Cần làm gì khi ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh?
Cuộc chiến chống dịch bước qua giai đoạn 2, hệ thống giám sát y tế hiệu quả nhất chính là cộng đồng khi có hiểu biết đúng về dịch Covid-19.
Chỉ trong 2 ngày kể từ hôm 6/3, số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tăng từ 16 lên 30. Đây là số ca nhiễm cao nhất được xác nhận từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam. Số ca dương tính tăng nhanh kéo theo số người tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp phải cách ly lên đến hàng trăm người.
Tối 8/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 và phải “ngăn dịch bệnh từ trăm ngả”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, khuyến cáo người dân chỉ cần đeo khẩu trang vải (không nhất thiết đeo khẩu trang y tế), rửa tay, tăng sức đề kháng, tránh nơi đông người… như Bộ Y tế hướng dẫn từ trước đến nay.
Bác sĩ Khanh đưa ra một cảnh báo cấp bách hơn rằng mọi người nên theo sát thông tin chính thống để biết bản thân hoặc người thân có thuộc nhóm nguy cơ vì từng tiếp xúc với các ca nhiễm hay không.
Bên cạnh đó, mọi người cần bình tĩnh theo dõi, giám sát cộng đồng xung quanh và báo cho cơ quan y tế địa phương khi có dấu hiệu nghi ngờ.
“Khi số ca nhiễm nhiều thì cần chuyển qua hướng tạo miễn dịch cộng đồng và bảo vệ thật mạnh đối tượng nguy cơ (người có hệ miễn dịch yếu) tại nhà và bệnh viện”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Người dân chỉ nên mang khẩu trang y tế và bao tay khi ở trong vùng được xác định có dịch. Ảnh: Phạm Ngôn.
Vừa qua, tạp chí uy tín Journal of American Medical Association (JAMA) cũng công bố kết quả khảo sát “dấu tích” virus corona ở không gian quanh bệnh nhân dương tính.
Nhóm nghiên cứu ở Singapore đã lấy các mẫu từ môi trường xung quanh bệnh nhân như mặt bàn, ghế, bồn vệ sinh, quạt thông gió, bề mặt đồ bảo hộ cá nhân của nhân viên y tế phụ trách và các mẫu không khí trong, ngoài phòng cách ly.
Kết quả cho thấy virus có thể dính trên bề mặt vật dụng quanh bệnh nhân nhưng sẽ biến mất sạch sau khi vệ sinh bằng chất tẩy có chứa natri dichloroisocyanurate.
Làm gì khi chuyển sang giai đoạn 3?
Khi dịch Covid-19 tại Nhật Bản chuyển sang giai đoạn 3, Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Nhật Bản không khuyến khích người dân đến cơ sở y tế mà đưa ra chính sách người có triệu chứng nhẹ nên tự cách ly tại nhà, tự vượt qua căn bệnh bằng sức đề kháng của bản thân.
Đồng thời, người có triệu chứng cần liên hệ bệnh viện hoặc trung tâm tư vấn qua điện thoại nếu bị sốt trên 37,5 độ C quá 4 ngày hoặc thấy khó thở, mỏi mệt nhiều.
Lý giải chính sách này, TS.BS Phạm Nguyên Quý, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản, phân tích tình hình dịch bệnh tại Nhật đã thay đổi khi việc tìm manh mối đường lây nhiễm trở nên bất khả thi.
Đây là điểm mấu chốt khiến chính phủ Nhật Bản thông báo rằng dịch bệnh đã bắt đầu sang thời kỳ 3 với mục tiêu không còn là tìm ra tất cả người nhiễm virus mà là giảm thiểu ca tử vong, biến chứng do virus.
Giảm tỷ lệ tử vong là mục tiêu của Nhật Bản khi cuộc chiến chống dịch chuyển sang giai đoạn 3. Ảnh: Kazuhiro Nogi/AFP.
Theo báo cáo về yếu tố nguy cơ liên quan tới tử vong do Covid-19, cần ưu tiên bảo vệ và chăm sóc những người có hệ miễn dịch suy yếu như người trên 65 tuổi, hoặc người đang mắc các bệnh mạn tính.
Vì thế, chính phủ Nhật Bản khuyến cáo người không thuộc các nhóm trên, hoặc có biểu hiện bệnh nhẹ không nên lui tới cơ sở y tế yêu cầu làm xét nghiệm để tránh gây quá tải cho hệ thống y tế, thậm chí làm lây lan thêm bệnh dịch tại bệnh viện.
Những người lo lắng muốn xét nghiệm có thể không hài lòng với khuyến cáo này, nhưng cần hiểu rằng dù xét nghiệm có ra kết quả dương tính thì ai bệnh nhẹ, còn khỏe cũng sẽ được khuyên tự cách ly tại nhà, vệ sinh phòng lây bệnh theo khuyến cáo và chờ cơ thể dần hồi phục.
