Cảnh báo chiêu lừa đảo nâng cấp sim 3G lên 4G để chiếm đoạn tiền
Đối tượng sử dụng các chiêu thức giả mạo nhà mạng viễn thông, nhắn tin hướng dẫn nâng cấp sim 4G để lừa đảo, chiếm đoạt quyền kiểm soát sim điện thoại, đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của người tiêu dùng.
Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng bất đắc dĩ mang nợ hàng chục triệu đồng, bởi các chiêu thức giả mạo nhà mạng viễn thông, nhắn tin hướng dẫn nâng cấp sim 4G để lừa đảo, chiếm đoạt quyền kiểm soát sim điện thoại, đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của người tiêu dùng.
Chiêu thức lừa đảo tinh vi
Thời gian gần đây, Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 và Hệ thống tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) đã tiếp nhận hàng chục cuộc gọi, đơn thư phản ánh về việc bị một số đối tượng mạo danh là nhân viên của các nhà mạng Vinaphone, Mobifone gọi điện, nhắn tin hướng dẫn cú pháp để thực hiện nâng cấp sim 3G thành sim 4G nhằm lừa đảo, chiếm đoạt quyền kiểm soát sim điện thoại, đánh cắp các thông tin thẻ tín dụng, lấy mã OTP và thanh toán hàng chục triệu đồng cho các đơn hàng online bằng thẻ tín dụng của người tiêu dùng.
Một dạng tin nhắn hướng dẫn cú pháp để thực hiện nâng cấp sim 3G thành sim 4G nhằm lừa đảo, chiếm đoạt quyền kiểm soát sim điện thoại.
Điển hình, chị P.T.P.T tại TPHCM đã từng bị chiếm đoạt hơn 30 triệu đồng từ chiêu thức lừa đảo nêu trên. Theo phản ánh của chị T, vào chiều ngày 20/2, chị đã nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại 024.66704573, tự xưng là nhân viên Mobifone hỗ trợ nâng cấp từ 3G lên 4G cho sim điện thoại của chị.
Được giới thiệu là đổi sim miễn phí và giải thích rằng do dịch bệnh Covid-19 nên không thể gặp trực tiếp trao sim cho khách hàng, không nghi ngờ gì, chị T đã thực hiện nhắn tin theo cú pháp mà đối tượng lừa đảo hướng dẫn qua tin nhắn. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các thao tác trên để đổi sim 4G, chị T nhận thấy sim điện thoai chị đang dùng bị mất tín hiệu và vô hiệu hóa, không thể sử dụng được nữa.
Cùng lúc đó, chị T nhận được thông báo gửi đến hộp thư điện tử Gmail của chị về việc thay đổi mật khẩu thành công đối với ứng dụng Fe Credit. Nhận thấy bất thường, chị T lập tức đến cửa hàng Mobifone trên đường Phan Đăng Lưu, Phường 3, Quận Phú Nhuận, TPHCM để khóa và khôi phục sim.
Sau khi sim được khôi phục, chị T truy cập ngay ứng dụng Fe Credit để kiểm tra, thì hạn mức sử dụng thẻ tín dụng Fe Credit của chị chỉ còn 70.000 đồng. Gọi điện lên tổng đài chăm sóc khách hàng của Fe Credit, chị T được thông báo đã phát sinh các giao dịch qua thẻ tín dụng với tổng số tiền 31.190.000 đồng chỉ trong vòng 30 phút kể từ khi sim điện thoại cũ của chị bị vô hiệu hóa.
Tương tự, cũng ở TPHCM, chị N.T.H.M bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 50 triệu đồng. Ngày 18/1 vừa qua, chị M được một người gọi điện, tự xưng là nhân viên của Vinaphone và thông báo chị đang dùng gói 3G, nên chuyển sang 4G. Thấy tiện, chị M đồng ý. Ngay sau đó, người này hướng dẫn chị nhập dãy ký tự *938*…# trên điện thoại của chị và dặn tắt máy, 30 phút sau khởi động lại. Sau khi khởi động lại máy, chị M nhận thấy sim của chị bị vô hiệu hóa, không có sóng.
Hai ngày sau mới khôi phục sim, chị M nhận đươc tin nhắn từ Fe Credit thông báo dư nợ 49.231.000 đồng. Mặc dù trước đó chưa từng kích hoạt tài khoản tín dụng của Fe Credit, nhưng trùng với thời điểm sim của chị bị vô hiệu hóa thì thẻ tín dụng Fe Credit của chị M đã được kích hoạt, lấy mã OTP gửi đến số điện thoại mà kẻ gian đã lấy cắp của chị để sử dụng thanh toán cho các giao dịch phát sinh tại FPT Shop Quận 10, TPHCM.
