Cận cảnh lũ lịch sử tại miền Trung
Lũ đang chồng lên lũ, hàng nghìn ngôi nhà vẫn còn ngập trong biển nước. Nước cuồn cuộn chảy xiết. Những bãi bồi, nương dâu, làng mạc không còn một dấu tích. Đã có 27 người chết.
Tổng hợp từ các địa phương cho biết tính đến chiều 5/10, đợt mưa lũ từ ngày 1 đến 5-10 ở Bắc Trung Bộ đã làm 27 người chết, mất tích, 4 người bị thương cùng hàng chục ngàn nhà dân bị ngập, cuốn trôi.
Cứu dân bên bờ sông Gianh
Chiều tối 5-10 dù mưa đã ngớt nhưng dọc hạ lưu sông Gianh (Quảng Bình) hàng ngàn căn nhà vẫn chìm trong biển nước.
Lũ tràn qua phá nát xóm làng, phố xá; nhấn chìm hai huyện Quảng Trạch, Bố Trạch của Quảng Bình.
Các huyện vùng trũng như Quảng Ninh, Lệ Thủy càng ngập chìm sâu trong nước
Trước tình hình nguy cấp, nhiều vùng bị cô lập sâu trong nước, 14g30 chiều 5-10, trung đoàn bay C54 (Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không không quân) đóng tại Đà Nẵng đã nhận lệnh lên đường tiếp cận vùng rốn lũ.
Chiều cùng ngày, kế hoạch bay ứng cứu đầu tiên đến với huyện Quảng Trạch – vùng “rốn lũ” nằm sát bên bờ sông Gianh đã được triển khai. Trước giờ bay, phó sư trưởng 372, đại tá Trần Văn Định lo lắng: “Có quá nhiều nơi bị ngập nặng, nhiều địa phương bà con mình còn ngồi trên đỉnh lũ, cần lắm sự cứu trợ kịp thời.”
Có mặt trên chuyến bay bay qua vùng trời Quảng Bình, PV Tuổi Trẻ đã ghi lại những hình ảnh hết sức khốc liệt. Một biển nước đục ngầu bao la vây kín làng mạc vùng hạ lưu sông Gianh. Nước cuồn cuộn chảy xiết. Những bãi bồi, nương dâu, làng mạc không còn một dấu tích.
Tại các xã của huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh…, nhiều nơi nước ngập hơn nửa nhà dân. Có nơi do nước lũ tràn về quá nhanh, người dân không kịp chạy lũ đã bồng bế nhau leo lên mái nhà tránh nạn.
Trên những mái nhà những tốp người liên tục vẫy tay cầu cứu mỗi khi thấy bóng dáng trực thăng bay qua. Những thùng hàng mì tôm cứu trợ đầu tiên đã được thả từ trực thăng xuống với bà con vùng rốn lũ Quảng Bình sau những ngày bị cô lập.
Vùng rốn lũ Quảng Bình do PV ghi nhận từ máy bay trực thăng:
Các huyện vùng trũng Quảng Ninh, Lệ Thủy ngập chìm sâu trong nước
Đến chiều nay 5-10, lũ dữ vẫn tiếp tục hoành hành tại Quảng Bình. Theo số liệu tổng hợp nhanh của Ban phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Bình, thời điểm này, toàn tỉnh có 6 huyện vẫn đang bị lũ ngập nặng gồm Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh với gần 35.000 nhà dân đang chìm sâu trong nước lũ.
Lúc 13 giờ, phóng viên đã tiếp cận được vào thôn 1 Huyền Thủy, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, một trong những địa bàn đang bị thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ lần này. Giữa bốn bề mênh mông biển nước, ông Nguyễn Văn Tư người dân ở đây cho biết, chiều ngày 4-10, trời vẫn mưa rất to nhưng lũ đã rút xuống.
Video đang HOT
Tuy nước lũ rút rất chậm nhưng theo kinh nghiệm của họ thì đây là dấu hiệu báo hiệu kết thúc đợt lũ. Tranh thủ nước lũ rút đến đâu, người dân ra sức xả bùn lau chùi nhà cửa đến đó. Đến cuối ngày 4-10, mọi gia đình cơ bản đã dọn dẹp, vớt vát được lại những đồ đạc thiết yếu, để dần trở lại cuộc sống thường ngày.
