Cẩn trọng khi quản lý thông tin cá nhân trên mạng xã hội
Đây không phải lần đầu tiên thông tin của người dùng Facebook bị rò rỉ và có rất nhiều thiệt hại cho người sử dụng khó có thể lường
Thông tin hơn 400 triệu hồ sơ người dùng Facebook chứa số điện thoại bị rò rỉ trực tuyến, trong đó Việt Nam có 50 triệu tài khoản, một lần nữa lại gióng lên hồi chuông về vấn đề: an toàn thông tin cá nhân trên mạng Internet. Đây không phải lần đầu tiên thông tin của người dùng Facebook bị rò rỉ và có rất nhiều thiệt hại cho người sử dụng khó có thể lường trước được. Việc nâng cao ý thức bảo mật thông tin khi sử dụng mạng xã hội là vấn đề hết sức cấp thiết. Bình luận của BTV Mai Hồng nhan đề: Cẩn trọng khi quản lý thông tin cá nhân trên mạng xã hội, qua giọng đọc của PTV….
Việt Nam có 50 triệu tài khoản bị rò rỉ số điện thoại từ Facebook.
50 triệu tài khoản Facebook Việt Nam bị lộ số điện thoại. Số tài khoản Facebook Việt Nam chứa số điện thoại bị rò rỉ trực tuyến chỉ đứng sau Mỹ. Do máy chủ chia sẻ không được bảo vệ bằng mật khẩu, nhiều khả năng số dữ liệu này đã bị nhiều người tải xuống. Nếu bị lộ thông tin, người dùng có thể đối mặt với nguy cơ về các cuộc gọi và tin nhắn rác, lừa đảo, thậm chí bị đánh cắp tài khoản.
Một số chuyên gia bảo mật đánh giá, đợt rò rỉ dữ liệu này rất nghiêm trọng, là sai sót bảo mật lớn nhất của Facebook và Facebook có thể phải đối mặt với việc mất hàng tỷ đô-la. Còn nhớ, tháng 4 năm ngoái, ông chủ Facebook – Mark Zuckerberg – thừa nhận 2 tỷ người dùng có thể đã bị xâm phạm bảo mật. Riêng vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica – với hơn 87 triệu người dùng bị tiết lộ thông tin cá nhân, đã khiến Facebook phải nộp phạt cho Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ khoản tiền lên tới 5 tỷ đô-la.
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, hàng ngày có tới hơn 7.000 dòng mã độc ăn cắp thông tin (trojan) trên điện thoại di động mới xuất hiện, chiếm 35% tổng số dòng mã độc trên điện thoại di động được phát hiện mỗi ngày, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015. Qua đó biến dòng mã độc ăn cắp thông tin đã trở thành loại mã độc được phát tán nhiều nhất trên toàn cầu. Chúng thu thập các thông tin cá nhân như tin nhắn, mật khẩu, tài khoản ngân hàng và các dữ liệu nhạy cảm khác một cách âm thầm, người dùng không hề hay biết. Không chỉ riêng trên điện thoại di động, người dùng internet có nguy cơ lộ thông tin cá nhân ở bất kỳ điểm, thiết bị truy cập nào nếu không biết cách bảo vệ thông tin mật của mình.
