Cần nâng cao trách nhiệm cá nhân đối với công việc chung
Hiện có nhiều luật, quy định dưới luật nhưng chưa quy định trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu một cách rõ ràng, minh bạch.
Có một nghịch lý trở thành “lẽ thường” lâu nay là khi có thành tích thì ai cũng hể hả rằng: mình đã có công, góp công, mà công to nhất thuộc về người đứng đầu. Nhưng khi có khuyết điểm, sai lầm, có hại thì người này tìm mọi cách đổ lỗi cho người khác, cơ quan này đùn đẩy cho cơ quan nọ, để cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Dân thì ví von là “cha chung không ai khóc” còn trong các bản báo cáo đầy văn chương chính luận thì cho rằng chưa làm đúng cơ chế “lãnh đạo tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm”. Vậy câu chuyện “trách nhiệm cá nhân” cần được đề cao như thế nào.
Khi nói lãnh đạo tập thể là để bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, mở rộng đường cho bàn bạc, thảo luận, lắng nghe trước khi tập trung trí tuệ, ý chí quyết định một chính sách, một kế hoạch, một hệ thống giải pháp. Vai trò cá nhân được khẳng định trong cơ chế này bằng cụm từ dứt khoát “cá nhân chịu trách nhiệm”. Cơ chế này được vận hành từ lâu, nhưng trong thực tiễn hiệu quả chưa cao, thậm chí có nơi, có lúc, có vụ việc chưa đạt yêu cầu. Vai trò cá nhân, trách nhiệm cá nhân chưa được đề cao. Vì sao?
Trách nhiệm cá nhân đối với công việc chung cần được thực hiện nghiêm túc (ảnh minh họa)
Trước hết “tinh thần làm chủ tập thể” cứng nhắc từ thời kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp còn dai dẳng đến ngày nay. Cái gì cũng bàn, việc gì cũng đưa ra tập thể lãnh đạo “bộ tam”, “bộ tứ”, “bộ ngũ” để xin ý kiến. Điều gì thuận theo đa số thì quyết, cái gì còn nhiều ý kiến khác nhau thì bàn tiếp. Kéo theo hệ lụy hội họp triền miên. Trong khối bùng nhùng ấy, vai trò cá nhân bị lu mờ, thủ trưởng quyết là theo ý chung chứ không có chủ kiến, không có quyết đoán. Hệ lụy kéo theo, rất nguy hại là bỏ lỡ thời cơ, mà cơ hội đi qua thì không lấy lại được.
Vấn đề thứ hai rất căn bản là không phân rõ trách nhiệm. Chúng ta có nhiều luật, rất nhiều quy định dưới luật về trách nhiệm tổ chức và cá nhân trong bộ máy Nhà nước, nhưng trách nhiệm cá nhân người đứng đầu chưa rõ ràng, cụ thể. Vừa qua, thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ và chính quyền địa phương, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh: “Luật Tổ chức Chính phủ cần phải làm rõ trách nhiệm của từng vị trí trong Chính phủ. Thủ tướng trách nhiệm thế nào? Từng thành viên trách nhiệm thế nào? Hiện luật vẫn chỉ ghi nhiệm vụ, quyền hạn chung chung, nhưng trách nhiệm ra sao thì không thấy nói. Ngay cả bản thân chính quyền địa phương cũng vậy”. Vì luật không cột chặt trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu một cách rõ ràng, minh bạch, cụ thể nên cá nhân thủ trưởng dựa vào “tập thể lãnh đạo” mỗi khi bị khuyết điểm và không chịu “từ chức”.
Trong diễn đàn Quốc hội đang họp, nhiều ý kiến đại biểu và cử tri chưa hài lòng với chất lượng của nhiều đại biểu do dân bầu ra, chưa thỏa mãn về hiệu quả những quyết sách của Quốc hội. Kiến nghị của cử tri là chính đáng, nhưng mấy ai nhìn lại trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm cử tri khi cầm lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Một thực trạng bi hài từ trước đến nay là mỗi lần bầu cử thì một người thay cho cả nhà, một người thay cho cả nhóm đi bỏ phiếu để hoàn thành sớm nghĩa vụ công dân. Nghĩa vụ thiêng liêng mà đánh đổi cả xương máu mới có được. Bầu cử cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước mà cử tri chỉ xem qua danh sách ứng cử viên rồi bỏ phiếu sao cho đủ số lượng, còn chất lượng về tài năng, đạo đức thì ít biết. Không ít cử tri chậc lưỡi “ai làm mà chả được”. Trách nhiệm cá nhân cử tri như vậy thì làm sao bầu ra một Quốc hội, Hội đồng Nhân dân chất lượng cao được?
Vậy nên để có Nhà nước pháp quyền thật sự phải thượng tôn pháp luật, phải đề cao “trách nhiệm cá nhân” từ trên xuống dưới./.
Video đang HOT
CTV Vĩnh Trà
Theo_VOV
Thêm một cấp phó thêm một bộ máy, lấy gì mà nuôi?
Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng chỉ cần thêm một cấp phó là sinh ra một bộ máy và công việc không được giải quyết nhanh gọn.
