Cần tạo bản sắc riêng cho mô hình du lịch cộng đồng tại các địa phương
Vài năm gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước đang nở rộ dịch vụ ‘homestay’ (lưu trú tại nhà).
Nhiều bản làng bình yên, khép kín của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bỗng được ‘đánh thức’ bởi mỗi tuần có hàng chục đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế ghé thăm. Mô hình phát triển du lịch cộng đồng đang thổi một luồng sinh khí mới cho nhiều bản làng vùng cao. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ các ‘homestay’ thì vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.
Một trong 7 hộ gia đình người Mường ở bản Ngòi tham gia Dự án đầu tư, phát triển cụm du lịch cộng đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình. Ảnh: Ngọc Ánh
Bản Ngòi thuộc xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình là một trong những bản người Mường nằm trong Thung Nai, thuộc vùng ven lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Bản có 90 hộ dân với trên 300 nhân khẩu sinh sống, trong đó, có nhiều hộ vẫn giữ được những nếp nhà sàn cổ truyền thống của người Mường. Mặc dù bản Ngòi có lợi thế cảnh quan thiên nhiên hữu tình, thơ mộng, nhưng bao đời nay, người dân trong bản chỉ quen với việc canh tác nông nghiệp, chăn nuôi gia súc và đánh bắt thủy sản ven lòng hồ.
Cuộc sống bình lặng trôi đi cho đến năm 2014, bản Ngòi được Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình “đánh thức” bằng Dự án đầu tư, phát triển cụm du lịch cộng đồng tại bản. 7 hộ gia đình được công ty hỗ trợ đầu tư kinh phí để chỉnh trang lại nhà cửa, xây dựng công trình phụ, mua chăn đệm, bàn ghế… phục vụ nhu cầu nghỉ lưu trú tại nhà cho khách du lịch. Những hộ dân tham gia làm du lịch đã được tập huấn những kỹ năng cơ bản của nghề du lịch homestay như: quy trình phục vụ khách du lịch tại nhà; quy trình đón tiếp; kỹ năng giao tiếp, xử lý các tình huống trong phục vụ khách du lịch; quy trình chế biến món ăn; vệ sinh an toàn thực phẩm, các vấn đề an ninh, an toàn và phương pháp xử lý…
Tuy nhiên, khi chúng tôi đến tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Ngòi thì nhận thấy, dịch vụ homestay ở đây vẫn còn đơn điệu, sơ sài. Trong không gian lưu trú của các hộ gia đình làm dịch vụ homestay chưa có nhiều vật dụng sinh hoạt văn hóa, lao động mang bản sắc dân tộc Mường như bộ cồng chiêng treo bên hiên nhà, chum đựng nước ở đầu hồi nhà, những vò rượu cần ủ sẵn trong buồng, hay những chiếc mâm mây, cái chõ đồ xôi trên bếp lửa… Không gian xung quanh ngôi nhà chưa có những hàng cây xanh, những giò hoa lan, những vườn rau được chăm chút tỉ mẩn… Bên cạnh đó, bà con vẫn còn lúng túng trong khâu đón tiếp, phục vụ những đoàn khách đông người, nhất là đối với những đoàn khách ngoại quốc.
Video đang HOT
Các làng du lịch cộng đồng nên tạo ra các sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng để thu hút khách du lịch. Ảnh: Ngọc Ánh
Còn điểm du lịch văn hóa cộng đồng bản Hon (bản văn hóa của đồng bào dân tộc Lự) thuộc xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm đều đánh khá cao về cảnh quan tươi đẹp của bản làng. Nơi đây có hơn 150 ngôi nhà sàn gỗ được bảo tồn nguyên trạng cùng với nghề dệt, nghề nông và những tập tục sinh hoạt văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc Lự. Những ngôi nhà sàn ẩn mình trong cây vườn, làng bản được ôm ấp chung quanh bởi hai dòng suối Nậm Mu và Nậm Hon hiền hòa, nước xanh ngắt.
Có lợi thế đó, nhưng bản Hon vẫn chưa đón được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Mặc dù bản Hon chính thức được công nhận là một trong 4 bản du lịch cộng đồng của tỉnh Lai Châu từ năm 2013, nhưng lượng khách đến nghỉ lưu trú vẫn khiêm tốn. Chị Nguyễn Thị Vân Anh, một du khách từ Hà Nội lên tham quan bản Hon nhận xét: “Mình đưa gia đình lên đây trải nghiệm sinh hoạt văn hóa của đồng bào vùng cao, ở lại bản một ngày, một đêm là hết cái lạ để khám phá rồi. Ngoài thưởng thức ẩm thực dân tộc, xem bà con biểu diễn văn nghệ thì không có thêm dịch vụ nào khác nữa. Muốn mua vài thứ đồ vùng cao mang về làm quà kỷ niệm cũng không có”.
Đánh giá về chất lượng các làng du lịch cộng đồng ở miền núi phía Bắc, trong một hội thảo mới đây tại Hòa Bình, các chuyên gia du lịch và nhà quản lý văn hóa thừa nhận, các tỉnh miền núi phía Bắc phát triển rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng, nhưng sản phẩm, dịch vụ du lịch đều na ná như nhau, chưa tạo ra được dấu ấn bản sắc văn hóa riêng để thu hút khách, do đó, hiệu quả các mô hình du lịch cộng đồng không cao.
