Cần mở rộng cơ chế, tiếp thêm động lực cho hoạt động mua bán nợ
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trong những năm qua, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam ( DATC) đã khẳng định vai trò, vị thế của mình trên thị trường mâu bán nợ. Tuy nhiên, trước yêu cầu thực tiễn của thị trường, đòi hỏi cần mở rộng hơn về cơ chế, chính sách mua bán, xử lý nợ cho DATC…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Với vai trò là công cụ quan trọng của Chính phủ để hỗ trợ, đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tổ chức kinh doanh theo cơ chế thị trường, trong những năm qua DATC đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ này.
Trước yêu cầu thực tiễn, cùng với việc tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế trên, trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh, DATC cần phải mở rộng phạm vi hoạt động hơn nữa, tham gia sâu vào việc xử lý nợ, tái cơ cấu không chỉ các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Nêu vấn đề trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn làm được điều này, cần có cơ chế thông thoáng hơn để DATC hoạt động.
Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, quy định hiện tại, phạm vi xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC phần lớn tập trung ưu tiên cho khối doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, cổ phần hóa… Trong khi đó, hiện nay thị trường mua bán nợ rất cần DATC tham gia sâu vào xử lý nợ của các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các tổ chức tín dụng.
Mặt khác, hiện nay, số theo tiến trình tái cơ cấu, số doanh nghiệp nhà nước sẽ ngày càng giảm thì việc hướng đến mở rộng cơ chế, quyền hạn cho DATC là cần thiết… Đối tượng phục vụ của DATC không chỉ có các doanh nghiệp ngoài nhà nước mà sẽ bao gồm khu vực tư nhân với tính chất sở hữu và hoạt động khác hẳn so với doanh nghiệp ngoài nhà nước, nên đòi hỏi phải có những quy định pháp lý mới cho DATC hoạt động phù hợp hơn.
Sự thay đổi dần về phạm vi hỗ trợ của DATC cùng với nhu cầu xử lý nợ xấu hiện nay đòi hỏi phải có những thay đổi theo hướng nâng cao năng lực pháp lý cho DATC và những thay đổi này cần được thể chế bằng văn bản quy phạm đủ mạnh dưới hình thức văn bản pháp lý cao hơn ở cấp nghị định để DATC có thể tổ chức triển khai một cách có hiệu quả và tránh rủi ro về mặt pháp lý trong quá trình thực hiện.
Video đang HOT
Cơ chế hoạt động của DATC cũng phát sinh một số bất cập và việc chưa điều chỉnh kịp thời so với định hướng phát triển cũng như những quy định mới được sửa đổi, bổ sung thời gian qua, dẫn đến hạn chế trong thực hiện vai trò, nhiệm vụ được giao của DATC.
Điển hình như, việc hạn chế về đối tượng mua, bán nợ, về mức độ xử lý tài chính, hạn chế về hỗ trợ vốn và bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp tái cơ cấu, hạn chế về phương thức thoái vốn phù hợp với đặc thù (chưa có quy định được thoái vốn kèm nợ phải thu).
Năm 2019, DATC đã mua và xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Doanh thu từ hoạt động mua bán xử lý nợ và tài sản là 1.785 tỷ đồng, bằng 124% so với năm 2018, đồng thời có những phương án đang thực hiện tốt gối đầu cho năm sau.
Cùng với đó, chưa có cơ chế cho DATC chủ động trong xử lý nợ tại doanh nghiệp tái cơ cấu, chế độ trích lập dự phòng nợ mua, dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với các khoản vốn góp của DATC (dưới hình thức chuyển nợ thành vốn góp) tại các doanh nghiệp tái cơ cấu chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế, trình tự, thủ tục xử lý nợ xấu của doanh nghiệp tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam… Những hạn chế trên đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DATC, làm giảm hiệu quả hoạt động mua bán xử lý nợ, từ đó ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của DATC cũng như quá trình phục hồi doanh nghiệp.
“Sớm bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ, cơ chế để DATC mở rộng hoạt động, phát huy vai trò, khẳ năng trên thị trường mua bán nợ Việt Nam…” – đây là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế nêu ra.
Hiện nay, Nghị định về cơ chế hoạt động của DATC đã được dự thảo và trình cấp có thẩm quyền. Theo dự thảo Nghị định đã bao quát nhiều vấn đề về cơ chế chính sách trong mua bán nợ, xử lý tài sản và tái cấu trúc doanh nghiệp… thị trường vẫn đang chờ đợi sớm được ban hành.
Khi những cơ chế, chính sách mới được ban hành và thực thi sẽ tạo động lực thúc đẩy DATC phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt thị trường mua bán, xử lý nợ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước.
