Càng phát triển Tân Sơn Nhất, hậu quả cho TPHCM càng nghiêm trọng!
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dư địa để phát triển sân bay Tân Sơn Nhất là không có. Càng phát triển Tân Sơn Nhất thì hậu quả về môi trường cho TPHCM càng nghiêm trọng, TPHCM sẽ bị đe dọa lớn về an ninh an toàn.
Trước các phương án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất mà Công ty ADP-I (Cộng hòa Pháp) mới đề xuất, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – để làm rõ hơn những vấn đề liên quan.
Cách nào “giải cứu” Tân Sơn Nhất?
- Phóng viên: Xin ông cho biết vấn đề của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay và những điểm nổi bật trong phương án mở rộng mà tư vấn Pháp vừa đề xuất là gì?
- Cục trưởng Đinh Việt Thắng: Điểm nghẽn lớn nhất của sân bay Tân Sơn Nhất là 2 đường cất-hạ cánh (CHC) song song gần nhau. Nếu muốn nâng công suất thì xây mới 1 đường băng. Theo đề xuất, đường băng mới dài 2,6km, cách đường băng hiện tại hơn 760m để đảm bảo cất cánh độc lập, khi đó đường băng giữa chỉ dùng để dự phòng.
Tuy nhiên, đơn vị tư vấn kiến nghị không áp dụng phương án này vì chi phí tốn kém, số lượng dân cư phải di dời lớn, số lượng các công trình phải xử lý để đảm bảo tĩnh không cho sân bay mất nhiều thời gian và ảnh hưởng môi trường càng lớn hơn so với hiện nay.
Ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam
Trong 6 phương án đưa ra, tư vấn Pháp kiến nghị lựa chọn phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam và phía Bắc nhằm đạt được công suất 50 triệu hành khách/năm. Phát triển nhà ga hành khách về khu vực phía Nam để liên kết với nhà ga hành khách hiện nay, thuận lợi cho hành khách, tiết kiệm chi phí vận hành cho các hãng hàng không. Khu vực phía Bắc, khu vực sân golf sẽ phát triển trung tâm logistic phục vụ cho phát triển hàng hóa và đảm bảo kỹ thuật cho các hãng hàng không về lâu dài.
- Dù đã có phương án tối ưu nhất cho Tân Sơn Nhất nhưng tại sao tư vấn Pháp vẫn kiến nghị phải khống chế công suất của Tân Sơn Nhất, thưa ông?
- Theo dự báo của tư vấn Pháp, đến năm 2025 – thời điểm Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt khoảng 51 triệu khách/năm. Với dự báo này, tư vấn Pháp đề nghị phải coi sân bay Long Thành là chiến lược và phát triển Tân Sơn Nhất đặt trong bối cảnh có hoạt động của Long Thành.
Khi phát triển chiến lược sân bay ở TPHCM thì Long Thành sẽ là cửa ngõ chính quyết định cho sự phát triển này theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tồn tại song song với Long Thành và hỗ trợ, kết nối thành một cụm sân bay cho TPHCM.
Riêng với Tân Sơn Nhất, theo quan điểm của tư vấn Pháp vào thời điểm năm 2025 có thể nâng được công suất lên 70 triệu hành khách/năm, nhưng do nhiều yếu tố chi phối nên đơn vị tư vấn đề nghị chỉ nên duy trì ở mức 50 triệu hành khách/năm. Việc này nhằm đảm bảo chiến lược phát triển lâu dài, đảm bảo cặp sân bay tương trợ lẫn nhau, hiệu quả khai thác cho sân bay Long Thành, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường ở khu vực Tân Sơn Nhất và tiết kiệm cho đầu tư sân bay Long Thành.
- Vừa đầu tư cho Long Thành, vừa đẩy mạnh mở rộng Tân Sơn Nhất thì theo ông có bị giàn trải và lãng phí nguồn lực hay không?
Video đang HOT
- Vấn đề là Long Thành chưa có nên Tân Sơn Nhất không thể không nâng cấp, cải tạo. Còn 7 năm nữa mới có sân bay Long Thành, việc đầu tư sẽ tốn kém nhưng nó đảm bảo được nhu cầu phát triển của TPHCM cho tới khi hoàn thành sân bay Long Thành vào năm 2025.
Sân bay Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm, nhưng công suất thực tế đã đạt 36 triệu hành khách/năm
Ở đây nếu đứng ở góc độ hàng không thì có thể có gì đó hơi thiệt thòi, nhưng xét hiệu quả đầu tư thì phải tính tổng thể kinh tế – xã hội, đặc biệt là cho TPHCM. Hàng không là điều kiện cần để phát triển kinh tế, nếu không đáp ứng được điều kiện cần này, nếu kìm hãm sự phát triển ở công suất Tân Sơn Nhất 36 triệu hành khách/năm như hiện tại thì TPHCM sẽ chịu thiệt hại rất lớn về kinh tế.
