Cần chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động nhanh chóng
Trước khó khăn của một số ngành nghề do giảm đơn hàng khiến lao động phải giảm giờ làm, nghỉ việc, công đoàn các cấp đang kiến nghị có chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người lao động nhanh chóng, thiết thực.
Tác động tới ngành nghề thâm dụng lao động
Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tình hình lao động việc làm trong 1 tháng trở lại đây có nhiều khó khăn do một số ngành giảm đơn hàng dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, lao động phải nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động. Những lao động này tập trung ở các doanh nghiệp thâm dụng như ngành gỗ, dệt may, da giày, điện – điện tử.
Người lao động tìm kiếm thông tin tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm lưu động tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).
Điều này cho thấy, khi có biến động thì lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng. Dự báo, trong 3 tháng tới, các doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 75.000 lao động. Số lao động này chủ yếu là lao động phổ thông (chiếm 92,9%), trong đó nhiều nhất là ngành dệt may – da giầy chiếm 41,8%, điện – điện tử chiếm 40,8%.
Là địa phương có đông công nhân lao động, Bình Dương hiện có hơn 30.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và có trên 240.000 lao động phải giảm giờ làm.
Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Đô cho biết, địa phương này có 108.000 người lao động bị ảnh hưởng về việc làm, trong đó nhiều nhất là bị giảm giờ làm (102.000 người) và 6.000 người bị mất việc. Ngay lúc này, cần có gói hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng để họ có điều kiện tái cơ cấu sản xuất. Cùng với đó, trước Tết phải có gói hỗ trợ cấp thiết cho người lao động bị mất việc, hoãn hợp đồng lao động.
So với các địa phương phía Nam, các doanh nghiệp tại Hà Nội có thể chịu ít tác động hơn từ việc sụt giảm đơn hàng, song ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội thông tin, đến nay các doanh nghiệp cũng đang dần “thấm” tác động.
“Thời điểm này của các năm trước người lao động thường phải tăng ca để đảm bảo các đơn hàng nhưng hiện nay việc tăng ca không còn. Điều này đã tác động rất lớn đến thu nhập của người lao động. Trước đây để đạt mức thu nhập từ 8 – 9 triệu đồng, người lao động phải làm thêm giờ, song hiện nay không có”, ông Nguyễn Đình Thắng cho biết.
Theo báo cáo nhanh của công đoàn cơ sở, Hà Nội hiện ghi nhận hơn 2.000 công nhân ảnh hưởng đến việc làm, chủ yếu thuộc ngành điện tử, sản xuất linh kiện, song chủ yếu mức độ ảnh hưởng là không làm thêm giờ.
Video đang HOT
Tình trạng khó khăn thể hiện rõ hơn ở nhóm ngành dệt may. Theo bà Hoàng Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội, đây là thời điểm rất khó khăn, bởi đơn vị này dù đang quản lý khoảng 20.000 lao động, song ghi nhận số doanh nghiệp có đơn hàng đến hết quý 1/2023 là rất ít, chủ yếu chỉ đến hết tháng 12/2022. Thời điểm này cũng là lúc nhiều đơn vị đang phải giãn việc và tung hết nguồn lực để giữ công nhân.
Bà Hồng cho biết, qua thống kê, hiện ngành dệt may Hà Nội đã có 4 đơn vị nợ lương người lao động, trong đó có 2 doanh nghiệp nước ngoài. Công đoàn ngành đang phối hợp với lực lượng công an thành phố để kiểm soát việc chủ doanh nghiệp nước ngoài có nợ lương, nhưng về nước không quay trở lại.
“Hà Nội đã có một doanh nghiệp chủ về nước nghỉ Tết và không sang nữa, vấn đề là chủ doanh nghiệp này không ủy quyền cho ai, tài sản không thể thanh lý được. Hiện 124 lao động của đơn vị này chúng tôi đang cố gắng để chốt sổ bảo hiểm cho họ để tìm kiếm việc làm khác, song việc nợ lương thì chưa thể giải quyết được”, bà Hồng cho biết.
Sớm có chính sách hỗ trợ
TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Sau dịch COVID-19 có 52 triệu lao động đang tham gia trên thị trường, trong khi trước dịch là 55 triệu lao động. Điều này cho thấy dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất nặng nề đến cuộc sống của người lao động; chính sách dành cho lao động có nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Do đó, Nhà nước cần tiếp tục hiện thực hóa những chính sách đã đưa ra cho người lao động như hỗ trợ về các dịch vụ xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp…; chính thức hóa các chính sách tạm thời như hỗ trợ nhà ở cho người lao động.
