Canada: Hai học sinh 14 tuổi hack thành công máy ATM
Một chi nhánh của ngân hàng Montreal (BMO) ở Winnipeg vừa nhận được lời khuyên bất đắc dĩ từ hai cậu bé 14 tuổi, khi cặp đôi này đã đột nhập được vào hệ điều hành của một cây ATM trong giờ nghỉ trưa ngày thứ Tư vừa qua.
Hai học sinh lớp 9, Matthew Hewlett và Caleb Turon, đã sử dụng một bản hướng dẫn sử dụng của ATM mà chúng tìm thấy trên mạng để truy cập vào chế độ quản lý của một cây ATM ở một cửa hàng tạp hóa Safeway. Sau đó, chúng đã biết được có bao nhiêu tiền còn trong máy ATM, đã có bao nhiêu giao dịch được thực hiện cùng với những thông tin mà khách hàng bình thường không thể biết được.
“Chúng cháu nghĩ rằng nó khá thú vị để thử, nhưng chúng cháu không ngờ đã thành công” – Hewlett trả lời phỏng vấn tờ Winnipeg Sun – “Sau khi bọn cháu truy cập được vào hệ thống, chiếc máy đã yêu cầu mật khẩu”.
Và hai cậu bé tuổi teen này đã bẻ mã thành công chỉ trong… lần thử đầu tiên. Đây là kết quả của việc các cây ATM của BMO đều dùng mật khẩu mặc định của nhà máy sản xuất mà chẳng thèm thay đổi.
Hai học sinh này đã đem những thông tin trên thông báo với chi nhánh BMO gần đó. Lúc đầu, các nhân viên tại đây còn nghi ngờ về những gì hai đứa trẻ nói. Sau đó, Hewlett và Turon đã quay trở lại cây ATM ở Safeway để lấy bằng chứng, và trở lại với một tờ hóa đơn được in ra từ cây ATM cho thấy chiếc máy này đã bị đột nhập. Hai cậu bé này thậm chí còn thay đổi câu chào của chiếc máy từ “Chào mừng đến với ATM của BMO” thành “Đi chỗ khác chơi, máy ATM này đã bị hack!”.
Giám đốc của chi nhánh BMO này đã gọi các nhân viên an ninh đi theo để kiểm tra thông tin từ hai đứa trẻ, và thậm chí còn viết một lá đơn gửi trường của chúng để xin phép cho việc chúng trở về lớp muộn.
Video đang HOT
Và trong một động thái mới nhất, Ralph Marranca, người phát ngôn của BMO, đã thông báo rằng không có bất cứ thông tin nào của khách hàng bị lộ khi Turon và Hewlett đột nhập vào hệ thống ATM. Mặc dù vậy ông cũng không thể trả lời ngay được câu hỏi của phóng viên về những biện pháp mà ngân hàng này sẽ thực hiện để đảm bảo an ninh cho hàng nghìn cây ATM trải dài trên khắp lãnh thổ Canada.
Theo vnreview
Phía sau vụ hàng loạt "sao" Việt bị hack Facebook
Từ hôm 18/05 tới nay, hàng loạt trang cá nhân của các nghệ sĩ Việt nổi tiếng đồng loạt biến mất. Cụ thể, các trang các nhân của các nghệ sĩ như Ngọc Trinh, MTP Sơn Tùng, Hoàng Tôn, Trịnh Thăng Bình, Hồ Quang Hiếu,... đều bị chiếm quyền điều khiển hoặc... biến mất. Phía sau vụ việc này là gì?
Chỉ cách đây vài giờ, trên fanpage của nghệ sĩ Hoàng Tôn có đăng tải một status (trạng thái) cho biết: "Hiện giờ trong số những facebook của nghệ sĩ trẻ nổi tiếng ở miền Nam chỉ còn một mình Facebook của anh Noo Phuoc Thinh là chưa bị Facebook khóa thôi...". Trong khi trước đó, trên fanpage này cũng xuất hiện thông báo "Facebook chính của Tôn hiện giờ đang bị hack. Các bạn có gì thì liên lạc với Facebook này nhé. Có gì sẽ thông báo sau!" kèm thông tin đây chỉ là trang dành cho người hâm mộ (fanclub) và chỉ được dùng tạm thời khi trang cá nhân đang bị hack.
Theo thông tin trên Yeah1, chủ nhân của Facebook có nickname Minh Khang chính là thủ phạm trong vụ việc này và có vẻ Minh Khang đang cảm thấy khá thích thú với hành động của mình. Tuy nhiên đó mới chỉ là phỏng đoán ban đầu của Yeah1, bởi chính nickname này hiện cũng đang bị khóa và chúng ta chưa có thông tin nào thêm.
Tuy chưa biết rõ mục đích thực sự của kẻ gian là gì, nhưng khi bị hack Facebook thế này các nghệ sĩ Việt đều rơi vào trạng thái hoang mang và lo sợ. Hiện nay, giới trẻ nói chung và các nghệ sĩ nói riêng thường sử dụng Facebook để giao tiếp và chia sẻ thông tin, kèm theo nhiều thông tin cá nhân riêng tư.
