Căng thẳng tại Trung Đông: Liên đoàn Arab, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường phối hợp duy trì ổn định khu vực
Trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn tại Trung Đông, lãnh đạo nhiều nước và tổ chức quốc tế đang nỗ lực thúc đẩy giảm leo thang tình hình.
Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông và Bắc Phi, Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Abul Gheit ngày 17/10 tuyên bố việc tăng cường phối hợp giữa các quốc gia Arab và Thổ Nhĩ Kỳ góp phần cho sự ổn định của khu vực.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X ngày 17/10, ông Abul Gheit cho biết đã gặp Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Ngoại trưởng Hakan Fidan của Thổ Nhĩ Kỳ, trong chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thư ký AL tới Thổ Nhĩ Kỳ trong 15 năm qua. Tổng thư ký AL đánh giá chuyến thăm góp phần tích cực vào việc tăng cường hợp tác và phối hợp lập trường giữa hai bên trong nhiều vấn đề khu vực như xung đột ở Dải Gaza và tình hình leo thang ở Liban. Ông bày tỏ hy vọng hai bên sẽ có nhiều sáng kiến để tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng một khu vực an ninh và ổn định.
Cùng ngày, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al-Thani và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm để thảo luận về các nỗ lực hòa giải chung mới nhất cho lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và các biện pháp giảm leo thang ở Liban.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Qatar, ông Sheikh Mohammed và ông Blinken đã xem xét các cách để tăng cường quan hệ song phương, cũng như các diễn biến mới nhất trong khu vực, đặc biệt là tình hình ở Dải Gaza. Hai bên cũng thảo luận về giảm leo thang căng thẳng ở Liban và một loạt vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm.
Video đang HOT
Trước đó ngày 16/10, phát biểu với các phóng viên trong phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Brussels, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed cho biết không có cuộc đàm phán hoặc tương tác nào giữa bất kỳ bên nào trong 3 đến 4 tuần qua nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Kể từ khi xung đột giữa Hamas và Israel nổ ra vào tháng 10/2023, Mỹ, Qatar và Ai Cập đã nỗ lực làm trung gian cho lệnh ngừng bắn ở Gaza. Tuy nhiên, với tình hình leo thang căng thẳng gần đây trong khu vực, các nỗ lực hòa giải đã bị đình trệ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi cho rằng việc chấm dứt xung đột tại Gaza và Liban và sự leo thang của Israel ở Bờ Tây là bước đầu tiên hướng tới chấm dứt căng thẳng và bảo vệ khu vực này khỏi nguy cơ rơi vào một cuộc chiến rộng lớn hơn.
Ông Safadi đã đưa ra phát biểu này trong một cuộc hội đàm ở thủ đô Amman với người đồng cấp Romania Luminita Odobescu, để thảo luận về hợp tác trong việc tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo cho Dải Gaza và Liban.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Jordan, trong cuộc gặp, ông Safadi đánh giá cao Romania vì đã công nhận Nhà nước Palestine, cung cấp hỗ trợ cho Cơ quan Cứu trợ và việc làm của Liên hợp quốc (LHQ) dành cho người tị nạn Palestine ở cận Đông (UNRWA) và ủng hộ giải pháp hai nhà nước như một phương tiện để đạt được hòa bình và an ninh công bằng trong khu vực.
Trong cuộc họp, hai bộ trưởng cũng thảo luận về các biện pháp phát triển quan hệ song phương và tăng cường nỗ lực chấm dứt leo thang xung đột khu vực. Hai quan chức Jordan và Romania cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục, thương mại, nông nghiệp và quốc phòng.
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ nhân đạo, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Chính quyền Israel ngừng ngăn cản UNRWA cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, tuyên bố của HRW nêu rõ: “Israel nên rút lại dự luật được đề xuất tại Knesset (Quốc hội Israel) nhằm ngăn chặn cơ quan cứu trợ quan trọng nhất của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine hoạt động tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Dự luật được đề xuất sẽ làm suy yếu năng lực trong khu vực của UNRWA để cung cấp hỗ trợ nhân đạo, giáo dục và các dịch vụ cơ bản khác, đồng thời đe dọa viện trợ cho Gaza”.
