Căng thẳng Biển Đông đẩy Mỹ – Nhật Việt thành tam giác “liên minh”?
Căng thẳng Biển Đông đang trở thành cơ hội để 3 nước Mỹ – Nhật Bản – Việt Nam xích lại gần nhau, là nhận định của The Diplomat tuần qua.
The Diplomat trích dẫn báo cáo mới về triển vọng hợp tác ba bên Mỹ – Nhật- Việt. Theo đó, cơ hội hợp tác này đã nhen nhóm trong vài năm trở lại đây. Cơ hội này đang ngày càng lớn hơn khi Mỹ tuyên bố chính sách xoay trục châu Á – Thái Bình Dương và đang có những bước đi cụ thể hướng về khu vực.
Mỹ thể hiện rõ ngoài việc tăng cường quan hệ với các đối tác, liên minh truyền thống; mong muốn mở rộng liên kết mới cả hướng song phương tức là Mỹ – đối tác và đa phương (Mỹ – Nhật – đối tác).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trong chuyến thăm Việt Nam
Chuyên gia Prashanth Parameswaran, nghiên cứu về Đông Nam Á, an ninh ngoại giao châu Á và chính sách của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương nhận định: “Triển vọng hợp tác lớn hơn giữa 3 bên Mỹ – Nhật – Việt đã khá rõ”.
Về kinh tế, Mỹ và Nhật Bản đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam từ những năm 1990. Cả ba quốc gia cũng là một phần của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đàm phán và hy vọng sẽ sớm hoàn thành.
Trong lĩnh vực an ninh, các bên đều đang thể hiện nhiều mối quan tâm chung về an ninh hàng hải, cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo… trên Biển Đông và Hoa Đông.
Mỹ- Nhật: Liên minh nền tảng
Liên minh Mỹ – Nhật lâu nay được xem như nền tảng cho hòa bình và ổn định khu vực. Mối quan hệ ngày ngày càng được củng cố, được thể hiện rõ trong Sách Trắng Quốc phòng từng nước.
Đầu tháng 5 vừa qua, Mỹ – Nhật đã công bố bản Định hướng sửa đổi hợp tác quốc phòng với những sửa đối sâu rộng được đánh giá là “có tính lịch sử”, “chưa từng có”.
Tiếp theo những động thái gia tăng hợp tác với Mỹ, AFP ngày 25/6 dẫn lời Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản Katsutoshi Kawano tuyên bố Nhật có thể cùng Mỹ thường xuyên tuần tra ở biển Đông, bởi Tokyo đang muốn đóng một vai trò quan trọng hơn đối với tình hình an ninh trong khu vực.
Nhật – Việt: Đối tác chiến lược
Theo The Diplomat, chính sách hướng tới Đông Nam Á của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và việc tìm kiếm của Việt Nam trong việc hợp tác hơn nữa với các nước lớn khác đã tạo ra sự hội tụ của tam giác Mỹ-Nhật-Việt, đang định hình phương thức hợp tác và phát triển mối quan hệ này trong tương lai.
Video đang HOT
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 12/2013
Nhật Bản và Việt Nam từ tháng 3/2014 đã nâng cấp quan hệ từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược mở rộng.
Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo lực lượng cảnh sát biển và chia sẻ tin tức tình báo, đồng thời cũng sẽ cung cấp tàu cho Việt Nam. Ông nói: “Tất cả tiến hành rất thuận lợi, chúng tôi có kế hoạch tiếp nhận những tàu này vào năm tới”.
Cũng tại Đối thoại Shangri-La 2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công khai bày tỏ ủng hộ đối với Việt Nam và Philippines, nhấn mạnh, trong tranh chấp liên quan đến chủ quyền Biển Đông, Nhật Bản sẽ dành sự “hỗ trợ tối đa” cho các nước Đông Nam Á trên phương diện an toàn hàng hải và an toàn bay, bao gồm sẽ cung cấp viện trợ quân bị và kỹ thuật liên quan như tàu tuần tra trên biển cho hai nước Philippines và Việt Nam.
Việt – Mỹ: Hứa hẹn tương lai
Việt – Mỹ đã ký một thỏa thuận quốc phòng mới trong năm nay, đồng thời hứa hẹn mở ra cánh cửa cho tương lai hợp tác song phương về quốc phòng và sản xuất thiết bị quân sự.
Điều này cũng được Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định. Hiện các nhà lãnh đạo Mỹ đang tập trung thúc đẩy mạnh mẽ phát triển quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là Bộ Quốc phòng và các Thượng nghị sĩ trong Ủy ban Quân vụ. Quan hệ Việt – Mỹ đã vượt qua quan hệ thông thường và đang trên đà phát triển mạnh.
Tiến sĩ Murray Hiebert, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) nhận định: Việt Nam ngày nay đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Washington ủng hộ chính sách đối ngoại độc lập của Việt Nam, và quan hệ Việt – Mỹ phát triển có thể cũng có ích cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông hay xử lý quan hệ với láng giềng Trung Quốc.