Tuy nhiên, lượng mưa lớn kéo dài suốt ngày hôm đó, dẫn đến giữa đêm qua lũ tiếp tục quần trở lại, người dân không kịp trở tay vì sức đã kiệt do suốt ngày vật lộn với những đồ đạc nhà cửa bị hư hại.
Nguồn thức ăn dự trữ của các hộ gia đình hầu như đã cạn kiệt, cuộc sống ở đây đang tận đáy cơ cực. Liên lạc được với chủ tịch UBND xã Thạch Hóa, ông Cao Xuân Bình cho biết, đỉnh lũ ngang ngửa lũ lịch sử năm 1993. Hiện, toàn xã có gần 1.300 hộ dân thì 1.200 nhà dân bị ngập lũ, đặc biệt ở tại các thôn 5, 6 Thiết Sơn, 1, 2 Huyền Thủy với gần 500 nhà dân đang bị ngập sâu từ 2 đến 2,5m, xã đang cùng các lực lượng nổ lực ứng cứu.
Trao đổi nhanh với phó Ban phòng chống bão lụt huyện Tuyên Hóa, ông Nguyễn Tri Phương cho biết: Đến 13 giờ ngày 5-10, toàn huyện có 8.500 ngôi nhà bị ngập lũ, 3.000 nhà dân ngập sâu từ 2 đến 3m, 18 nhà bị sập, 5 nhà dân ở xã Thanh Hóa, Thanh Thạnh và Thạch Hóa bị lũ cuốn trôi. Giao thông tê liệt gần như hoàn toàn, lưới điện hạ thế gặp sự cố do nước lũ nên đã gây mất điện trên toàn huyện từ 3 giờ sáng nay đến thời điểm này vẫn chưa thể khôi phục hoạt động trở lại.
Do lũ chồng lũ, bà con nhân dân cạn nguồn thức ăn dự trữ nên ưu tiên hàng đầu là cứu đói. Huyện nhà đang huy động mọi nguồn lực, sử dụng trước lượng mì tôm ở các quán, tại các địa phương tiếp cứu kịp thời đến các hộ dân đang bị lũ cô lập và các hộ bị ngập sâu trong lũ, quyết tâm không để người dân bị đói. Sau đây là một số hình ảnh chúng tôi vừa ghi lại được tại rốn lũ ở huyện miền núi phía Tây Quảng Bình.
Ngôi nhà dân tại rốn lũ huyện Tuyên Hóa vẫn bị ngập sâu 2 đến 3m suốt 4 ngày nay
Mọi vật dụng có thể, đều được người dân tại thôn 1 Huyền Thủy dùng để đi lại
Những chuyến hàng cứu trợ của chính quyền huyện Tuyên Hóa đến với bà con đang bị lũ cô lập
Từ chiều và đêm 4-10, vẫn mưa liên tiếp với lượng mưa lớn trên toàn tỉnh Quảng Bình. Khi toàn tỉnh đang tập trung lo lũ cho hai huyện ở vùng thượng nguồn sông Gianh là Tuyên Hóa, Minh Hóa và vùng lưu vực huyện Quảng Trạch, hạ nguồn sông Gianh, thì đến sáng 5-10 lũ đã bất ngờ dồn về vùng đồng bằng thuộc hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.
Người dân ở huyện Quảng Ninh lo lắng nhất. Vì theo nhiều người dân địa phương, hiện tượng lũ lụt làm ngập 100 số xã của huyện là hiếm thấy. Vùng Tân Ninh, Hàm Ninh, Hiền Ninh… bị cô lập từ tối 4-10. Ông Nguyễn Văn Đảm, chủ tịch HĐND huyện Quảng Ninh, cho biết: “Nhiều xã bị ngập từ 2-3m. Đây là mức ngập lụt hiếm thấy nhất từ lau nay ở huyện”.
