Cần quan tâm tình trạng trẻ thừa cân, béo phì
Với tâm lý nuôi con phải bụ bẫm, nhiều phụ huynh đã không kiểm soát được việc ăn uống, sinh hoạt của trẻ, do đó, không ít trẻ đang có nguy cơ bị dư cân, béo phì, nhưng vẫn thiếu chất dinh dưỡng. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ.
Y, bác sĩ thị trấn Vân Du (Thạch Thành) tư vấn dinh dưỡng cho trẻ.
Những phụ huynh có con mập mạp thường ít cho con đi khám dinh dưỡng và không bao giờ nghĩ đến việc có thể bé vẫn bị suy dinh dưỡng, thiếu chất. Do đó, nhiều mẹ đã bất ngờ khi biết con mình to lớn hơn các bạn cùng tuổi mà lại thiếu vi chất dinh dưỡng. Chị Lê Thị Vân, (phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) là một trong những trường hợp như vậy. Được khen là “mát tay” nuôi con nên chị cứ ép cho cháu ăn mà không quan tâm đến việc con thừa cân. Con gái chị đã 4 tuổi, cao 102cm và nặng 25 kg. Trong một lần con gái bị ốm, đi viện, chị đã phát hiện cô con gái bụ bẫm của chị lại thiếu chất dinh dưỡng. Ngay sau khi cháu khỏi ốm, chị đã đưa cháu đi khám dinh dưỡng và được biết cháu bị dư chất béo, chất đạm, thiếu một số vi chất như: Canxi, sắt, kẽm. Chị Vân chia sẻ: Sau hơn nửa năm cho con khám và theo dõi tại Viện Dinh dưỡng Trung ương (Hà Nội) và phòng tư vấn dinh dưỡng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tôi đã được các bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý và chế độ sinh hoạt, vận động khoa học cho con. Không ăn đồ béo, nhiều đạm, tăng cường vận động thể chất nên cháu đã giảm được 3kg – gần về mốc phát triển bình thường.
Theo khoa học, thừa cân, béo phì cũng là một dạng của suy dinh dưỡng và thường được gọi là thừa cân béo phì để phân biệt với nhóm suy dinh dưỡng thực sự. Những trường hợp này, nhìn bên ngoài trẻ có thể trạng béo tốt, nhưng rất có thể trẻ đang bị thiếu: Canxi, vitamin D, máu, sắt, còi xương… Vì ở những trẻ này, nhu cầu về canxi, phốt pho, vitamin D cao hơn trẻ bình thường nên nếu cha mẹ không lưu ý thì có thể không đáp ứng đủ cho trẻ.
Trẻ suy dinh dưỡng thể thừa cân, béo phì phần lớn là do ăn nhiều chất đạm, chất béo, nhiều chất bột đường nhưng có sự mất cân bằng giữa các nhóm chất như ăn quá nhiều cơm, bánh mì, hoặc ăn quá nhiều bánh kẹo, uống nhiều nước ngọt… Đối với những trẻ dưới 1 tuổi đã thừa cân, béo phì, nguyên nhân thường gặp là do trẻ uống sữa công thức mà không được bú sữa mẹ nên trẻ không được nhận canxi từ sữa mẹ; cha mẹ kiêng cữ quá kỹ, ít cho con tiếp xúc với ánh nắng mặt trời; chế độ ăn không cân đối (cho trẻ ăn quá mặn hay quá nhiều chất đạm làm đào thải vitamin D qua nước tiểu); trẻ được ăn dặm sớm và ăn nhiều bột cũng gây tình trạng rối loạn chuyển hóa, ức chế hấp thụ canxi; chế độ ăn của trẻ không cung cấp đủ chất đạm nhưng vẫn nhận đủ hoặc dư năng lượng từ chất bột đường hay chất béo; sử dụng những loại sữa không phù hợp với thể trạng của trẻ. Năng lượng dư thừa sẽ tích trữ dưới dạng mỡ gây thừa cân, béo phì.