Vẫn còn giới hạn
Tuy nhiên, theo The Diplomat, vẫn có những giới hạn quan trọng đối với sự phát triển của hợp tác ba bên Việt – Nhật – Mỹ.
Về mặt cấu trúc, trong hợp tác tam giác, việc liên minh Mỹ- Nhật quá mạnh, lớn hơn nhiều 2 vế hợp tác còn lại là một thách thức không nhỏ, bắc cầu khoảng cách chắc chắn không phải là một việc dễ dàng.
Theo đuổi các hợp đồng, thỏa thuận với Việt Nam có thể bổ sung đầy đủ các thách thức đó, nhưng có điều Việt Nam không phải đồng minh của Mỹ, Nhật Bản như Philippines hay Australia. Mặt khác Việt Nam cũng phải thận trọng hiệu chỉnh mối quan hệ với các nước lớn, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc.
Ngoài ra có những trở ngại khác cho việc thực hiện hợp tác 3 bên. Ví dụ vấn đề phát triển năng lượng hạt nhân ở Việt Nam đã chậm lại thời gian gần đây do vấn đề an toàn và pháp lý.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe còn phải vượt qua nhiều thử thách để thúc đẩy vai trò của Tokyo trong khu vực, thậm chí còn tiếp tục phải đạt đủ sự ủng hộ trong cơ quan lập pháp.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Parameswaran, không có lý do nào không thể vượt qua những thách thức này, đặc biệt là nếu xu hướng hợp tác 3 bên vẫn tiếp tục và cả 3 nước cam kết thực hiện các bước quan trọng để thúc đẩy hợp tác./.
Theo Ngân Giang/VOV.VN
Trung Quốc cô độc trong tham vọng nuốt trọn Biển Đông
Thái độ cứng rắn của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2015 cho thấy Bắc Kinh không ngần ngại đẩy xa hành động trên Biển Đông.
Trung Quốc ngày 31/5 đã từ chối yêu cầu của Mỹ về việc ngừng các công trình cải tạo ở Biển Đông. AFP dẫn lời Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc bao biện rằng "việc tiến hành xây dựng trên một số đá và rạn san hô ở Biển Đông chủ yếu nhằm cải thiện chức năng của những nơi này và điều kiện sống, làm việc của nhân viên đóng ở đó".
Ảnh vệ tinh chụp Trung Quốc cải tạo bãi Vành khăn trên Biển Đông
Phát biểu của ông Tôn Kiến Quốc được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các công trình cải tạo ở Biển Đông và tuyên bố hành vi của Bắc Kinh trong vùng tranh chấp đã "vượt ra ngoài" tiêu chuẩn quốc tế.
Theo The Diplomat, những gì diễn ra tại Shangri-La chỉ ra rằng Trung Quốc khó mà thay đổi chính sách, hay ít nhất là cách hành xử trong tương lai gần. Tuy nhiên, càng manh động trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ càng trở nên cô độc trước thế giới.
Hành động trong sự vội vã
Bộ Quốc phòng Philippines công bố báo cáo tháng 5 đưa ra bằng chứng mới nhất về tốc độ và quy mô xây dựng "chóng mặt" của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo báo cáo này "tốc độ xây dựng trên Biển Đông đã lên đến mức chóng mặt. Trung bình cứ mỗi ngày, Trung Quốc xây dựng thêm 96,5m2 diện tích Biển Đông".
Reuters ngày 26/5 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân thừa nhận đang đẩy nhanh "hoạt động cải tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa trên Biển Đông" để phục vụ chiến lược quốc phòng mới nhằm nâng cao năng lực hải quân ở khu vực ngoài khơi.
Lâu nay, Trung Quốc vẫn đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông, một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới với tổng giá trị thương mại hàng năm đạt 5.000 tỷ USD. Biển Đông cũng là vùng biển mà cả Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei đều có những tuyên bố chủ quyền.
Hành động phi lý của Trung Quốc đã đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington trở nên căng thẳng. Mới đây, Mỹ còn điều một chiếc máy bay giám sát tới gần khu vực các hòn đảo mà Trung Quốc đang cải tạo trái phép trên Biển Đông nhằm "nắn gân" Trung Quốc.
Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc công bố hôm 26/5 cũng nêu rõ không quân Trung Quốc sẽ chuyển từ mục tiêu phòng thủ trên lãnh thổ sang cả phòng thủ lẫn tấn công và xây dựng năng lực phòng không mạnh hơn. Trong khi đó, lực lượng hạt nhân của quân đội Trung Quốc hay còn gọi là Quân đoàn pháo binh số 2, cũng sẽ tăng cường năng lực phòng thủ và phản công hạt nhân chính xác ở cả tầm trung và tầm xa.
Chiến lược của Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ nâng cao năng lực an ninh tại các khu vực quan trọng đối với lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc đã vươn lên để trở thành một cường quốc cả về kinh tế lẫn quân sự ở cấp khu vực và thế giới. Việc nước này là chủ nợ và cũng là nhà đầu tư lớn ở nhiều quốc gia khắp các châu lục Âu, Á, Phi đã tạo cho Trung Quốc một thế đứng khá mạnh trên thế giới.
