Cạn room, nhiều ngân hàng xin nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
Sau khi Techcombank được ‘nới room’ tín dụng, nhiều ngân hàng khác cũng đã nộp đơn xin thêm chỉ tiêu. Tuy nhiên, cánh cửa sẽ không rộng mở với tất cả các ngân hàng.
Chật vật vì “cạn room”
Theo báo cáo tài chính quý 3 của các ngân hàng thì tính đến hết tháng 9/2018, tăng trưởng dư nợ tín dụng nhiều ngân hàng đã sắp chạm trần. Đơn cử như Vietcombank 15%, Vietinbank 12%, HDBank 14%; MB 10%; LienVietPostBank 13,5%, ACB, Kienlongbank 11%…
Việc sắp hết hạn mức tín dụng khiến nhiều ngân hàng khá chật vật trong việc phê duyệt các khoản vay mới và đồng loạt xin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “nới room”. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tầm trung than thở, hiện nhiều khoản vay dù chỉ vài trăm triệu nhưng vẫn phải xếp hàng vì phải chờ ngân hàng tất toán những khoản nợ cũ mới cho vay được.
Hay như trường hợp LienVietPostBank – một ngân hàng đã “ngấp nghé” room (14%) thì nhiều tháng nay phải giữ tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 13,5%. Để đảm bảo con số này, lãnh đạo LienVietPostBank cho hay, ngân hàng phải tính toán 2 phương án. Thứ nhất là chờ tất toán các khoản vay cũ thì mới giải ngân khoản vay mới. Thứ hai là cơ cấu lại các khoản vay, chuyển những khoản vay lớn được tất toán sang các khoản vay nhỏ hơn.
Hiện một số ngân hàng đã có đơn gửi NHNN để xin thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có duy nhất Techcombank được chấp thuận nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20%. Ngoài Techcombank, HDBank được xem là trường hợp đặc biệt, nếu sớm hoàn tất kế hoạch sáp nhập thêm PGBank thì nhiều khả năng ngân hàng này cũng sẽ được nới thêm room.
Cẩn trọng khi nới room tín dụng
Báo cáo của NHNN gửi Quốc hội mới đây cho thấy, tính đến đầu tháng 10/2018, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức 9,89% so với cuối năm ngoái, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng cùng kỳ là 11,73%.
Việc nới room tín dụng sẽ được NHNN xem xét thận trọng
Theo lãnh đạo NHNN, ngay từ đầu năm, Quốc hội và Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 là 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4%. Trên cơ sở đó, NHNN đã xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Mục tiêu điều hành tín dụng năm nay là tăng tối đa 17% được cho là con số hài hòa với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, cũng như sức hấp thụ của nền kinh tế…
Video đang HOT
Hồi tháng 8/2018, NHNN cũng đã có chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống. Theo đó, NHNN cho biết sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém)…
Việc xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng sẽ dựa trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, việc chấp hành các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, quy mô tín dụng, khả năng mở rộng tín dụng của các tổ chức tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích theo chủ trương của Chính phủ.
Theo nhiều dự đoán, có thể trong tháng 11 này, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng cho một số ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nới room tín dụng cần được xem xét cẩn thận, bởi mở rộng tín dụng đi cùng nhiều rủi ro.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng vài năm trở lại đây, việc NHNN cho phép các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng, ngoài mặt tích cực thì một hậu quả có thể nhìn thấy là con số nợ xấu đã tăng mạnh trong báo cáo tài chính của các ngân hàng năm nay. Không ít ngân hàng đã rất mạnh tay cho vay bất động sản, chứng khoán – vốn là 2 lĩnh vực rủi ro.
“Năm nay, NHNN đã siết lại, toàn ngành ở mức 17%, một số ngân hàng thậm chí chỉ trên dưới 10%, tôi cho là phù hợp” – chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng sẽ không có nhiều ngân hàng được xem xét thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Theo Báo Mới
Mô hình Techcombank tiến nhanh
Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) là trường hợp đầu tiên công bố được Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay từ 14% lên 20%, tại buổi tiếp xúc định kỳ với nhà đầu tư tuần qua.'Mô hình không sợ bị sao chép' của Techcombank tiếp tục tiến nhanh trong 9 tháng đầu 2018...
