thường là cơn đau đầu nặng, bệnh nhân kèm theo hiện tượng sụt mi, choáng váng, có dấu hiệu của bệnh động kinh, co giật toàn thân, đi tiểu không tự chủ nhất là ở trẻ em, người trẻ. Dấu hiệu đau đầu cảnh báo u não đó là người đau đầu thường đi kèm chóng mặt...
BS Phong cho biết thêm, ngoài các dấu hiệu đau đầu, bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ thường có triệu chứng gợi ý đột quỵ như: đột ngột xuất hiện méo miệng, liệt hoặc yếu một bên người, nói khó hoặc không nói được. Khi thấy các triệu chứng trên, người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có đơn vị can thiệp đột quỵ để cấp cứu. Thời gian từ lúc khởi phát bệnh đến khi được điều trị đặc hiệu là yếu tố quan trọng nhất, quyết định phần lớn khả năng phục hồi của bệnh nhân.
8 lý do bạn nên biết nhóm máu của mình Việc nắm được mình thuộc nhóm máu nào sẽ giúp bạn nhận thức được rủi ro mắc một số loại bệnh của mình. Nguy cơ hình thành cục máu đông: Nghiên cứu cho thấy những người thuộc nhóm máu AB, A hoặc B có nguy cơ mắc chứng huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn tới 40% so với những người thuộc nhóm...