Chính vì thế mỗi người cần phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng Internet, không để thông tin cá nhân bị lợi dụng, rao bán. Bởi có một thực tế là nhiều người tự dẫn đường cho mã độc xâm nhập khi nhấn vào những đường dẫn lạ hay những phần mềm, trò chơi trôi nổi trên mạng. Khi tham gia các diễn dàn, mạng xã hội, người sử dụng lỡ truy cập vào các trang web lừa đảo hay khi các trang mạng xã hội, thông tin điện tử bị tin tặc tấn công… thì rất dễ đứng trước nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân. Những thông tin bị đánh cắp thường là: kế hoạch kinh doanh, thông tin bí mật, thông tin nội bộ thông qua nhiều con đường như email, tin nhắn, điện thoại…
Video đang HOT
Khi phát hiện thông tin của mình bị lộ, người dùng nên liên lạc với các chuyên gia hoặc các công ty về bảo mật để được hỗ trợ nhanh nhất. Với những thông tin đã mất, cần nhanh chóng vô hiệu hóa nó để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến bản thân mình và những người khác có liên quan. Để tự bảo vệ mình giữa xã hội thông tin mạng và nền kinh tế internet rộng lớn, người dùng nên trang bị cho mình những kiến thức an ninh mạng cơ bản, đặc biệt cần nên có ý thức bảo vệ các thông tin, hết sức cân nhắc khi nhập vào bất cứ đâu các dữ liệu cá nhân của mình để tránh các rủi ro hoặc phiền toái không đang có.
Việt Nam có 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số, là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet. Một thống kê đáng chú ý là thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt lên tới gần 7 tiếng/ngày, thời gian dành cho mạng xã hội là 2,5 giờ, trong đó chủ yếu là dành cho Facebook, YouTube… Điều này chứng minh rằng người Việt Nam đã dành thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng để phục vụ các nhu cầu khác nhau.
Muốn được trao đổi, bày tỏ quan điểm, thể hiện bản thân- đó là một nhu cầu chính đáng của con người. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các cơ quan báo chí chính thống bên cạnh việc cung cấp tới công chúng thông tin chính xác, hấp dẫn, cần đồng hành với công chúng, tạo điều kiện để họ được bày tỏ, được đối thoại, được tham gia vào nội dung thông tin. Đây cũng là một cách để giảm bớt những nguy cơ rủi ro khi người dân tham gia vào các diễn đàn tự phát trên mạng xã hội.
Để hạn chế những rủi ro cho người sử dụng, việc hình thành một mạng xã hội và công cụ tìm kiếm của riêng Việt Nam đang là một yêu cầu cấp thiết. Người dân mong muốn đó là một mạng xã hội như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: nhân văn hơn, thực sự coi trọng khách hàng hơn, đưa người dân làm chủ thể tri thức, đồng thời người dùng cũng phải được chia sẻ giá trị khi tham gia cuộc chơi đó.
Theo VOV
Điểm lại những bê bối lộ thông tin người dùng của Facebook
Mới đây, hàng triệu số điện thoại liên kết với các tài khoản Facebook đã bị rò rỉ, trong đó 50 triệu tài khoản tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu mạng xã hội này khiến người dùng điêu đứng vì để lộ thông tin cá nhân.
Trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, sức nóng của sự phát triển công nghệ thế giới cũng đi đôi với đó là vô số mối nguy hiểm tiềm tàng mà người dùng có nguy cơ gặp phải, nhất là trên không gian mạng, trong đó có mạng xã hội được đánh giá là lớn nhất thế giới Facebook. Không phải chỉ tới vụ việc, 50 triệu người dùng Facebook Việt Nam bị lộ số điện thoại mà trước đó đã có rất nhiều bê bối tương tự từng xảy ra.
Có thể điểm tới đầu tiên là bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng Facebook và sau đó bị công ty Cambridge Analytica sử dụng trái phép.
Cụ thể, cuối tháng 3-2018, Facebook bị tố làm rò rỉ thông tin cá nhân của hơn 50 triệu người dùng. Chúng được thu thập bởi Aleksandr Kogan và bán cho Cambridge Analytica. Số dữ liệu này sau đó được cho là có tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Tuy nhiên, con số 50 triệu đó chỉ là khởi đầu khi mà không lâu sau đó, chính Facebook đã thừa nhận số lượng người dùng bị rò rỉ thông tin cá nhân cao hơn rất nhiều, lên tới 87 triệu. Sự việc khiến CEO Facebook Zuckerberg phải ra điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện Mỹ. Cambridge Analytica sau đó đã tuyên bố phá sản ở Anh và Mỹ do không thể khôi phục hoạt động như cũ.