Đến trưa 5-10, tuyến quốc lộ 1A đoạn qua xã Hồng Thủy (Lệ Thủy), Võ Ninh (Quảng Ninh), Phú Hải (Đồng Hới), Đồng Trạch, Bắc Trạch (Bố Trạch)… bị tắc hoàn toàn. Tại thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch), xe ôtô đậu lại trên đoạn đường dài gần 5km. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã huy động cán bộ, nhân viên và lực lượng tình nguyện giúp đỡ hành khách trên các xe khách và lái xe mắc kẹt. Ông Cao Quang Cảnh, phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình, cho biết hội đã phát hàng trăm thùng mì tôm, lương khô và chai nước uống cho hành khách đi xe và lái xe…
Người dân huyện Quảng Ninh nhận mì tôm cứu trợ
Nhà dân ở xã Hàm Ninh bị ngập
Nhà dân bên quốc lộ 1A bị ngập
Xe bị kẹt ở đầu cầu Quán Hàu
Giao thông từ Quảng Bình đến Hà Tĩnh bị cắt đứt
Điều trực thăng cứu hộ ra vùng “rốn lũ” Quảng Bình Vào hồi 14h30 chiều nay, Quân chủng Phòng không không quân (Bộ Quốc phòng) đã điều động trực thăng Mi 17 thuộc Trung đoàn bay 954 (Sư đoàn 372) đóng tại Đà Nẵng tổ chức bay cứu trợ ra vùng rốn lũ Quảng Bình. Theo đó chuyến bay do thượng tá Nguyễn Việt Hùng chỉ huy sẽ mang theo 1 tấn mì tôm cứu trợ và sẽ bay đến các vùng “rốn lũ” như Quảng Ninh, Lệ Thủy và Minh Hóa.
Sáng nay 5-10, Quốc lộ 1A đi qua tỉnh Quảng Bình bị tắc nghẽn nhiều đoạn từ các xã thuộc huyện Lệ Thủy đến thành phố Đồng Hới. Lúc 10 giờ sáng nay, tại khu vực cầu Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, khoảng 1.000 xe ô tô phải đỗ lại chờ nước rút.
Đoạn đường phường Phú Hải thuộc thành phố Đồng Hới chưa từng ngập lụt trong nhiều năm qua nhưng sáng nay cũng bị ngập sâu từ 0,4 đến 0,6 m trên chiều dài hơn 1 km. Các xe ô tô không qua được khu vực này.
Đến 11 giờ sáng cùng ngày trên quốc lộ từ xã Hồng Thủy về huyện lỵ Quảng Ninh bị tắc khoảng 5 điểm, có chỗ nước ngập sâu khoảng 1,3 m.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn mưa rất to. Đường Hồ Chí Minh trên địa phận Quảng Bình cũng bị tắc ở nhiều điểm, giao thông từ Quảng Bình đi Hà Tĩnh theo đường Hồ Chí Minh bị cắt đứt.
Hôm nay, lũ dồn về phía Nam tỉnh Quảng Bình ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, trong đó huyện Quảng Ninh từ trước đến nay chưa bao giờ bị ngập nặng.
Theo UBND huyện Quảng Ninh, đến sáng nay 5-10, 100% số xã trên địa bàn huyện đã bị ngập lụt. Nhiều xã thuộc vùng phía Nam huyện Quảng Ninh bị cắt đứt hoàn toàn. Các xã Tân Ninh, An Ninh, Vân Ninh có nơi bị ngập sâu đến 2 m. Hiện tại chính quyền địa phương huyện Quảng Ninh đang nỗ lực cứu hộ lương thực cho những xã bị ngập nặng.
Áp thấp nhiệt đới cách bờ biển Quảng Trị – Thừa Thiên Huế khoảng 270 km
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (5-10) một vùng áp thấp trên khu vực phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 7 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển Quảng Trị – Thừa Thiên Huế khoảng 270 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít dịch chuyển hoặc di chuyển rất chậm về phía bắc.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, kết hợp với đới gió đông bắc mạnh nên vùng biển vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.