HRW cũng nhấn mạnh Israel nên cho phép UNRWA và các cơ quan nhân đạo khác thực hiện công việc tại Gaza, nơi người dân đang phải đối mặt với nạn đói. Đồng thời, tổ chức này kêu gọi Mỹ và các nước khác nối lại tài trợ cho Gaza.
Căng thẳng ở Trung Đông: Lãnh đạo 9 nước EU ở Địa Trung Hải kêu gọi ngừng bắn
Các nhà lãnh đạo của 9 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) ở Địa Trung Hải, được gọi là MED9, ngày 11/10 đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Trung Đông và thúc giục nối lại những nỗ lực ngoại giao để giải quyết các cuộc xung đột đang diễn ra trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh MED9 ở Paphos, CH Cyprus, ngày 11/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, trong tuyên bố kết thúc Hội nghị thượng đỉnh MED9 lần thứ 11 tại thành phố Paphos, CH Cyprus, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng "tình hình đang diễn ra ở Trung Đông vô cùng đáng báo động", đòi hỏi "một lệnh ngừng bắn ngay lập tức" và nhanh chóng cung cấp viện trợ nhân đạo cho Liban.
MED9 kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tham gia vào các nỗ lực hòa giải để xoa dịu căng thẳng. Nhóm này cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với tất cả các nghị quyết của Liên hợp quốc liên quan đến Trung Đông và cam kết hợp tác để tác động đến các chính sách rộng hơn của EU về các vấn đề của khu vực.
Tuyên bố cho biết thêm trong bối cảnh tình hình leo thang ở Trung Đông, xung đột Nga - Ukraine và áp lực chính trị, kinh tế và xã hội dai dẳng, định dạng hợp tác khu vực MED9 cho thấy tính hiệu quả để định hình các phản ứng của châu Âu đối với những thách thức chung.
Chủ tịch nhóm MED9 là CH Cyprus đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh có sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của Pháp, Hy Lạp, Italy, Croatia, Malta, Slovenia và Tây Ban Nha, trong khi Bồ Đào Nha cử đại diện là ngoại trưởng tham gia. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng tham dự sự kiện.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh MED9 , Quốc vương Jordan Abdullah II đã tiến hành một loạt cuộc gặp cấp cao với các nhà lãnh đạo châu Âu, nhằm thảo luận về những nỗ lực giúp hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông.
Ông Abdullah đã gặp Tổng thống CH Cypru Nikos Christodoulides, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, Thủ tướng Slovenia Robert Golob và Thủ tướng Malta Robert Abela.
Theo hãng thông tấn Jordan (JNA), các cuộc thảo luận tập trung vào tình hình bạo lực leo thang ở Dải Gaza và Liban, trong đó Quốc vương Jordan thúc giục tăng cường nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện và chấm dứt xung đột. Ông cũng nhấn mạnh phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo nhanh chóng và không bị cản trở cho Dải Gaza.
Quốc vương Abdullah cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực gia tăng của những người định cư cực đoan ở Bờ Tây và các hành vi vi phạm những địa điểm tôn giáo ở Jerusalem, đồng thời cảnh báo rằng khu vực này sẽ vẫn chìm trong bạo lực trừ khi một giải pháp chính trị khả thi, dựa trên khuôn khổ hai nhà nước được áp dụng.
Ngoài tình hình khu vực, các cuộc gặp còn đề cập đến việc tăng cường và mở rộng hợp tác giữa Jordan và EU. Thái tử Hussein bin Abdullah, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Jordan Ayman Safadi và các quan chức chủ chốt khác cũng tham dự các cuộc thảo luận của Quốc vương Abdullah với lãnh đạo cấp cao của các nước châu Âu.
Nhiều hãng hàng không chọn bay qua Afghanistan Trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông leo thang, tuần qua, các hãng hàng không tiếp tục chuyển hướng thêm nhiều chuyến bay qua Afghanistan để tránh không phận Iran, mặc dù điều này làm tăng thời gian hành trình cũng như chi phí nhiên liệu cho các đường bay nối Á - Âu. Máy bay của hãng hàng không Lufthansa. Ảnh...