Cần Thơ thành lập 2 bệnh viện dã chiến quy mô 1.200 giường
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường vừa ký quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến số 1 và số 2 có tổng quy mô 1.200 giường.
Bệnh viện dã chiến số 1 có có quy mô 400 giường, đặt tại cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Còn Bệnh viện dã chiến số 2 là cơ sở 2 của Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ, có quy mô 800 giường với hai khu A và B. Trong đó, khu A đặt tại Trung tâm xúc tiến đầu tư – thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ, khu B tại Nhà thi đấu đa năng TP Cần Thơ.
Bệnh viện dã chiến số 1 và số 2 sẽ tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, điều trị các trường hợp nhiễm nCoV trên địa bàn thành phố.
Bệnh viện dã chiến số 1 đặt tại cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, với quy mô 400 giường. Ảnh: Đình Đình.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Cần Thơ, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường và lây nhiễm nhanh trên diện rộng, tấn công vào khu công nghiệp, cơ sở y tế.
Đến ngày 1/8, Cần Thơ ghi nhận tổng số 1.441 ca nhiễm nCoV, trong đó 651 ca phát hiện trong khu cách ly và 790 ca ngoài cộng đồng (11 ca đã tử vong).
Cần Thơ có 21 ổ dịch lớn, chủ yếu tại quận Cái Răng, Bình Thủy, Ninh Kiều, Ô Môn và huyện Thới Lai. Trong đó, 7 ổ dịch ghi nhận tại các công ty trong khu công nghiệp và Bệnh viện Đa khoa TP.
Địa phương đã phân 3 tầng điều trị, công suất dự kiến là 2.655 giường với 241 máy thở. Đến ngày 31/7, TP Cần Thơ đã hoàn tất 3 đợt tiêm vaccine với 44.781 liều và đang triển khai chiến dịch tiêm chủng tiếp theo. Dự kiến vài ngày tới, Cần Thơ tiếp nhận đủ 254.000 liều vacine, từ nay đến cuối năm thêm 1,7 triệu liều.
Video đang HOT
Từ nay đến cuối năm, Cần Thơ sẽ đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng cho gần 1 triệu người dân, đạt 2 mũi tiêm/người để miễn dịch cộng đồng.
Sản phụ mắc Covid-19: "Bác sĩ ráng cứu em, để em được thấy mặt con"
Sau 10 ngày nằm viện, được bác sĩ đưa mình trở về từ "cõi chết" nhưng sản phụ mắc Covid-19 cho biết, chị chỉ biết bác sĩ qua những câu động viên ân cần, qua giọng nói, mà không hề biết mặt bác sĩ.
Ký ức ám ảnh của sản phụ mắc Covid-19
Được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cứu sống trước cửa tử, chị N.T.Y.P (32 tuổi, ngụ ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đã chia sẻ với Dân trí câu chuyện của mình.
Chị P. được xác định mắc Covid-19 ở tháng cuối thai kỳ, khi cùng chồng từ Vĩnh Long về nhà mẹ ruột ở Phong Điền (Cần Thơ).
Hiện bệnh nhân P đã bình phục tốt và đang được tiếp tục cách ly tại Bệnh viện Dã chiến Cần Thơ.
"Thấy dịch bùng phát trong lúc đang mang bầu đã thấy sợ lắm rồi, tôi không ngờ chính mình lại mắc Covid-19. Lúc nhận kết quả tôi hoang mang tột độ! Hàng loạt câu hỏi nhảy múa trong đầu và tôi không tài nào lý giải được vì sao mình lại mắc bệnh. Tôi khóc hết nước mắt vì thương đứa con bé bỏng vẫn còn nằm trong bụng", chị P. vẫn nguyên cảm giác sợ hãi khi biết mình trở thành bệnh nhân Covid-19.
Ngày 10/7, chị P được Trạm Y tế xã chuyển đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Tại đây chị được các y, bác sĩ quan tâm đặc biệt bởi chưa đầy một tháng nữa sản phụ sẽ chuyển sinh.
"Sau 4 ngày ở bệnh viện Lao và Bệnh phổi, thấy con cả ngày rất ít cử động, tôi đã báo cho bác sĩ và được chuyển viện đến Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ. Bác sĩ chẩn đoán bị suy thai, phải phẫu thuật ngay", chị P. kể lại.
Cuộc vượt cạn diễn ra sớm hơn dự kiến gần một tháng, em bé được giữ lại chăm sóc đặc biệt ở Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ. Còn chị P., ngày 11/7 được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ để điều trị tích cực do có dấu hiệu diễn biến suy hô hấp nặng.
18h ngày 12/7, tình trạng diễn biến xấu tăng dần, chị P. nói ngắt quãng, thở nhanh. Trước tình trạng nguy cấp và phức tạp của bệnh nhân, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã nhanh chóng tổ chức hội chẩn trực tuyến cùng các bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Chợ Rẫy để tìm giải pháp.
Sau khi hội chẩn chuyên môn trực tuyến, Ban Giám đốc Bệnh viện đã thống nhất quyết định: hồi sức tích cực, thông khí nhân tạo bảo vệ phổi, lọc máu liên tục hấp phụ, kháng viêm và kháng sinh...
