Cảnh báo dịch bệnh động vật xảy ra trong thời gian tới
Nguy cơ các loại dịch bệnh động vật tiếp tục xảy ra trong thời gian tới là rất cao, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh lưu hành lây lan.
Cán bộ chức năng giám sát ổ dịch lở mồm long móng trên lợn. Ảnh: TTXVN
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh động vật, đặc biệt trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước tập trung chấn chỉnh, chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật, nhằm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, ngân sách nhà nước, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 1/2019 đến nay, theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn địa phương cho thấy các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật như cúm gia cầm, lở mồm long móng đã xảy ra ở một số tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước, làm nhiều động vật mắc bệnh, buộc phải tiêu huỷ và có chiều hướng lây lan, diễn biến phức tạp, nhất là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Do vậy, nguy cơ các loại dịch bệnh động vật tiếp tục xảy ra trong thời gian tới là rất cao, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh lưu hành lây lan và gây ra dịch bệnh.
Mặt khác, tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, mật độ chăn nuôi cao, các biện pháp phòng bệnh chưa được thực hiện thường xuyên và liên tục; việc buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán; lượng khách du lịch từ các nước đến Việt Nam rất lớn, nhất là từ các nước láng giềng đang có nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật; việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật từ các nước thông qua đường bộ, đường hàng không và đường biển có nguy cơ làm lây lan các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ nước ngoài vào Việt Nam.
Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu, đối với các địa phương có ổ dịch, cần tập trung tối đa nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu huỷ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi và các khu vực có nguy cơ cao; tiêm phòng bao vây ổ dịch cho toàn bộ đàn vật nuôi của các xã đã, đang có dịch bệnh; quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng có dịch.
Đồng thời, xem xét thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, tổ chức chống dịch khẩn cấp theo đúng quy định; bố trí kinh phí và tổ chức các hoạt động chống dịch trên địa bàn; chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động giám sát, nắm bắt, báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh động vật theo quy định.
Ngoài ra, tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi biết và chủ động hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh; trong đó, cần nói rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh động vật, các biện pháp xử lý, mức độ hỗ trợ của nhà nước đối với động vật nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu huỷ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trường hợp đàn lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, chết không rõ nguyên nhân cần khoanh vùng ổ dịch, tiêu huỷ đàn lợn bệnh; tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng; quản lý và xử lý nghiêm trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra khỏi vùng có dịch.
Đối với các địa phương chưa có dịch, cần chủ dộng giám sát, phát hiện sớm các trường hợp động vật mắc bệnh; thực hiện lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm có thẩm quyền đã được chỉ định để xét nghiệm, xác định chính xác các mầm bệnh để tổ chức tiêm phòng, chống có hiệu quả.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, rà soát, tổ chức tiêm phòng tại các địa bàn có nguy cơ cao; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc phòng, chống dịch bệnh động vật tuyến cơ sở.
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến 31/1/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo có bệnh dịch tả lợn châu Phi và đã phải tiêu huỷ hơn 1,08 triệu con lợn.
Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến ngày 1/2/2019, có 104 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh và đã phải tiêu huỷ trên 950.000 con lợn./.
Thành Trung/BNEWS/TTXVN
TP.Sông Công: Tiêu hủy hơn 6.800kg lợn chết vì lở mồm long móng
Sáng 10/1, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Chi cục Thú y kiểm tra công tác phòng, chống bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn lợn tại T.P Sông Công.
Đoàn kiểm tra hướng dẫn người dân xã Vinh Sơn phòng bệnh LMLM trên đàn lợn.
Theo báo cáo của T.P Sông Công, tính đến 16 giờ ngày 7/1, trên địa bàn Thành phố đã có 114 con lợn có biểu hiện của bệnh LMLM, tại 4 xã, phường: Bình Sơn, Lương Sơn, Thắng Lợi và Lương Châu. Toàn bộ số lợn này đã được Thành phố tiêu hủy, với tổng trọng lượng 6.842kg.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng cung ứng 1.000 liều vắc xin LMLM để tiêm phòng bao vây ổ bệnh; cấp 600 lít hóa chất, hướng dẫn người dân phun thuốc khử trùng xung quanh khu vực chuồng, trại chăn nuôi, tránh lây lan bệnh sang các địa phương khác.
Đồng thời, yêu cầu cán bộ, lãnh đạo các xã, phường đã thường xuyên bám sát địa bàn, tuyên truyền các hộ dân có lợn bị bệnh và chết tuyệt đối không giấu bệnh, không bán chạy gia súc mắc bệnh, không vứt xác gia súc bừa bãi ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm...
Phun thuốc tiêu trùng, khử độc chuồng trại chăn nuôi đề phòng dịch bệnh phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi.
Sau khi nghe T.P Sông Công báo cáo về tình hình bệnh LMLM và đi thực tế tại địa phương, đại diện Đoàn kiểm tra đã đề nghị T.P Sông Công cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ và vệ sinh thú y trên đàn lợn; giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi của người dân, kịp thời phát hiện các trường hợp lợn mắc LMLM để có biện pháp xử lý, tránh để bệnh lây lan sang các địa phương khác; tiếp tục thống kê số lợn nái và lợn đực giống chưa được tiêm phòng LMLM để tiêm bổ sung...
Được biết, T.P Sông Công hiện có 76 trang trại, 383 gia trại và 497 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đa số đàn lợn mắc bệnh LMLM trong đợt này đều là lợn thịt tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM.
Theo Việt Hùng (Báo Thái Nguyên)
Dịch chồng dịch, nông dân lo mất tết Khi dịch lở mồm long móng trên gia súc chưa kịp lắng thì ở nhiều địa phương, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện, đe dọa đến tiền tiêu tết của nhà nông. Nhưng qua hai đợt dịch này có thể thấy, sự chủ quan đôi khi làm mầm mống của đại họa. Nông dân mất ăn, mất ngủ Ngày 5.1.2019, UBND huyện...