Dù tình hình khả quan hơn nhưng Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng đề xuất tăng cường kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao; tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm của các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục có chính sách đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; tiếp tục thực hiện những chính sách đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Ông Thắng cũng nhấn mạnh, khi phê duyệt dự án nhà ở cho công nhân phải đồng bộ các dịch vụ kèm theo như khu vui chơi, giải trí, trường học, bệnh viện…
Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Tống Văn Lai đề nghị, trong lúc người lao động bị giãn việc, doanh nghiệp có thể tranh thủ tổ chức đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho công nhân, lao động để đón những đơn hàng mới. Việc hỗ trợ người lao động nâng cao kĩ năng, tay nghề sẽ đem lại hiệu quả cao trong bối cảnh hiện nay bởi khi ổn định đơn hàng nếu thiếu lao động có tay nghề, doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng và mất chi phí rất lớn.
Trước những phản ánh từ các địa phương, đơn vị, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, khó khăn của người lao động hiện nay là vấn đề đáng quan tâm, nhất là khi gần Tết, bởi không chỉ tác động đến đời sống, nhận thức của người lao động mà còn nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội nếu không được giải quyết thấu đáo.
Hơn lúc nào hết, phải có chính sách thỏa đáng, sát với thực tiễn đời sống để hỗ trợ đối người lao động, vừa nuôi dưỡng nguồn lực lao động, vừa để doanh nghiệp duy trì, tồn tại, có cơ hội tiếp tục phát triển. Bên cạnh chính sách cấp bách, cần chính sách lâu dài về bảo hiểm xã hội, thu hút đầu tư, vay vốn…
Theo ông Hiểu, các chính sách hỗ trợ cần hướng đến cả doanh nghiệp và người lao động, vừa giữ chân lao động vừa giúp doanh nghiệp duy trì và tồn tại, chờ khi tình hình tốt hơn. “Chúng tôi mong muốn có cả chính sách ngắn hạn và lâu dài, có chính sách liên quan đến an sinh như bảo hiểm xã hội, đến việc thu hút đầu tư, tìm kiếm thị trường, đổi mới khoa học công nghệ, đào tạo nghề… Tổ chức công đoàn sẽ trao đổi với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan, thống nhất để báo cáo Chính phủ”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Hỗ trợ lao động bị mất việc dịp cuối năm
Những tháng cuối năm, không ít doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng dẫn đến người lao động thiếu việc hoặc bị mất việc, tình trạng này khiến đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn.
Cắt giảm, giãn việc làm
Tại TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây xuất hiện nhiều doanh nghiệp liên tục bị sụt đơn hàng, phải cắt giảm giờ làm. Trầm trọng hơn, có doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy. Tình trạng trên khiến nhiều công nhân rơi vào cảnh mất việc, thất nghiệp.
Bà Trần Thị Giúp (sinh năm 1976, quê ở Đồng Tháp), công nhân của Công ty TNHH Tỷ Hùng, buồn rầu nói: "Tôi mất việc rồi cô ạ, gần 50 tuổi giờ chả biết xin làm việc gì, có lẽ phải về quê bám vào mảnh ruộng!".
Chị Ngô Thị Hồng Oanh tranh thủ sau giờ tan ca đi nhặt thêm ve trai để kiếm thêm thu nhập.
Đồng cảnh mất việc tại Công ty Tỷ Hùng, chị Ngô Thị Hồng Oanh (sinh năm 1984, quê ở Sóc Trăng) tay xách, nách mang một đống chai lọ, cho biết hai năm nay, công nhân không được tăng ca nên lương chỉ ở mức hơn 6 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thu nhập cũng chỉ được hơn 8 triệu đồng. Do vậy, hàng ngày chị Oanh phải kiếm thêm tiền bằng cách nhặt vỏ chai. "Chịu khó ngày cũng được hơn chục nghìn đồng, thêm đồng rau tí mắm", chị Oanh bảo vậy.
Thông tin một số doanh nghiệp (DN) khó khăn đóng cửa, công nhân mất việc khiến chị Bùi Thị Dinh (32 tuổi, quê ở Bắc Ninh) cùng chồng làm việc ở Công ty TNHH Hungway (Khu chế xuất Tân Thuận) hoang mang. Hiện nay, thu nhập của 2 vợ chồng được hơn chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, gần đây đơn hàng của công ty sụt giảm nên không tăng ca, thậm chí một tuần nghỉ 3 - 4 ngày.
Hầu hết người lao động bị nghỉ việc cho biết, doanh nghiệp cắt giảm lao động vì đơn hàng sụt giảm mạnh. Trường hợp Công ty TNHH Tỷ Hùng, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với 1.185/1.822 lao động đang làm việc từ đầu tháng 12 tới khiến rất nhiều công nhân lo lắng. Với họ, con đường phía trước dường như rất mù mịt, ở thành phố nếu không có việc làm thì xoay xở ra sao, mà về quê bám vào ruộng vườn giờ cũng khó khăn trăm bề.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhở và vừa Hà Nội: Việc sụt giảm đơn hàng cũng ảnh hưởng tới doanh nghiệp tại Hà Nội nhưng các doanh nghiệp thực hiện giãn thời gian làm việc, hạn chế cắt giảm lao động. Các doanh nghiệp cũng lập quỹ dự phòng hỗ trợ lức khó khăn.