Sạt lở ở QL 9 – Quảng Trị
Một ngôi nhà ở Quảng Trị bị lũ quét sập hoàn toàn
Nước mấp mé chợ Đông Hà
Thừa Thiên- Huế: Gần 7.200 ngôi nhà bị ngập
Tin từ Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có gần 7.200 ngôi nhà bị ngập do đợt mưa lũ kéo dài năm ngày qua.
Nước ngập nhà, ngập đồng khiến nông dân vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền) phải dùng ghe chở tìm từng nắm rơm về lo cho trâu
Theo ghi nhận của phóng viên TTO ngày 5-10, tại nhiều xã thuộc hạ nguồn sông Ô Lâu như Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương; các xã hạ nguồn sông Bồ và ven phá Tam Giang như như Hương Toàn (huyện Hương Trà), Quảng Lợi, Quảng Thọ, thi trấn Sịa, Điền Hương, Điền Lộc… nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ vẫn còn bị chia cắt, người dân chủ yếu đi lại bằng ghe và phải sử dụng thực phẩm khô do chưa thể họp chợ.
Tại huyện Quảng Điền, ít nhất khoảng 1.200 ngôi nhà bị ngập, 800 ha rau màu bị nước lũ nhấn chìm. Tại huyện Phong Điền, có khoảng 3.200 ngôi nhà bị ngập, 30% số nhà hiện vẫn còn ngập với mức 0,3 – 0,5m…
Toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phải sơ tán, di dời khoảng 550 hộ dân ở các vùng xung yếu đến nơi an toàn. Đến chiều 5-10, tại nhiều xã vùng hạ nguồn sông Ô Lâu và vùng ven phá có rất nhiều nhà dân vẫn còn đóng cửa do người dân đi di tản và chưa thể trở về nhà.
Nhiều đoạn đường trên quốc lộ 49B đến chiều 5-10 vẫn chìm trong lũ
Ngày 5-10, dù lượng mưa đã giảm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế nhưng hàng ngàn nhà dân thuộc các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phong Điền, Phú Vang vẫn còn ngập chìm trong nước. Hàng chục tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ về các vùng nông thôn vẫn còn bị chia cắt.
Trường THCS Tố Hữu (huyện Quảng Điền) bị ngập sâu buộc nhà trường phải cho học sinh nghỉ học nhiều ngày nay
Theo ghi nhận của PV TTO chiều nay, tuyến quốc lộ 49B về các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Điền Hương, Điền Lộc, Điền Hòa… thuộc huyện Phong Điền bị ngập sâu, chia cắt. Cùng đó, hàng ngàn ngôi nhà dân, nhiều cơ sở trường học ở các địa phương nói trên vẫn còn ngập sâu từ 0,3 đến 0,5m. Nhiều đoạn đường thuộc quốc lộ 49A, 49B vẫn còn ngập sâu đến 1,5m.
Nhà người dân sống ven sông Bồ thuộc xã Hương Toàn (huyện Hương Trà) vẫn còn bị ngập sâu
Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh từ TP Huế về các xã Hương Toàn (huyện Hương Trà), Quảng Thọ, Quảng Lợi, thị trấn Sịa… (huyện Quảng Điền) bị chia cắt hoàn toàn. Đặc biệt, đoạn đường từ địa phận xã Hương Toàn giáp với xã Quảng Thọ về thị trấn Sịa bị ngập sâu, kéo dài gần 4km, phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe.
Anh Nguyễn Văn Hải, một người dân ở xã Mỹ Chánh (Quảng Trị), người sống bên ven sông Ô Lâu cho biết dù nước có rút nhưng hôm nay người dân từ các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương… vẫn chưa thể đi lại, nhiều nhà gần như bị cô lập.
Đường Nguyễn Chí Thanh từ TP Huế về thị trấn Sịa có đoạn ngập sâu kéo dài 4km khiến người dân không thể về nhà
Được biết, UBND huyện Phong Điền đã di dời 150 hộ dân thuộc các vùng xung yếu đi tránh lũ, đến sáng nay 5-10 vẫn chưa thể về nhà do cảnh báo tình hình mưa lũ còn kéo dài.
Theo Tuổi Trẻ