Cũng tiếp trong năm đó, vào tháng 9-2018, khi mà bê bối Cambridge Analytica cùng 87 triệu tài khoản người bị lộ thông tin vẫn còn đang như vết cắt rỉ máu thì Facebook lại tiếp tục khiến cộng đồng mạng điêu đứng khi người dùng Facebook trong nước cũng như trên thế giới đều bị văng ra khỏi Facebook và Messenger.
Tình trạng trên sau đó được Facebook xác nhận bằng thông tin bị tin tặc tấn công hệ thống thông qua lỗ hổng này xuất phát từ tính năng View As (Xem dưới tư cách của một nhóm người) của Facebook. Thông thường, nó cho phép chủ nhân tài khoản biết được một người hay nhóm người bất kỳ xem được nội dung nào trên trang cá nhân của mình. Tuy nhiên, lỗ hổng lại khiến tính năng này trở thành công cụ giúp tin tặc có thể đăng nhập vào tài khoản của người dùng thông qua chuỗi mã khóa kỹ thuật số (token) mà không phải dùng đến mật khẩu.
Ngoài việc bắt buộc 90 triệu người phải đăng nhập lại, Facebook còn phải tạm thời vô hiệu hóa tính năng View As trong thời gian đánh giá tác động của vụ tấn công.
Không lâu sau đó, vào tháng 4-2019, một bản báo cáo được UpGuard công bố gây sốc cho giới công nghệ khi tiết lộ về kho thông tin người dùng Facebook được lưu trữ công khai trên các máy chủ điện toán đám mây của Amazon (Amazon Web Service).
Người dùng kêu gọi xóa Facebook.
Cụ thể, báo cáo chỉ ra rằng, Culturea Colectiva, một nền tảng kỹ thuật số tại Mexico City đã lưu trữ công khai 540 triệu bản ghi hồ sơ người dùng Facebook bao gồm mã số người dùng, bình luận, tương tác và tên của các tài khoản Facebook trên máy chủ đám mây Amazon.
Phát hiện này cho thấy sau sự kiện Cambridge Analytica xảy ra một năm trước, thông tin người dùng trên Facebook vẫn không được bảo vệ. Mạng xã hội với hơn 2 tỷ người dùng vẫn không có những động thái cụ thể để ngăn ngừa rò rỉ dữ liệu.
Những thông tin này có thể được tải xuống bởi bất kỳ ai. Tuy vậy, những dữ liệu này đã bị gỡ bỏ vào ngày 3-4 sau khi Bloomberg cảnh báo với Facebook.
Ngoài ra, một kho dữ liệu khác của ứng dụng At the Pool cũng chứa mật khẩu và email của hơn 22.000 tài khoản cũng được UpGuard tìm thấy. Tuy vậy, những dữ liệu này đã bị xóa trong lúc công ty an ninh trên xem xét.
Trên đây chỉ là một vài trong vô số những vụ việc khác về bảo mật có liên quan đến Facebook tuy nhiên nó đã tạo ra sự giận dữ rất lớn trong cộng đồng công nghệ thế giới nói chung và đặc biệt là chính người dùng mạng xã hội Facebook.
Nhiều người dùng mạng xã hội này trên toàn thế giới đã tức giận và lên các mạng xã hội khác như Twitter kêu gọi xóa tài khoản Facebook, #DeleteFacebook chính là một trong những hashtag đang chia sẻ nhiều nhất hiện nay.
Theo Công An Nhân Dân
Facebook lộ dữ liệu lớn chưa từng có, 50 triệu người VN bị ảnh hưởng Dữ liệu của 419 triệu người dùng Facebook vừa bị rò rỉ trên mạng, lớn hơn nhiều so với vụ Cambridge Analytica hồi đầu năm. Theo Tech Crunch, thông tin từ một máy chủ chứa dữ liệu của hơn 419 triệu người dùng Facebook trên toàn thế giới vừa bị rò rỉ trên mạng. Bất kỳ ai cũng có thể truy cập dữ...