Chỉ người nào già yếu, nhiều bệnh mạn tính, có dấu hiệu suy hô hấp mới cần làm xét nghiệm để cân nhắc nhập viện theo dõi và điều trị bổ trợ.
“Dù bệnh dịch có chuyển sang giai đoạn 3 như ở Nhật Bản, Việt Nam vẫn có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, bằng tinh thần trách nhiệm thể hiện qua việc tuân thủ rửa tay, đeo khẩu trang theo đúng khuyến nghị”, bác sĩ Quý chia sẻ.
Đồ họa: Minh Hồng, Hà Quyên.
Theo Zing
Coi chừng "tác dụng ngược" nếu rửa tay, súc miệng chống Covid-19 kiểu này
Nước rửa tay có cồn, nước súc miệng kháng khuẩn giúp ích nhiều trong mùa dịch Covid-19 nhưng nếu bạn quá hoảng loạn mà lạm dụng, dùng sai chỗ, sai cách thì coi chừng.
Trong hướng dẫn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đăng tải trên trang Facebook chính thức về cách rửa tay bằng cồn, ngoài các thao tác thông thường tương tự rửa tay bằng nước và xà phòng, WHO lưu ý thời gian cho một lần rửa tay bằng cồn phải là 20-30 giây.
Rửa tay bằng cồn quá vội vàng, chưa đúng thao tác dẫn đến bỏ sót nhiều vị trí cũng là điều mà các bác sĩ đã lưu ý từ đầu mùa Covid-19.
Hướng dẫn rửa tay bằng cồn của WHO gồm các bước thông thường kèm lưu ý: rửa ít 20-30 giây. (Ảnh: WHO)
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh, BV Nhi Đồng 1, cảnh báo một sai lầm thường gặp là dùng trực tiếp cồn 70-90 độ để rửa tay bởi nó sẽ bay hơi hết trước khi đạt được hiệu quả cần thiết. Đó là lý do nước rửa tay khô thường có gel để làm chậm tốc độ bốc hơi, dung dịch lưu trên tay đủ thời gian để sát khuẩn. Ông cũng nhấn mạnh rửa tay bằng cồn chỉ là biện pháp tạm thời khi không có nước và xà phòng, bởi nước rửa tay khô chỉ khiến mầm bệnh chết đi chứ không loại bỏ nó và chất bẩn khỏi bàn tay.
Poster hướng dẫn rửa tay của Bộ Y tế - ảnh: Bộ Y tế
WHO cũng có khuyến cáo tương tự: rửa tay bằng cồn khi tay sạch; rửa tay bằng nước và xà bông khi tay bẩn.
Về vấn đề súc miệng, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, có rất nhiều lựa chọn: nước súc miệng mua ở siêu thị, nước muối sinh lý mua ở nhà thuốc, nước muối loãng tự pha hay đơn giản là nước ấm. Nên lưu ý người bệnh cao huyết áp không được dùng nước muối, chỉ nên dùng nước súc miệng hoặc nước ấm.
Một sai lầm phổ biến nữa là quá "cuồng" rửa tay, súc miệng. "Nhiều người đang ở trong nhà, hay ngồi một chỗ cả mấy tiếng trong văn phòng, không tiếp xúc với ai cũng thỉnh thoảng... chạy ra rửa tay, súc miệng, điều đó là không cần thiết" - bác sĩ Trương Hữu Khanh cảnh báo.
Súc miệng quá nhiều thậm chí còn phản tác dụng bởi gây khô họng, nhất là súc bằng nước súc miệng kháng khuẩn được bán ở các siêu thị, nhà thuốc. Trong khi đó, một trong những biện pháp quan trọng để phòng bệnh mùa Covid-19 là giữ cho miệng - họng, đường hô hấp đừng bị khô, bằng cách uống đủ nước, bởi đường hô hấp bị khô sẽ làm giảm khả năng phòng vệ tự nhiên trước mầm bệnh.
Rửa tay bằng cồn quá "cuồng" cũng từng gây phiền toái cho nhiều người, đó là bàn tay khô ráp, ngứa ngáy. Theo bác sĩ Khanh, nồng độ cồn quá cao cũng dẫn đến đau rát tay: chỉ cần độ cồn 60 trở lên là đủ. Ngoài ra, nên nhớ thứ tự ưu tiên: xà phòng và nước; nước; rồi mới đến nước rửa tay bằng cồn.
Clip hướng dẫn rửa tay của Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM:
A. Thư
Theo nld.com.vn
WHO khuyến cáo cách phòng chống Covid-19 tại nơi làm việc WHO cùng Bộ Y tế Việt Nam vừa xây dựng bộ infographic hướng dẫn những việc cần làm để phòng chống bệnh Covid-19 tại nơi làm việc. Giữ gìn nơi làm việc sạch sẽ và vệ sinh Rửa tay thường xuyên và đúng cách Tăng cường vệ sinh đường hô hấp thật tốt Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi Tham...