Video đang HOT
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Trẻ béo phì thường khó vận động hơn, dễ bị tai nạn, thương tích. Nhiều trẻ có tâm lý tự ti, xấu hổ, ngại giao tiếp do bị trêu ghẹo. Đặc biệt, suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì đan xen nhau là cửa ngõ của nhiều bệnh mạn tính có liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, mỡ máu, tổn thương khớp, xương và cả một số bệnh ung thư, thận, gan… nếu không được điều chỉnh, can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Vì những ảnh hưởng trên, thừa cân béo phì ở trẻ em được xem là vấn đề sức khỏe cộng đồng, do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các bậc cha mẹ nên giúp trẻ phòng tránh và thoát khỏi nguy cơ thừa cân béo phì thông qua chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý bằng các giải pháp đơn giản: Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi chào đời, cho trẻ ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm đảm bảo đủ 4 nhóm: Chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng; cần ăn rau quả; uống đủ nước sạch hàng ngày; trẻ sau 6 tháng nên sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa phù hợp với từng lứa tuổi…
Bài và ảnh: Thùy Linh
Theo baothanhhoa
Uống nước trái cây vào buổi sáng, trẻ em dễ mắc bệnh béo phì
Một nghiên cứu cảnh báo, cha mẹ không nên cho con uống nước trái cây vào bữa sáng do việc này có thể làm tăng đáng kể nguy cơ béo phì.
Theo các nhà nghiên cứu, những trẻ uống một ly nước trái cây vào bữa sáng có nguy cơ thừa cân gấp 1.5 lần những trẻ không uống. Thêm vào đó, bỏ bữa sáng cũng có thể dẫn đến tăng cân do nó dẫn đến việc trẻ có khả năng ăn nhẹ nhiều hơn trong ngày.
Mặc dù nước ép trái cây thường được bán phổ biến trên thị trường và được là một sự lựa chọn lành mạnh, nhưng chúng thường có hàm lượng đường và calo cao.
Nghiên cứu trước đây cho thấy một ly 350ml nước trái cây có thể chứa tới chín muỗng cà phê đường và không bổ dưỡng như trái cây chưa qua chế biến.
Nghiên cứu, được thực hiện bởi Đại học Y khoa Vienna đã xem xét thói quen ăn sáng của 650 trẻ em và so sánh cân nặng và chiều cao của chúng. Khoảng 29% được xếp loại thừa cân hoặc béo phì tính theo chỉ số khối cơ thể. Những trẻ uống nước vào bữa sáng có nguy cơ thừa cân, béo phì ít hơn 40%. Chỉ có bốn trong mười trẻ em dưới 13 tuổi ăn sáng mỗi ngày, 1/3 ăn sáng ít hơn năm lần một tuần và 1/3 nhịn bữa sáng.
Uống nước trái cây vào bữa sáng, trẻ có nguy cơ béo phì cao hơn
Các nhà nghiên cứu cho thấy rằng những trẻ ăn sáng có cân nặng trung bình nhẹ hơn 3kg so với những trẻ nhịn bữa sáng.
Phát biểu tại hội nghị béo phì lớn nhất thế giới ở Vienna, tiến sĩ Maria Luger, đứng đầu nghiên cứu này đã khuyến cáo các bậc phụ huynh nên giảm lượng đường tiêu thụ của trẻ em vào bữa sáng. Bà cũng cho biết, việc cho trẻ ăn nhiều chất xơ đóng vai trò quan trọng do đó, thay vì cho trẻ uống nước trái cây, hãy để trẻ ăn trái cây trực tiếp.
Các chuyên gia cũng cảnh báo gần nửa triệu trẻ em dưới 11 tuổi hiện đang béo phì, điều này sẽ dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và ung thư cao hơn trong những thập kỷ tới.
Cơ quan Y tế công cộng Anh gần đây đã phát hiện ra rằng trẻ em đang tiêu thụ đường nhiều gấp 3 lần cho phép, một nửa trong số đó đến từ đồ ăn nhẹ không lành mạnh và đồ uống có đường.
Jason Halford, thuộc Hiệp hội nghiên cứu béo phì châu Âu, cho biết: "Nước trái cây không hoàn toàn xấu nhưng chất xơ trong hoa quả đã bị loại bỏ và do đó nó tập trung nhiều đường hơn".
Huy Hoàng
Theo: dailymail
Bác sĩ khuyến cáo các bệnh trẻ dễ mắc khi bắt đầu năm học mới Khởi đầu một năm học mới thường đồng nghĩa với việc con bạn sẽ có nguy cơ tiếp xúc với rất nhiều vi trùng gây bệnh. Có thể nói, trường học là môi trường sinh sôi của vi khuẩn. Thêm nữa, sau thời gian dài nghỉ hè, việc phải đột ngột thức dậy sớm vào buổi sáng, lịch học cả ngày ở trường...