Căng thẳng Mỹ – Trung đốt nóng hội nghị WHO
Đại hội đồng Y tế Thế giới được tổ chức để các nước vạch ra con đường chống dịch, nhưng thay vào đó, nó biến thành nơi đối đầu Mỹ – Trung.
Phát biểu khai mạc cuộc họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) ngày 18/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẽ đóng góp hai tỷ USD để chống Covid-19 cũng như triển khai bác sĩ và vật tư y tế đến hỗ trợ châu Phi và các nước đang phát triển khác đối phó đại dịch.
Khoản tiền này sẽ được chi trong hơn hai năm, gấp hơn hai lần số tiền Mỹ đóng góp cho WHO trước khi Tổng thống Donald Trump quyết định cắt tài trợ vào tháng trước. Nó đưa Trung Quốc vào vị trí dẫn đầu nỗ lực quốc tế nhằm kiềm chế dịch bệnh đã cướp đi hơn 320.000 sinh mạng trên toàn cầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp trực tuyến của WHO ngày 18/5. Ảnh: People’s Daily.
Nhưng nhiều người, đặc biệt các quan chức Mỹ, lại coi đây như nỗ lực “vung tiền bịt miệng” các nước nhằm chặn trước cuộc điều tra xem Trung Quốc có che giấu thông tin về dịch hay không.
WHA, cơ quan ra quyết sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong hai ngày do lo ngại về Covid-19. Tuy nhiên, Trump từ chối phát biểu tại hội nghị, tạo cơ hội để Chủ tịch Trung Quốc là lãnh đạo cường quốc đầu tiên phát biểu trước 194 quốc gia thành viên.
“Tại Trung Quốc, sau khi miệt mài nỗ lực và hy sinh, chúng tôi đã lội ngược dòng chống virus và cứu nhiều mạng sống”, ông Tập nói. “Chúng tôi đã làm mọi thứ trong khả năng để hỗ trợ các quốc gia cần giúp đỡ”.
Video đang HOT
Sau khi ông Tập phát biểu, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex M. Azar II phản bác bằng cách chỉ trích gay gắt cả WHO và Trung Quốc. “Chúng ta phải thẳng thắn với nhau về một trong những lý do chính khiến dịch bệnh này vượt khỏi tầm kiểm soát”, Azar nói. “WHO đã không thu được thông tin mà thế giới cần và thất bại đó khiến nhiều người mất mạng”.
“Để giấu dịch, ít nhất một quốc gia thành viên đã phớt lờ nghĩa vụ minh bạch của chính mình, khiến thế giới phải chịu hậu quả lớn”, Azar nói, ám chỉ Trung Quốc.
Các quan chức chính quyền Trump chỉ trích tuyên bố đóng góp tiền của Trung Quốc là nhằm gây ảnh hưởng đến WHO khi nhiều quốc gia thành viên đang muốn điều tra xem liệu tổ chức này có “thông đồng” với Bắc Kinh, thiếu minh bạch trong những ngày đầu dịch bùng phát ở Vũ Hán hay không.
“Cam kết hai tỷ USD của Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng khi ngày càng nhiều quốc gia yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện nghĩa vụ theo quy định quốc tế là nói sự thật và cảnh báo thế giới”, John Ullyot, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc Mỹ gia nói.
“Vì là nơi khởi phát Covid-19, Trung Quốc có trách nhiệm đặc biệt phải chi nhiều tiền hơn và trao đi nhiều hơn”, ông nói thêm, nhấn mạnh dù Mỹ dừng tài trợ cho WHO, Washington đã cam kết chi tổng cộng 10,2 tỷ USD đối phó với đại dịch toàn cầu.
Căng thẳng Mỹ – Trung tại hội nghị còn gia tăng liên quan đến vấn đề Đài Loan. Trước hội nghị, Mỹ đã tích cực vận động hành lang để các thành viên ủng hộ hòn đảo tham dự sự kiện với tư cách quan sát viên, tuy nhiên nỗ lực này thất bại khi chỉ 29 nước đồng ý, dù Đài Loan là một trong những nơi hiếm hoi trên thế giới xử lý Covid-19 thành công.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và phản đối để hòn đảo tham dự WHA. Đài Loan từng dự WHA với tư cách quan sát viên từ năm 2009, khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc còn nồng ấm. Tuy nhiên, Trung Quốc đã gây sức ép tước tư cách quan sát viên WHA của Đài Loan sau khi bà Thái Anh Văn, người phản đối chính sách “Một Trung Quốc”, trở thành lãnh đạo hòn đảo từ năm 2016. WHO bị chỉ trích đã phớt lờ cảnh báo của Đài Loan rằng nCoV lây từ người sang người, nhiều ngày trước khi Trung Quốc đại lục thừa nhận.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tiếp nhận những chỉ trích về cách tổ chức xử lý dịch trong giai đoạn đầu, nói rằng cơ quan này sẽ đánh giá “tất cả bài học rút ra được”. Nhưng ông không đề cập đến giả thuyết mà Trump và nhiều quan chức Mỹ đang thúc đẩy là nCoV bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập kêu gọi bất kỳ cuộc điều tra nào cũng phải diễn ra sau khi khủng hoảng đã lắng xuống.