Thoạt tiên thông tin trên có thể gây bất ngờ. Vì năm nay Ngân hàng Nhà nước chủ trương không nới chỉ tiêu cho bất cứ trường hợp nào, ngoại trừ tham gia tái cơ cấu hệ thống.
Tương quan hiếm có
Nhưng Techcombank không hẳn là trường hợp duy nhất. Theo tìm hiểu, nhà băng nào tăng được vốn điều lệ năm nay, tình hình tài chính tốt, tham gia tái cơ cấu hệ thống thì thuộc diện được xem xét nếu có đề xuất.
Chính sách phát triển khách hàng nhanh với chi phí thấp hơn truyền thống, tạo cơ sở tài nguyên lớn để Techcombank đẩy mạnh bán chéo sản phẩm và đứng đầu thị trường ở nhiều phân khúc.
Sau thương vụ bán vốn kỷ lục, "Tech" có quy mô vốn chủ sở hữu gia tăng mạnh đầu năm nay; vốn điều lệ cũng tăng mạnh qua trả cổ tức bằng cổ phiếu. Và có một điểm khác nữa được xem xét: ngân hàng này đã tham gia hỗ trợ xử lý một vấn đề lớn trong hệ thống, cũng quan trọng không kém việc tham gia tái cơ cấu.
Theo lãnh đạo Techcombank, việc xin nới và được nới chỉ tiêu nhằm chủ động dự phòng cho kế hoạch những tháng cuối năm, nhu cầu và guồng quay tín dụng thường tăng cao.
Còn thực tế sau 9 tháng, thành viên dẫn đầu lợi nhuận khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân Việt Nam đã không đẩy mạnh tín dụng như cách truyền thống.
Các chỉ số cho thấy, 9 tháng đầu năm nay hiệu suất sử dụng vốn đẩy tín dụng và mở rộng tài sản của Techcombank không mạnh. Tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) chỉ 69,2%, thuộc vùng thấp nhất trong hệ thống. Hệ số an toàn vốn (CAR) lên tới 14,3%, mà càng cao thì hiệu quả sử dụng vốn càng có phần hạn chế, dù kỳ công bố này có đặc điểm riêng do vốn tự có vừa tăng mạnh.
9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Techcombank cực thấp, chỉ khoảng 3,3%. Tuy nhiên, họ gia tăng mạnh sở hữu trái phiếu doanh nghiệp.
Với chỉ tiêu mới cao hơn, dự kiến quý cuối năm tăng trưởng tín dụng tại đây sẽ được đẩy mạnh hơn. Nhưng đóng góp của cho vay trong cơ cấu thu nhập đã không còn chi phối lớn như trước.
Tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tín dụng tại Techcombank đã giảm từ 53% xuống còn 48% kết thúc quý 3/2018. Đây cũng là ngân hàng thương mại duy nhất của Việt Nam tại thời điểm này tạo được tương quan này; phần lớn các thành viên vẫn còn tỷ trọng chi phối lớn từ tín dụng.
Nguyên do, chiến lược đã chọn có trọng tâm phát triển dịch vụ, với "mô hình không sợ bị sao chép" mà đại diện lãnh đạo Techcombank từng giải thích ở kỳ tiếp xúc nhà đầu tư quý trước là căn bản nằm ở vận hành.
Tài nguyên khách hàng lớn
Vẫn phải nhắc lại dữ kiện cũ. Tháng 9/2016, Techcombank triển khai chiến dịch miễn phí hoàn toàn cho các giao dịch trực tuyến. Lượng khách hàng sau đó gia tăng đột biến trong 2017 và tiếp tục đột biến trong 2018.