Đồng cảnh ngộ, Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) dự kiến cắt giảm gần 1.500 lao động do thiếu đơn hàng. Trong đó, số lao động bị cắt giảm sẽ là những công nhân có thời hạn 1 năm và sẽ hết hợp đồng cuối năm nay. Tương tự, từ nay đến cuối năm, Công ty TNHH An Giang Samho sẽ cắt giảm 5.300 lao động. Tình trạng DN cắt giảm lao động còn diễn ra ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai,...
Tăng cường kết nối việc làm
Ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết: Công đoàn cơ sở đã thống kê được 51 doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Con số này chưa phản ảnh đúng thực trạng, trên thực tế có thể nhiều hơn.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tổng hợp từ công đoàn các tỉnh, thành, ngành nghề đã ghi nhận 1.235 doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động tại 44 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 646 doanh nghiệp dân doanh, chiếm 52,27%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 590 doanh nghiệp, chiếm 47,73%. Tình trạng này khiến trên 430.000 người lao động bị giảm giờ làm, hơn 41.000 người bị thôi việc, mất việc. Dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có khoảng gần 700 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của hơn 271.000 lao động và gần 90 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp trên 15.000 lao động... Các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều là dệt may, da giầy, chế biến gỗ, điện tử...
Hai vợ chồng chị Dinh đang cố gắng bám trụ tại TP Hồ Chí Minh những tháng cuối năm để kiếm thêm ít tiền trang trải dịp Tết.
Năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngừng việc tập thể là do người lao động trải qua thời gian vô cùng khó khăn, giảm sút thu nhập, tiền lương tối thiểu chưa được điều chỉnh trong năm 2020, 2021; nhiều doanh nghiệp không tăng lương, thậm chí còn cắt giảm các khoản trợ cấp, phụ cấp, phúc lợi của người lao động; một số doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH của người lao động...
Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng vừa công bố báo cáo thị trường lao động 11 tháng năm 2022. Tại TP Hồ Chí Minh đã có 26 doanh nghiệp ra thông báo cho gần 3.000 người lao động nghỉ việc trên tổng số 15.000 lao động (của 26 doanh nghiệp), chiếm gần 1/5 lao động. Một số doanh nghiệp phải giảm giờ làm. Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (có khoảng 50.000 lao động làm việc) sẽ có 20.000 lao động thuộc khối sự nghiệp phải nghỉ việc luân phiên trong 3 tháng (từ ngày 1/12/2022 đến ngày 28/2/2023; Công ty TNHH Việt Nam Samho hoạt động trong lĩnh vực giày da (Củ Chi) dự kiến cắt giảm 1.400 lao động từ tháng 12/2022; Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) cũng thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 lao động từ ngày 1/12.
Tại Đồng Nai, 5 tháng qua có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Công ty TNHH gỗ Lee Fu đã cắt giảm gần 60% lao động- tương đương cắt giảm hơn 1.000 người; công ty TNHH Timber đang tạm hoãn hợp đồng làm việc với 853 lao động trong số 3.466 lao động...
Theo Cục Việc làm, nhìn chung, tình trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xảy ra chủ yếu ở các ngành thâm dụng lao động như da dày, dệt may, đồ gỗ, điện tử... Do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, các khách hàng chính của doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề dẫn đến việc không có đơn hàng sản xuất, doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới để duy trì việc làm cho người lao động. Vì vậy, một số doanh nghiệp mặc dù không thực hiện cắt giảm lao động nhưng buộc phải cho lao động nghỉ việc luân phiên, giãn việc hoặc dự kiến cho người lao động nghỉ Tết sớm và dài hơn mọi năm. Từ đó mà đời sống của người lao động hết sức khó khăn trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng cao.
Cục Việc làm dự báo, thời gian tới, người lao động sẽ đối mặt nhiều hơn với nguy cơ mất việc, giảm giờ làm. Lĩnh vực chịu nhiều rủi ro bao gồm chế biến lương thực, thực phẩm, y tế, du lịch... Địa bàn bị ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đặc biệt là lao động làm việc ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, hiện nay, có những ngành thiếu hụt lao động, song vẫn còn nhiều ngành nghề đang đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng. Bên cạnh những doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, vẫn có những địa phương bị thiếu hụt lao động cục bộ.
Để ngăn ngừa thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, Cục Việc làm đề nghị thực hiện các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động. Song song đó, bố trí nguồn lực để đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm cho người lao động. Theo đó đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện giải ngân hết nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong dự kiến kế hoạch năm 2023 là 3.000 tỷ đồng để thực hiện ngay trong năm 2022, đưa tổng kế hoạch giải ngân vốn của chương trình này lên 10.000 tỷ đồng.
TP Hồ Chí Minh dành 140 tỷ đồng chăm lo Tết cho công nhân, người lao động Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hồ Chí Minh, dịp Tết Quý Mão 2023, Thành phố dự kiến sẽ chi khoảng 140 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đại diện LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cung cấp thông tin về chăm lo Tết cho công...