Căng thẳng Trung – Nhật có nguy cơ thổi bay hàng trăm tỷ USD
Những căng thẳng về biển đảo giữa Nhật và Trung Quốc đang đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước đến bờ vực nguy hiểm khi hàng loạt doanh nghiệp Nhật phải ngừng hoạt động. Hơn 340 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương có nguy cơ bị thổi bay.
Suốt từ hai tuần nay căng thẳng liên quan đến chủ quyền biển đảo giữa Nhật và Trung Quốc vẫn không ngừng leo thang. Đỉnh điểm là việc người biểu tình Trung Quốc đồng loạt xuống đường tại hơn 50 thành phố khắp cả nước, hô vang những khẩu hiệu chống Nhật, tẩy chay hàng Nhật và thậm chí còn lao vào đốt phá các cửa hàng của các công ty Nhật.
Một siêu thị của Nhật tại Trung Quốc bị cướp phá tan hoang (Ảnh: AP)
Tình hình căng thẳng buộc hàng loạt doanh nghiệp và cơ quan ngoại giao Nhật tại Trung Quốc phải đóng cửa trong ngày 18/9 khi người dân địa phương kỷ niệm ngày phát xít Nhật chiếm đóng Đông Bắc Trung Quốc năm 1931.
Video đang HOT
Cả 2 hãng xe Toyota và Honda đều đã thông báo nhiều showroom của mình bị phóng hỏa tại khu vực phía Đông cảng Thanh Đảo sau đợt biểu tình cuối tuần trước. Trong ngày thứ 17/9, trong khi Toyota vẫn hoạt động bình thường và chưa khuyến cáo nhân viên người Nhật ở nhà thì Honda đã quyết định ngừng sản xuất 2 ngày tính từ hôm nay.
Mazda sẽ tạm dừng các dây chuyền tại cơ sở Nam Kinh mà hãng này cùng hợp tác với Chongqing Changan Automobile Co and Ford trong 4 ngày. Hãng điện tử Canon cũng cho biết đã đóng cửa tạm thời 3 nhà máy tại các tỉnh Quảng Đông và Chiết Giang trong các ngày 17 và 18/9. Các xưởng này hiện sử dụng khoảng hơn 20.000 lao động Trung Quốc.
Sony, Panasonic cũng phải đóng cửa một số nhà máy do lo ngại về an ninh. Hitachi dù vẫn sản xuất bình thường nhưng nhân viên tại văn phòng Bắc Kinh được yêu cầu làm việc tại nhà.
Chuỗi siêu thị bán lẻ quần áo thương hiệu Uniqlo tuyên bố dừng bán hàng tại cả 42 cửa hàng khắp Trung Quốc. Chung cảnh ngộ, hãng bán lẻ tổng hợp hàng đầu Nhật Bản là Seven & I Holdings cũng phải đóng cửa 13 siêu thị mang thương hiệu Ito Yokado cùng 198 cửa hàng tiện lợi “7-Eleven”.
Ngoài ra người phát ngôn của hãng hàng không All Nippon Airways cho biết có 3800 khách bay từ Nhật và 15.000 khách khởi hành từ Trung Quốc đã hủy chuyến cho đến tận tháng 11. Lượng khách du lịch Trung Quốc tới Nhật cũng đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những con số biết nói ấy rõ ràng đã cho thấy rõ mức độ thiệt hại về kinh tế đối với cả hai nước dù căng thẳng mới chỉ trên mặt trận ngoại giao. Số liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy, trong năm 2011 nước này chính là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật, trong khi đó Nhật Bản là thị trường nhập hàng Trung Quốc nhiều thứ tư. Năm ngoái kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc vào Nhật đạt 148,3 tỷ USD trong khi đó Nhật cũng bán được 194,6 tỷ USD hàng hóa cho Trung quốc.
“Việc tranh chấp leo thang đang tạo ra thêm bất ổn”, Liu Li-Gang, nhà kinh tế của ngân hàng ANZ tại Hong Kong nhận định trên Bloomberg. “Nhật Bản hiện lệ thuộc vào Trung Quốc để tăng trưởng kinh tế hơn là ngược lại. Nền kinh tế vốn đã yếu của nước này sẽ khó khó phục hồi. Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng ít hơn”.
Trong ngày giao dịch hôm nay, cổ phiếu của hàng loạt tập đoàn Nhật đã sụt giảm mạnh. Nissan, hãng xe Nhật có doanh số lớn nhất tại Trung Quốc chứng kiến cổ phiếu mất giá tới 5,2%. Honda cũng sụt 3% còn cổ phiếu của Fast Retailing, tập đoàn sở hữu thương hiệu Uniqlo, bị bốc hơi mất 5,9%, mức lớn nhất từ ngày 5/6.