Tiến sĩ, nhà dân tộc học Trần Hữu Sơn, một chuyên gia về lĩnh vực du lịch cộng đồng cho rằng, phát triển du lịch cộng đồng không nên làm ồ ạt kiểu như “làng làng làm du lịch, nhà nhà mở dịch vụ du lịch”. Muốn nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng, nhất thiết phải có quy hoạch cụ thể, rõ ràng. Các nhà khoa học cần nghiên cứu, hướng dẫn người dân bản địa xây dựng các sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng của văn hóa tộc người. Thêm vào đó, cần có chính sách hỗ trợ về vốn cho các hộ dân tham gia làm du lịch để bà con đầu tư các dịch vụ ban đầu. Ngoài ra, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các công ty lữ hành với Ban Quản lý các làng văn hóa du lịch cộng đồng để đưa vào tuyến tour, thì mô hình homestay mới phát huy hiệu quả.
Tham quan trải nghiệm làng du lịch cộng đồng Nậm Cang Sa Pa
Nậm Cang Sa Pa là điểm dừng chân lý tưởng với những ai đang tìm kiếm và muốn trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ nhất, nguyên bản nhất.
Nậm Cang là vùng thung lũng, cũng là phần cuối cùng ở phía Đông Nam cách trung tâm thị xã Sa Pa 36km nên vẫn là cái tên mới mẻ với nhiều du khách. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của núi non hay những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo thung lũng các bản làng nhỏ xinh, lắng nghe âm thanh của rừng già và tận hưởng sự diệu kỳ của thiên nhiên.
Nhắc đến ruộng bậc thang Sa Pa, nhiều người nghĩ ngay đến thung lũng Mường Hoa hay Tả Phìn. Tuy nhiên, Sa Pa còn có rất nhiều khu ruộng bậc thang đẹp ngây ngất nằm ở những xã ít người biết, trong đó có khu vực Nậm Cang.
Trung tuần tháng 7 là mùa lúa ở Nậm Cang bắt đầu lên đòng, cộng thêm tiết trời mát mẻ, luôn ở mức 20 - 25 độ C nên khoảng thời gian này rất thích hợp để du khách "trốn phố về với Nạm Cang". Bầu không khí cực trong lành, tươi mát nữa. Du khách thỏa sức check-in, ghi lại khoảnh khắc núi non, bản làng thanh bình dưới mọi góc quay, chụp.
Những thửa ruộng bậc thang đổi mầu áo mới.
Để khám phá văn hóa bản địa Nậm Cang bạn hãy cùng gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc nơi đây, tham gia một số hoạt động thú vị như đạp xe khám phá bản làng hay đi bộ đường dài, tắm suối và cùng người bản địa đi bắt cá suối... Rong ruổi trên những cung đường đèo hùng vĩ, băng qua những thửa ruộng bậc thang tràn ngập ánh nắng vàng, hay xuyên qua những bản làng người Mông, người Dao nơi đây thì vô cùng hấp dẫn.
Trải nghiệm đạp xe quanh bản làng ở Nậm Cang
Trải nghiệm về đêm tại các bản làng, bạn sẽ được nghe những thứ âm thanh lạ như tiếng côn trùng kêu, tiếng gió xào xạc, tiếng suối róc rách hay cả những tiếng tâm tình của các đôi bạn trẻ hò hẹn đó là một trải nghiệm mà nơi dẻo cao mới có. Cảm nhận cuộc sống bình dị nơi bản làng vùng cao khi được ngắm nhìn các chị, các cô đeo gùi lên rẫy, những cô gái đang giặt đồ bên suối, những em bé đang tíu tít tới trường hay nghe người Mông thổi khèn lá những lúc giải lao, nghe người Dao đỏ truyền nhau câu hát giao duyên... Ngoài ra khi tới bản Nậm Cang bạn còn được tìm hiểu thêm về nghề dệt thổ cẩm, nhuộm chàm, làm giấy gió hay nghề làm bạc độc đáo của người Dao đỏ.
Điều đặc biệt dành cho bạn sau một chuỗi ngày dài phám phá khắp phá là thả mình trong bồn tắm gỗ ngập nước, với mùi thơm hương lá rừng nhẹ nhẹ mà cuốn hút. Tắm lá thuốc người Dao đỏ không chỉ đơn thuần là phương pháp chăm sóc sức khỏe mà còn là yếu tố tạo thành bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây. Một hành trọn vẹn không thể thiếu bữa ăn của miền quê đó là gà, cá suối nướng, lợn bản quay và thứ rau rừng chưa hề biết tên.
Du khách trải nghiệm như một người Dao Đỏ thực thụ.
Bản Nậm Cang nằm khá xa trung tâm nên sẽ phù hợp với ai mê khám phá, trải nghiệm. Dù đoạn đường khá xa nhưng thật sự vô cùng xứng đáng để thư giãn, tận hưởng yên bình nơi đây. Nếu có dịp đến với Sa Pa, đừng quên ghé Nậm Cang trong chuyến hành trình của mình nhé.
Món ăn đường phố Việt Nam được báo chí Mỹ khen ngợi, quảng bá Một số món ăn đường phố được tạp chí du lịch Mỹ giới thiệu với du khách nên ăn thử khi tới thăm Việt Nam. Trong bài viết mới nhất đăng tải trên Lonely Planet (tạp chí du lịch Mỹ) có chia sẻ về những món ăn đường phố hấp dẫn khi tới Việt Nam. Đây là cách du khách khám phá sự...