Trong những tuần gần đây, cả lãnh đạo và người dân Trung Quốc ngày càng cảm nhận rõ những lời chỉ trích và ác cảm quốc tế đối với cách Trung Quốc xử lý dịch trong giai đoạn đầu. Không chỉ các quan chức hàng đầu Mỹ gay gắt về vấn đề này, các lãnh đạo châu Âu cũng đặt câu hỏi về những bí ẩn xoay quanh dịch ở Trung Quốc.
Chiến lược ngoại giao “chiến lang” cùng những lô thiết bị y tế xuất khẩu kém chất lượng của Trung Quốc cũng góp phần làm gia tăng căng thẳng. Khoảng 100 quốc gia đã ủng hộ lời kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch.
Trong bối cảnh đó, cộng với việc quốc hội Trung Quốc sẽ bắt đầu họp tại Bắc Kinh vào 22/5, động thái cam kết tài trợ của ông Tập dường như là nỗ lực để giành được sự ủng hộ của quốc tế và xoa dịu lo lắng của công chúng ở Trung Quốc.
“Chắc chắn đây là thời điểm rắc rối với ông Tập”, Dali L. Yang, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chicago nói. “Rõ ràng ông ấy không muốn bị vướng vào những vấn đề này, khi rất nhiều quốc gia lên tiếng yêu cầu điều tra nguồn gốc virus”.
Việc Trump rút lui khỏi trường quốc tế tạo ra cơ hội cho Trung Quốc, bên đang tìm cách định hình lại các thể chế đa phương mà Washington từ lâu đã chi phối. Ryan Hass, học giả chuyên về Trung Quốc tại Viện Brookings, cho biết có một xu hướng thường xuyên xuất hiện: Bất cứ khi nào Trump rút Mỹ khỏi vị trí lãnh đạo quốc tế, Trung Quốc sẽ tiến lên để thế chỗ.
“Ông Tập luôn nhanh chóng tận dụng cơ hội nhằm phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc”, Hass nói.
Trong khi đó, tại WHA, các lãnh đạo khác phàn nàn thế giới thiếu đoàn kết chống đại dịch và kêu gọi các quốc gia gạt bỏ bất đồng, dù không nêu tên cụ thể nước nào. “Không quốc gia nào có thể giải quyết vấn đề này một mình”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói. “Chúng ta phải làm việc cùng nhau”.
Trung Quốc mỉa mai Australia về việc điều tra Covid-19
Trung Quốc gọi phát ngôn của Australia là "trò đùa" khi Canberra cho rằng Đại hội đồng Y tế Thế giới ủng hộ đề xuất điều tra Covid-19 của nước này.
"Bản dự thảo nghị quyết về Covid-19 sắp được Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) thông qua hoàn toàn khác so với đề xuất của Australia về một cuộc điều tra quốc tế độc lập. Việc tuyên bố nghị quyết của WHA là minh chứng cho lời kêu gọi của Australia chẳng khác gì một trò đùa", phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra cho biết trong thông báo hôm nay.
Thủ tướng Australia Scott Morrison tại cuộc họp báo ở thủ đô Canberra hôm 15/5. Ảnh: AAP.
Đây là dấu hiệu mới nhất trong mối quan hệ đang ngày càng xấu đi giữa Bắc Kinh và Canberra. Trung Quốc đã công kích Thủ tướng Australia Scott Morrison kể từ khi ông vận động các đối tác quốc tế mở cuộc điều tra về nguồn gốc, cũng như công tác phòng chống Covid-19 hồi tháng trước.
Thông báo của đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra cũng được đưa ra ngay sau khi Bộ Tài chính Trung Quốc công bố áp thuế 80,5% với lúa mạch từ Australia vì lý do phá giá, "gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp nội địa". Trước đó, đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye cảnh báo về làn sóng tẩy chay hàng Australia, động thái bị Canberra cáo buộc là "áp bức kinh tế".
Australia cho biết các nhà ngoại giao của họ đã hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), nhằm kêu gọi hầu hết quốc gia tại WHA, cơ quan ra quyết sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ủng hộ nghị quyết mà EU đề xuất về việc mở cuộc điều tra độc lập về Covid-19, nguồn gốc dịch bệnh cũng như cách ứng phó trên toàn thế giới.
"Australia đảm bảo đây là một cuộc điều tra độc lập và hy vọng mọi người sẽ hợp tác, bao gồm cả giới chức Trung Quốc", Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham trả lời phỏng vấn một đài phát thanh.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua tuyên bố trước WHA rằng Bắc Kinh sẽ hỗ trợ đánh giá toàn diện về phản ứng với Covid-19 sau khi đại dịch được kiểm soát. Ông cũng khẳng định nước này minh bạch và có trách nhiệm trong quá trình xử lý dịch bệnh.
Cuộc họp của WHA khai mạc hôm qua và kéo dài hai ngày, với sự góp mặt của lãnh đạo và quan chức y tế các nước thành viên WHO. Nội dung họp xoay quanh tình hình Covid-19 trên thế giới, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ cùng các đồng minh với Trung Quốc căng thẳng về cách Bắc Kinh xử lý đại dịch ban đầu.
Các nước nhất trí mở cuộc điều tra về hoạt động ứng phó dịch của WHO Các nước đã thông qua một nghị quyết, trong đó kêu gọi đánh giá biện pháp ứng phó quốc tế đối với khủng hoảng, bao gồm cả cuộc điều tra về các hành động của WHO liên quan đến đại dịch COVID-19. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại hội nghị Đại Hội đồng Y tế Thế giới thuộc WHO,...