Sân bay trong thành phố: Chỉ Việt Nam mới có!
- Trong bối cảnh hiện nay, có những ý kiến cho rằng không cần Long Thành mà chỉ tập trung cho Tân Sơn Nhất là đủ để đảm bảo cho nhu cầu phát triển của TPHCM, ông nghĩ gì về thời điểm Tân Sơn Nhất bị “vỡ trận”?
- Về lịch sử, sân bay Tân Sơn Nhất được xây dựng để phục vụ chiến tranh. Thời điểm đó TPHCM rất nhỏ và sân bay nằm ở gần thành phố, nhưng hiện giờ sân bay đã nằm trong thành phố do nhu cầu phát triển rất lớn về dân cư, kinh tế – xã hội. Về mặt dư địa, phát triển Tân Sơn Nhất là không có. Nếu phát triển sân bay Tân Sơn Nhất càng lớn thì hậu quả cho TPHCM sẽ càng nghiêm trọng về môi trường và an ninh an toàn hàng không.
Tôi khẳng định không thể không có sân bay Long Thành. Nếu chỉ đầu tư cho Tân Sơn Nhất mà không tính tới Long Thành thì về mặt chiến lược là không ổn. Tân Sơn Nhất không thể gánh được vai trò là trung tâm trung chuyển như quy hoạch, chiến lược đặt ra.
- Các nước trên thế giới phát triển sân bay như thế nào, thưa ông?
- Trên thế giới, sân bay gần thành phố và đông dân cư như Tân Sơn Nhất hầu như không có. Họ cũng có những sân bay cự ly tới trung tâm thành phố khoảng 10km, nhưng dân cư xung quanh sân bay rất ít. Trong khi đó, cự ly từ sân bay Tân Sơn Nhất tới trung tâm TPHCM là 6km với mật độ dân cư dày đặc, đó là chưa kể việc càng phát triển Tân Sơn Nhất thì lại càng hạn chế phát triển đô thị cũng như những tác động xấu tới dân cư xung quanh sân bay.
Trên thế giới, chỉ Việt Nam mới có sân bay Tân Sơn Nhất đang tồn tại trong thành phố (ảnh: Google Map).
- Mật độ dân cư dày đặc bao quanh sân bay ở Tân Sơn Nhất là rất hiếm so với thế giới, ở góc độ an ninh an toàn thì việc này bị đe dọa như thế nào, thưa ông?
- Chúng ta phải nói với nhau rằng, trong mọi lĩnh vực đều có rủi ro, nhưng nếu rủi ro hàng không xảy ra ở Tân Sơn Nhất thì hậu quả lớn hơn rất nhiều so với những nơi khác. Về lâu dài, chúng ta nên hạn chế khai thác ở Tân Sơn Nhất, khai thác với mức độ hợp lí để đảm bảo an toàn hàng không, an toàn cho dân cư và đảm bảo môi trường sống cho người dân.
Tại TPHCM đã có những trường hợp nhà dân bị tốc mái khi có hoạt động của máy bay. Ở đây phải đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường sống cho người dân, không thể vì phát triển kinh tế mà hi sinh điều kiện sống của người dân.
Bắt buộc phải phát triển Long Thành với những quy hoạch bài bản ngay từ đầu, đáp ứng được chiến lược phát triển là trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa lớn trên thế giới, được thiết kế phù hợp với các điều kiện sống cho người dân xung quanh.
- Xin cảm ơn ông!
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Quan điểm TP HCM thay đổi thế nào về mở rộng Tân Sơn Nhất
Trước khi kiến nghị Chính phủ thu hồi đất sân golf phía Bắc sân bay, TP HCM từng ủng hộ phương án mở rộng Tân Sơn Nhất về phía Nam.
Trong phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV đầu tháng 6, đại biểu thuộc đoàn TP HCM liên tục đưa vấn đề sân golf rộng 157 ha trong sân bay Tân Sơn Nhất ra bàn bạc, thảo luận.
Sân golf rộng 157 ha trong sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động từ năm 2015. Ảnh: Mạnh Tùng.
Ông Trần Anh Tuấn (quyền Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP HCM) nói rằng, việc mở rộng và nâng cấp sân bay phải tiến hành khẩn trương và phải "xóa bỏ ngay hình ảnh sân golf thông thoáng bên cạnh sân bay chật hẹp".