"Trước khi được gây mê để đặt nội khí quản, chị P. đã gắng gượng thều thào với tôi "bác sĩ ráng cứu em giùm, để em được thấy mặt con!...", BS CKII Trần Quốc Luận, Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ nhớ lại.
"Các bác sĩ động viên tôi, cố lên để còn về với con"!
Bác sĩ Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết: "Thách thức lớn nhất đối với ê kíp trực bắt đầu từ lúc thực hiện thông khí nằm sấp. Bởi ê- kíp toàn nam trong khi bệnh nhân lại là nữ vừa phẫu thuật bắt con xong. Ê kíp gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng thức trắng đêm vừa theo dõi từng chỉ số vừa thay phiên chăm sóc vết thương sau phẫu thuật vừa lau sản dịch cho sản phụ".
Bác sĩ Trần Quốc Luận- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, Ban giám đốc, ê-kíp BS điều trị nhiều lần phải tổ chức hội chẩn liên viện để đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân P.
Cũng theo bác sĩ Luận, mọi cử động, hoạt động chăm sóc cho bệnh nhân đều phải thật cẩn thận, tránh chạm đến các dây truyền, thiết bị kết nối với máy thở. Trong vòng 24h sau khi thực hiện thông khí nằm sấp, ê kíp bác sĩ cũng dự phòng cả việc nếu bệnh nhân tiếp tục không đáp ứng thì phải chuyển sang chạy ECMO (phương pháp sử dụng một hệ tuần hoàn ngoài cơ thể).
"Rất may, trong 16 giờ tiếp theo, bệnh nhân cải thiện dần. Bệnh nhân đáp ứng với phương pháp thông khí nằm sấp, các chỉ số sinh tồn tiến triển tốt", bác sĩ Luận nhớ lại.
Bác sĩ Trần Hà Quốc Đạt - người trực tiếp phụ trách theo dõi bệnh nhân P. chia sẻ: "Đây là một trường hợp phức tạp vì bệnh nhân mới sinh mổ xong, lại tổn thương phổi nghiêm trọng. Chúng tôi phải tích cực điều trị theo phác đồ, kết hợp vật lí trị liệu. Rất khó khăn nhưng mọi người đều thể hiện trách nhiệm cao, cố gắng hết mình vì bệnh nhân".
Việc hội chẩn liên viện vẫn được duy trì trong suốt quá trình điều trị cho chị P. Khi sức khỏe dần tốt lên, các tổn thương phổi dần hồi phục, chị P. được rút ống nội khí quản, chuyển sang thở oxy lưu lượng cao. Sau hơn 8 ngày điều trị tích cực, các chỉ số sức khỏe của chị P. đã quay lại ngưỡng bình thường thì ê- kíp điều trị mới thở phào nhẹ nhõm.
Theo bác sĩ Đạt, để kích thích tinh thần cho bệnh nhân, bệnh viện đã kết nối với Bệnh viện Phụ Sản TP Cần Thơ để sản phụ thường xuyên được nhìn thấy đứa con bé nhỏ của mình qua màn hình điện thoại. Cũng chính nhờ đó mà bệnh nhân phấn chấn, vui vẻ hơn, sức khỏe cũng nhanh chóng tiến triển tốt.
Chị P. cho biết, suốt những ngày ở trong phòng điều trị tích cực, chị không thể nhìn rõ mặt những người đang ngày đêm dốc lòng cứu mình (bởi họ thường xuyên đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ- PV) thậm chí bảng tên các bác sĩ có lúc cũng nằm bên trong bộ đồ bảo hộ. Nhưng chị đã quen mọi người qua giọng nói, qua những hỏi han bệnh tình, qua những lời động viên.
Nhớ lại những lúc nguy kịch nhất, chị P. kể: "Lúc đó tôi khó thở, đầu óc quay cuồng, mê man, tay chân không nhấc lên nổi. Tôi sợ lắm, sợ không được gặp đứa con đỏ hỏn của mình. Không có người thân bên cạnh nhưng tôi luôn được các bác sĩ chăm sóc, động viên.
Các bác sĩ đã chăm sóc vết mổ, theo dõi sản dịch và tập vật lý trị liệu cho tôi, ân cần, kiên nhẫn mà không chút nào nề hà. Những khi thấy tôi quá mệt mỏi thì mọi người lại động viên rằng phải cố để sớm về với con, thế là tôi lại phấn chấn trở lại. Ân tình này của mọi người suốt đời này tôi không quên".
Sáng 31/7: Có 4.060 ca mắc COVID-19, gần 6 triệu liều vắc xin đã được tiêm chủng Bản tin dịch COVID-19 sáng 31/7 của Bộ Y tế cho biết có 4.060 ca mắc COVID-19, trong đó TP Hồ Chí Minh có 2.503 ca. Đến nay Việt Nam ghi nhận 141.122 ca. Hiện cả nước đã tiêm chủng gần 6 triệu liều vắc xin COVID-19. Thông tin các ca mắc COVID-19 mới: Tính từ 19h ngày 30/7 đến 6h ngày 31/7...