Mặt khác, xu thế đa cực sau chiến tranh lạnh đã khiến Mỹ khó có thể đóng vai trò lãnh đạo thế giới như những năm cuối thế kỷ 20. Mỹ sa lầy trong các cuộc chiến ở Trung Đông, Bắc Phi; kinh tế chưa ổn định sau suy thoái khiến tiếng nói của Washington mất dần trọng lượng trong những căng thẳng quốc tế... Đây được cho là thời cơ có một không hai mà Bắc Kinh chớp lấy để hiện thực hóa "Giấc mộng Trung Hoa" trên biển.
Hơn nữa, xung đột giữa Mỹ, phương Tây với Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine càng khiến cho Nga xích lại gần Trung Quốc, tiếp thêm động lực cho Bắc Kinh "phô trương" sức mạnh.
Cô độc trong tham vọng
Theo The Diplomat, gần như không có một sự ủng hộ nào, dù là ủng hộ ngầm, đối với những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc. Thời gian qua là khoảng thời gian thích hợp nhất để Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động của mình khi mà Mỹ đang vướng bận vào hàng loạt vấn đề toàn cầu từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Iraq, Syria cho tới thỏa thuận hạt nhân Iran..., nhưng cũng chưa khi nào thế giới lại thấy một Trung Quốc cô độc đến thế với những tham vọng của mình.
Tuần dương hạm của Mỹ tại Vịnh Subic trên Biển Đông. (Ảnh: AFP)
Trái ngược lại, cái lưới mà Mỹ giăng ra ở châu Á Thái Bình Dương thì ngày càng rộng dần về quy mô. Ngoài những đồng minh cũ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines hay Thái Lan, Mỹ lại vừa có thêm một sự tiếp sức khác là Ấn Độ.
Không hẳn là đồng minh của Mỹ, nhưng Ấn Độ cũng cảm nhận được sự đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, và New Delhi chấp nhận bắt tay với Washington, bất chấp Bắc Kinh điều tàu ngầm hạt nhân đến Ấn Độ Dương. Đây được cho là đòn cảnh cáo Ấn Độ không nên can thiệp vào tranh chấp ở biển Đông.
Tuy vậy, việc Ấn Độ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thế cân bằng ở Biển Đông đã là điều không thể ngăn cản. Ngày 31/5, 4 tàu chiến của Hải quân Ấn Độ đã có mặt tại Biển Đông để tham gia tập trận cùng 5 nước ASEAN xung quanh khu vực tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Cũng trong ngày 31/5, Mỹ, Nhật Bản và Australia đã tổ chức Đối thoại Bộ trưởng quốc phòng 3 bên. Đây là đối thoại lần thứ 5 của các quan chức quốc phòng hàng đầu 3 nước trong năm nay. Tuyên bố chung nêu rõ, Mỹ - Nhật - Australia một lần nữa khẳng định cam kết củng cố liên minh và coi đó là một hành động thiết yếu trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, Nhật Bản và Australia cũng tuyên bố ủng hộ, hỗ trợ lâu dài chính sách tái cân bằng của Mỹ ở khu vực châu Á.
Nhật và Australia khẳng định sẽ phối hợp với Mỹ, đưa máy bay tuần tra trên Biển Đông, cùng các nước khác hành động để kìm hãm hoạt động cải tạo của Trung Quốc.
Tạp chí Time dẫn lời giáo sư Bernard Cole, Viện Chiến tranh Quốc gia, cơ quan nghiên cứu của Lầu Năm góc tại Washington, D.C: "Châu Á - Thái Bình Dương đang là cuộc đọ sức giữa một Trung Quốc cô độc và một mạng lưới những quốc gia trong một hệ thống do Mỹ sắp đặt. Với tiềm lực của mình, Trung Quốc sẽ dễ dàng chiếm ưu thế trong bất cứ cuộc xung đột tay đôi nào về chính trị cũng như quân sự, nhưng với cả một hệ thống các nước đang tạo thành một vành đai thì không đơn giản".
Trung Quốc đang có lý do để vội vã. Một khi vấn đề Trung Đông đã được giải quyết và Mỹ tập trung hoàn toàn vào khu vực châu Á Thái Bình Dương, thì mọi chuyện có lẽ sẽ phải khác./.
Theo Ngân Giang/VOV.VN
Nhật lo không địch nổi nếu hải quân Trung Quốc có Mistral Theo tạp chí The Diplomat của Nhật, Washington cần "kéo" các tàu sân bay trực thăng "Mistral" của Pháp ra khỏi tay Trung Quốc, nếu không cán cân quyền lực quân sự ở châu Á có thể sẽ thay đổi. Nhật lo Pháp bán tàu Mistral cho Trung Quốc Tạp chí The Diplomat của Nhật bày tỏ sự lo ngại nếu Trung Quốc...