Còn theo ông Trương Trọng Nghĩa, Quốc hội đang xem xét dự án giải tỏa mặt bằng ở Đồng Nai để làm sân bay Long Thành nhưng lộ trình còn dài, trong khi Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải. Nếu thu hồi sân golf, sân bay có thêm đất mở rộng giúp tăng công suất, giảm tình trạng ngập úng, kẹt cứng.
Không thảo luận công khai tại hội trường Quốc hội, song Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố) đã gửi thư tay đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nêu vấn đề cử tri thành phố mong muốn "lấy sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất".
Quan điểm này của TP HCM được thống nhất với mong muốn mở rộng Tân Sơn Nhất về phần đất sân golf , tức phía Bắc, chứ không phải phía Nam như phương án 3 đã được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng "chốt".
Tuy nhiên, một tháng trước, trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa nêu, điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo phương án 3 là phù hợp với tinh thần cuộc họp ngày 6/3 do Thủ tướng chủ trì.
Cụ thể là xây dựng bổ sung đường lăn song song, các đường lăn nối giữa đường CHC 25L/07R và sân đỗ; nhà ga T4 (công suất 15 triệu); khu bãi đỗ và bảo dưỡng kỹ thuật phía Bắc; nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt 43-45 triệu hành khách mỗi năm.
Về kết nối giao thông, thành phố đề nghị bổ sung nội dung thuyết minh về hiện trạng và quy hoạch hệ thống giao thông đô thị kết nối với sân bay; hoàn thiện nội dung đánh giá tác động lên hệ thống giao thông đô thị thành phố khi nâng công suất cảng hàng không.
TP HCM từng không đồng tình mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vì tốn rất nhiều tiền và sẽ gây ùn tắc giao thông cho khu vực. Ảnh: Google maps.
3 năm trước - thời điểm Bộ GTVT lấy ý kiến về chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), Phó chủ tịch UBND TP HCM lúc đó là ông Nguyễn Hữu Tín đã ký văn bản thống nhất hoàn toàn với việc triển khai dự án này.
Theo ông Tín, sân bay Tân Sơn Nhất hiện hữu có tổng diện tích 1.500 ha với hơn 590 ha đang được khai thác dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự, nằm trong khu vực đô thị có mật độ dân cư cao. Với công suất 20 triệu lượt người mỗi năm, hệ thống giao thông kết nối với sân bay thường xuyên bị quá tải.
Một lý do khác, theo hồ sơ dự án, nếu nâng tổng công suất lên 50 triệu lượt người mỗi năm thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng về phía Bắc với diện tích bồi thường giải phóng mặt bằng 641 ha. Kinh phí cho việc này, thành phố tính toán lên đến hơn 9 tỷ USD.
Với quy mô mở rộng này, hệ thống giao thông quanh sân bay sẽ bị quá tải dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng trên diện rộng. Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cũng được cho là ảnh hưởng đến môi trường do phải di dời - tái định cư nhiều hộ dân, ô nhiễm tiếng ồn và khí thải sẽ vượt xa tiêu chuẩn cho phép.
Nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị sẽ bị hạn chế bởi vấn đề tĩnh không, phễu bay. Đó là chưa tính đến các yếu tố liên quan quy hoạch, quản lý vùng trời của Bộ Quốc phòng.
Cùng với việc ủng hộ xây sân bay Long Thành, TP HCM cũng đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh tiến độ phân kỳ đầu tư, để sớm đưa sân bay này vào hoạt động. Vì theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, năng lực tối đa của Tân Sơn Nhất sẽ được khai thác hết vào 2016-2017.
Ngoài ra, TP HCM cũng kiến nghị sớm xây dựng giai đoạn 2 cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (mở rộng lên 8 làn xe) và đồng bộ các công trình giao thông kết nối đến sân bay Long Thành để giảm nguy cơ ùn tắc đường cao tốc. Trong các công trình giao thông kết nối, thành phố đề nghị cần nghiên cứu xây dựng sớm tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành.
Tại buổi họp giữa tháng 8/2014 của Hội đồng thẩm định Nhà nước về dự án sân bay Long Thành do Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư lúc đó là ông Bùi Quang Vinh chủ trì, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cũng bày tỏ mong muốn dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sớm được xây dựng và khai thác ngay sau năm 2020 để "chia lửa" với Tân Sơn Nhất, giải quyết vấn đề giao thông đô thị.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Mở rộng Tân Sơn Nhất: Sẽ toại nguyện nếu "quyết chi rất rất nhiều tiền"? Thiếu tướng Trần Hữu Nam - Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng - cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên hàng trăm triệu khách/năm nếu quyết chi rất, rất nhiều tiền. Tuy nhiên, chúng ta không phải là nhà giàu, tiền bao nhiêu cũng là vấn đề. Chiều 27/2, tại...