Cảnh giác với những tin nhắn chào mời và đường dẫn lạ
Video đang HOT
Theo nhận định của Cục CT&BVNTD, lợi dụng chính sách hỗ trợ đổi sim 4G của các nhà mạng và đưa ra những lý lẽ đầy thuyết phục như thực hiện đổi sim theo cú pháp, không giao sim trực tiếp nhằm hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan của dịch bệnh Covid-19; đổi sim ngay để được miễn phí và nhận được các ưu đãi, khuyến mãi; nếu không nâng cấp lên 4G sẽ không thể tiếp tục sử dụng dịch vụ…, các đối tượng lừa đảo đã dễ dàng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Các chiêu thức lừa đảo tinh vi như vậy không chỉ xảy ra ở TPHCM mà người tiêu dùng ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước như Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Tháp… cũng phản ánh thực trạng tương tự.
Đối tượng lừa đảo đánh cắp các thông tin thẻ tín dụng, lấy mã OTP và thanh toán hàng chục triệu đồng cho các đơn hàng online bằng thẻ tín dụng của người tiêu dùng.
Nhằm tránh sa bẫy của những kẻ lừa đảo, người tiêu dùng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng tránh, ngăn ngừa các hành vi như đã đề cập ở trên, Cục CT&BVNTD khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng mạng di động cần kiểm tra rõ thông tin và không truy cập các đường dẫn lạ.
Khi nhận được tin nhắn hay thư điện tử có chứa đường dẫn lạ, người tiêu dùng không nên vội vàng truy cập hoặc nhấp vào đường dẫn đó. Đối tượng lừa đảo thường tạo ra các website có tên miền gần giống với tên website của các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín nhằm cố ý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cần tìm hiểu thêm thông tin trên website chính thức của các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức tín dụng, ngân hàng… thông qua các công cụ tìm kiếm của bên thứ ba như Google, Bing…, sử dụng các thông tin liên lạc (chẳng hạn, gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng; đường dây nóng…) được cung cấp trên website chính thức đó để kiểm chứng, xác thực thông tin.
Đối với những số điện thoại được người tiêu dùng sử dụng để xác thực các giao dịch tài chính, tín dụng trực tuyến, ví điện tử…, để giảm thiểu rủi ro bị rút tiền từ các tài khoản ngân hàng, tín dụng, ví điện tử… trong trường hợp sim, quyền kiểm soát sim hoặc điện thoại bị mất, người tiêu dùng cần tăng cường bảo mật cho sim điện thoại của mình, có thể bằng cách cài đặt mã PIN cho sim điện thoại theo hướng dẫn của các doanh nghiệp viễn thông.
Thay vì phương thức xác thực các giao dịch tài chính, tín dụng, ví điện tử… thông qua tin nhắn điện thoại (SMS), người tiêu dùng có thể sử dụng các ứng dụng xác thực khác như Google Authenticator hay Authy nhằm ngăn ngừa việc bị chiếm đoạt tiền khi bị mất quyền kiểm soát sim theo chiêu trò hoán đổi thẻ sim nêu trên.
Ngay khi phát hiện thẻ sim trên máy điện thoại của mình bị vô hiệu hóa, nghi ngờ do bị chiếm đoạt quyền kiểm soát sim, người tiêu dùng nên liên hệ ngay với tổng đài của nhà mạng để yêu cầu khóa thẻ sim nhằm ngăn ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro kẻ gian sử dụng quyền kiểm soát sim, nhận mã OTP hòng chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng thông qua các giao dịch trực tuyến, thanh toán bằng thẻ tín dụng./.
Tại sao hacker có thể mạo danh ngân hàng, nhà mạng để gửi tin nhắn lừa đảo?
Bằng cách mạo danh các thương hiệu uy tín như Vietcombank, Techcombank,.. hay thậm chí là Apple, Viettel,... hacker có thể dễ dàng chiếm đoạt thông tin cá nhân từ khách hàng sử dụng dịch vụ.
Gần đây, tình trạng các nhóm tội phạm mạng mạo danh brandname (thương hiệu) nhà mạng, ngân hàng, hay thậm chí là nhà sản xuất thiết bị như Apple để gửi tin nhắn lừa đảo đang gia tăng. Rất nhiều người dùng nhẹ dạ đã "giao nộp" tài khoản cá nhân của mình cho đối tượng, từ đó dẫn tới bị lừa mất rất nhiều tiền.
Thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết
Tin nhắn có brandname của ngân hàng được gửi tới thuê bao của nạn nhân.
Mô-túyp chung được hacker sử dụng như sau: Đầu tiên, chúng lấy tin nhắn mạo danh brandname một công ty, tập đoàn, hay ngân hàng uy tín để gửi tới người dùng.
Tin nhắn này thường sẽ có nội dung cảnh báo người dùng về tình trạng tài khoản cá nhân của họ bị đăng nhập trái phép, và để kiểm tra tình trạng tài khoản, khách hàng phải đăng nhập tài khoản vào một đường link gửi kèm.