Lưu Thành
DATC nghiên cứu áp dụng phương thức đấu giá, mua bán nợ theo lô
Bên cạnh việc áp dụng công nghệ hiện đại trong mua bán xử lý nợ, để nâng cao hiệu quả mua bán, xử lý nợ theo hướng hiện đại, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đang nghiên cứu các phương thức đấu giá, mua bán nợ theo lô.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Phương thức đấu giá, mua bán nợ theo lô không còn xa lạ đối với các nước trong khu vực nhưng lại hầu như chưa được áp dụng tại thị trường Việt Nam.
Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động mua bán, xử lý nợ giữa các tổ chức tín dụng và các tổ chức xử lý nợ mới chỉ dừng ở việc mua bán, xử lý nợ theo từng khoản nợ, từ đó làm tốc độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn chậm.
Tại Thông tư số 09/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động mua bán nợ của các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ điều chỉnh việc các tổ chức tín dụng được bán một hoặc một phần khoản nợ xấu cho tổ chức xử lý nợ mà không có quy định điều chỉnh hoạt động mua bán nợ theo lô, điều này gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng khi đưa ra quyết định bán nợ theo từng lô lớn.
Hiện nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là trường hợp đặc biệt duy nhất được phát hành trái phiếu đặc biệt để mua lô nợ của của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên đây thực chất không phải là họat động mua bán nợ theo lô theo cơ chế thị trường được áp dụng tại các thị trường mua bán , xử lý nợ phát triển như Tây Ban Nha, Ai Len, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Thực trạng hoạt động mua bán, xử lý nợ thời gian qua tại Việt Nam cho thấy mô hình xử lý nợ vẫn còn tương đối giản đơn. Sự tham gia của các tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu như tổ chức tư vấn, soát xét tài chính, tổ chức định giá khoản nợ, lô nợ... còn hạn chế.
Trong khi đó, nguồn lực nội tại của các tổ chức xử lý nợ xấu trên thị trường còn chưa đủ để đáp ứng cho hoạt động xử lý nợ, chính những nguyên nhân này đã ảnh hưởng đến tốc độ xử lý nợ trong nền kinh tế.
Tại châu Âu, năm 2017 tổng giá trị giao dịch các lô nợ đạt 43 tỷ Euro (tương đương 1,2 triệu tỷ đồng). Có thể thấy, mô hình mua bán nợ theo lô tại châu Âu và một số các quốc gia phát triển tại châu Á là rất hữu ích để Việt Nam có thể tham khảo, từng bước đưa vào áp dụng qua đó làm tăng tốc độ xử lý nợ trong nền kinh tế. Để thực hiện được mô hình này, cần thiết bổ sung, hoàn chỉnh các quy định liên quan đến xử lý nợ, đặc biệt là cơ chế đấu giá, tổ chức đấu giá lô nợ.
Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đặt nhiệm vụ trọng tâm là xử lý nợ xấu, tái cơ cấu tổ chức tín dụng, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Khi thị trường mua bán nợ cạnh tranh hơn, DATC đã điều chỉnh chiến lược hoạt động của mình. Theo đó, Công ty không chỉ gói gọn xử lý nợ cho các doanh nghiệp nhà nước mà còn xử lý nợ xấu cho cả các doanh nghiệp khác.
Đáng chú ý, ngoài chức năng mua bán nợ, DATC còn mở rộng các ngành nghề như: Quản lý khai thác tài sản, hoạt động tư vấn, hoạt động phối hợp trong thu nợ...
Từ năm 2004 đến nay, DATC đã thực hiện tái cơ cấu cho 173 doanh nghiệp với giá trị vốn đầu tư hình thành từ chuyển nợ thành vốn góp khoảng 1.400 tỷ đồng.
Trong 173 doanh nghiệp tái cơ cấu, DATC đã kết hợp xử lý nợ gắn tái cơ cấu tài chính với quản trị doanh nghiệp để chuyển đổi sở hữu cho 78 doanh nghiệp nhà nước; Số doanh nghiệp còn lại được DATC tái cơ cấu tài chính thông qua xử lý nợ qua đó giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về tài chính, tiết giảm chi phí, từng bước phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động và có đóng góp cho ngân sách...
X. Thành
Theo tapchitaichinh.vn
Quý 1, nhiều tập đoàn, tổng công ty thực hiện thoái vốn Báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, về công tác thoái vốn, trong tháng 3/2020, có 2 đơn vị báo cáo tình hình thực hiện thoái vốn đầu tư tại các DN với tổng giá trị là 213,4 tỷ đồng, thu về 308,5 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước thoái được 397 tỷ đồng, thu về...