Chính sách này tiếp tục mở rộng sang khách hàng doanh nghiệp từ tháng 7/2018. Rồi chính sách hoàn tiền 1% cho thẻ debit không giới hạn số tiền...
Lãnh đạo khối chuyên trách Techcombank cho biết, ngân hàng truyền thống thường mất khoảng 1% chi phí cho hoạt động môi giới để phát triển khách hàng mới. Còn Techcombank những năm gần đây, với cách làm và những chính sách điển hình như trên, không mất khoản phí đó, trong khi lượng khách hàng mới tăng rất mạnh (9 tháng đầu năm nay tăng tới 87% so với cùng kỳ năm trước).
Như trên, chính sách phát triển khách hàng nhanh với chi phí thấp hơn truyền thống, tạo cơ sở tài nguyên lớn để Techcombank đẩy mạnh bán chéo sản phẩm và đứng đầu thị trường (như đứng số 1 thị phần phân phối bảo hiểm nhân thọ, số 1 về cho vay mua nhà, số 1 về số lượng giao dịch qua thẻ Visa, số 1 về sản phẩm đầu tư gắn với 77% thị phần môi giới phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam...).
Một lợi ích nữa cũng đong đếm rõ ràng: khách gia tăng nhanh, lượng giao dịch có cấp độ tăng cao đồng nghĩa với lượng tiền chu chuyển qua Techcombank lớn, và một tỷ trọng đọng lại trên tài khoản ở tiền gửi không kỳ hạn.
9 tháng đầu năm nay, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng này tiếp tục gia tăng từ 22% lên 25% cơ cấu, tăng thêm hơn 11.000 tỷ đồng. Tỷ trọng và quy mô tiền gửi không kỳ hạn (có lãi suất thấp) giúp pha loãng chi phí huy động, cạnh tranh lãi suất cho vay...
Như trên, phát triển dịch vụ và giảm dần lệ thuộc tỷ trọng nguồn thu từ tín dụng, mô hình Techcombank tiếp tục tạo tốc độ tăng trưởng đáng chú ý ở các cấu phần liên quan.
9 tháng đầu năm 2018, thu nhập ngoài lãi đã tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; cùng so sánh, thu nhập phí tăng 25%. Hay cụ thể ở con số: 9 tháng đầu 2017 đạt 1.690 tỷ đồng thu nhập từ phí, thì 9 tháng đầu 2018 đã lên tới con số 2.113 tỷ đồng.
Tất nhiên, tín dụng vẫn luôn là hoạt động, cấu phần quan trọng hàng đầu. Techcombank có thêm chỉ tiêu tăng trưởng cao trong những tháng cuối 2018. Ngân hàng này cho biết, cơ cấu bảng cân đối đang dần dịch chuyển theo định hướng chiến lược: tỷ trọng cho vay doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tương đương với tỷ trọng dự nợ của khách hàng cá nhân.
"Mục đích cân bằng tài sản giữa phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp là nhằm giảm thiểu rui ro tín dụng, và từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh", đại diện lãnh đạo Techcombank cho biết.
Với hướng dịch chuyển đó, cùng mô hình tập trung phát triển dịch vụ theo những cách riêng và hiệu quả vận hành, sau khi đạt 7.774 tỷ lợi nhuận trước thuế 3 quý đầu, Techcombank khẳng định sẽ cán đích kế hoạch 10.000 tỷ đồng cả năm 2018; cũng như duy trì các tỷ suất sinh lời ở các nhóm cao các ngân hàng trong khu vực và là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản cao nhất hệ thống tại Việt Nam.
Theo Báo Mới
Tài chính 24h: Lộ diện ngân hàng được nới "room" tín dụng từ 14% lên 20% Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank, cho biết ngân hàng ông vừa được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20%. Như vậy, Techcombank sẽ có thêm 6.000 - 8.000 tỷ đồng để cho vay trong những tháng cuối năm. Ảnh minh họa. Đã có ngân hàng được nới "room" cho vay...