Tất nhiên, thông tin này hoàn toàn là giả mạo. Không hề có chuyện tài khoản của người dùng bị công kích. Nói cách khác, đây chỉ là một thông báo giả, nhằm khiến "con mồi" hoang mang, đánh mất sự tỉnh táo.
Khi đã rơi vào tình trạng bối rối, người dùng sẽ dễ bị đánh lừa để đến với bước tiếp theo, đó là click vào đường link gắn kèm - thực ra cũng chính là một website mạo danh, có giao diện gần giống với trang chủ tương ứng theo brandname mà chúng sử dụng.
Một khi người dùng đăng nhập tài khoản cá nhân vào các website giả mạo này, đồng nghĩa với việc chúng ta đã "giao nộp" cho kẻ xấu.
Tin nhắn hỗ trợ lấy lại tài khoản iCloud được gửi từ tài khoản mạo danh Apple, và đường link dẫn tới website giả.
Đáng chú ý, trong một số trường hợp, hacker có thể sẽ một lần nữa gửi tin nhắn yêu cầu mã OTP tới người dùng (sau khi chúng đăng nhập vào tài khoản).
Do đã tin tưởng một lần, người dùng sẽ tiếp tục bị đánh lừa lần 2, từ đó "tiếp tay" cho hacker dễ dàng vượt qua hệ thống bảo mật 2 bước, để toàn quyền chiếm đoạt tài khoản.
Tại sao có thể mạo danh Vietcombank, Techcombank, Apple,...?
Đây có lẽ là câu hỏi chung mà nhiều người đến nay vẫn còn thắc mắc.
Thực tế ghi nhận nhiều "nạn nhân" sau khi trở thành đối tượng bị lừa đảo, cũng thú nhận rằng chính sự xuất hiện của brandname uy tín đã khiến họ "mặc định" bỏ qua tất cả nguy cơ lừa đảo - dù chúng vô cùng hiện hữu.
Theo một chia sẻ mới đây của ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, sở dĩ các đối tượng có thể mạo danh Brandname ngân hàng hay bất kì đơn vị nào mà chúng mong muốn, là bởi chúng có một trạm phát sóng BTS giả.
Trạm này khi được kích hoạt cùng với một số thiết bị chuyên dụng, có thể phát ra sóng để đánh lừa các điện thoại xung quanh trong khu vực, rằng nó mới chính là trạm phát sóng của nhà mạng.
Cùng với đó, hacker có thể dễ dàng mạo danh hệ thống để gửi tin nhắn lừa đảo tới người dùng theo nội dung và chức danh mà chúng mong muốn. "Khi điện thoại bị đánh lừa, đối tượng sẽ cho phát tin nhắn với Brandname tùy ý. Trong trường hợp gần đây là tên của các ngân hàng", ông Quảng cho biết.
Quan điểm này hoàn toàn có cơ sở, vì trước đây, chỉ có các nhà mạng viễn thông mới quản lý được gửi tin nhắn tới chủ thuê bao theo đăng ký brandname. Người dùng thông thường sẽ không thể làm điều này, mà chỉ hiển thị số liên lạc.
Dẫu vậy, việc nhận biết giữa tin nhắn từ brandname "xịn", và brandname "hàng fake" vẫn là điều vô cùng khó khăn, dễ nhầm lẫn.
Cần làm gì để tránh rủi ro mất tài khoản?
Yếu tố đầu tiên để tránh rơi vào cảnh bị lừa, đó là người dùng cần giữ sự tỉnh táo, tập trung. Cần nhớ rằng chính sự hoảng hốt, lo sợ điều xấu sẽ xảy đến với tài khoản cá nhân của mình là điều khiến nhiều khách hàng "dính bẫy".
Khi rơi vào trường hợp bị gửi tin nhắn cảnh báo, người dùng cần phân tích các tình huống có thể xảy đến. Với những người ít có kinh nghiệm, có thể tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân, hoặc những người rành về kiến thức công nghệ.
Cần lưu ý rằng các ngân hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ, nhà sản xuất,... thường sẽ không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như SMS, email, phần mềm chat,...
Do đó, việc xuất hiện các tin nhắn có nội dung tương tự là điều bất thường, cần được xem xét một cách cẩn thận.
Để đảm bảo an toàn, người dùng tuyệt đối không bấm vào các đường link gửi kèm, cũng như nhập tài khoản cá nhân vào những địa chỉ này.
Bên cạnh yếu tố tự cảnh giác, người dùng cũng có thể tham khảo một số dịch vụ chặn tin nhắn Brandname lừa đảo đáng tin cậy.
Tò mò video khiêu dâm, người dùng có thể mất tài khoản Facebook Người dùng Facebook Việt Nam tiếp tục đối mặt với chiêu lừa hack tài khoản thông qua việc gắn thẻ bài viết, mời xem các nội dung gợi dục hoặc giật gân. "Hai ngày nay, tôi liên tục bị tag (gắn thẻ) vào những bài đăng của người lạ. Nội dung bài viết là thông tin một nữ nghệ sĩ bị lộ hình...