Bên lề hành lang Quốc hội ngày 3/11, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương trao đổi với báo chí về tình trạng loạn cấp phó ở nhiều bộ ngành diễn ra trong thời gian qua.
- Vừa qua, có tình trạng "lạm phát cấp phó" ở một số bộ ngành, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Thực chất cấp phó cũng rất quan trọng vì một mình cấp trưởng không thể làm hết việc. Có những công việc cấp phó lại là người quyết định chứ không phải cấp trưởng.
Nhưng nhiều cấp phó quá thì lại làm phân tán nguồn lực, việc chỉ đạo nhiều khi không thống nhất.
Đó là tôi chưa nói đến chi phí cho cấp phó vì dưới họ là cục trưởng, vụ trưởng, vụ phó rồi tiếp đến là một loạt công chức phục vụ bộ máy.
Như vậy, chỉ cần thêm một cấp phó là sinh ra một bộ máy. Nếu bộ ngành nào cũng như vậy thì chi phí hành chính quá lớn. Trong khi đó công việc lại ách tắc - vì nếu một người làm thì nhanh nhưng cái gì cũng tập thể là công việc ì ạch.
- Vậy theo ông trong Luật tổ chức Chính phủ có nên đưa ra quy định cụ thể mỗi bộ, ngành được bao nhiêu cấp phó hay không?
Trong luật đã có, nhưng trong quá trình tổ chức phải rất nghiêm mới thực hiện được. Còn quy định cụ thể trong luật thì nếu có thể giảm bớt được thì cũng nên giảm. Theo tôi tốt nhất là quy định cứng trong luật để sau này không phải ban hành nghị định, thông tư nữa - nếu có thì mỗi ngành lại tự đặt ra bộ máy.
Vì thế luật pháp phải quy định rõ để tránh vận dụng một cách tùy tiện khi thi hành. Chính sự tùy tiện trong vận dụng chỉ liên quan đến lợi ích của một số người nhưng đôi khi lại liên quan rất lớn đến xã hội.
ĐBQH Đỗ Văn Đương
- Ngoài cấp phó hiện nay cũng có tình trạng "lạm phát" các Tổng cục. Theo ông liệu có phải thu gọn cấp trung gian (trên vụ trưởng, kém thứ trưởng) này, để bộ máy hành chính đỡ phình to hay không?
Phải thu gọn lại chứ không thể để chỗ nào cũng có Tổng cục được. Tổng cục đôi khi vai trò quan trọng chẳng kém gì các Bộ.
Thông thường bộ máy được quy định dưới Bộ là các cục, vụ, viện thế nhưng bây giờ lại sinh ra một cấp trung gian nữa là cấp Tổng cục. Nghĩa là bộ máy quá độ giữa cái này và cái kia thì sinh ra một anh kém thứ trưởng nhưng lại trên vụ trưởng.
Theo tôi, cái này cũng phải hạn chế với tinh thần tinh giản bộ máy gọn nhẹ, bớt cấp trung gian, bớt cấp phó mới được.
- Không chỉ cấp bộ, nhiều xã phường hiện nay cũng có đến vài trăm cán bộ, trong khi dân số không quá đông?
Bộ máy hành chính cấp xã cũng là vấn đề đáng suy nghĩ để thu gọn lại. Tinh thần là nên giảm chức vụ đi, còn nếu sinh ra nhiều quá thì lấy đâu kinh phí mà nuôi.
- Thực chất lương công nhân viên chức rất thấp, vậy tại sao nhiều người vẫn tìm mọi cách vào cơ quan nhà nước làm việc?
Làm lao động bên ngoài nhiều rủi ro hơn vì doanh nghiệp hôm nay thế này nhưng ngày mai có thể phá sản, giải thể. Thực chất là làm ở bên ngoài lương cũng rất thấp như công nhân đi làm từ sáng đến tối nhưng lương như thế nào thì ai cũng biết.
Hơn nữa, công chức tuy lương thấp nhưng ở nhiều nơi vẫn cuộc sống có thể khá giả, người ta không hẳn sống bằng lương.
Vì vậy nhiều người mới tìm vào nhà nước để nhằm vào thứ khác nữa. Có lẽ do kẽ hở pháp luật tạo nên sự nhũng nhiễu dễ nảy sinh tiêu cực. Ngoài ra, tâm lý vào cơ quan nhà nước để phấn đấu làm lãnh đạo. Tức là ông trưởng thành về mặt chính trị thì anh có quyền lực và đã có quyền lực thì có điều kiện để thu nhập cao hơn.
Xin cảm ơn ông!
" Chỉ cần thêm một cấp phó là sinh ra một bộ máy. Nếu bộ ngành nào cũng như vậy thì chi phí hành chính quá lớn"
Đại biểu Đỗ Văn Đương
Theo VTC
"Từ chức là khôn hay dại?" "Câu chuyện từ chức còn liên quan đến lợi ích. Không ai muốn từ chức, không ai dám từ chức và không ai dại gì mà từ chức. Trong khi, nếu xét theo giá trị hành xử, người ta đặt ra thước đo "khôn" hay "dại" mà nhiều khi từ chức sẽ là "khôn" chứ..." Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao...