Cần siết hạn mức tín dụng cho vay dự án BOT
Nếu nới rộng tín dụng cho vay thì cũng là ở phần doanh nghiệp phát hành trái phiếu trên thị trường mà ở đó doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cường kiểm soát hoạt động cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông.
Theo NHNN, lý do của việc phải siết tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là vì việc cấp tín dụng đối với loại dự án này tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn (các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian cho vay dài, năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế). Hơn nữa, tài sản bảo đảm chủ yếu trong các dự án BOT, BT là quyền thu phí, trong khi chính sách phí chưa thực sự ổn định, nguy cơ chuyển nợ sang nhóm nợ xấu là rất lớn.
Tuy nhiên, về phía nhà đầu tư BOT, một số ý kiến cho rằng Nhà nước nên “rộng cửa” hơn với nhà đầu tư trong nước thông qua việc xem xét nới rộng hạn mức tín dụng vay vốn ngân hàng cho các dự án BOT. Điều này sẽ tiếp sức cho nhà đầu trong nước khi theo đuổi dự án BOT có tuổi đời từ 20 – 30 năm.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, chuyên gia kinh tế – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) khẳng định quan điểm, không thể biến ngân hàng thành con tin của các dự án BOT, BT giao thông.
Phân tích cụ thể, ông Thịnh cho hay, việc vay vốn là tất yếu đối với doanh nghiệp đầu tư BOT, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước khi khả năng về vốn chỉ có giới hạn.
Dĩ nhiên, doanh nghiệp có ít vốn vẫn nhận và được quyền nhận dự án BOT nhưng theo vị chuyên gia, vốn tín dụng ngân hàng chỉ nên giới hạn trong một mức độ nhất định, chẳng hạn chiếm khoảng 30-40% tổng vốn đầu tư dự án. Ngoài vốn tự có của doanh nghiệp, khoảng 30-40% phần vốn còn lại doanh nghiệp có thể đi vay bằng cách phát hành trái phiếu trên thị trường trong nước và quốc tế mà ở đó doanh nghiệp phải là người chịu trách nhiệm.
Kiểm soát dòng tín dụng đổ vào dự án BOT, BT sẽ cho những dự án chất lượng và hiệu quả hơn. Ảnh minh họa
Video đang HOT
“Không thể diễn lại tình trạng xảy ra nhiều năm qua, đó là vốn tự có của doanh nghiệp chỉ chiếm 10-15%%, còn lại tới 80-90% là vốn vay ngân hàng, mà thực chất đó là bắt ngân hàng làm con tin của dự án.
Thời gian qua, các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối lại chính là những địa chỉ cho vay BOT nhiều nhất, như Vietinbank, BIDV, Vietcombank… Trong trường hợp chủ đầu tư BOT không trả được nợ thì Nhà nước lại phải đứng ra chịu trách nhiệm bằng cách mua lại dự án hoặc xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính sau khi nhà đầu tư không “kham nổi”, việc ấy không thể chấp nhận được.
Vì thế, bây giờ phải thống nhất một nguyên tắc, doanh nghiệp phải là người bỏ vốn ra đầu tư cho dự án của mình chứ không phải ai khác. Có thể nới rộng hạn mức tín dụng cho nhà đầu tư BOT nhưng đó là hạn mức doanh nghiệp được vay trên thị trường và doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.
Vị chuyên gia nói thêm, đối với phần vốn mà doanh nghiệp đầu tư BOT vay trên thị trường, ví dụ thông qua hình thức phát hành trái phiếu, thì không có chuyện Nhà nước bảo lãnh lãi suất vay hay liên quan gì khác, tránh lặp lại tình trạng không trả nợ được thì cứ vin vào Nhà nước. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu, thị trường có cho vay không là quyền của thị trường trên cơ sở đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp BOT, lợi ích mà nhà đầu tư có được từ dự án…
Riêng đối với các ngân hàng thương mại cho vay dự án BOT, ông Thịnh cũng lưu ý, Nhà nước không phải bảo lãnh. Doanh nghiệp vay vốn ở ngân hàng nào, chịu lãi suất bao nhiêu, điều kiện vay ra sao… là do ngân hàng đó tự tính toán cũng như đưa ra các điều kiện, yêu cầu ràng buộc, đặc biệt là hướng xử lý trong trường hợp bị mất vốn trên cơ sở quy định của pháp luật… Như vậy, ngân hàng nào cho vay dự án BOT thì phải tự chịu trách nhiệm về khoản cho vay ấy, nếu xảy ra tình trạng mất vốn thì ngân hàng phải chịu, không thể có tình trạng dự án BOT thua lỗ, không trả nợ được thì xin giữ nguyên nhóm nợ để tránh tăng nợ xấu cho ngân hàng.
Từ những phân tích trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, BOT, BT là hình thức đầu tư rất tốt trên thế giới, nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang thiếu vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, đã sử dụng hình thức này có hiệu quả, đem lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư, nhà nước và nền kinh tế. Vấn đề là phải đưa hình thức này về đúng kinh tế thị trường thì không có gì đáng ngại.
Thành Luân
Theo Baodatviet.vn
Nguy cơ nợ xấu từ BOT, BT giao thông
Khoảng 53.000 tỉ đồng dư nợ tín dụng từ các dự án BOT, BT giao thông có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết hiện nay có nhiều dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác nhưng doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu. Do đó, hiện khoảng 53.000 tỉ đồng dư nợ tín dụng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các NH thương mại.
Trên thực tế, thời gian qua, NHNN đã liên tục cảnh báo các NH thương mại liên quan đến cho vay các dự án BOT, BT giao thông. Phân khúc này cũng là một trong những lĩnh vực tín dụng được đánh giá tiềm ẩn nhiều rủi ro cần phải kiểm soát chặt chẽ. Số liệu của NHNN cho thấy trong 9 tháng của năm, tăng trưởng tín dụng đạt 9,4% so với cuối năm ngoái nhưng cho vay các dự án BOT, BT giao thông chỉ tăng 1,85%.
Trạm thu phí hoàn vốn cho một dự án giao thông ở quận 2, TP HCM Ảnh: GIA MINH
Hiện phân khúc này chiếm khoảng 1,4% tổng dư nợ tín dụng. Nếu tính tổng dư nợ tín dụng đối với các ngành kinh tế (tính đến tháng 7-2019) do NHNN công bố là 7,75 triệu tỉ đồng, với khoảng 1,4% dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BOT, BT giao thông sẽ tương đương số tuyệt đối khoảng 108.500 tỉ đồng. Như vậy, gần một nửa dư nợ tín dụng các dự án BOT, BT giao thông (khoảng 53.000 tỉ đồng) có nguy cơ phát sinh nợ xấu, NH thương mại phải cơ cấu lại nợ là con số không nhỏ.
Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, hiện không nhiều NH thương mại "mặn mà" với việc cấp tín dụng tài trợ các dự án BOT, BT giao thông, thậm chí có NH ban đầu đồng ý tài trợ vốn vay cho dự án BOT, BT giao thông nhưng sau đó lại ngừng do lo ngại rủi ro.
Chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành cho rằng không chỉ Việt Nam mà ở các nước, nguồn lực tín dụng từ hệ thống NH cho phát triển hệ thống BOT, BT giao thông là rất quan trọng nhưng phải rất thận trọng. Ngay từ nhiều năm trước, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, bởi cho vay phát triển hạ tầng cần nguồn vốn lớn và thường là các khoản vay dài hạn, nếu không cân đối tốt bài toán hiệu quả, không có dòng tiền hợp lý... dễ dẫn đến nợ xấu, nguy cơ nợ xấu.
Các NH thường huy động vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn nếu tỉ lệ quá lớn dễ dẫn tới rủi ro, nguy cơ thiếu hụt thanh khoản. Do đó, từ vài năm nay, NHNN đã yêu cầu NH thương mại giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, nhằm giảm bớt rủi ro.
Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT, phục vụ phát triển kinh tế, NHNN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ - ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành NH. Trong đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động những nguồn vốn có tính dài hạn, phù hợp nhu cầu vốn dài hạn của các dự án, cũng như tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.
"Những kiến nghị của NHNN với Chính phủ nhằm tìm hướng tháo gỡ cho các khoản tín dụng BOT, BT giao thông cũng là nỗ lực trong cuộc chiến giảm nợ xấu, lành mạnh hóa hệ thống NH. Thực tế, một số NH vẫn đang nỗ lực giảm tỉ lệ nợ xấu, nên việc khoanh nợ, cơ cấu lại nợ cho một số dự án BOT, BT giao thông trong thời điểm nhất định có thể là việc "cực chẳng đã" - TS Võ Trí Thành nhận xét.
Một số chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và tránh phát sinh nợ xấu, NH thương mại cần thẩm định kỹ lưỡng phương án tài chính, phương án hoàn vốn... của chủ đầu tư các dự án. Đồng thời, bản thân chủ đầu tư khi lên phương án vay vốn cũng cần lường trước những rủi ro trong quá trình triển khai, thu hồi vốn.
Khuyến khích phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về nguy cơ nợ xấu từ dự án tín dụng BT, BOT giao thông, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho biết dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã đưa vào quy định các doanh nghiệp (DN) làm những dự án PPP được quyền phát hành trái phiếu độc lập, không phụ thuộc vào nguồn vốn vay NH. Vả lại, các NH thương mại vừa qua cũng chịu áp lực phải "ủng hộ" việc cho vay các dự án PPP, cùng những tồn tại trong quá trình triển khai dự án PPP như quá trình lập dự án có những dự án làm rất vội vàng nên tính hiệu quả không được bảo đảm; khi làm không thăm dò ý kiến của dư luận trước khi triển khai dự án nên có những cái dân không đồng thuận; có những dự án chỉ cải tạo, nâng cấp chút xíu cũng thu phí như làm đường mới; thiếu tính minh bạch trong các dự án đã triển khai... Do đó, dự thảo luật lần này đã đưa các vấn đề này vào để khắc phục những bất cập, tồn tại trong quá trình thực hiện dự án PPP.
"Riêng nợ xấu từ dự án BT, BOT giao thông thời gian qua, NHNN cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng tín dụng tốt hơn" - đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay.
Về khả năng thu hút nguồn vốn thông qua phát hành trái phiếu DN, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng khi nhà đầu tư trúng thầu dự án đã trải qua nhiều công đoạn. Khi được nhà nước chọn để hợp tác tức là đã được định giá, mức tín nhiệm về năng lực thi công, năng lực tài chính, chuyên môn... "Cho nên trái phiếu DN đó phát hành sẽ tạo được cơ sở, niềm tin cho thị trường" - ông Trần Hoàng Ngân nói.
V.Duẩn - THÁI PHƯƠNG
Theo NLD.com.vn
Dự án PPP "đóng cửa" với thanh tra, kiểm toán? Được nhấn mạnh là dự án luật mới, rất quan trọng, song dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư(PPP) lại chỉ được dành khoảng một giờ thảo luận tại tổ... Dự án BOT nhà nước không bỏ ra đồng nào nhưng kiểm toán vẫn chỉ ra nhiều sai phạm, còn dự án PPP nói chung thì chỉ được...