Đặc biệt, với các nghệ sĩ thì đây không chỉ là trang Facebook cá nhân mà còn là kênh giao lưu với truyền thông và người hâm mộ, nên khi xảy ra hiện tượng bị hack mất tài khoản Facebook, nhiều người trong số họ đã tỏ ra hoang mang, lo sợ về việc bảo mật thông tin và bị lợi dụng với các mục đích xấu. Bởi trên Facebook không chỉ có các thông tin chia sẻ công khai hoặc ở chế độ dành cho fan hâm mộ, bạn bè..., mà còn có những thông tin nhạy cảm qua tin nhắn hoặc ở các thiết lập riêng tư.
Hiện các sao Việt vẫn đang loay hoay tìm cách lấy lại tài khoản Facebook của mình và một số nghệ sĩ như Hoàng Tôn đã lấy lại được tài khoản của mình, còn những người chưa bị hack thì đang nơm nớp lo sợ và thậm chí là khóa tài khoản để phòng tránh tạm thời.
Trong khi đó, các fan hâm mộ của những nghệ sĩ này cũng tỏ ra ức chế và bất bình với các hành vi "đáng khinh" này, như một bạn bình luận "Quá rảnh rỗi, phá bọn phản động không phá mà đi phá người nổi tiếng chi?".
Động cơ của vụ hack Facebook này và cách phòng tránh?
Về vụ việc này, VnReview đã liên hệ với T&A Ogilvy, đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam nhưng không nhận được trả lời. Trong khi đó, trả lời VnReview, ông Lê Mạnh Tùng, Giám đốc nghiên cứu, ban An ninh mạng của Bkav cho biết, thông thường thì có vài cách phổ biến mà kẻ xấu hay dùng để lấy thông tin đăng nhập Facebook, như lừa cài mã độc lên máy tính, cài addons độc hại lên trình duyệt hay lừa đảo dẫn đến trang giả mạo của hacker để dụ người dùng đăng nhập vào.
Vậy làm thế nào để phòng tránh bị hack tài khoản Facebook? Theo ông Tùng, để bảo vệ tài khoản của mình, ngoài việc cẩn thận khi đặt mật khẩu dễ đoán và kích hoạt chế độ duyệt web an toàn HTTPS thì cần cẩn thận khi tải và cài phần mềm lạ, khi bấm vào link lạ, khi đăng nhập hay cung cấp thông tin đăng nhập ở các trang không chính thống... Kể cả khi chat cũng cảnh giác, để tránh trường hợp kẻ xấu hack được tài khoản của một người rồi lại chat với các người khác trong list phát tán link có nhúng mã độc, hoặc thậm chí thân thiết thì hỏi mượn luôn tài khoản. Bên cạnh đó, cần cài và cập nhật phần mềm diệt virus thường xuyên nhằm phát hiện và chặn đứng các mã độc hoặc trojan được lén đưa vào máy tính hoặc các thiết bị di động.
Qua những thông tin có được, ông Tùng phỏng đoán vụ này không hẳn là các sao bị hack đồng loạt, mà có vẻ là bị kẻ xấu report với Facebook và báo các tài khoản đó vì phạm gì đấy, ví dụ như report tài khoản bị giả mạo, nên bị khoá. Nếu xảy ra trường hợp này (bị report Facebook) và nếu nhóm đối tượng tham gia report đông hoặc huy động được nhiều người thì lời report càng có trọng lượng sẽ dễ khiến Facebook tin và khóa tài khoản người dùng. Lúc này những cách thức bảo mật đã nêu ở trên ít có tác dụng. Sở dĩ Facebook đưa ra cơ chế report và khóa tài khoản bởi hiện nay nhiều kẻ lợi dụng lập ra các trang cá nhân hoặc fanpage giả danh những người nổi tiếng để trục lợi, và không phải khi nào việc report cũng chính xác.
Trong trường hợp nếu bị report và khoá tài khoản, thì khi liên hệ yêu cầu mở lại tài khoản, tốt nhất là nên cung cấp thông tin cá nhân nào đó để có thể xác thực, chứng minh là của mình thì lần sau khó bị report hơn. May mắn là việc report giả mạo thường chỉ phổ biến với các tài khoản có nhiều fan, nhiều người theo dõi, chứ các tài khoản Facebook thông thường khó bị khóa vì lý do này.
Ông Tùng cũng cho biết, với những biểu hiện trên vẫn chưa rõ động cơ của [những] kẻ đứng sau hành động này là gì, cũng chưa thể vội vàng liên kết sự việc này với việc các hacker Trung Quốc đang tiến hành "chiến tranh mạng" với Việt Nam, nhưng qua đây có thể thấy việc bảo mật thông tin qua Facebook vẫn còn nhiều kẽ hở và cần cảnh giác để bảo vệ thông tin riêng tư của mình.
Facebook là một môi trường ảo, nhưng nó chứa nhiều tư liệu và thông tin nhạy cảm của chúng ta, do vậy bạn cần cảnh giác và cách tốt nhất là hạn chế trao đổi hoặc đưa các thông tin nhạy cảm lên Facebook. Đó là cách an toàn nhất để tự bảo vệ mình trước những kẽ hở của an ninh mạng hiện nay.
Theo vnreview
Mối nguy hại từ kết nối Wi-Fi công cộng Sự tiện lợi của những điểm truy cập Wi-Fi công cộng luôn đi kèm những rủi ro bảo mật không nhỏ. Cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo về nguy cơ khi dùng Wi-Fi công cộng. Các quán cà phê có mạng Wi-Fi công cộng yếu kém về bảo mật thường là địa điểm lý tưởng cho tội phạm mạng "thu hoạch" các...