“Chúng tôi không biết liệu thiệt hại của các công ty Nhật sẽ tăng đến mức nào khi tất cả những gì họ có thể làm là án binh bất động”, Kenichi Hirano, tổng giám đốc của công ty chứng khoán Tachibana tại Tokyo lo lắng. “Các nhà đầu tư sẽ giữ thái độ nghe ngóng đối với các công ty có nhiều cơ sở tại Trung Quốc như các nhà bán lẻ hay ô tô”.
Ngòai lĩnh vực thương mại, cả Nhật và Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại lớn về đầu tư nếu căng thẳng không thể được giải quyết. Năm 2011, có tới 6,3 tỷ USD vốn FDI từ Nhật đổ vào Trung Quốc, nâng tổng số vốn FDI của nước này từ năm 1996 tới nay lên mức 69 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc chỉ đầu tư 560 triệu USD vào Nhật trong năm 2011.
Theo Dantri
Xả van áp suất
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L. Panetta lại vừa lên tiếng cảnh báo nguy cơ chiến tranh xảy ra nếu các nước châu Á tiếp tục "cách hành xử mang tính khiêu khích" liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.
Một cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản ở, Thâm Quyến, Trung Quốc hôm 16-9
Tuyên bố của ông L. Panetta được đưa ra trước khi ông tới Tokyo (Nhật Bản) trong chuyến công du châu Á. Khi được hỏi về khả năng đụng độ giữa các bên tranh chấp, ông L. Panetta nói: "Tôi quan ngại rằng khi các nước này có hành động khiêu khích liên quan đến các hòn đảo, thì sẽ có khả năng rằng việc đánh giá sai của một hay nhiều bên liên quan có thể dẫn đến vũ lực và có thể kéo theo xung đột. Và cuộc xung đột này sẽ tiềm ẩn nguy cơ loang rộng".
Cuộc tranh cãi về chủ quyền xung quanh các quần đảo không người trên vùng biển Đông Bắc Á vẫn tiếp tục nóng lên. Phản ứng lại việc Chính phủ Nhật Bản ký hợp đồng với chủ sở hữu tư nhân để quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, 6 tàu hải giám của Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần quần đảo mà theo Bắc Kinh là để "bắt đầu tuần tra và thực thi luật pháp, chứng tỏ quyền tài phán của Trung Quốc" đối với các đảo trên.
Không dừng ở những biện pháp trả đũa nhau, các vấn đề quá khứ cũng bắt đầu được nhắc lại, đốt nóng quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc. Hôm 16-9, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung Hwan dự kiến sẽ nêu vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật trong Thế chiến thứ II trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào ngày 28-9 tới. Ông Kim khẳng định: "Vấn đề tranh chấp lãnh thổ và phụ nữ bị ép mua vui đều thuộc về lịch sử Đông Á". Còn ở Trung Quốc, làn sóng chống Nhật đã lan ra 50 thành phố trong cả nước với sự tham gia của hàng vạn người. Một số công ty và cửa hàng Nhật Bản bị người biểu tình quá khích xông vào đập phá.
Tất cả những vụ việc đó làm người ta nhớ lại phong trào "bài Nhật" xảy ra cách đây vài năm, khi Nhật Bản cho phát hành cuốn sách giáo khoa mà người ta cho rằng Tokyo đã cố tình xóa đi những tội ác chiến tranh do phát xít Nhật gây ra với nhân dân các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, quá khứ nặng nề của những năm tháng đau khổ dưới ách đô hộ của phát xít Nhật vẫn là nỗi ám ảnh với người dân Trung Quốc và Hàn Quốc. Cảm giác bị hành hạ về thể xác, hạ nhục về tinh thần đã bùng lên thành cơn thịnh nộ khó có thể kiểm soát mỗi khi có vấn đề nảy sinh trong quan hệ với Nhật Bản.
Trong bối cảnh đó, tranh cãi xung quanh vấn đề nhạy cảm như chủ quyền lãnh thổ chẳng khác nào như mồi lửa làm bùng lên tâm lý dân tộc thiếu thiện cảm của các bên tranh chấp nhằm vào nhau. Đó chính là lý do của những hành động phản đối Nhật Bản từ phía người dân Hàn Quốc và Trung Quốc hiện nay. Trước mắt, mâu thuẫn trên sẽ làm gián đoạn quan hệ kinh tế giữa các nước Đông Bắc Á. Nhưng về lâu dài, nếu căng thẳng không được giải tỏa, nó có thể sẽ dẫn đến đụng độ giữa các bên tranh chấp.
Mâu thuẫn giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc chẳng khác nào như chiếc nồi hơi đang tăng dần áp suất, có thể phát nổ vào bất cứ lúc nào. Làm sao xả áp mối quan hệ này là mối quan tâm của dư luận thế giới hiện nay.
Theo ANTD
Nhật đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc, Mỹ kêu gọi kiềm chế Các công ty lớn của Nhật hôm nay đã đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc và kêu gọi nhân viên người Nhật của mình tránh ra ngoài sau khi cuộc biểu tình chống Nhật lan rộng, đe dọa đến mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á. Người biểu tình phá cửa hàng Nhật ở...